Thông tư 89/2021/TT-BTC Quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước
Thông tư số 89 2021 BTC
- Thông tư số 89/2021/TT-BTC
- Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
- Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
- Mục 1. HỒ SƠ, CÁCH THỨC THỰC HIỆN, ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CAM KẾT CHI VÀ THỜI HẠN GỬI, CHẤP THUẬN CAM KẾT CHI
- Điều 5. Thành phần, số lượng hồ sơ và cách thức thực hiện
- Điều 6. Điều kiện thực hiện cam kết chi
- Điều 7. Thời hạn gửi và chấp thuận cam kết chi
- Mục 2. QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT CAM KẾT CHI QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC
- Điều 8. Quản lý thông tin nhà cung cấp
- Điều 9. Quản lý hợp đồng của hệ thống Kho bạc Nhà nước
- Điều 10. Quy trình quản lý, kiểm soát cam kết chi thường xuyên
- Điều 11. Quy trình quản lý, kiểm soát cam kết chi đầu tư
- Mục 3. ĐIỀU CHỈNH CAM KẾT CHI, XỬ LÝ CUỐI NĂM VÀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN CAM KẾT CHI TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC
- Điều 12. Điều chỉnh cam kết chi và hợp đồng
- Điều 13. Xử lý cuối năm
- Điều 14. Hạch toán kế toán cam kết chi tại Kho bạc Nhà nước
- Mục 4. HỆ THỐNG MẪU BIỂU BÁO CÁO CAM KẾT CHI VÀ PHƯƠNG THỨC CHIA SẺ THÔNG TIN
- Điều 15. Hệ thống mẫu biểu báo cáo về cam kết chi ngân sách nhà nước và phương thức chia sẻ thông tin
- Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ngày 11/10 năm 2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2021/TT-BTC về việc quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, tất cả các khoản chi đầu tư được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao kế hoạch vốn hằng năm có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 1.000 triệu đồng trở lên cũng là đối tượng quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước.
Thông tư số 89/2021/TT-BTC
BỘ TÀI CHÍNH _________ Số: 89/2021/TT-BTC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _________________________ Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2021 |
THÔNG TƯ
Quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
______________
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định việc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước áp dụng đối với các khoản chi ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn hằng năm, cụ thể:
a) Tất cả các khoản chi thường xuyên sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên được thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên.
b) Tất cả các khoản chi đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao kế hoạch vốn hằng năm có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 1.000 triệu đồng trở lên.
2. Thông tư này không áp dụng việc quản lý, kiểm soát cam kết chi đối với các trường hợp sau:
a) Các khoản chi của ngân sách xã; các dự án, công trình do xã, phường, thị trấn làm Chủ đầu tư;
b) Các khoản chi cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng (bao gồm các khoản chi thường xuyên, đầu tư);
c) Các khoản chi thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ; nợ chính quyền địa phương;
d) Các khoản chi từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài theo phương thức tài trợ chương trình, dự án; chi viện trợ trực tiếp; các khoản chi từ vốn đối ứng của các dự án ODA; các khoản chi từ nguồn vốn ODA thanh toán theo cơ chế tài chính trong nước; các khoản chi từ tài khoản tiền gửi của các dự án thuộc nguồn vốn ODA;
đ) Các khoản chi góp cổ phần, đóng góp nghĩa vụ tài chính, đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế;
e) Các khoản chi theo hình thức lệnh chi tiền của cơ quan tài chính các cấp;
g) Các khoản chi từ tài khoản tiền gửi của các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước;
h) Các hợp đồng được bố trí nhiều nguồn vốn và thuộc từ 02 cấp ngân sách trở lên.
i) Các khoản chi dịch vụ công ích gồm: Hợp đồng cung cấp điện, nước, điện thoại, internet, thuê kết nối mạng (thuê đường truyền, băng thông, thuê phòng đặt máy chủ internet,...), vệ sinh công cộng, quản lý, trang trí, chăm sóc cây xanh;
k) Các khoản chi để tổ chức hội nghị, thực hiện đề tài, đề án nghiên cứu khoa học (không bao gồm các khoản mua sắm trang thiết bị phải thực hiện đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và thuộc phạm vi phải thực hiện cam kết chi), các khoản chi mua vé máy bay, mua vé phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, mua xăng dầu;
l) Các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trừ trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng trực tiếp với các nhà thầu để thực hiện xây dựng khu tái định cư, phá dỡ công trình cũ, chi phí rà phá bom mìn, di chuyển hạ tầng kỹ thuật như đường điện, nước, hệ thống thông tin, liên lạc;
m) Các hợp đồng của công trình xây dựng đặc thù (bao gồm công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng khẩn cấp) theo quy định của pháp luật về xây dựng;
n) Các khoản chi hoàn thuế, các khoản chi hoàn trả vốn ứng trước từ dự toán được giao;
o) Các hợp đồng của các khoản chi thuộc Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu Quốc gia do đơn vị sử dụng ngân sách ký hợp đồng với các cá nhân, hộ dân, tổ, đội thợ;
p) Hợp đồng mà nhà cung cấp là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội thực hiện, các đơn vị không có mã số thuế (hợp đồng tuyên truyền do đoàn thanh niên hay cơ quan báo chí thực hiện, các hợp đồng đảm bảo an toàn giao thông do thanh tra giao thông hay cơ quan công an thực hiện,...); Hợp đồng cung cấp dịch vụ tại nước ngoài (nếu có);
q) Các trường hợp giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi
a) Đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (sau đây gọi chung là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước).
b) Các đơn vị Kho bạc Nhà nước.
2. Đối tượng được chia sẻ thông tin báo cáo cam kết chi
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (gồm: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. TABMIS: là Hệ thống thông tin quản lý ngân sách - Kho bạc,
2. Hợp đồng thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên: là hợp đồng được ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu xây lắp trong đó thời gian thực hiện hợp đồng và kinh phí bố trí thanh toán cho hợp đồng đó từ 02 năm ngân sách trở lên.
3. Cam kết chi thường xuyên đối với hợp đồng thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên: là việc đơn vị sử dụng ngân sách cam kết sử dụng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được giao hằng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ dự toán được giao hằng năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa đơn vị sử dụng ngân sách với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Giá trị của khoản cam kết chi là số tiền dự kiến bố trí cho hợp đồng đó trong năm ngân sách, đảm bảo trong phạm vi dự toán năm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi.
4. Cam kết chi đầu tư: là việc chủ đầu tư cam kết sử dụng kế hoạch vốn đầu tư được giao hằng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn được giao hằng năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa chủ đầu tư với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu xây lắp. Giá trị của khoản cam kết chi đầu tư bằng số kinh phí dự kiến bố trí cho hợp đồng trong năm, đảm bảo trong phạm vi kế hoạch vốn năm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi.
5. Giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi: là chênh lệch giữa giá trị của hợp đồng với tổng giá trị của các khoản đã cam kết chi cho hợp đồng đó (bao gồm số cam kết chi đã được thanh toán).
6. Dự toán ngân sách nhà nước còn được phép sử dụng:
a) Đối với chi thường xuyên: là chênh lệch giữa dự toán ngân sách nhà nước được sử dụng trong năm của đơn vị với tổng số tiền các khoản đã cam kết chi chưa được thanh toán và số tiền đã thanh toán trong năm (bao gồm tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành).
b) Đối với chi đầu tư: là chênh lệch giữa kế hoạch vốn được sử dụng trong năm của một dự án đầu tư với tổng giá trị của các khoản đã cam kết chi trong năm chưa được thanh toán và tổng số tiền đã thực hiện thanh toán trong năm của dự án đó (bao gồm tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành).
7. Số cam kết chi (thường xuyên, đầu tư): là mã số do hệ thống TABMIS tạo ra đối với từng khoản cam kết chi để theo dõi, quản lý khoản cam kết chi đó trên hệ thống TABMIS.
8. Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước: là trang thông tin điện tử, nơi cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước cho các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước trên môi trường mạng. Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước đặt trên mạng internet tại địa chỉ: https://dvc.vst.mof.gov.vn và được tích hợp với cổng dịch vụ công của Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tích hợp với cổng dịch vụ công Quốc gia theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2020.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, kiểm soát cam kết chi qua KBNN
1. Tất cả các khoản chi ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán hàng năm đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (bao gồm dự toán ứng trước), có hợp đồng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp có sự điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng từ mức không phải thực hiện kiểm soát cam kết chi lên mức phải thực hiện kiểm soát cam kết chi thì đơn vị sử dụng ngân sách không phải làm thủ tục kiểm soát cam kết chi.
Đối với hợp đồng đã thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi, trường hợp điều chỉnh giá trị hợp đồng dẫn đến phải điều chỉnh số tiền đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách phải làm thủ tục điều chỉnh cam kết chi với Kho bạc Nhà nước.
Đối với chi thường xuyên, trường hợp hợp đồng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, có thời gian thực hiện trong 01 năm ngân sách, trong quá trình thực hiện, đơn vị điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng từ 01 năm ngân sách lên 02 năm ngân sách thì đơn vị không phải làm thủ tục kiểm soát cam kết chi với Kho bạc Nhà nước.
2. Các khoản cam kết chi ngân sách nhà nước phải được hạch toán bằng đồng Việt Nam; các khoản cam kết chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ được theo dõi theo nguyên tệ, đồng thời, được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ hàng tháng do Bộ Tài chính quy định để hạch toán cam kết chi theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
Trường hợp khoản cam kết chi ngân sách nhà nước có nhiều nguồn vốn NSNN, hạch toán chi tiết theo số tiền được cam kết chi của từng nguồn vốn NSNN.
3. Cam kết chi chỉ được thanh toán khi số tiền đề nghị thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng số tiền chưa được thanh toán của khoản cam kết chi đó. Trường hợp số tiền đề nghị thanh toán lớn hơn số tiền còn lại chưa được thanh toán của khoản cam kết chi, trước khi làm thủ tục thanh toán cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách phải đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch điều chỉnh số tiền của khoản cam kết chi đó phù hợp với số tiền đề nghị thanh toán và đảm bảo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư này.
4. Hết năm ngân sách, trường hợp các khoản cam kết chi không được phép chuyển nguồn sang năm sau, KBNN thực hiện hủy cam kết chi. Trường hợp các khoản cam kết chi được phép chuyển nguồn sang năm sau thì việc chuyển nguồn cam kết chi thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. HỒ SƠ, CÁCH THỨC THỰC HIỆN, ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CAM KẾT CHI VÀ THỜI HẠN GỬI, CHẤP THUẬN CAM KẾT CHI
Điều 5. Thành phần, số lượng hồ sơ và cách thức thực hiện
Đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (viết tắt là Nghị định số 11/2020/NĐ-CP).
Điều 6. Điều kiện thực hiện cam kết chi
Các khoản chi của đơn vị sử dụng ngân sách được thực hiện cam kết chi khi có đủ các điều kiện sau:
1. Đề nghị cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách phải đầy đủ các chỉ tiêu thông tin theo Mẫu quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và đảm bảo tính pháp lý, cụ thể:
a) Dấu, chữ ký trên Giấy đề nghị cam kết chi NSNN, điều chỉnh cam kết chi NSNN khớp đúng với mẫu dấu và mẫu chữ ký đăng ký giao dịch tại Kho bạc Nhà nước và đảm bảo còn hiệu lực.
b) Hợp đồng thực hiện cam kết chi phải đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực của hợp đồng.
2. Số tiền đề nghị cam kết chi không vượt quá dự toán hoặc kế hoạch vốn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao còn được phép sử dụng.
Trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách nhà nước chưa được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát cam kết chi trên cơ sở dự toán tạm cấp ngân sách nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách đối với các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn được theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Trường hợp chi ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát cam kết chi trên cơ sở dự toán ứng trước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
3. Đề nghị cam kết chi năm ngân sách hiện hành của đơn vị sử dụng ngân sách phải gửi đến Kho bạc Nhà nước chậm nhất đến hết ngày 25 tháng 01 năm sau.
4. Có đầy đủ hồ sơ đề nghị cam kết chi theo đúng quy định và dự toán, kế hoạch vốn đã được nhập, phê duyệt trên hệ thống TABMIS.
Điều 7. Thời hạn gửi và chấp thuận cam kết chi
1. Thời hạn gửi cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách:
Thời hạn gửi hồ sơ đề nghị cam kết chi NSNN, điều chỉnh cam kết chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch được quy định đối với các trường hợp như sau:
a) Đối với hợp đồng ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu xây lắp: trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng.
b) Đối với hợp đồng thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên, kể từ năm thứ 2 trở đi: trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị sử dụng ngân sách nhận được văn bản giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn của cơ quan có thẩm quyền (thời hạn này được tính trên dấu công văn đến của đơn vị sử dụng ngân sách).
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn trong tháng 12 năm trước: thời hạn gửi đề nghị cam kết chi tối đa 20 ngày làm việc, được tính từ ngày 01 tháng 01 năm sau.
c) Trường hợp dự toán, kế hoạch vốn trong năm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được điều chỉnh dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh cam kết chi: trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị sử dụng ngân sách nhận được văn bản giao dự toán điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền (thời hạn này được tính trên dấu công văn đến của đơn vị sử dụng ngân sách).
d) Trường hợp đơn vị điều chỉnh giá trị hợp đồng đã ký dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh cam kết chi: trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng điều chỉnh.
2. Thời hạn chấp thuận cam kết chi của Kho bạc Nhà nước:
Trong phạm vi 01 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cam kết chi NSNN hoặc điều chỉnh cam kết chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách, hồ sơ đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp và dự toán, kế hoạch vốn năm của đơn vị đã được nhập, phê duyệt trên hệ thống TABMIS, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm tra các điều kiện để thực hiện cam kết chi cho đơn vị trên hệ thống TABMIS, đồng thời gửi trả 01 liên chứng từ đề nghị cam kết chi NSNN hoặc điều chỉnh cam kết chi NSNN đã được ký duyệt và chấp thuận trên hệ thống TABMIS, trong đó ghi số cam kết chi để thông báo cho đơn vị.
Trường hợp không đảm bảo điều kiện cam kết chi quy định tại Điều 6 Thông tư này, Kho bạc Nhà nước không chấp nhận cam kết chi, trong thời hạn 01 ngày làm việc, Kho bạc Nhà nước thông báo ý kiến từ chối cam kết chi NSNN hoặc điều chỉnh cam kết chi NSNN theo Mẫu số 01- Thông báo về việc từ chối ghi nhận hợp đồng/cam kết chi NSNN ban hành kèm theo Thông tư này cho đơn vị được biết.
3. Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ đề nghị cam kết chi không đúng thời gian quy định tại Khoản 1 Điều này, Kho bạc Nhà nước thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Mục 1, Điều 62, Điều 63, Điều 64 Mục 3 Chương V Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Mục 2. QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT CAM KẾT CHI QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC
Điều 8. Quản lý thông tin nhà cung cấp
1. Thông tin về nhà cung cấp phải được quản lý và ghi nhận đầy đủ trên hệ thống TABMIS trước khi làm thủ tục cam kết chi và thanh toán qua Kho bạc Nhà nước.
2. Kho bạc Nhà nước hướng dẫn việc quản lý, ghi nhận và điều chỉnh thông tin về nhà cung cấp trên hệ thống TABMIS để Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch triển khai thực hiện.
Điều 9. Quản lý hợp đồng của hệ thống Kho bạc Nhà nước
1. Căn cứ hồ sơ đề nghị cam kết chi do đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm tra, đảm bảo có đầy đủ thông tin và nhập thông tin về hợp đồng vào hệ thống TABMIS.
Trường hợp hợp đồng có nhiều loại tiền hoặc nhiều nhà cung cấp hoặc được đảm bảo thực hiện bằng nhiều loại nguồn vốn NSNN, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch căn cứ thông tin trên Giấy đề nghị cam kết chi NSNN của đơn vị để quản lý hợp đồng đó trên hệ thống TABMIS chi tiết theo từng loại tiền hoặc từng nhà cung cấp hoặc từng loại nguồn vốn NSNN.
2. Trường hợp hợp đồng đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát hợp đồng: Kho bạc Nhà nước thông báo chấp thuận ghi nhận hợp đồng trên hệ thống TABMIS cho đơn vị sử dụng ngân sách theo Mẫu số 02 - Thông báo về việc chấp thuận ghi nhận hợp đồng trên hệ thống TABMIS ban hành kèm Thông tư này, trong đó thông báo mã số hợp đồng (được sinh ra từ hệ thống TABMIS) đã được phê duyệt, ghi nhận trên hệ thống TABMIS cho đơn vị được biết.
3. Trường hợp phát hiện hợp đồng không đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát hợp đồng: dự toán ngân sách nhà nước chưa được phê duyệt trên hệ thống TABMIS, Kho bạc Nhà nước thông báo cho đơn vị sử dụng ngân sách về lý do từ chối chấp thuận việc quản lý, ghi nhận hợp đồng trên hệ thống TABMIS theo Mẫu số 01- Thông báo về việc từ chối ghi nhận hợp đồng/cam kết chi NSNN ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 10. Quy trình quản lý, kiểm soát cam kết chi thường xuyên
1. Quy trình quản lý, kiểm soát cam kết chi trong năm đầu tiên phát sinh hợp đồng:
a) Tại đơn vị sử dụng ngân sách:
Hằng năm, đơn vị sử dụng ngân sách căn cứ tình hình thực tế xác định số kinh phí bố trí thanh toán cho hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp thuộc đối tượng phải thực hiện cam kết chi trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, dự toán điều chỉnh bổ sung (nếu có) và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ đề nghị cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm thủ tục kiểm soát cam kết chi theo quy định tại Thông tư này.
Trường hợp hợp đồng được bảo đảm bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác không phải nguồn từ ngân sách nhà nước (như nguồn tiền gửi, nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân,...): Đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện quản lý hợp đồng và cam kết chi đối với phần giá trị hợp đồng được đảm bảo bằng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.
b) Tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch:
Căn cứ đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách, Kho bạc Nhà nước thực hiện:
- Kiểm soát, đối chiếu hồ sơ đề nghị cam kết chi NSNN đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 6 Thông tư này.
- Kiểm soát, đối chiếu đề nghị cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu thông tin quy định tại Mẫu số 04a ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và được gửi trong thời hạn theo quy định;
Sau khi kiểm soát hồ sơ, tài liệu của đơn vị sử dụng ngân sách:
- Trường hợp đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, Kho bạc Nhà nước ghi nhận cam kết chi vào hệ thống TABMIS, Kho bạc Nhà nước xác nhận và gửi trả 01 liên chứng từ Giấy đề nghị cam kết chi NSNN, đồng thời, ghi số cam kết chi (được sinh ra từ hệ thống TABMIS) trả cho đơn vị sử dụng ngân sách được biết.
- Trường hợp không đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư này, Kho bạc Nhà nước từ chối, không ghi nhận cam kết chi trên hệ thống TABMIS và trả lại hồ sơ đề nghị cam kết chi của đơn vị, đồng thời, thông báo từ chối đề nghị cam kết chi NSNN theo Mẫu số 01- Thông báo về việc từ chối ghi nhận hợp đồng/cam kết chi NSNN ban hành kèm theo Thông tư này cho đơn vị biết.
2. Quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN trong những năm tiếp theo của hợp đồng:
a) Tại đơn vị sử dụng ngân sách:
Những năm tiếp theo của hợp đồng nhiều năm, đơn vị sử dụng ngân sách xác định và bố trí dự toán được giao trong năm cho từng hợp đồng nhiều năm, đảm bảo trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước đã được duyệt và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi.
Căn cứ số kinh phí bố trí cho hợp đồng trong năm ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách lập và gửi đề nghị cam kết chi NSNN trong năm cho hợp đồng đó đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm thủ tục kiểm soát cam kết chi (đơn vị sử dụng ngân sách không phải gửi lại hợp đồng nhiều năm đến Kho bạc Nhà nước).
b) Tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch:
Thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN trong những năm tiếp theo của hợp đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Thông tư này.
Điều 11. Quy trình quản lý, kiểm soát cam kết chi đầu tư
1. Tại đơn vị sử dụng ngân sách:
Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trong năm, kế hoạch vốn điều chỉnh, bổ sung (nếu có) và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi của dự án, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư bố trí cho từng hợp đồng trong năm ngân sách đó, đảm bảo trong phạm vi kế hoạch vốn năm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi của dự án đó.
a) Trường hợp hợp đồng được thực hiện trọn trong 01 năm ngân sách, số vốn đầu tư bố trí trong năm cho hợp đồng đúng bằng giá trị của hợp đồng đó.
b) Trường hợp hợp đồng có nhiều loại tiền, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư trong năm bố trí cho hợp đồng chi tiết theo từng loại tiền.
c) Trường hợp hợp đồng có nhiều loại nguồn vốn ngân sách nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư trong năm bố trí cho hợp đồng chi tiết theo từng loại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
d) Trường hợp hợp đồng được bảo đảm bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác không phải nguồn từ ngân sách nhà nước (như nguồn tiền gửi, nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân,...): Đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện quản lý hợp đồng và cam kết chi đối với phần giá trị hợp đồng được đảm bảo bằng nguồn ngân sách nhà nước ở mức phải thực hiện cam kết chi theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.
đ) Trường hợp hợp đồng có nhiều nhà cung cấp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư trong năm bố trí cho hợp đồng đó chi tiết theo từng nhà cung cấp.
2. Tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch:
Căn cứ đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách, Kho bạc Nhà nước thực hiện:
- Kiểm soát, đối chiếu hồ sơ cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến KBNN nơi giao dịch theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
- Kiểm soát, đối chiếu đề nghị cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu thông tin quy định tại Mẫu số 04a ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và được gửi trong thời hạn theo quy định;
Sau khi kiểm soát hồ sơ, tài liệu của đơn vị sử dụng ngân sách:
- Trường hợp đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, Kho bạc Nhà nước ghi nhận cam kết chi vào hệ thống TABMIS, xác nhận và gửi trả 01 liên chứng từ Giấy đề nghị cam kết chi NSNN, đồng thời, ghi số cam kết chi (được sinh ra từ hệ thống TABMIS) trả cho đơn vị sử dụng ngân sách được biết.
- Trường hợp không đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư này, Kho bạc Nhà nước từ chối, không ghi nhận cam kết chi trên hệ thống TABMIS và trả lại hồ sơ đề nghị cam kết chi của đơn vị, đồng thời, thông báo từ chối đề nghị cam kết chi NSNN theo Mẫu số 01- Thông báo về việc từ chối ghi nhận hợp đồng/cam kết chi NSNN ban hành kèm theo Thông tư này cho đơn vị biết.
Mục 3. ĐIỀU CHỈNH CAM KẾT CHI, XỬ LÝ CUỐI NĂM VÀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN CAM KẾT CHI TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC
Điều 12. Điều chỉnh cam kết chi và hợp đồng
1. Các trường hợp điều chỉnh:
a) Điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến phải điều chỉnh cam kết chi.
b) Điều chỉnh hợp đồng (điều chỉnh số tiền của hợp đồng, điều chỉnh các thông tin của hợp đồng) giữa đơn vị sử dụng ngân sách với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong năm ngân sách.
c) Điều chỉnh các thông tin chi tiết về cam kết chi.
d) Các khoản cam kết chi không đủ điều kiện thanh toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
đ) Số dư dự toán dành để cam kết chi chưa sử dụng trong năm nhưng không được chuyển sang năm sau.
2. Quy trình điều chỉnh:
Đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ điều chỉnh cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch. Căn cứ đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách, Kho bạc Nhà nước thực hiện điều chỉnh và thông báo lại ý kiến chấp thuận (hoặc từ chối) điều chỉnh cam kết chi cho đơn vị sử dụng ngân sách.
Điều 13. Xử lý cuối năm
1. Xử lý các khoản cam kết chi từ dự toán được giao trong năm.
Các khoản đã cam kết chi thuộc ngân sách năm nào chỉ được chi trong năm ngân sách đó, thời hạn thanh toán đối với các khoản đã cam kết chi phù hợp với thời hạn chi quy định đối với các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư. Hết năm ngân sách, bao gồm cả thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước, số tiền cam kết chi chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết phải bị hủy bỏ. Trường hợp dự toán ngân sách nhà nước được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định, việc xử lý cuối năm đối với các khoản cam kết chi giao Kho bạc Nhà nước hướng dẫn Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.
2. Xử lý các khoản cam kết chi từ dự toán ứng trước.
Các khoản cam kết chi từ dự toán ứng trước được thanh toán theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính.
Điều 14. Hạch toán kế toán cam kết chi tại Kho bạc Nhà nước
Hạch toán cam kết chi, điều chỉnh cam kết chi, thanh toán cam kết chi và chuyển nguồn cam kết chi được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, Thông tư số 19/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.
Mục 4. HỆ THỐNG MẪU BIỂU BÁO CÁO CAM KẾT CHI VÀ PHƯƠNG THỨC CHIA SẺ THÔNG TIN
Điều 15. Hệ thống mẫu biểu báo cáo về cam kết chi ngân sách nhà nước và phương thức chia sẻ thông tin
1. Hệ thống mẫu biểu báo cáo về cam kết chi được kết xuất tự động từ cơ sở dữ liệu sẵn có của hệ thống TABMIS thông qua phần mềm ứng dụng chia sẻ dữ liệu qua Trang thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước.
2. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (gồm Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) được cấp mã truy cập vào Trang thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước để khai thác các thông tin về tình hình thực hiện cam kết chi ngân sách nhà nước đối với các hợp đồng của từng chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý để phục vụ công tác quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách hằng năm, trung hạn của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
3. Kho bạc Nhà nước xây dựng hệ thống mẫu biểu báo cáo về cam kết chi ngân sách nhà nước, chế độ thông tin báo cáo và phương thức khai thác thông tin báo cáo để các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (gồm Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) khai thác.
Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị
1. Các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và cấp dưới thực hiện cam kết chi ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư này.
b) Khai thác thông tin về tình hình thực hiện cam kết chi ngân sách nhà nước đối với các hợp đồng của từng chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý để phục vụ công tác quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách hằng năm, trung hạn của các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua phần mềm ứng dụng chia sẻ dữ liệu thuộc Trang thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khai thác thông tin về tình hình thực hiện cam kết chi ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý để phục vụ công tác quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách hằng năm, trung hạn qua phần mềm ứng dụng chia sẻ dữ liệu thuộc Trang thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước.
3. Đơn vị sử dụng ngân sách:
a) Ký kết các hợp đồng với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu xây lắp đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng, phù hợp với nhiệm vụ được giao và tuân thủ quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định, đồng thời, phải cam kết dành dự toán, kế hoạch vốn bố trí để thanh toán cho các hợp đồng đã được ký kết, trên cơ sở đó làm thủ tục cam kết chi với Kho bạc Nhà nước đúng thời gian quy định tại Thông tư này và đảm bảo thực hiện thủ tục cam kết chi trước khi thực hiện tạm ứng, thanh toán đối với những khoản chi thuộc phạm vi phải cam kết chi theo chế độ quy định.
b) Tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước và những nội dung quy định tại Thông tư này. Trường hợp vi phạm, tuỳ theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước
1. Kiểm soát hồ sơ đề nghị cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách và thực hiện ghi nhận bút toán cam kết chi vào hệ thống TABMIS đối với các khoản cam kết chi đủ điều kiện cam kết chi theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Được quyền từ chối ghi nhận đối với các khoản cam kết chi không đúng quy định và thông báo cho đơn vị sử dụng ngân sách biết, đồng thời, chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Ban hành Quy trình hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước để các đơn vị Kho bạc Nhà nước triển khai thực hiện.
4. Xây dựng hệ thống mẫu biểu báo cáo và phương thức chia sẻ thông tin cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (gồm Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) khai thác.
Điều 18. Xử lý chuyển tiếp
Đối với các hợp đồng đã ký có hiệu lực, đơn vị sử dụng ngân sách đã gửi hợp đồng và đề nghị cam kết chi NSNN đến Kho bạc Nhà nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện việc quản lý kiểm soát cam kết chi theo quy định tại Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2008 và Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính.
Điều 19. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 11 năm 2021.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính và Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính.
3. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (gồm Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), các đơn vị thuộc và trực thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì được áp dụng theo các văn bản mới đó, trường hợp có phát sinh vướng mắc đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận: - Ban bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Tổng Bí thư; Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Toà án nhân dân tối cao; - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan TW của các Hội, đoàn thể, Tổng công ty nhà nước; Tập đoàn kinh tế Nhà nước; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN; - Lưu: VT; KBNN. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Võ Thành Hưng |
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài chính ngân hàng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Thông tư 89/2021/TT-BTC Quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước
137 KB 22/11/2021 10:56:00 SACơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Võ Thành Hưng |
Số hiệu: | 89/2021/TT-BTC | Lĩnh vực: | Tài chính |
Ngày ban hành: | 11/10/2021 | Ngày hiệu lực: | 24/11/2021 |
Loại văn bản: | Thông tư | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Demons
- Ngày:
Bài liên quan
-
Bảng giá điện 2024
-
Lịch nghỉ học của học sinh thành phố Hà Nội Tháng 9/2024
-
Mức xử phạt hành chính làm mất, cháy, hỏng hóa đơn năm 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Tài chính - Ngân hàng
Quyết định số 1600/QĐ-TTG
Thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty quản lý Quỹ
Quyết định 38/2018/QĐ-TTg
Thông tư 07/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72/2015/TT-BTC chế độ ưu tiên trong giám sát hải quan
Thông tư 133/2015/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
Công văn 276/TTg-QHQT
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác