Thông tư quy định về kết nối viễn thông số 07/2015/TT-BTTTT

Tải về

Thông tư số 07/2015/TT-BTTTT quy định về kết nối viễn thông và áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan tới hoạt động kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2015.

Quy định về kết nối viễn thông

Mẫu đơn đề nghị đăng ký thỏa thuận kết nối mẫu

Mẫu đơn đề đị giải quyết tranh chấp trong kết nối

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 07/2015/TT-BTTTT Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2015


THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ KẾT NỐI VIỄN THÔNG

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định về kết nối viễn thông.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc kết nối viễn thông (sau đây gọi là kết nối) giữa các mạng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam, bao gồm: tiêu chuẩn, chất lượng, giá cước kết nối; đàm phán, ký kết, thực hiện, giải quyết tranh chấp về kết nối; chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan tới hoạt động kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Địa điểm kết nối là địa điểm lắp đặt hệ thống thiết bị viễn thông có chức năng chuyển mạch, định tuyến, điều khiển, giám sát lưu lượng được truyền tải giữa hai mạng viễn thông kết nối với nhau.

2. Đường kết nối là đường truyền dẫn nối hai địa điểm kết nối có chức năng truyền tải lưu lượng giữa hai mạng viễn thông kết nối với nhau. Dung lượng kết nối là dung lượng của đường kết nối.

3. Thiết bị kết nối là thiết bị truyền dẫn đặt tại địa điểm kết nối có chức năng truyền tải lưu lượng giữa hai mạng viễn thông kết nối với nhau.

4. Điểm kết nối là điểm nằm trên đường kết nối, phân định ranh giới trách nhiệm về kinh tế và kỹ thuật giữa hai doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối.

5. Doanh nghiệp cung cấp kết nối là doanh nghiệp viễn thông được doanh nghiệp viễn thông khác yêu cầu cung cấp kết nối.

6. Doanh nghiệp yêu cầu kết nối là doanh nghiệp viễn thông yêu cầu doanh nghiệp viễn thông khác cung cấp kết nối.

7. Thỏa thuận kết nối là thỏa thuận về kinh tế và kỹ thuật được ký kết giữa các doanh nghiệp viễn thông phục vụ cho mục đích kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông.

Chương II

QUY ĐỊNH KINH TẾ, KỸ THUẬT VỀ KẾT NỐI

Điều 4. Địa điểm kết nối

Địa điểm kết nối sẽ do các doanh nghiệp tham gia kết nối thỏa thuận thông qua thương lượng trên cơ sở lựa chọn bất kỳ địa điểm kết nối nào trên mạng viễn thông khả thi về mặt kỹ thuật sau đây:

a) Tổng đài mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (PSTN): tổng đài nội hạt (host/tandem), tổng đài đường dài (Toll); tổng đài quốc tế (international gateway);

b) Tổng đài mạng di động mặt đất công cộng (PLMN): tổng đài chuyển mạch di động (MSC/SGSN); tổng đài cổng chuyển mạch di động (GMSC/GGSN);

c) Hệ thống chuyển mạch, định tuyến mạng thế hệ sau (NGN);

d) Trung tâm truyền dẫn nội hạt, đường dài, quốc tế;

đ) Các địa điểm kết nối khác do các doanh nghiệp tham gia kết nối thỏa thuận, nhưng không được vi phạm các quy định về kết nối tại Điều 42, Điều 43 Luật Viễn thông và Thông tư này.

Điều 5. Sử dụng chung vị trí kết nối

Sử dụng chung vị trí kết nối là việc các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận thống nhất về vị trí, điều kiện lắp đặt thiết bị kết nối, thiết bị phụ trợ phục vụ kết nối (nguồn điện, điều hòa, v.v) tại địa điểm kết nối và vị trí cụ thể của điểm kết nối.

Điều 6. Tiêu chuẩn, chất lượng kết nối

Tiêu chuẩn giao diện, báo hiệu, đồng hồ của thiết bị kết nối:

a) Giao diện kết nối do các doanh nghiệp tham gia kết nối thỏa thuận trên cơ sở tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và các tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bắt buộc áp dụng;

b) Trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các doanh nghiệp viễn thông, báo hiệu giữa các mạng viễn thông tham gia kết nối thống nhất sử dụng hệ thống báo hiệu số 7 trên cơ sở tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và các tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bắt buộc áp dụng;

c) Mạng của doanh nghiệp yêu cầu kết nối có thể lấy tín hiệu đồng bộ trực tiếp từ đồng hồ chuẩn của doanh nghiệp cung cấp kết nối để đồng bộ cho mạng của mình hoặc theo đồng hồ được cung cấp qua các thiết bị viễn thông của doanh nghiệp cung cấp kết nối tại điểm kết nối theo nguyên tắc phân cấp chủ - tớ. Đồng hồ đồng bộ phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và các tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bắt buộc áp dụng.

Điều 7. Giá cước kết nối

Giá cước kết nối được xây dựng trên cơ sở giá thành, phân tách hợp lý theo các bộ phận cấu thành mạng hoặc theo công đoạn dịch vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện kết nối các mạng viễn thông và chính sách của nhà nước đối với thị trường viễn thông, dịch vụ viễn thông theo từng thời kỳ.

Chương III

ĐÀM PHÁN, KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN KẾT NỐI

Điều 8. Đăng ký Thỏa thuận kết nối mẫu

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp viễn thông được xác định là doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp phải xây dựng, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính về Cục Viễn thông 01 bộ hồ sơ đăng ký Thỏa thuận kết nối mẫu. Các doanh nghiệp viễn thông không phải là doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu có thể tự xây dựng, ban hành Thỏa thuận kết nối mẫu, không cần đăng ký với Cục Viễn thông, trên cơ sở tuân thủ theo các quy định tại Thông tư này để áp dụng chung với các doanh nghiệp viễn thông.

Điều 9. Chấp thuận Thỏa thuận kết nối mẫu

Cục Viễn thông có trách nhiệm xem xét, thông báo bằng văn bản việc chấp thuận hay không chấp thuận (nêu rõ các lý do không chấp thuận) Thỏa thuận kết nối mẫu của doanh nghiệp trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ.

Điều 10. Bổ sung, sửa đổi Thoả thuận kết nối mẫu

Khi cần bổ sung, sửa đổi Thỏa thuận kết nối mẫu doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu thực hiện việc đăng ký lại Thoả thuận kết nối mẫu như đăng ký lần đầu theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này.

Điều 11. Yêu cầu kết nối

Doanh nghiệp yêu cầu kết nối phải gửi yêu cầu kết nối bằng văn bản tới doanh nghiệp cung cấp kết nối. Nội dung yêu cầu kết nối phải bao gồm tối thiểu các thông tin sau:

1. Thời gian, địa điểm thực hiện đàm phán thỏa thuận kết nối.

2. Loại hình mạng, dịch vụ kết nối.

3. Địa điểm kết nối khả thi trên mạng.

4. Hình thức sử dụng chung vị trí kết nối.

5. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị kết nối; giao diện kết nối; báo hiệu, đồng hồ trong kết nối, v.v.

6. Dung lượng kết nối tối thiểu cho 12 tháng tiếp theo.

7. Chỉ tiêu chất lượng kết nối (nghẽn kết nối, hiệu quả kết nối, v.v).

8. Phương thức, thời hạn đối soát số liệu và thanh toán giá cước kết nối.

9. Chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối.

10. Thông tin liên hệ.

11. Các thông tin khác (nếu có).

Điều 12. Trả lời yêu cầu kết nối

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu kết nối, doanh nghiệp cung cấp kết nối có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp yêu cầu kết nối bằng văn bản về việc chấp thuận đàm phán Thỏa thuận kết nối (nêu rõ thời gian, địa điểm đàm phán Thỏa thuận kết nối) hoặc không chấp thuận đàm phán Thỏa thuận kết nối (nêu rõ các lý do không chấp thuận).

Điều 13. Đàm phán và ký kết Thỏa thuận kết nối

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp yêu cầu kết nối nhận được văn bản chấp thuận đàm phán Thỏa thuận kết nối, các bên tham gia kết nối phải bắt đầu tiến hành đàm phán Thỏa thuận kết nối.

Điều 14. Đàm phán và ký kết hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, sau khi ký kết Thoả thuận kết nối, trên cơ sở thỏa thuận kết nối đã được ký kết, các doanh nghiệp tham gia kết nối phải tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối theo các quy định về hợp đồng.

Điều 15. Thực hiện kết nối

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối, các doanh nghiệp tham gia kết nối có trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nội dung của Thoả thuận kết nối và Hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối đã được ký kết giữa các bên.

Điều 16. Thay đổi dung lượng kết nối

Khi cần thay đổi (tăng hoặc giảm) dung lượng kết nối để đảm bảo chất lượng kết nối, doanh nghiệp yêu cầu thay đổi dung lượng kết nối có trách nhiệm gửi yêu cầu bằng văn bản tới doanh nghiệp viễn thông có liên quan. Văn bản yêu cầu phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

a) Mục đích thay đổi;

b) Các số liệu chứng minh sự cần thiết phải thay đổi dung lượng;

c) Dung lượng cần thay đổi;

d) Thời gian thực hiện.

Điều 17. Báo cáo thực hiện kết nối

Định kỳ hàng năm trước ngày 31 tháng 01 hoặc đột xuất khi có yêu cầu, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện kết nối của năm trước đó bằng văn bản về Cục Viễn thông theo mẫu tại phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này bằng đường bưu chính hoặc trực tuyến trên mạng.

Chương IV

CHIA SẺ CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT PHỤC VỤ KẾT NỐI

Điều 18. Nguyên tắc chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối

Chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối là việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông giữa các doanh nghiệp tham gia kết nối nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng kết nối.

Điều 19. Giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối

1. Giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối được xây dựng trên cơ sở giá thành theo quy định của pháp luật về giá và về viễn thông.

2. Các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận về giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối.

Điều 20. Ký kết Hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nội dung thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối là một phần của Hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối.

2. Trong trường hợp việc thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối là một hợp đồng riêng, thì việc đàm phán, ký kết Hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối được thực hiện đồng thời với Hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối.

Chương V

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG KẾT NỐI

Điều 21. Nội dung tranh chấp trong kết nối viễn thông

Tranh chấp trong kết nối viễn thông bao gồm:

1. Tranh chấp về Thoả thuận kết nối.

2. Tranh chấp về cung cấp dung lượng kết nối.

3. Tranh chấp về chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối.

4. Các tranh chấp khác khi thực hiện kết nối viễn thông.

Điều 22. Thủ tục giải quyết tranh chấp

Doanh nghiệp viễn thông yêu cầu giải quyết tranh chấp có trách nhiệm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính 01 bộ hồ sơ về Cục Viễn thông.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2015.

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Bắc Son

Đánh giá bài viết
1 73
Thông tư quy định về kết nối viễn thông số 07/2015/TT-BTTTT
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm