Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Tải về

Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thông tư 39/2011/TT-BGTVT sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2015 và chính thức được thay thế bằng Thông tư 50/2015/TT-BGTVT.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

---------------
Số: 39/2011/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2011

THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và
bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
___________________

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) gồm: phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đấu nối đường nhánh vào quốc lộ, mã số đặt tên hệ thống đường tỉnh, bảo đảm giao thông và an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác, thẩm định và thẩm tra an toàn giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bảo đảm giao thông và an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thẩm định và thẩm tra an toàn giao thông đường bộ.

Chương II
PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 3. Đất của đường bộ

Đất của đường bộ bao gồm phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ. Công trình đường bộ gồm:

1. Đường bộ

a) Đường (nền đường, mặt đường, lề đường, hè phố);

b) Cầu đường bộ (cầu vượt sông, cầu vượt khe núi, cầu vượt trong đô thị, cầu vượt đường bộ, cầu vượt đường sắt, cầu vượt biển), kể cả cầu dành cho người đi bộ;

c) Hầm đường bộ (hầm qua núi, hầm ngầm qua sông, hầm chui qua đường bộ, hầm chui qua đường sắt, hầm chui qua đô thị), kể cả hầm dành cho người đi bộ;

d) Bến phà, cầu phao đường bộ, đường ngầm, đường tràn.

2. Nơi dừng, đỗ xe trên đường bộ, trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu, đường.

3. Hệ thống báo hiệu gồm đèn tín hiệu, biển báo hiệu, giá treo biển báo hiệu hoặc đèn tín hiệu, khung, giá hạn chế tĩnh không, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường và các thiết bị khác.

4. Đảo giao thông, dải phân cách, rào chắn, tường hộ lan.

5. Các mốc đo đạc, mốc lộ giới, cột mốc giải phóng mặt bằng xây dựng công trình đường bộ.

6. Hệ thống chiếu sáng đường bộ.

7. Hệ thống thoát nước, hầm kỹ thuật, kè đường bộ.

8. Công trình chống va trôi, công trình chỉnh trị dòng nước, chống sạt lở đường bộ.

9. Đường cứu nạn, nơi cất giữ phương tiện vượt sông, nhà hạt, nơi cất giữ vật tư, thiết bị dự phòng bảo đảm giao thông.

10. Các công trình phụ trợ bảo đảm môi trường, bảo đảm an toàn giao thông.

Điều 4. Hành lang an toàn đường bộ

1. Hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ (kể cả phần mặt nước dọc hai bên cầu, hầm, bến phà, cầu phao) nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

2. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ được quy định từ Điều 15 đến Điều 19 của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP. Các cơ quan quản lý đường bộ khi xác định bề rộng hành lang an toàn đối với đường phải căn cứ cấp kỹ thuật của đường được quản lý theo quy hoạch, đối với cầu phải căn cứ vào chiều dài của cầu.

3. Trường hợp đường bộ đi chung với công trình thủy lợi, hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật về đê điều.

Điều 5. Xác định phạm vi đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ

1. Đối với trường hợp chưa xác định phạm vi đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, đường định mốc lộ giới, phạm vi đất của đường bộ và phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ được xác định theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.

2. Đối với đường bộ đang khai thác, phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định số 11/2010/NĐ-CP có hiệu lực, phạm vi đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ được xác định như sau:

a) Phạm vi đất của đường bộ được xác định theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.

b) Phạm vi hành lang an toàn đường bộ được xác định sau khi đã xác định phạm vi đất của đường bộ; cụ thể:

- Trường hợp phần hành lang an toàn đường bộ còn lại lớn hơn hoặc bằng bề rộng quy định tại Điều 15 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP thì giữ nguyên.

- Trường hợp phần hành lang an toàn đường bộ còn lại nhỏ hơn bề rộng quy định tại Điều 15 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, tiến hành xác định lại phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.

Điều 6. Phạm vi bảo vệ trên không của công trình đường bộ

1. Công trình đã có trước ngày Thông tư này có hiệu lực (được cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng), nếu phạm vi bảo vệ trên không của công trình đường bộ chưa đáp ứng quy định tại Điều 21 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, đồng thời không gây nguy hiểm, không gây mất an toàn giao thông, tạm thời được giữ nguyên hiện trạng.

2. Công trình được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng; công trình đang khai thác sử dụng chưa đáp ứng quy định tại Điều 21 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP có gây nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông phải bảo đảm đủ phạm vi bảo vệ trên không của công trình đường bộ (theo phương thẳng đứng) như sau:

a) Đối với cầu vượt trên đường bộ, khoảng cách tối thiểu tính từ điểm cao nhất của mặt đường bộ đến điểm thấp nhất của kết cấu nhịp cầu theo phương thẳng đứng (không kể phần dự phòng cho tôn cao mặt đường khi sửa chữa, nâng cấp, mở rộng) là 4,75m (bốn mét bảy lăm);

Đối với cầu vượt đường cao tốc phải thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc;

b) Đối với đường dây thông tin đi phía trên đường bộ phải bảo đảm khoảng cách theo phương thẳng đứng từ điểm cao nhất của mặt đường (không kể phần dự phòng cho tôn cao mặt đường khi sửa chữa, nâng cấp, cải tạo) tới điểm thấp nhất của đường dây thông tin ở trạng thái võng cực đại tối thiểu là 5,50m (năm mét năm mươi);

c) Đối với đường dây tải điện đi phía trên đường bộ phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu theo phương thẳng đứng từ điểm thấp nhất của đường dây tải điện ở trạng thái võng cực đại đến điểm cao nhất của mặt đường (không kể phần dự phòng cho tôn cao mặt đường khi sửa chữa, nâng cấp, cải tạo) tối thiểu là 4,75m (bốn mét bảy lăm) cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp do pháp luật về điện lực quy định.

Chủ công trình lưới điện chịu trách nhiệm lắp đặt và quản lý biển báo hiệu, biển hạn chế chiều cao ở những vị trí giao nhau giữa đường dây tải điện trên cao với đường bộ đi dưới theo quy định của Điều lệ báo hiệu đường bộ và hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý đoạn tuyến đường bộ.

3. Xác định chiều cao dự phòng khi tôn cao mặt đường

a) Đối với công trình vượt trên đường bộ, căn cứ hiện trạng và quy hoạch của tuyến đường bộ có công trình đi vượt trên để xác định chiều cao dự phòng cho tôn cao mặt đường bộ.

b) Đối với công trình đường bộ đi dưới cầu vượt hoặc các công trình thiết yếu, căn cứ thiết kế công trình đường bộ và quy hoạch của tuyến đường bộ để xác định chiều cao dự phòng cho tôn cao mặt đường bộ.

Điều 7. Khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang đối với công trình thiết yếu

1. Công trình thiết yếu quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cho phép xây dựng nằm trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ (bao gồm cả phần dưới mặt nước) phải ở chiều sâu hoặc khoảng cách theo chiều ngang không làm ảnh hưởng đến quản lý, bảo trì, khai thác và sự bền vững công trình đường bộ. Chiều sâu và khoảng cách theo chiều ngang do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền quyết định cụ thể trong văn bản chấp thuận xây dựng công trình.

2. Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang đối với cột của công trình thiết yếu (nằm trong hoặc ngoài hành lang an toàn đường bộ) phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu như sau:

a) Đối với cột có chiều cao (tính từ mặt đất tại chân cột đến đỉnh cột) lớn hơn 4,0m (bốn mét), khoảng cách tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào đến chân cột tối thiểu bằng 1,3 lần chiều cao của cột.

b) Đối với cột có chiều cao (tính từ mặt đất tại chân cột đến đỉnh cột) nhỏ hơn hoặc bằng 4,0m (bốn mét), khoảng cách tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào đến chân cột tối thiểu bằng 05 mét (năm mét).

c) Trường hợp đường bộ đi qua khu vực nội thành, nội thị, giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang bằng bề rộng của chỉ giới xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Trường hợp đường bộ đi qua khu vực miền núi có địa hình núi cao, vực sâu, giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang đối với cột của công trình thiết yếu được phép nhỏ hơn khoảng cách quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng tối thiểu phải cách mép phần xe chạy 2,0m (hai mét). Giới hạn do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền quyết định cụ thể trong văn bản chấp thuận xây dựng công trình.

Đánh giá bài viết
1 1.331
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm