Thông tư số 08/2010/TT-BTNMT

Thông tư số 08/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định việc xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia,Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vựcvà Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh.

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
------------------------------

Số: 08/2010/TT-BTNMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------------

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2010

THÔNG TƯ
Quy định việc xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia,
Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực
và Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh
______________________

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc xây dựng các Báo cáo hiện trạng môi trường: Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Báo cáo hiện trạng môi trường là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và tác động tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường và hiệu quả của các chính sách đó.

Báo cáo hiện trạng môi trường là thuật ngữ sử dụng chung cho ba loại báo cáo: Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực.

2. Báo cáo môi trường quốc gia là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường trên phạm vi toàn quốc, nguyên nhân gây ô nhiễm và tác động của chúng tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường quốc gia và đánh giá hiệu quả của các chính sách đó trong công tác bảo vệ môi trường quốc gia.

3. Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường của địa phương, nguyên nhân gây ô nhiễm và tác động của chúng tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên của địa phương, từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường và đánh giá hiệu quả của các chính sách đó trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường của địa phương.

4. Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực là báo cáo cung cấp các thông tin về hiện trạng và diễn biến môi trường đặc trưng của ngành, lĩnh vực; nguyên nhân và tác động của chúng tới sức khỏe con người, kinh tế xã hội, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên; từ đó phân tích nhu cầu xây dựng các chính sách môi trường và đánh giá hiệu quả của các chính sách đó trong hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường của ngành, lĩnh vực.

5. Báo cáo tổng thể về môi trường là báo cáo đề cập đến tất cả các vấn đề môi trường của quốc gia, của địa phương để có được sự đánh giá tổng quát và đầy đủ về hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương với những hậu quả, nguyên nhân và diễn biến của nó.

6. Báo cáo chuyên đề về môi trường là báo cáo hiện trạng môi trường tập trung và đi sâu vào một chủ đề môi trường hay một thành phần môi trường đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội và của cơ quan quản lý môi trường.

7. Mô hình DPSIR là mô hình mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa Động lực - D (phát triển kinh tế - xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường) - Áp lực - P (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường) - Hiện trạng - S (hiện trạng chất lượng môi trường) - Tác động - I (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái) - Đáp ứng - R (các đáp ứng của nhà nước và xã hội để bảo vệ môi trường).

8. Chỉ thị môi trường: là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.

9. Chỉ thị mô tả là chỉ thị mô tả hiện trạng các vấn đề môi trường nổi cộm, đặc trưng cho khu vực; các chỉ thị phản ánh đúng tình trạng môi trường.

10. Chỉ thị đánh giá là chỉ thị so sánh các vấn đề trong thực tế của Việt Nam với những điều kiện chuẩn. Chỉ thị đánh giá thực hiện việc so sánh giữa tình hình môi trường hiện tại và những mục tiêu đặt ra (đánh giá tính khả thi để đạt được các mục tiêu đã đặt ra).

11. Chỉ thị hiệu quả là chỉ thị phản ánh mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa các thành phần trong mô hình DPSIR. Chỉ thị hiệu quả phù hợp nhất cho quá trình hoạch định chính sách là các chỉ thị liên quan giữa áp lực môi trường (P) và các hoạt động của con người (D). Những chỉ thị này phản ánh rõ tính hiệu quả môi trường của quy trình sản xuất và của chính các sản phẩm.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường

Việc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Xây dựng theo mô hình DPSIR.

2. Trung thực, chính xác, cập nhật.

3. Khoa học, hiện đại.

4. Rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhận biết.

Đánh giá bài viết
1 625
0 Bình luận
Sắp xếp theo