Bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển năm 2024
Hoatieu xin chia sẻ các mẫu bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển, mời các bạn tham khảo trong bài.
Cuộc thi Cùng giữ màu xanh của biển do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức và phát động. Cuộc thi là dịp để tôn vinh những giải pháp công nghệ, con người điển hình trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, đi đôi với xây dựng xã hội, gắn kết thân thiện với biển; bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Bài dự thi Cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển”
1. Chủ đề Cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ hai
Chủ đề của Cuộc thi tác phẩm báo chí “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ hai năm 2023 - 2024 là: “Chung tay bảo vệ đại dương - vì một Việt Nam xanh hơn”.
2. Điểm mới của Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ hai
Thứ nhất, Ban Tổ chức tiếp nhận các tác phẩm báo chí đã được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng; được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động theo quy định; không phải là tác phẩm báo chí đã đoạt Giải hoặc gửi tham gia Cuộc thi khác.
Thứ hai, đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đang công tác, sinh sống tại Việt Nam, không giới hạn độ tuổi… những người viết báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp.
3. Bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển mới nhất
Dưới đây là Bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển mang tên Cho những vui buồn trong trẻo phía biển xanh của tác giả Nguyễn Trần Thanh Trúc. Mời các bạn tham khảo.
Biển là một ngôi nhà lớn với tất cả chúng ta. Nhưng biển còn là một ngôi nhà nhỏ của tôi, trong đó lưu chứa bao ký ức hạnh phúc, vui buồn, khổ đau, mất mát và cân bằng trở lại, vượt lên phía trước. Niềm ước ao của tôi giờ đây là làm sao để giữ xanh ngôi nhà biển, để những ký ức của tôi được biển lưu giữ mãi trong trẻo ở ngôi nhà phía biển xanh.
Mướt xanh kí ức
Tôi là một người con của vùng Phù Cát, Bình Định. Sinh ra và lớn lên ở vùng gió cát mặn mòi ấy nên từ giọng nói tới mùi mồ hôi, hơi thở của người dân Phù Cát quê tôi cũng mặn mòi như biển. Ông nội tôi, ba tôi, các chú và anh em họ đều sống bằng nghề bám biển. Với riêng tôi, từ khi bé thơ, những bước chân non nớt của tôi đã lẫm chẫm nơi bờ cát, bàn chân tôi đã được sóng vỗ về, xoa dịu miên man và khích lệ tôi. Vì vậy, biển trong tôi là những ký ức tuổi thơ ấm áp vô cùng. Nhưng không chỉ là những dấu chân non nớt với những kỷ niệm đẹp đẽ ấu thơ, biển còn giấu giùm tôi những nỗi buồn trước giông tố cuộc đời gắn với hằng hà cơn bão biển.
Tôi yêu biển, thứ tình yêu mà những câu chữ diễn đạt đều trở nên thật thừa thãi. Cái mùi mặn chát của biển, tanh nồng hương cá, nóng rực của mỏm cát lúc nắng lên, đều trở thành những dải màu xanh mướt trong kí ức tuổi thơ tôi. Biển là gì đó đầy mâu thuẫn trong tim, bởi nó nuôi sống tôi, rồi lại cuốn ba tôi đi trong một đêm ra khơi vắng lặng.
Tôi nhớ ngày ba còn sống, mỗi đợt ghe vô, ba thường đi dọc bãi biển, thu lượm những cái chai lọ bị vứt ngổn ngang, cho vào túi vải dù đeo bên vai. Ba làm một cách tự nhiên mà chẳng cần ai biết hay ca ngợi. Ba bảo ông thương biển. Ba nói khi mình thương điều gì, mình chỉ muốn làm những thứ tốt nhất cho nó, không đòi hỏi báo đáp gì.
Giờ ba tôi đã đi xa, mang theo bao nhiêu dấu yêu, bao nhiêu ước mơ dành cho đứa con gái nhỏ, cả những ước mơ ngày ngày được nhặt rác làm sạch biển của ba cũng theo con sóng nằm lại phía biển khơi. Tôi cứ nhủ lòng mình rằng, nếu tôi yêu ba, tôi sẽ viết tiếp giấc mơ của ba, đó là làm sạch biển, đó cũng là cách để nơi cất giấu những giấc mơ của ba tôi phải được trong trẻo, sạch sẽ hơn.
Nhiều ngày nhìn thấy biển bị rác bủa vây, nhiều đêm nhớ ba, tôi lại tự vấn lòng mình: Làm cách nào để bảo vệ màu xanh của biển? Làm thế nào để người dân biết khai thác, đánh bắt một cách đúng mực. Làm thế nào để giữ cho biển mãi là biển bạc, là nguồn sống, là cảm giác bình yên, là ký ức ngọt ngào?
Dựng “nhà” cho sinh vật biển
Mỗi ngày đọc sách báo, xem truyền hình, lòng tôi không khỏi băn khoăn trước tình trạng người dân khai thác không theo lộ trình, gây cạn kiệt tài nguyên đang diễn ra mỗi ngày tại nhiều vùng biển ở nước ta, không riêng gì biển Phù Cát quê tôi. Việc đánh bắt những loài trong danh mục cần bảo vệ, hay dùng lưới mắt nhỏ khai thác cả những con non làm chúng có nguy cơ tuyệt chủng, đang khiến môi trường biển trở thành một nơi đầy nguy hiểm cho các loài dưới nước.
Từng có một thời gian, sau những sai phạm của vài doanh nghiệp khi xả thải trực tiếp ra biển, nguồn nước,.. làm nhiều loài động, thực vật cũng như con người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm, câu hỏi “chọn kinh tế, hay môi trường?” đã khiến nhiều chính quyền địa phương phải đau đầu. Tôi cứ nghĩ rằng, tại sao chúng ta lại phải chọn lựa 1 trong 2? Khi tôi đọc được một bài báo về phát triển bền vững kinh tế biển, một ý tưởng về mô hình xây “nhà” cho những sinh vật biển manh nha trong đầu tôi. Một khu bảo tồn đúng nghĩa, với những điều kiện tự nhiên phù hợp và an toàn để các loài phát triển, kèm theo chuỗi nghỉ dưỡng ven biển cho khách du lịch ở lại thăm thú, sẽ đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu môi trường và kinh tế.
Mỗi vùng biển, tùy vào đặc trưng riêng mà sẽ xây dựng những “ngôi nhà” phù hợp cho giống loài đó, đặc biệt là những loài có nguy cơ bị săn bắt cạn kiệt. Những khu đẻ trứng cho rùa biển, khu kiếm mồi và trốn chạy khỏi kình địch cho cá heo,... sẽ là một điểm nhấn thu hút khách tham quan cho ngành du lịch, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái biển đa dạng.
Những khu du lịch sinh thái theo kiểu những ngôi làng ven biển sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững khi bảo vệ được môi trường biển.
Dĩ nhiên, để những khu bảo tồn kết hợp du lịch này thực sự có hiệu quả, cần có sự chung tay giúp sức của các ban, ngành liên quan. Việc bảo vệ sinh vật biển trong khu du lịch cũng cần được đặt ra nghiêm ngặt, tránh tình trạng trục lợi, “nuôi để thịt”, biến mục đích vốn thiện lành trở thành cái ác ảnh hưởng sinh vật biển.
Giáo dục ý thức môi trường
Với người lớn, không gì tốt hơn là công tác tuyên truyền và áp dụng nghiêm luật pháp. Tôi thấy rằng luật pháp ở ta vẫn còn quá nhân văn để người dân vi phạm nhỏ thì được cho qua, vi phạm lớn thì bị phạt không thấm thía. Nếu luật pháp chưa mang tính răn đe và công tác giám sát chưa bao quát hết thì việc người dân xả rác ra biển vẫn mãi mãi là một vấn nạn khó giải quyết.
Bên cạnh đó, theo tôi, cần thay đổi ngay cách giáo dục đối với lớp trẻ, nhất là lứa tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Bài học về bảo vệ môi trường biển dường như chẳng còn xa lạ trong mỗi tiết đạo đức hay giáo dục công dân. Vậy nhưng, việc khái quát trong vài dòng chữ đơn điệu có vẻ chỉ làm biển cả hiện hữu ở mấy bài thi đối phó để qua môn, chứ chưa thực sự trở thành một giá trị để người ta nâng niu, bảo vệ.
Có một thực tế là nhiều các em nhỏ được dạy không xả rác trên bãi biển, nhưng rồi chính các em vẫn tiện tay vứt bao ni lông, hộp nhựa, đồ ăn thừa ra bãi biển, rất đơn giản, bởi cha mẹ, người thân của các em cũng hành động như vậy. Chứng kiến những hành vi này, tôi nghĩ, phải chăng, cần có một bộ quy chuẩn ứng xử với môi trường để đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc một cách thường xuyên hơn. Việc học cần xen kẽ những video trực quan, kết hợp với đi thực tế và đưa ra các tình huống ứng xử với việc vứt rác bừa bãi tại bãi biển để thế hệ trẻ vừa dễ nhớ, dễ hiểu, vừa có cái nhìn khái quát về tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và biển cả nói riêng.
Khi bảo vệ môi trường biển trở thành một dạng văn hóa, những hành động mang tính ý thức từ giáo dục và cả cưỡng chế từ luật pháp, lâu dần, sẽ biến thành hành động chi phối bởi tiềm thức. Chúng ta sẽ làm những việc góp phần giữ màu xanh của biển một cách tự nhiên như thói quen bao lâu nay vẫn thế. Nhiều người như vậy, sẽ tạo thành tâm lí số đông. Cả một cộng đồng sẽ cùng “răn” nhau phải bảo vệ hệ sinh thái dưới biển mà chẳng cần ai đốc thúc, giám sát bởi bảo vệ biển là bảo vệ chính cuộc sống của mình.
Tôi vẫn luôn nhớ về câu nói của ba tôi ngày ba còn sống, trong mỗi lần ba đi nhặt rác trên biển, hay mỗi lần ba trở về từ sau mỗi lần ra khơi đánh cá. Ba bảo ông thương biển như thương cuộc đời mình. Khi mình thương điều gì, mình chỉ muốn làm những thứ tốt nhất cho nó, không đòi hỏi báo đáp gì.
Giờ tôi thương biển hơn vì trong lòng biển còn có ba tôi và những giấc mơ dang dở của ba. Tôi ước ao cho biển sạch để những gì yêu thương nhất của tôi mà biển đang lưu giữ cũng được trong trẻo hơn. Vì vậy, tôi mong chúng ta hãy cùng nhau giữ biển, cho cuộc sống của chúng ta, trong đó, có một chút riêng tư của ai đó, như tôi.
4. Bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển hay
Để biển xanh mãi xanh
Nhiều người Việt sinh ra, lớn lên đã biết đến biển, biển nằm ngay bờ Đông đất nước, nên dân gian gọi là Biển Đông. Từ nơi thành thị đến chốn rừng xa, người người ao ước được đến với biển xanh. Có dịp đi biển là như được đến và hòa mình vào một không gian xanh màu nước, được nghỉ ngơi thư giãn, được phóng chiếu tầm mắt ra xa, nghe biển sóng vỗ về, được những con nước mát lành làm dịu mát thân thể giữa những ngày oi bức. Có một tình yêu với biển
Nếu có dịp đi dọc đất nước, qua những vùng ven biển, mới thấy biển bao la và đẹp đẽ đến nhường nào. 3260 km đường bờ biển, trải dài qua 28 tỉnh thành, với nhiều bãi tắm đẹp, những khu du lịch nghỉ dưỡng thơ mộng, và thưởng thức ẩm thực biển… Biển chứa đựng tiềm năng và lợi thế hết sức quý giá. Bởi thế, ông cha ta từng gọi biển ấy là Biển bạc”.
Có biết bao lời thơ, câu hát viết về biển, và cả những tiếng lòng thổn thức trước số phận của biển. Đã bao đời nay vẫn thế, người Việt chung sống với biển, bám trụ mưu sinh cùng biển, yêu mến và tự hào về biển; biển hiện diện trong đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Việt như một người đồng hành, người bạn thủy chung, đầy tin cậy.
Có những ngày biển đau
Có những ngày biển đau. Đó là khi giông bão quăng quật, cuồn cuộn sóng xô, tàu thuyền nghiêng ngả, những công trình trên biển hư hại, những nhà giàn vặn mình trong bão, người dân chài không thể đi biển đánh bắt cá tôm... Trung bình mỗi năm, Biển Đông có 15 cơn bão, với nhiều cơn bão to gió giật cấp 12. Không ít lần, những cơn bão lớn đi qua duyên hải miền Trung gây lũ lụt, mất mát về người và tài sản. Thử hình dung bão ở bờ đã giảm sức gió còn gây ra nhiều thiệt hại như vậy, thì bão trên biển với cường độ và sức gió mạnh trên cấp 12, thậm chí tới cấp 15, sẽ thế nào?.
Nhưng bão thiên tai không thể tránh khỏi đã đành, mà có những cơn bão do cơn người gây ra cho biển: Bão rác.
Đó là những vùng biển bị xâm hại bởi rác thải bẩn, rác sinh ra và trôi ra biển do sự thiếu ý thức một cách vô tình và cả cố tình của con người. Hải sản và thủy sinh chết, biển nhiễm độc, ngột ngạt. Có những vùng biển ngầu đục và bộn rác tấp vào khiến người dân không thể xuống tắm. Ngay cả san hô cũng hóa đá lặng câm.
Bên cạnh đó, con người khai thác tiềm năng biển nhưng không phải con người đã kiểm soát được các rủi ro, chưa nói không ít cá nhân, tổ chức vì lợi mà bất chấp xả rác thải ra biển, làm xâm hại môi trường biển nói chung và môi trường sinh sống của các loài thủy hải sản nói riêng.
Có cả những ngày Biển Đông bị nhòm ngó chủ quyền, sóng trào nước xoáy. Trong lịch sử, Biển Đông từng chứng kiến những mất mát đau thương. Biển đau bao nhiêu thì đất liền cũng đau xót bấy nhiêu. Biển ngột ngạt bao nhiêu thì con người sẽ bị trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng bấy nhiêu. Nỗi đau ấy không chỉ được vỗ về bằng nhạc họa thơ ca mà bắt buộc con người phải thức tỉnh và hành động.
Để biển mãi xanh
Biển xanh, không chỉ là xanh của mặt nước, mà là xanh của sự trong sạch, bình yên. Ước mơ về một vùng biển Tổ quốc xanh là mong mỏi của triệu triệu người dân Việt. Càng yêu quê hương đất nước, càng tha thiết biển mãi xanh trong để tôm cá sinh sôi, để thuyền bè an toàn vào lộng ra khơi, để các giàn khoan khai thác dầu, để du khách được thỏa sức tắm mình trong gió nước trong lành sạch sẽ. Và những người lính biển, những lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, những ngư dân vừa đánh bắt vừa khẳng định chủ quyền biển Việt có động lực hơn trước sự chung tay của mọi người.
Để biển xanh được mãi xanh, với tư cách của cá nhân, người viết xin đưa ra một số ý kiến sau:
Đảm bảo an ninh biển: An ninh biển trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngày nay, an ninh biển được mở rộng cách hiểu, không chỉ là tình trạng không có tranh chấp, xung đột trên biển, mà còn là trạng thái an toàn biển về nhiều phương diện.
Để có an ninh biển, trước hết phải có hòa bình trên biển, các quốc gia phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trong bối cảnh hiện nay, giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, trên cơ sở luật pháp quốc tế là con đường tối ưu nhất.
Giữ gìn môi trường biển: Ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị các nguyên nhân khác nhau tác động làm thay đổi tính chất lý hóa sinh của biển, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số tự nhiên của nước biển. Đồng thời, nó gây hại các sinh vật sống trên biển, cũng ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Môi trường Biển Đông đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi một số nguyên nhân, trong đó phải kể đến nạn tràn dầu và xả rác thải ra biển.
Tràn dầu là sự cố xảy ra do khai thác, chế biến, vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm từ dầu dẫn đến tình trạng dầu thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái môi trường biển và gây thiệt hại đến các hoạt động kinh tế trên biển. Ở vùng biển Việt Nam, theo thống kê, từ năm 1992 đến 2019 có 190 vụ tràn dầu. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2014, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có số lượng sự cố tràn dầu nhiều nhất.
Tình trạng xả thải một cách thiếu ý thức do sinh hoạt thường ngày, do du lịch, sản xuất, kinh doanh… làm nhiễm độc môi trường biển. Chất thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp,… chưa được xử lý từ các khu đô thị hay các nhà máy sản xuất công nghiệp chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông, theo các cửa sông ra biển, đây là một trong những nguyên nhân ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh đó là rác, rác thải nhựa. Hiện Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Việc xả rác thải bừa bãi, thiếu ý thức, thiếu văn hóa từ hoạt động thường nhật, du lịch, đặc biệt là túi rác thải nilon, sản phẩm nhựa cũng làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển.
Do vậy, cần coi trọng bảo đảm an toàn cho môi trường biển bằng luật pháp với các chế tài nghiêm minh, kiểm soát chặt, xử lý nghiêm, phạt nặng, có thể cấm hoạt động, đánh bắt, công khai rộng rãi đối tượng vi phạm… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường biển của người dân.
Phát triển kinh tế biển phải đi đôi với bảo vệ môi trường: Trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định mục tiêu đưa Việt Nam thành nước có biển mạnh.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế biển đang có nhiều thách thức đặt ra, trong đó phải kể đến việc quản lý biển - đảo đến nay vẫn theo tư duy “của chung” hoặc chủ yếu quản lý theo ngành, vì vậy một số hoạt động phát triển kinh tế biển hoặc các cơ sở sản xuất ven biển chưa xem trọng vấn đề môi trường. Các phương thức, cách tiếp cận mới trong quản lý biển chậm được áp dụng, hoặc chưa có khả năng nhân rộng, như tiếp cận hệ thống, tổng hợp, liên ngành, quản lý dựa vào hệ sinh thái và đồng quản lý.
Bên cạnh đó, tính liên kết vùng chưa cao, có hiện tượng cùng một dải biển nhưng địa phương này làm tốt, địa phương khác lại buông lỏng, trong khi, ô nhiễm và rác thải biển là không cố định. Vì vậy, rất cần một sự chung tay của các cấp các ngành, địa phương để đảm bảo biển xanh phải xanh cả môi trường, xanh cả kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, có như vậy mới giúp cho biển xanh mãi.
Tác giả: Phạm Thạch Hoàng
5. Bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển chi tiết
Cồn Cỏ - một chấm xanh mời gọi
“Không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa để vĩnh viễn nằm trong nỗi nhớ xa khơi của đất liền. Nhưng Cồn Cỏ cũng không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo…”. Chỉ mấy câu ngắn gọn như thế trong bút ký “Cồn Cỏ ngày thường” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đủ khái quát hết cái thế đứng của Cồn Cỏ, đảo nhỏ nằm ngoài khơi Quảng Trị.
Tôi ước mơ một lần đặt chân đến đảo Cồn Cỏ anh hùng và ước mơ đó đã thành hiện thực. Hưởng ứng cuộc vận động "Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo" do Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp với Sở GD & ĐT Quảng Trị triển khai, vừa qua, Đoàn cán bộ Đoàn Trường THPT TX. Quảng Trị, trong đó có tôi đã có chuyến công tác, tham quan, học tập và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ tại Tiểu đoàn hỗn hợp thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ - tỉnh Quảng Trị.
Để có một chuyến ra thăm đảo Cồn Cỏ, chúng tôi đã trải qua một hành trình không mấy dễ dàng. Cái khoảnh khắc mong chờ được đặt chân lên đảo cứ dào dạt trong lòng. Nhiều người nói vui rằng chưa đặt chân lên đảo Cồn Cỏ thì chưa được coi là đã đến Quảng Trị. Từ cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tàu chở đoàn chúng tôi ra đảo. Tôi đã chứng kiến tận mắt biển đảo Cồn Cỏ, thấy biển trời bao la, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Tàu vừa cập bến, chúng tôi đã được cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn hỗn hợp thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ chờ đón. Những cái tay bắt, mặt mừng đã thể hiện sự quý mến, gắn bó tình cảm quân dân.
Có thể nói, Cồn Cỏ đã đổi thay và phát triển rất nhanh về cơ sở hạ tầng, điện, đường, số lượng thanh niên lập nghiệp ra đảo ngày càng tăng. Sau 17 năm thành lập huyện đảo Cồn Cỏ theo Nghị định số 174/2004/NĐ-CP ngày 1/10/2004, thời điểm đó, có 46 thanh niên tình nguyện ra đảo lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, nên đảo có tên gọi “Đảo Thanh niên”. Ánh sáng điện làm cho Cồn Cỏ rạng rỡ thêm giữa tĩnh mịch bốn bề sóng nước. Trạm viễn thông Cồn Cỏ với cột phát sóng vi ba cũng đã mọc lên. Những con đường láng xi măng phẳng phiu chạy ngang dọc dưới bóng cây xanh mát, ôm lấy trường học, trụ sở các cơ quan dân chính đảng. Rồi hệ thống phát thanh truyền hình huyện đảo ra đời đã kịp thời dẫn tin trong nước, tin địa phương. Nhà văn hóa thanh niên huyện đảo thường tổ chức những cuộc giao lưu giữa tuổi trẻ lập nghiệp với những người lính đảo. Rồi tiếng tập hát của cô giáo trẻ và tiếng bi bô tập nói của các cháu Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba vang vọng mãi giữa biển xanh rì rào sóng vỗ.
Đi một vòng quanh đảo, chúng tôi rất ngỡ ngàng khi được nhìn thấy những cánh rừng còn nguyên sinh với nhiều cây quý lạ. Bàng vuông, phong ba, dừa và các loại cây trái được bàn tay chiến sỹ đảo chăm trồng. Những tảng đá lớn, những bãi san hô tuyệt đẹp mà chúng tôi không thể bỏ qua và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt diệu ấy. Chỉ thế thôi cũng cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên và con người nơi đây.
Hòa vào nhịp sống, mỗi người đều có thể tận hưởng sâu sắc nhịp sống vùng biển. Những con tàu lớn luôn tấp nập vươn khơi trên biển, cảnh thuyền về tấp nập mang theo hương vị của biển, sự ồn ào của chợ phiên buổi sáng với những mẹt cá tươi ngon trải rộng là những gì tôi bắt gặp và khám phá ở huyện đảo Cồn Cỏ. Mặc dù ngư dân rất bận bịu với công việc của mình nhưng nếu bạn bắt chuyện, họ sẵn sàng hồ hởi chia sẻ những câu chuyện cần lao trong đời của họ, nghe họ cười và kể cho bạn nghe về cuộc sống lênh đênh trên biển bỗng thấy tình yêu dành cho mảnh đất này thêm sâu đậm.
Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản gần bờ và xa bờ. Đối với họ, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng đem về nhiều lộc biển. Và mỗi chuyến tàu về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến cảng không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về. Mẻ lưới ít hay nhiều với họ cũng bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả. Mớ cá mớ tôm nho nhỏ mỗi ngày mà tích cóp từng tháng, từng năm đã mang lại cho cư dân huyện đảo này một cuộc sống ổn định hơn, thậm chí làm giàu từ biển. Không chỉ là cuộc mưu sinh hàng ngày, mà nghề đi biển còn là tình cảm bền chặt của người con huyện đảo Cồn Cỏ gắn liền với biển. Việc vươn khơi bám biển của những ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ càng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Và sau những chuyến đi biển, vào mỗi buổi sáng hải sản từ những tàu cá lại đổ về cảng cá đảo Cồn Cỏ, mang theo từng mẻ cá, mực, tôm, cua tươi ngon. Bình minh trên cảng cá Cồn Cỏ thật nhộn nhịp. Khi mặt trời ló rạng, chợ cá cảng Cồn Cỏ họp từ sáng tinh mơ luôn ồn ào, tấp nập người mua, người bán. Từ trên cao nhìn xuống, những con tàu đang nối đuôi nhau cập cảng trên khoang chở nặng tôm cá. "Lộc biển" mang về đảo Cồn Cỏ chủ yếu là loại cá nhỏ và trung bình như cá nục, cá sòng, cá thu..., nhưng cũng có tàu chuyển lên những sọt cá, mực lớn. Cảng cá đảo Cồn Cỏ sinh động và tấp nập là thế, nơi đó chỉ nghe lao xao tiếng nói cười của người mua kẻ bán hòa cùng tiếng sóng biển trong ánh bình minh đón chào một ngày mới.
Với những thế mạnh về cảnh sắc được thiên nhiên ban tặng, trầm tích các nền văn hóa phong phú, Cồn Cỏ đang ngày càng trở mình vươn lên, là miền đất hứa của du lịch Quảng Trị. Có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp làm say đắm bao người. Tháng 4/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt, công nhận tuyến du lịch đảo Cồn Cỏ. Đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của rừng già. Hệ thống rừng ở đảo Cồn Cỏ với nhiều loại cây đã sống lâu năm, xen giữa rừng là rất nhiều chuối rừng và nhiều loại cây dây leo khác, trong đó có một số là cây dược liệu, tạo nên một sự phong phú đa dạng về hệ sinh thái. Dọc bờ biển là những hàng cây phong ba, vươn mình trong sóng gió. Đặc biệt, rừng và hệ sinh thái ở đây được chính quyền, người dân và bộ đội trên đảo hết sức ý thức giữ gìn. Vì thế, đặt chan lên Cồn Cỏ, có cảm giác như phố thị đang ở đâu đó rất xa, chỉ có những rừng cây và những lối dẫn vào huyền bí như trong truyện cổ tích.
Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì thế dấu ấn về đảo Cồn Cỏ là khúc ca vang vọng tinh thần bất tử của người lính đảo. Một chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và đặc biệt hơn tôi đã tận mắt chứng kiến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bởi Cồn Cỏ là hòn đảo được xây dựng từ máu xương của các thế hệ cha ông. Có đến Cồn Cỏ mới thấy những gì mà chúng tôi làm quá nhỏ bé so với những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc thân yêu, bảo vệ từng hòn đá, từng nắm đất xây đảo thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lính trên đảo này.
Dấu ấn về Cồn Cỏ không chỉ có biển xanh, cát trắng mà còn là khúc ca vang vọng tinh thần bất tử của người lính đảo. Với tất cả tình cảm với quê hương mình, tôi xin mời bạn ghé thăm đảo Cồn Cỏ dù chỉ một lần, để chứng kiến vể đẹp nguyên sơ của đảo nhỏ tiền tiêu; và lắng nghe trái tim mình đập những nhịp đập rộn ràng trước biển. Lúc đó bạn sẽ không ngạc nhiên khi trước đây, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thổn thức thốt lên “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”.
Tác giả: Lê Thị Thu Thanh
Trên đây là những mẫu Bài dự thi Cùng giữ màu xanh của biển hay nhất. Mời các bạn cùng tham khảo thêm những bài viết liên quan khác trong mục Tài liệu: Bài thu hoạch, bài dự thi nhé.
- Chia sẻ:Lê Diệu Linh
- Ngày:
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Bài thu hoạch, bài dự thi
Tài liệu ôn thi công chức Hải Quan 2022
Bài tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá với phòng chống cháy nổ
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên
Đáp án Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông Hà Tĩnh 2024
Những nội dung cốt lõi những vấn đề mới trong văn kiện đại hội XIII của Đảng
Bài thu hoạch chỉ thị 05 năm 2024