Các biểu hiện phẩm chất và năng lực của học sinh

Biểu hiện năng lực, phẩm chất học sinh THCS

Bộ GD&ĐT đưa ra các biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh THCS, làm cơ sở cho giáo viên đánh giá học sinh trong quá trình học tập. Sau đây là chi tiết các biểu hiện phẩm chất và năng lực của học sinh được ban hành theo Công văn 4669/BGDĐT-GDTrH về đánh giá học sinh THCS theo mô hình trường học mới.

Đánh giá, xếp loại học sinh THCS mới nhất

Ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học phổ thông (THPT) và trung học cơ sở (THCS).

- Các loại kiểm tra, đánh giá:

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên: Bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập (hiện nay đang quy định kiểm tra thường xuyên gồm kiểm tra miệng, kiểm tra viết dưới 01 tiết, kiểm tra thực hành dưới 01 tiết);

Kiểm tra, đánh giá định kỳ: Giữa kỳ, cuối kỳ thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính, bài thực hành, dự án học tập (hiện nay đang quy định gồm kiểm tra viết từ 01 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 01 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ).

- Điểm các bài kiểm tra: Là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số (hiện nay đang quy định cụ thể mỗi hình thức kiểm tra tương ứng với cách tính điểm kiểm tra khác nhau);

- Xét công nhận danh hiệu học sinh: Bổ sung thêm quy định Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện…

Thông tư này có hiệu lực từ 11/10/2020.

Các biểu hiện phẩm chất của học sinh THCS

(Kèm theo Công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH, ngày 10 tháng 9 năm 2015)

Phẩm chất

Biểu hiện

1. Sống yêu thương

a) Yêu Tổ quốc: Có ý thức tìm hiểu và gìn giữ các truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; quan tâm đến những sự kiện chính trị, thời sự nổi bật ở địa phương, trong nước và quốc tế.

b) Giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình Việt Nam: Yêu mến, quan tâm, giúp đỡ các thành viên gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ; thực hiện trách nhiệm đối với gia đình.

c) Giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của quê hương, đất nước: Tôn trọng, giữ gìn và tuyên truyền, nhắc nhở người khác cùng giữ gìn di sản văn hoá của quê hương, đất nước.

d) Tôn trọng các nền văn hoá trên thế giới: Tôn trọng các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hoá trên thế giới.

đ) Nhân ái, khoan dung: Phản đối cái ác, cái xấu, phê phán và tham gia ngăn chặn các hành vi bạo lực; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, xã hội; sẵn sàng cộng tác với mọi người xung quanh; tôn trọng sự khác biệt của mỗi người.

e) Yêu thiên nhiên: Có ý thức tìm hiểu và sẵn sàng tham gia các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên; phản đối những hành vi phá hoại thiên nhiên.

2. Sống tự chủ

a) Trung thực: Phê phán các hành vi gian dối trong học tập và trong cuộc sống.

b) Tự trọng: Cư xử đúng mực và luôn làm tròn nhiệm vụ của mình.

c) Tự lực: Chủ động, tích cực học hỏi để thực hiện những công việc hàng ngày của bản thân trong học tập và trong cuộc sống; phê phán những hành vi sống dựa dẫm, ỷ lại.

d) Chăm chỉ, vượt khó: Siêng năng trong học tập và lao động; ý thức được thuận lợi, khó khăn trong học tập và sinh hoạt của bản thân và chủ động khắc phục vượt qua.

đ) Tự hoàn thiện: Có ý thức rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân theo các giá trị xã hội.

3. Sống trách nhiệm

a) Tự nguyện: Không đổ lỗi cho người khác, có ý thức và tìm cách khắc phục hậu quả do mình đã gây ra; quan tâm đến các công việc chung.

b) Chấp hành kỷ luật: Tìm hiểu và chấp hành những quy định chung của tập thể và cộng đồng; tránh những hành vi vi phạm kỷ luật.

c) Tuân thủ pháp luật: Tôn trọng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

d) Bảo vệ nội quy, pháp luật: Phê phán những hành vi trái quy định của nội quy, pháp luật.


Phụ lục 2

CÁC BIỂU HIỆN NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

(Kèm theo Công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH, ngày 10 tháng 9 năm 2015)

Năng lực

Biểu hiện

1. Năng lực tự học

a) Xác định mục tiêu học tập: Xác định được nhiệm vụ học tập một cách tự giác, chủ động; tự đặt được mục tiêu học tập để nỗ lực phấn đấu thực hiện.

b) Lập kế hoạch và thực hiện cách học: Lập và thực hiện kế hoạch học tập; thực hiện các cách học: Hình thành cách ghi nhớ của bản thân; phân tích nhiệm vụ học tập để lựa chọn được các nguồn tài liệu đọc phù hợp: các đề mục, các đoạn bài ở sách giáo khoa, sách tham khảo, Internet; lưu giữ thông tin có chọn lọc bằng ghi tóm tắt, bằng bản đồ khái niệm, bảng, các từ khoá; ghi chú bài giảng của giáo viên theo các ý chính; tra cứu tài liệu thư viện.

c) Đánh giá và điều chỉnh việc học: Nhận ra và điều chỉnh những sai sót, hạn chế của bản thân khi được giáo viên, bạn bè góp ý; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác khi gặp khó khăn trong học tập.

2. Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo

a) Phát hiện và làm rõ vấn đề: Phân tích được tình huống trong học tập; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập.

b) Đề xuất, lựa chọn giải pháp: Xác định được và biết tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề; đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề.

c) Thực hiện và đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề: Thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề và nhận ra sự phù hợp hay không phù hợp của giải pháp thực hiện.

d) Nhận ra ý tưởng mới: Xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới; phân tích, tóm tắt những thông tin liên quan từ nhiều nguồn khác nhau.

đ) Hình thành và triển khai ý tưởng mới: Phát hiện yếu tố mới, tích cực trong những ý kiến của người khác; hình thành ý tưởng dựa trên các nguồn thông tin đã cho; đề xuất giải pháp cải tiến hay thay thế các giải pháp không còn phù hợp; so sánh và bình luận được về các giải pháp đề xuất.

e) Tư duy độc lập: Đặt các câu hỏi khác nhau về một sự vật, hiện tượng; chú ý lắng nghe và tiếp nhận thông tin, ý tưởng với sự cân nhắc, chọn lọc; quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau.

3. Năng lực thẩm mỹ

a) Nhận ra cái đẹp: Có cảm xúc và chính kiến cá nhân trước hiện tượng trong tự nhiên, đời sống xã hội và nghệ thuật.

b) Diễn tả, giao lưu thẩm mỹ: Giới thiệu được, tiếp nhận có chọn lọc thông tin trao đổi về biểu hiện của cái đẹp trong tự nhiên, trong đời sống xã hội, trong nghệ thuật và trong tác phẩm của mình, của người khác.

c) Tạo ra cái đẹp: Diễn tả được ý tưởng của mình theo chủ đề sáng tác, sử dụng công cụ, kỹ thuật và vật liệu sáng tác phù hợp trong sáng tác mỹ thuật.

4. Năng lực thể chất

a) Sống thích ứng và hài hòa với môi trường: Nêu được cơ sở khoa học của chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, các biện pháp giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh, bảo vệ sức khoẻ; tự vệ sinh cá nhân đúng cách, lựa chọn cách ăn, mặc, hoạt động phù hợp với thời tiết và đặc điểm phát triển của cơ thể; thực hành giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, không ô nhiễm.

b) Rèn luyện sức khoẻ thể lực: Thường xuyên, tự giác tập luyện thể dục, thể thao; lựa chọn tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với tăng tiến về sức khoẻ, thể lực, điều kiện sống và học tập của bản thân và cộng đồng.

c) Nâng cao sức khoẻ tinh thần: Lạc quan và biết cách thích ứng với những điều kiện sống, học tập, lao động của bản thân; có khả tự điều chỉnh cảm xúc cá nhân, chia sẻ, cảm thông với mọi người và tham gia cổ vũ động viên người khác.

5. Năng lực giao tiếp

a) Sử dụng tiếng Việt:

- Đọc lưu loát và đúng ngữ điệu; đọc hiểu nội dung chính và chi tiết các bài đọc có độ dài vừa phải, phù hợp với tâm lí lứa tuổi; phản hồi những văn bản đã đọc một cách tương đối hiệu quả; bước đầu có ý thức tìm tòi, mở rộng phạm vi đọc…;

- Viết đúng các dạng văn bản về những chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân ưa thích (bằng chữ viết tay và đánh máy, biết kết hợp ngôn ngữ với hình ảnh, đồ thị… minh họa); Biết tóm tắt nội dung chính của bài văn, câu chuyện ngắn; trình bày một cách thuyết phục quan điểm của cá nhân…;

- Có vốn từ vựng tương đối phong phú cho học tập và giao tiếp hàng ngày; sử dụng tương đối linh hoạt và có hiệu quả các kiểu câu khác nhau; nói rõ ràng, mạch lạc, tự tin và đúng ngữ điệu; kể được các câu chuyện ngắn, đơn giản về các chủ đề khác nhau; trình bày được nội dung chủ đề thuộc chương trình học tập; biết trình bày và bảo vệ quan điểm, suy nghĩ của mình; kết hợp lời nói với động tác cơ thể và các phương tiện hỗ trợ khác…;

- Nghe hiểu nội dung chính hay nội dung chi tiết các bài đối thoại, chuyện kể, lời giải thích, cuộc thảo luận; có thái độ tích cực trong khi nghe; có phản hồi phù hợp,...

b) Sử dụng ngoại ngữ: Đạt năng lực bậc 2 về một ngoại ngữ.

c) Xác định mục đích giao tiếp: Bước đầu biết đặt ra mục đích giao tiếp và hiểu được vai trò quan trọng của việc đặt mục tiêu trước khi giao tiếp.

d) Thể hiện thái độ giao tiếp: Khiêm tốn, lắng nghe tích cực trong giao tiếp; nhận ra được bối cảnh giao tiếp, đặc điểm, thái độ của đối tượng giao tiếp.

đ) Lựa chọn nội dung và phương thức giao tiếp: Diễn đạt ý tưởng một cách tự tin; thể hiện được biểu cảm phù hợp với đối tượng và bối cảnh giao tiếp.

6. Năng lực hợp tác

a) Xác định mục đích và phương thức hợp tác: Chủ động đề xuất mục đích hợp tác khi được giao các nhiệm vụ; xác định được loại công việc nào có thể hoàn thành tốt nhất bằng hợp tác theo nhóm với quy mô phù hợp.

b) Xác định trách nhiệm và hoạt động của bản thân: Biết trách nhiệm, vai trò của mình trong nhóm ứng với công việc cụ thể; phân tích nhiệm vụ của cả nhóm để nêu được các hoạt động phải thực hiện, trong đó tự đánh giá được hoạt động mình có thể đảm nhiệm tốt nhất để tự đề xuất cho nhóm phân công.

c) Xác định nhu cầu và khả năng của người hợp tác: Nhận biết được đặc điểm, khả năng của từng thành viên cũng như kết quả làm việc nhóm; dự kiến phân công từng thành viên trong nhóm các công việc phù hợp.

d) Tổ chức và thuyết phục người khác: Chủ động và gương mẫu hoàn thành phần việc được giao, góp ý điều chỉnh thúc đẩy hoạt động chung; chia sẻ khiêm tốn học hỏi các thành viên trong nhóm.

đ) Đánh giá hoạt động hợp tác: Biết dựa vào mục đích đặt ra để tổng kết hoạt động chung của nhóm; nêu mặt được, mặt thiếu sót của cá nhân và của cả nhóm.

7. Năng lựctính toán

a) Sử dụng các phép tính và đo lường cơ bản: Sử dụng được các phép tính (cộng, trừ, nhân, chia, luỹ thừa, khai căn) trong học tập và trong cuộc sống; hiểu và có thể sử dụng các kiến thức, kỹ năng về đo lường, ước tính trong các tình huống quen thuộc.

b) Sử dụng ngôn ngữ toán: Sử dụng được các thuật ngữ, ký hiệu toán học, tính chất các số và của các hình hình học; sử dụng được thống kê toán học trong học tập và trong một số tình huống đơn giản hàng ngày; hình dung và có thể vẽ phác hình dạng các đối tượng, trong môi trường xung quanh, nêu được tính chất cơ bản của chúng; hiểu và biểu diễn được mối quan hệ toán học giữa các yếu tố trong các tình huống học tập và trong đời sống; bước đầu vận dụng được các bài toán tối ưu trong học tập và trong cuộc sống; biết sử dụng một số yếu tố của lôgic hình thức để lập luận và diễn đạt ý tưởng.

c) Sử dụng công cụ tính toán: Sử dụng được các dụng cụ đo, vẽ, tính; sử dụng được máy tính cầm tay trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày; bước đầu sử dụng máy vi tính để tính toán trong học tập.

8. Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)

a) Sử dụng và quản lý các phương tiện, công cụ của công nghệ kỹ thuật số: Sử dụng đúng cách các thiết bị và phần mềm ICT thông dụng để thực hiện một số công việc cụ thể trong học tập; biết tổ chức và lưu trữ dữ liệu.

b) Nhận biết, ứng xử phù hợp chuẩn mực đạo đức và pháp luật trong xã hội số hóa: Biết các qui định pháp luật cơ bản liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng tài nguyên thông tin, tôn trọng bản quyền và quyền an toàn thông tin của người khác; sử dụng được một số cách thức bảo vệ an toàn thông tin cá nhân và cộng đồng; tuân thủ quy định pháp lý và các yêu cầu bảo vệ sức khỏe trong khai thác và sử dụng ICT; tránh các tác động tiêu cực tới bản thân và cộng đồng.

c) Phát hiện và giải quyết vấn đề trong môi trường công nghệ tri thức: Biết tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn với các chức năng tìm kiếm đơn giản; biết đánh giá sự phù hợp của dữ liệu và thông tin đã tìm thấy với nhiệm vụ đặt ra; biết tổ chức dữ liệu và thông tin phù hợp với giải pháp giải quyết vấn đề; biết thao tác với ứng dụng cho phép lập trình trò chơi, lập trình trực quan hoặc các ngôn ngữ lập trình đơn giản.

d) Học tập, tự học với sự hỗ trợ của ICT: Sử dụng được một số phần mềm học tập; sử dụng được môi trường mạng máy tính để tìm kiếm, thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin phù hợp với mục tiêu học tập và khai thác được các điều kiện hỗ trợ tự học.

đ) Giao tiếp, hòa nhập, hợp tác qua môi trường ICT: Biết lựa chọn và sử dụng các công cụ ICT thông dụng để chia sẻ, trao đổi thông tin và hợp tác một cách an toàn; biết hợp tác trong ứng dụng ICT để tạo ra các sản phẩm đơn giản phục vụ học tập và đời sống.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Dành cho giáo viên của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 45.953
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm