Thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán số 210/2014/TT-BTC

Hướng dẫn kế toán đối với công ty chứng khoán

Thông tư số 210/2014/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán. Thông tư này được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016. Thông tư 210/2014/TT-BTC áp dụng đối với Công ty chứng khoán và các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động của Công ty chứng khoán.

BỘ TÀI CHÍNH
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 210/2014/TT-BTCHà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Luật số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong lĩnh vực Nhà nước và Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các nội dung liên quan đến chứng từ kế toán, tài khoản kế toán và phương pháp kế toán, sổ kế toán, mẫu Báo cáo tài chính, phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính áp dụng đối với Công ty chứng khoán (CTCK) thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công ty chứng khoán và các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động của Công ty chứng khoán.

Điều 3. Nguyên tắc kế toán và phương pháp kế toán áp dụng đối với kế toán hoạt động của Công ty chứng khoán

1. Công ty chứng khoán tuân thủ nguyên tắc kế toán và phương pháp kế toán quy định tại Luật Kế toán, các Chuẩn mực kế toán Việt Nam, các văn bản pháp luật có liên quan và các quy định cụ thể của Thông tư hướng dẫn kế toán này.

2. Các nguyên tắc và phương pháp kế toán theo giá trị hợp lý chỉ được áp dụng khi Luật Kế toán cho phép áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý.

3. Thông tư này quy định những đặc thù áp dụng trong công tác kế toán đối với Công ty chứng khoán. Những nội dung về chế độ chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính không hướng dẫn trong Thông tư này, Công ty chứng khoán áp dụng theo Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

Chương II

HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Mục 1. CHỨNG TỪ KẾ TOÁN

Điều 4. Nguyên tắc chung

1. Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành làm căn cứ ghi sổ kế toán.

2. Chứng từ kế toán áp dụng cho Công ty chứng khoán phải thực hiện theo đúng nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ theo quy định của Luật Kế toán, Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực doanh nghiệp, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến chứng từ kế toán và các quy định trong Chế độ này.

Điều 5. Lập chứng từ kế toán

1. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của Công ty chứng khoán đều phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập một lần cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Nội dung chứng từ kế toán phải đầy đủ các chỉ tiêu, phải rõ ràng, trung thực với nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Chữ viết trên chứng từ phải rõ ràng, không tẩy xóa, không viết tắt. Số tiền viết bằng chữ phải khớp, đúng với số tiền viết bằng số.

2. Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên theo quy định. Đối với chứng từ lập nhiều liên phải được lập một lần cho tất cả các liên theo cùng một nội dung bằng máy tính, hoặc viết lồng bằng giấy than. Trường hợp đặc biệt phải lập nhiều liên nhưng không thể viết một lần tất cả các liên chứng từ thì có thể viết hai lần nhưng phải đảm bảo thống nhất nội dung và tính pháp lý của tất cả các liên chứng từ.

3. Các chứng từ kế toán được lập bằng máy vi tính phải đảm bảo nội dung quy định cho chứng từ kế toán.

Điều 6. Ký chứng từ kế toán

1. Mọi chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ mới có giá trị thực hiện. Riêng chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật. Tất cả các chữ ký trên chứng từ kế toán đều phải ký bằng bút bi hoặc bút mực, không được ký bằng mực đỏ, bằng bút chì, chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với chữ ký đã đăng ký theo quy định, trường hợp không đăng ký chữ ký thì chữ ký lần sau phải khớp với chữ ký các lần trước đó.

2. Chữ ký của người đứng đầu của Công ty chứng khoán (Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc người được ủy quyền), của kế toán trưởng (hoặc người được ủy quyền) và dấu đóng trên chứng từ phải phù hợp với mẫu dấu và chữ ký còn giá trị đã đăng ký tại Ngân hàng thương mại. Chữ ký của kế toán viên trên chứng từ phải giống chữ ký đã đăng ký với kế toán trưởng.

Điều 7. Trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán của Công ty chứng khoán được quy định như sau:

1. Tất cả các chứng từ kế toán do Công ty chứng khoán lập hoặc từ bên ngoài chuyển đến đều phải tập trung vào bộ phận kế toán Công ty chứng khoán. Bộ phận kế toán kiểm tra những chứng từ kế toán đó và chỉ sau khi kiểm tra và xác minh tính pháp lý của chứng từ và sự khớp đúng về số liệu giữa Công ty chứng khoán thì mới dùng những chứng từ đó để ghi sổ kế toán.

2. Trình tự luân chuyển chứng từ kế toán bao gồm các bước sau:

  • Lập, tiếp nhận, xử lý chứng từ kế toán.
  • Kế toán viên, kế toán trưởng kiểm tra và ký chứng từ kế toán hoặc trình Tổng Giám đốc, Giám đốc Công ty chứng khoán ký duyệt.
  • Phân loại, sắp xếp chứng từ kế toán, định khoản và ghi sổ kế toán.

Điều 8. Dịch chứng từ kế toán ra tiếng Việt

1. Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài, khi sử dụng để ghi sổ kế toán ở Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt, những chứng từ ít phát sinh hoặc nhiều lần phát sinh nhưng có nội dung không giống nhau thì phải dịch toàn bộ nội dung chứng từ kế toán, những chứng từ phát sinh nhiều lần có nội dung giống nhau thì chỉ dịch những nội dung chủ yếu như: Tên chứng từ, tên đơn vị và cá nhân lập, tên đơn vị và cá nhân nhận, nội dung kinh tế của chứng từ, chức danh của người ký trên chứng từ,...

2. Người dịch phải ký, ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về nội dung dịch ra tiếng Việt. Bản chứng từ dịch ra tiếng Việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài.

Điều 9. Sử dụng, quản lý, in và phát hành biểu mẫu chứng từ kế toán

1. Tất cả các Công ty chứng khoán đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán quy định trong Chế độ kế toán này và các chứng từ khác có liên quan phù hợp với quy định của pháp luật của lĩnh vực có liên quan. Trong quá trình thực hiện, các Công ty chứng khoán không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc.

2. Mẫu chứng từ in sẵn phải được bảo quản cẩn thận, không được để hư hỏng, mục nát. Séc và giấy tờ có giá phải được quản lý như tiền.

Điều 10. Sử dụng chứng từ điệu tử và lưu trữ

1. Các Công ty chứng khoán có sử dụng chứng từ điện tử cho hoạt động kinh tế, tài chính và ghi sổ kế toán thì phải tuân thủ theo quy định về giao dịch điện tử và các quy định của pháp luật có liên quan về chứng từ điện tử.

2. Công ty chứng khoán lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Danh mục và mẫu chứng từ kế toán

1. Chứng từ kế toán chủ yếu áp dụng đối với Công ty chứng khoán thực hiện theo danh mục và mẫu quy định tại Phụ lục số 01.

2. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn cụ thể về hệ thống chứng từ nghiệp vụ áp dụng đối với Công ty chứng khoán để thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.

Mục 2. HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN ÁP DỤNG CHO CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Điều 12. Quy định về Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho Công ty chứng khoán

1. Tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế tài chính theo nội dung kinh tế.

2. Hệ thống tài khoản kế toán của Công ty chứng khoán bao gồm các tài khoản cấp 1, tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3, tài khoản cấp 4 trong Bảng cân đối kế toán và tài khoản ngoài Bảng cân đối kế toán theo quy định trong Thông tư này.

Mục 3. CHẾ ĐỘ SỔ KẾ TOÁN

Điều 13. Quy định chung

1. Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến Công ty chứng khoán.

2. Công ty chứng khoán phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong lĩnh vực kinh doanh, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán và Thông tư này.

Điều 14. Các loại sổ kế toán

1. Mỗi Công ty chứng khoán chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm. Sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.

  • Sổ kế toán tổng hợp, gồm: Các Sổ Nhật ký, Sổ Cái.
  • Số kế toán chi tiết, gồm: Các Sổ kế toán chi tiết.

2. Công ty chứng khoán phải tuân thủ về mẫu sổ, nội dung và phương pháp ghi chép đối với các loại Sổ Cái, các sổ Nhật ký; các quy định đối với các loại sổ kế toán chi tiết mang tính hướng dẫn.

Điều 15. Hệ thống sổ kế toán

1. Mỗi Công ty chứng khoán chỉ có một hệ thống sổ kế toán chính thức và duy nhất cho một kỳ kế toán năm.

2. Công ty chứng khoán căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán áp dụng tại Công ty chứng khoán và yêu cầu quản lý để mở đủ các sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết cần thiết.

Điều 16. Trách nhiệm của người giữ và ghi sổ kế toán

1. Sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân giữ và ghi sổ. Sổ kế toán giao cho nhân viên nào thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm về những điều ghi trong sổ và việc giữ sổ trong suốt thời gian dùng sổ.

2. Khi có sự thay đổi nhân viên giữ và ghi sổ, kế toán trưởng phải tổ chức việc bàn giao trách nhiệm quản lý và ghi sổ kế toán giữa nhân viên cũ và nhân viên mới. Biên bản bàn giao phải được Kế toán trưởng ký xác nhận.

Điều 17. Ghi sổ kế toán bằng tay hoặc bằng phần mềm kế toán.

1. Công ty chứng khoán được ghi sổ kế toán bằng tay hoặc ghi sổ kế toán bằng phần mềm kế toán.

2. Trường hợp ghi sổ bằng tay phải theo hình thức kế toán và mẫu sổ kế toán và quy định của Hình thức Nhật ký chung. Đơn vị được mở thêm các sổ kế toán chi tiết theo yêu cầu quản lý của đơn vị.

Điều 18. Mở và ghi sổ kế toán

1. Mở sổ kế toán

a) Sổ kế toán phải mở vào đầu kỳ kế toán năm. Đối với Công ty chứng khoán mới thành lập, sổ kế toán phải mở từ ngày thành lập. Người đại diện theo pháp luật và Kế toán trưởng của Công ty chứng khoán có trách nhiệm ký duyệt các sổ kế toán ghi bằng tay trước khi sử dụng, hoặc ký duyệt vào sổ kế toán chính thức sau khi in ra từ phần mềm kế toán;

b) Sổ kế toán phải dùng mẫu in sẵn hoặc kẻ sẵn, có thể đóng thành quyển hoặc để tờ rời. Các tờ sổ khi dùng xong phải đóng thành quyển để lưu trữ;

Điều 19. Sửa chữa sổ kế toán

1. Khi phát hiện sổ kế toán ghi bằng tay có sai sót trong quá trình ghi sổ kế toán thì không được tẩy xóa làm mất dấu vết thông tin, số liệu ghi sai mà phải sửa chữa theo một trong các phương pháp sau:

a) Phương pháp cải chính:

Phương pháp này dùng để đính chính những sai sót bằng cách gạch một đường thẳng xóa bỏ chỗ ghi sai nhưng vẫn đảm bảo nhìn rõ nội dung sai. Trên chỗ bị xóa bỏ ghi con số hoặc chữ đúng bằng mực thường ở phía trên và phải có chữ ký của Kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán của Công ty chứng khoán bên cạnh chỗ sửa. Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp:

  • Sai sót trong diễn giải, không liên quan đến quan hệ đối ứng của các tài khoản;
  • Sai sót không ảnh hưởng đến số tiền tổng cộng.

Điều 20. Điều chỉnh sổ kế toán

Trường hợp Công ty chứng khoán phải áp dụng hồi tố do thay đổi chính sách kế toán và phải điều chỉnh hồi tố do phát hiện sai sót trọng yếu trong các năm trước theo quy định của Chuẩn mực kế toán "Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót" thì kế toán của Công ty chứng khoán phải điều chỉnh Số dư đầu năm trên sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết của các tài khoản có liên quan.

Điều 21. Hình thức sổ kế toán

1. Công ty chứng khoán được áp dụng hình thức kế toán sau:

  • Hình thức kế toán Nhật ký chung.
  • Trong hình thức sổ kế toán này phải có những quy định cụ thể về số lượng, kết cấu, mẫu sổ, trình tự, phương pháp ghi chép và mối quan hệ giữa các sổ kế toán.

2. Công ty chứng khoán căn cứ vào quy mô, đặc điểm hoạt động kinh doanh, yêu cầu quản lý, trình độ nghiệp vụ của cán bộ kế toán, điều kiện trang bị kỹ thuật tính toán, lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp cho hoạt động kinh doanh của Công ty chứng khoán và phải tuân thủ theo đúng quy định của hình thức sổ kế toán được quy định áp dụng đối với hoạt động Công ty chứng khoán, gồm: Các loại sổ và kết cấu các loại sổ, quan hệ đối chiếu kiểm tra, trình tự, phương pháp ghi chép các loại sổ kế toán.

Điều 22. Hình thức kế toán Nhật ký chung

1. Nguyên tắc, đặc trưng cơ bản của hình thức kế toán Nhật ký chung

a) Đặc trưng cơ bản của hình thức kế toán Nhật ký chung: Tất cả các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đều phải được ghi vào sổ Nhật ký, mà trọng tâm là sổ Nhật ký chung, theo trình tự thời gian phát sinh và theo nội dung kinh tế (định khoản kế toán) của nghiệp vụ đó. Sau đó lấy số liệu trên các sổ Nhật ký để ghi Sổ Cái theo từng nghiệp vụ phát sinh;

Mục 4. HỆ THỐNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Điều 23. Danh mục Báo cáo tài chính áp dụng đối với Công ty chứng khoán

Điều 24. Thời hạn và nơi nhận, nộp Báo cáo tài chính

1. Báo cáo tài chính của Công ty chứng khoán báo cáo tài chính riêng (hợp nhất đối với trường hợp CTCK phải lập báo cáo tài chính hợp nhất), bao gồm:

  • Báo cáo thu nhập toàn diện.
  • Báo cáo tình hình tài chính.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  • Báo cáo tình hình biến động vốn chủ sở hữu.
  • Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.

2. Nơi nhận báo cáo tài chính:

  • Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
  • Cơ quan Thuế.
  • Cơ quan Thống kê.
  • Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 95/2008/TT-BTC ngày 24/10/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán và Thông tư số 162/2010/TT-BTC ngày 20/10/2010 về hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 95/2008/TT-BTC ngày 24/10/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán.

Điều 26. Tổ chức thực hiện

1. Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng Giám đốc, Giám đốc các Công ty chứng khoán và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Xuân Hà

Đánh giá bài viết
1 1.559
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo