Thông tư số 35/2012/TT-BGTVT
Thông tư số 35/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về lắp đặt báo hiệu kilômét-địa danh và cách ghi ký hiệu, số thứ tự trên báo hiệu đường thủy nội địa.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ----------- Số: 35/2012/TT-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2012 |
THÔNG TƯ
Quy định về lắp đặt báo hiệu kilômét-địa danh và cách ghi ký hiệu,
số thứ tự trên báo hiệu đường thủy nội địa
---------------------
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 06 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về lắp đặt báo hiệu kilômét-địa danh và cách ghi ký hiệu, số thứ tự trên báo hiệu đường thủy nội địa.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về lắp đặt báo hiệu kilômét-địa danh và cách ghi ký hiệu, số thứ tự trên báo hiệu đường thủy nội địa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo trì đường thủy nội địa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu đường thủy nội địa là ghi ký hiệu và số thứ tự trên báo hiệu theo các nguyên tắc quy ước thống nhất để theo dõi quản lý.
2. Báo hiệu kilômét-địa danh trên một tuyến đường thủy nội địa là báo hiệu thông báo cự ly từ địa danh ghi trên báo hiệu đến điểm khởi đầu (km0) của tuyến đường thủy nội địa theo quy ước thống nhất.
3. Trục tim luồng chạy tàu là đường thẳng hoặc đường cong trơn liên tục, nối các điểm giữa của luồng chạy tàu.
4. Nước ròng thấp là vị trí thấp nhất của mực nước biển trong các chu kỳ dao động triều.
5. Thượng lưu là phía thượng nguồn của sông, kênh, rạch, hồ thủy điện.
6. Hạ lưu là phía hạ nguồn của sông, kênh, rạch, hồ thủy điện.
Chương II
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ ĐẶT BÁO HIỆU
KILÔMÉT-ĐỊA DANH VÀ GHI KÝ HIỆU SỐ THỨ TỰ BÁO HIỆU ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 4. Nguyên tắc xác định vị trí đặt báo hiệu kilômét-địa danh
1. Chiều xác định số kilômét của báo hiệu kilômét-địa danh được thực hiện như sau:
a) Đối với đường thủy nội địa trên sông, kênh và hồ theo hướng từ hạ lưu về thượng lưu (từ cửa sông đổ ra biển, cửa sông nhỏ đổ ra sông lớn về thượng lưu) hoặc từ Đông sang Tây;
b) Đối với đường thủy nội địa trên vịnh, ven biển, đầm, phá theo hướng từ Bắc xuống Nam;
c) Đối với đường thủy nội địa từ bờ ra đảo theo hướng từ đất liền ra đảo và nối giữa các đảo theo hướng từ Bắc xuống Nam.
2. Cách xác định điểm khởi đầu (km0) và điểm kết thúc tuyến đường thủy nội địa.
a) Đối với đường thủy nội địa trên sông chảy trực tiếp ra biển:
- Điểm khởi đầu là điểm giao nhau giữa đường trục tim luồng với đường nối điểm nhô xa nhất của hai bờ cao cửa sông khi nước ròng thấp;
- Điểm kết thúc là điểm giao nhau giữa đường trục tim luồng với mặt cắt mép ngoài cùng của cảng, bến thủy nội địa hoặc là điểm giao nhau giữa trục tim luồng với mặt cắt ngang sông cuối cùng phía thượng lưu tuyến đường thủy nội địa.
b) Đối với đường thủy nội địa trên sông nhỏ đổ ra sông lớn:
- Điểm khởi đầu tuyến là điểm giao nhau giữa hai hay nhiều trục tim luồng;
- Điểm kết thúc tuyến được xác định theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Đối với đường thủy nội địa trên kênh:
Điểm khởi đầu và điểm kết thúc là điểm giao nhau giữa hai hay nhiều trục tim luồng ở đầu hoặc cuối kênh;
d) Đối với đường thủy nội địa trên hồ thủy điện:
- Điểm khởi đầu là mép ngoài cùng của cầu cảng hoặc bến thủy nội địa ở hạ lưu; trường hợp không có cảng, bến thủy nội địa thì điểm khởi đầu là mép ngoài cùng của hành lang bảo vệ đập và nhà máy thủy điện;
- Điểm kết thúc là mép ngoài cùng của cảng hoặc bến thủy nội địa cuối cùng trên thượng lưu hoặc là điểm giao nhau giữa trục tim luồng với mặt cắt ngang sông cuối cùng phía thượng lưu tuyến đường thủy nội địa;
- Đối với các tuyến đường thủy nội địa là nhánh phụ: Điểm khởi đầu là điểm giao nhau giữa hai trục tim luồng và điểm kết thúc được xác định như quy định tại điểm a, khoản này.
đ) Đối với đường thủy nội địa trên vịnh, ven biển, đầm, phá, đường ra đảo, nối các đảo:
- Điểm khởi đầu là mép ngoài cùng của cảng, bến thủy nội địa trên đất liền hoặc trên các đảo;
- Điểm kết thúc là điểm ngoài cùng của cảng, bến thủy nội địa trên đất liền hoặc trên đảo; trường hợp không có cảng, bến thủy nội địa thì điểm kết thúc là mép nước ròng thấp tiếp giáp với bờ.
Điều 5. Nguyên tắc ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu trên bờ
1. Ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu gồm hai nhóm:
a) Nhóm ký hiệu tuyến đường thủy nội địa;
b) Nhóm chữ và số chỉ loại báo hiệu, số thứ tự báo hiệu.
2. Ghi ký hiệu tuyến đường thủy nội địa bao gồm các chữ cái viết tắt loại đường thủy nội địa và ba chữ số từ 001 đến 999 phía sau các chữ cái. Chữ cái viết tắt loại đường thủy nội địa quy định như sau:
a) Đường thủy nội địa quốc gia là QG;
b) Đường thủy nội địa chuyên dùng là CD;
c) Đường thủy nội địa địa phương là chữ viết tắt tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại khoản 2 Phụ lục I của Thông tư này.
3. Ghi chữ và số chỉ loại báo hiệu, số thứ tự báo hiệu
a) Chữ chỉ loại báo hiệu trên bờ là chữ B;
b) Số thứ tự được ghi liên tục từ số 001 đến hết số báo hiệu (bao gồm báo hiệu trên bờ, báo hiệu dưới nước và báo hiệu cầu) trên một tuyến đường thủy nội địa đã công bố;
c) Chiều ghi số thứ tự báo hiệu trên đường thủy nội địa theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
d) Báo hiệu bờ trái ghi theo số lẻ bắt đầu từ số 001 và tăng dần về điểm kết thúc tuyến đường thủy nội địa;
đ) Báo hiệu bờ phải ghi theo số chẵn bắt đầu từ số 002 và tăng dần về điểm kết thúc tuyến đường thủy nội địa;
e) Trường hợp bổ sung báo hiệu, số thứ tự báo hiệu bổ sung ghi số theo báo hiệu liền kề trước nó và thêm đuôi (.1), (.2), … vào cuối;
g) Khi thu hồi báo hiệu thì để trống số thứ tự báo hiệu đó, không thay đổi số thứ tự báo hiệu còn lại.
4. Ký hiệu các tuyến đường thủy nội địa quốc gia quy định tại khoản 1 Phụ lục I của Thông tư này.
5. Ký hiệu các tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng quy định tại khoản 3 Phụ lục I của Thông tư này.
Điều 6. Nguyên tắc ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu dưới nước
1. Nguyên tắc ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu dưới nước gồm hai nhóm theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Thông tư này và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.
2. Ghi chữ và số chỉ loại báo hiệu, số thứ tự báo hiệu.
a) Chữ chỉ phao giới hạn luồng, phao hai luồng là P; phao tim luồng là PT;
b) Số thứ tự gồm 3 chữ số, được đánh số liền theo số thứ tự báo hiệu đứng trước nó, phao bờ phải đánh số chẵn, phao bờ trái đánh số lẻ.
3. Phao số 0 là P0 được lắp đặt tại cửa sông, kênh chảy ra biển.
4. Trường hợp bổ sung, thu hồi báo hiệu thực hiện theo quy định tại điểm e, g khoản 3 Điều 5 của Thông tư này.
Điều 7. Nguyên tắc ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu cầu, khoang thông thuyền
1. Nguyên tắc ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu cầu, khoang thông thuyền được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Thông tư này và khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Ghi chữ và số chỉ loại báo hiệu, số thứ tự báo hiệu
a) Chữ chỉ báo hiệu cầu là C; báo hiệu đánh dấu khoang thông thuyền là CT;
b) Số thứ tự gồm 3 chữ số:
- Số thứ tự báo hiệu cầu được đánh số liền theo số thứ tự báo hiệu đứng trước nó, phía bờ phải đánh số chẵn, phía bờ trái đánh số lẻ.
- Số thứ tự báo hiệu khoang thông thuyền được đánh số liền theo số thứ tự báo hiệu đứng trước nó. Trường hợp có hai hay nhiều khoang thông thuyền số báo hiệu được chia đều cho 2 bờ, phía bờ phải đánh số chẵn, phía bờ trái đánh số lẻ.
3. Trường hợp bổ sung, thu hồi báo hiệu thực hiện theo quy định tại điểm e, g khoản 3 Điều 5 của Thông tư này.
Chương III
VỊ TRÍ LẮP ĐẶT VÀ CÁCH GHI KÝ HIỆU,
SỐ THỨ TỰ TRÊN BÁO HIỆU ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 8. Vị trí lắp đặt và quy cách báo hiệu kilômét-địa danh
1. Vị trí lắp đặt báo hiệu kilômét-địa danh tại điểm khởi đầu, điểm kết thúc và khu vực thị trấn, thị xã, thành phố. Mỗi vị trí chỉ đặt một báo hiệu ở chỗ dễ nhận biết nhất.
2. Quy cách báo hiệu kilômét-địa danh:
a) Màu sắc nền của biển có màu xanh lam;
b) Chữ ghi trên biển là tên đường thủy nội địa, địa danh, kilômét được sơn màu trắng, kích thước quy định cụ thể tại Phụ lục II của Thông tư này.
Điều 9. Vị trí ghi ký hiệu, số thứ tự trên báo hiệu
1. Đối với báo hiệu dưới nước được ghi ở phần giữa của giá phao.
2. Đối với báo hiệu trên bờ được ghi ở 2/3 chiều cao cột trở xuống. Trường hợp nhiều biển báo hiệu được lắp trên cùng một cột thì ghi ký hiệu, số thứ tự từ trên xuống dưới theo thứ tự lắp đặt các biển báo hiệu.
3. Đối với báo hiệu cầu được ghi ở biển phụ, biển phụ được đặt ở dưới biển chính.
4. Quy cách ghi ký hiệu, số thứ tự báo hiệu theo quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
Điều 10. Cách ghi ký hiệu, số thứ tự trên báo hiệu
1. Dòng thứ nhất ghi ký hiệu tuyến đường thủy nội địa theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.
2. Dòng thứ hai ghi ký hiệu và số thứ tự báo hiệu theo quy định tại khoản 3 Điều 5; khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.
3. Ký hiệu và số thứ tự được viết bằng sơn trắng với kích thước quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ khoản 2 Điều 5 của Thông tư này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể ký hiệu của các tuyến đường thủy nội địa địa phương thuộc phạm vi quản lý.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: - Như Điều 12; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, CQ thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Các Sở Giao thông vận tải; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng TTĐT Chính phủ; - Website Bộ GTVT; - Báo GTVT, Tạp chí GTVT; - Lưu: VT, KCHTGT. | BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Đinh La Thăng |
- Chia sẻ:Vũ Thị Chang
- Ngày:
Thông tư số 35/2012/TT-BGTVT
66 KBGợi ý cho bạn
-
Thông tư 49/2022/TT-BGTVT tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức ngành quản lý dự án đường sắt
-
Tải Thông tư 06/2024/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc file Doc, Pdf
-
Quyết định 305/QĐ-BGTVT 2023 công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực đăng kiểm
-
Quy định xử phạt vi phạm giao thông đối với người nước ngoài năm 2024
-
Tải Nghị định 34/2024/NĐ-CP Danh mục vận chuyển hàng hóa nguy hiểm file Doc, Pdf
-
Tải Thông tư 55/2023/TT-BGTVT hướng dẫn dự án đầu tư theo phương thức PPP file Doc, Pdf
-
Thông tư 08/2023/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
-
Thông tư 53/2024/TT-BGTVT
-
Thông tư 38/2024/TT-BGTVT
-
Thông tư 39/2024/TT-BGTVT tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Văn bản Giao thông vận tải
Công văn 37/CV-UBATGTQG
Thông tư 07/2021/TT-BGTVT giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải
Quyết định 357/2013/QĐ-TTg
Thông tư 19/2022/TT-BGTVT quy định về bảo trì công trình hàng hải
Công văn 6534/TCĐBVN-QLPT&NL hướng dẫn thực hiện quy trình sát hạch lái xe hạng A1, A2
Quyết định 1197/2013/QĐ-BGTVT
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác