Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 158/2020 về chứng khoán phái sinh

Tải về

Bộ tài chính ban hành Thông tư 58/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 về hướng dẫn một số điều của Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Theo đó, đối tượng áp dụng đối với các quy định tại thông tư này bao gồm tất cả các đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư 58 2021 BTC.

Để giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh và tài khoản ký quỹ bù trừ. Ngoài ra để đảm bảo giới hạn vị thế trên tài khoản giao dịch, các nhà đầu tư phải phải thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế...

Sau đây là nội dung chi tiết của Thông tư số 58 20201 Bộ tài chính, mời các bạn cùng theo dõi.

Thông tư số 58/2021/TT-BTC

BỘ TÀI CHÍNH

______

Số: 58/2021/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Đ ộc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2021

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh

_________________

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn các nội dung sau của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 158/2020/NĐ-CP):

a) Hoạt động giao dịch, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, bao gồm: Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ;

b) Hoạt động của thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh;

c) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

d) Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, ngân hàng thanh toán;

đ) Thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường, thành viên bù trừ;

e) Nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ đã được giải thích trong Nghị định số 158/2020/NĐ-CP, trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bù trừ là việc xác định vị thế và nghĩa vụ thanh toán ròng cho các bên tham gia giao dịch.

2. Giao dịch đối ứng là việc mở một vị thế mua (hoặc bán) mới nhằm làm giảm vị thế bán (hoặc mua) của chứng khoán phái sinh cùng loại, cùng tài sản cơ sở, cùng ngày đáo hạn đã mở trước đó.

3. Giá thanh toán là giá khớp lệnh giao dịch hợp đồng tương lai giữa các nhà đầu tư thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

4. Giá thanh toán cuối ngày là mức giá được xác định cuối ngày giao dịch để tính toán lãi lỗ hàng ngày của các vị thế.

5. Giá thanh toán cuối cùng là mức giá được xác định tại ngày giao dịch cuối cùng để xác định nghĩa vụ thanh toán khi thực hiện hợp đồng.

6. Giá trị tài sản ký quỹ bù trừ (sau đây gọi tắt là giá trị tài sản ký quỹ) bao gồm số dư trên tài khoản tiền gửi ký quỹ và giá trị danh mục chứng khoán ký quỹ được xác định theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

7. Khách hàng môi giới là nhà đầu tư thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh thông qua hoạt động môi giới của thành viên giao dịch.

8. Khách hàng bù trừ, thanh toán là thành viên không bù trừ và các khách hàng môi giới của thành viên này đã ủy thác hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho thành viên bù trừ được chỉ định.

9. Khối lượng mở của một chứng khoán phái sinh tại một thời điểm là số lượng hợp đồng chứng khoán phái sinh đang còn lưu hành tại thời điểm đó.

10. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ nộp một khoản tiền hoặc chứng khoán được chấp nhận ký quỹ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

11. Ký quỹ ban đầu là việc ký quỹ trước khi thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh,

12. Mức ký quỹ là giá trị ký quỹ hoặc tỷ lệ ký quỹ mà bên có nghĩa vụ phải nộp cho các hợp đồng chứng khoán phái sinh dự kiến thực hiện hoặc duy trì cho các hợp đồng chứng khoán phái sinh đang lưu hành.

13. Ký quỹ rủi ro là giá trị ký quỹ mà nhà đầu tư, thành viên bù trừ phải nộp để bù đắp mức lỗ tiềm tàng tối đa của chứng khoán phái sinh tính toán theo các kịch bản biến động giá của tài sản cơ sở.

14. Ký quỹ song hành hợp đồng tương lai là giá trị ký quỹ nhà đầu tư, thành viên bù trừ nắm giữ hợp đồng tương lai phải nộp để bù đắp mức lỗ tiềm tàng tăng thêm so với giá trị ký quỹ rủi ro do sự khác biệt về biến động giá của tài sản cơ sở và biến động giá của hợp đồng tương lai.

15. Ký quỹ chuyển giao hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là giá trị ký quỹ nhà đầu tư tham gia thanh toán thực hiện hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ phải nộp để bù đắp mức lỗ tiềm tàng có thể xảy ra trong trường hợp nhà đầu tư không có đủ tiền để thanh toán hoặc trái phiếu Chính phủ để chuyển giao.

16. Tỷ lệ ký quỹ bằng tiền là tỷ lệ giữa giá trị tài sản ký quỹ bằng tiền so với tổng giá trị tài sản phải ký quỹ.

17. Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán (sau đây gọi tắt là hợp đồng tương lai chỉ số) là hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán.

18. Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu giả định có một số đặc trưng cơ bản của trái phiếu Chính phủ.

19. Hợp đồng bù trừ, thanh toán là hợp đồng giữa thành viên bù trừ và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh đứng tên thành viên bù trừ với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

20. Tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh là tài khoản mở tại thành viên giao dịch để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh của khách hàng.

21. Thực hiện hợp đồng là việc các bên tham gia giao dịch hợp đồng tương lai thực hiện việc chuyển giao tài sản cơ sở, tài sản có thể chuyển giao và thanh toán tiền hoặc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá thanh toán cuối ngày, giá thanh toán và giá thanh toán cuối cùng theo nội dung của hợp đồng và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

22. Vị thế đứng tên thành viên bù trừ bao gồm vị thế của nhà đầu tư và vị thế của thành viên bù trừ, cụ thể như sau:

a) Vị thế trong các giao dịch tự doanh và tạo lập thị trường (nếu có) của thành viên bù trừ;

b) Vị thế của khách hàng môi giới của thành viên bù trừ;

c) Vị thế của khách hàng bù trừ, thanh toán.

23. Tài khoản giao dịch tổng là tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mà các vị thế mua và bán của cùng một hợp đồng tương lai (có cùng tài sản cơ sở và cùng tháng đáo hạn) được mở và duy trì cho đến khi thành viên bù trừ có đề nghị Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đối trừ trên cơ sở thỏa thuận hoặc yêu cầu của nhà đầu tư.

Chương II. SẢN PHẨM CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Điều 3. Hợp đồng tương lai chỉ số

1. Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số là chỉ số chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thiết kế trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng và quản lý chỉ số do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành sau khi báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

2. Hợp đồng tương lai chỉ số khi đáo hạn được thực hiện dưới hình thức thanh toán bằng tiền theo quy chế do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành.

3. Mẫu hợp đồng tương lai chỉ số do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành sau khi báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Điều 4. Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ

1. Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là:

a) Trái phiếu Chính phủ đang giao dịch trên thị trường; hoặc

b) Trái phiếu giả định có một số đặc trưng cơ bản của trái phiếu Chính phủ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng các đặc trưng cơ bản của trái phiếu Chính phủ, thiết kế trái phiếu giả định báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận trước khi thực hiện.

2. Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ khi đáo hạn được thực hiện dưới hình thức thanh toán bằng tiền hoặc chuyển giao tài sản cơ sở theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Phương thức thanh toán phải được quy định trước khi niêm yết.

3. Mẫu hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành sau khi báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

4. Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định và công bố trên trang thông tin điện tử các nội dung sau:

a) Danh sách các trái phiếu Chính phủ có thể chuyển giao, nguyên tắc xác định và hệ số chuyển đổi (đối với hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ thực hiện hợp đồng dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở);

b) Danh sách các trái phiếu Chính phủ được sử dụng để xác định giá thanh toán cuối cùng, nguyên tắc xác định và tỷ trọng từng trái phiếu trong danh sách đó (đối với hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ thực hiện hợp đồng dưới hình thức thanh toán bằng tiền),

5. Việc xác định và công bố thông tin về các trái phiếu Chính phủ quy định tại khoản 4 Điều này thực hiện theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định thời điểm cuối cùng để chốt danh sách các trái phiếu Chính phủ có thể chuyển giao hoặc được sử dụng để xác định giá thanh toán cuối cùng. Sau thời điểm đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không được điều chỉnh danh sách các trái phiếu Chính phủ nêu trên.

Chương III. HOẠT ĐỘNG GIAO DỊCH, BÙ TRỪ, THANH TOÁN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Mục 1. HOẠT ĐỘNG GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Điều 5. Giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư

1. Để giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ bù trừ (sau đây gọi là tài khoản ký quỹ) tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định. Trường hợp nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở mở tại thành viên giao dịch, nhà đầu tư được phép sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán này để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định.

2. Trước khi đặt lệnh giao dịch, trong thời gian nắm giữ vị thế và khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ.

3. Nhà đầu tư phải đảm bảo giới hạn vị thế trên tài khoản giao dịch theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Trường hợp vượt giới hạn vị thế, nhà đầu tư, thành viên bù trừ và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải thực hiện các biện pháp sau:

a) Nhà đầu tư phải thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế;

b) Sau thời hạn quy định, nhà đầu tư không thực hiện việc giảm vị thế, thành viên bù trừ được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư về mức đảm bảo tuân thủ giới hạn vị thế trên tài khoản;

c) Trường hợp thành viên bù trừ không thực hiện giao dịch đối ứng để đóng vị thế của nhà đầu tư, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được yêu cầu thành viên bù trừ khác hoặc được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư đứng tên thành viên bù trừ.

4. Việc thực hiện giao dịch đối ứng theo quy định tại khoản 3 Điều này thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Điều 6. Tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư phải ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh với thành viên giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật trước khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Công ty chứng khoán có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh nhưng không phải là thành viên giao dịch được mở tài khoản giao dịch tại thành viên giao dịch để đầu tư chứng khoán phái sinh theo quy định tại Thông tư này.

2. Nhà đầu tư là Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), các trưởng bộ phận, nhân viên của thành viên giao dịch chỉ được mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh cho mình tại chính thành viên giao dịch đó.

3. Ngoại trừ các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh theo nguyên tắc tại mỗi thành viên giao dịch chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, ứng với mỗi tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư được mở 01 tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

4. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại mỗi thành viên giao dịch, cụ thể như sau:

a) Được mở 02 tài khoản giao dịch tổng đứng tên công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư ủy thác, trong đó 01 tài khoản để giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư ủy thác trong nước, 01 tài khoản để giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư ủy thác nước ngoài;

b) Được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh cho mỗi quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán do công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý, đứng tên quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán tại mỗi thành viên giao dịch.

5. Công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài được mở 02 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại mỗi thành viên giao dịch, cụ thể như sau:

a) Được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh để thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

b) Được mở 01 tài khoản giao dịch tổng để thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư nước ngoài khác.

6. Việc đăng ký thông tin tài khoản giao dịch, tài khoản giao dịch tổng trên hệ thống bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Điều 7. Nhận, thực hiện lệnh, xác nhận kết quả giao dịch

1. Thành viên giao dịch nhận, thực hiện lệnh và xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 7 Điều 16 Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

2. Thành viên giao dịch chỉ được thực hiện lệnh của khách hàng khi lệnh giao dịch có đầy đủ các thông tin về khách hàng, ngày giao dịch, thời gian nhận lệnh, tài khoản giao dịch, ngày giao dịch, mã chứng khoán phái sinh giao dịch, phương thức giao dịch, loại lệnh, khối lượng giao dịch và giá giao dịch theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

3. Thành viên giao dịch phải từ chối nhận lệnh của khách hàng trong trường hợp:

a) Lệnh không có đầy đủ thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Khách hàng chưa ký quỹ đầy đủ, trừ các giao dịch đối ứng; hoặc

c0 Lệnh vượt quá giới hạn lệnh theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc lệnh dẫn tới vị thế của khách hàng trên tài khoản đó vượt quá giới hạn vị thế theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Điều 8. Sửa lỗi sau giao dịch

1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa lỗi sau giao dịch đối với các trường hợp sau:

a) Các giao dịch thiếu thông tin tài khoản của khách hàng do chưa cập nhật trên hệ thống thanh toán;

b) Giao dịch đóng vị thế có số lượng vị thế khớp lệnh lớn hơn số lượng vị thế đối ứng trên tài khoản bị đình chỉ giao dịch do vi phạm quy định về ký quỹ, giới hạn vị thế, giới hạn khối lượng mở của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Việc sửa lỗi sau giao dịch được thực hiện như sau:

a) Đối với lỗi giao dịch tại điểm a khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa lỗi về đúng tài khoản của khách hàng sau khi đã hoàn tất cập nhật thông tin trên hệ thống. Trường hợp đến thời điểm quy định của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam mà thành viên bù trừ không thực hiện việc cập nhật thông tin khách hàng trên hệ thống, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ thực hiện sửa giao dịch thiếu thông tin tài khoản về tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ;

b) Đối với lỗi giao dịch tại điểm b khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa giao dịch lỗi về tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ.

3. Đối với các lỗi giao dịch không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được xem xét, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để xử lý.

4. Các bên tham gia giao dịch phải chịu trách nhiệm đối với lỗi do mình gây ra trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình. Thành viên bù trừ chịu trách nhiệm đối với lỗi giao dịch của khách hàng, bao gồm cả giao dịch của thành viên không bù trừ và khách hàng của thành viên không bù trừ (đối với thành viên bù trừ chung).

5. Thành viên bù trừ sau khi sửa lỗi sau giao dịch bị mất khả năng thanh toán được sử dụng các nguồn hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.

6. Hồ sơ, trình tự, thủ tục sửa lỗi sau giao dịch thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Mục 2. HOẠT ĐỘNG BÙ TRỪ, THANH TOÁN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Điều 9. Nguyên tắc thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư

1. Hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư bao gồm thanh toán lãi lỗ vị thế và thanh toán khi thực hiện hợp đồng, cụ thể như sau:

a) Trường hợp thanh toán lãi lỗ vị thế:

- Tại các ngày giao dịch trước ngày giao dịch cuối cùng, giá trị khoản thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định hàng ngày trên cơ sở các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và chênh lệch giữa giá thanh toán cuối ngày so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước; hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán cuối ngày so với giá thanh toán (đối với vị thế vừa mở trong ngày); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với trường hợp đóng vị thế trước hạn); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán mở vị thế (đối với trường hợp mở và đóng vị thế trong cùng ngày giao dịch);

- Tại ngày giao dịch cuối cùng, giá trị khoản thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định trên cơ sở các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và chênh lệch giữa giá thanh toán cuối cùng so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước; hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán cuối cùng so với giá thanh toán (đối với vị thế vừa mở trong ngày); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với trường hợp đóng vị thế trước hạn); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán mở vị thế (đối với trường hợp mở và đóng vị thế trong cùng ngày giao dịch cuối cùng).

Giá thanh toán cuối ngày, giá thanh toán cuối cùng được công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

b) Trường hợp thanh toán khi thực hiện hợp đồng:

- Đối với hợp đồng thanh toán dưới hình thức bằng tiền: việc thực hiện hợp đồng được hoàn tất khi hoàn tất thanh toán lãi lỗ vị thế của ngày giao dịch cuối cùng.

- Đối với hợp đồng thanh toán dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở: Việc thực hiện hợp đồng được hoàn tất khi nhà đầu tư bên bán phải chuyển giao tài sản cơ sở hoặc tài sản có thể chuyển giao theo quy định và nhà đầu tư bên mua phải thực hiện thanh toán tiền theo các điều khoản tại hợp đồng và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; hoặc nhà đầu tư hoàn tất việc thanh toán khoán tiền bồi thường (nếu có) theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

2. Việc thanh toán được thực hiện trên tài khoản tiền gửi ký quỹ, tài khoản chứng khoán ký quỹ của nhà đầu tư. Hoạt động thanh toán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ phối hợp thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 11 Thông tư này.

Điều 10. Tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư

1. Thành viên bù trừ mở tài khoản tiền gửi ký quỹ cho nhà đầu tư đứng tên thành viên bù trừ và có trách nhiệm quản lý tách biệt tiền gửi ký quỹ tới từng nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 34 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP. Thành viên bù trừ được sử dụng tài khoản tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Thành viên bù trừ mở cho mỗi nhà đầu tư 01 tài khoản chứng khoán ký quỹ để quản lý vị thế, nghĩa vụ ký quỹ, tài sản ký quỹ bù trừ, tài sản có thể chuyển giao và thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho vị thế trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư. Thành viên không bù trừ, khách hàng môi giới của thành viên không bù trừ mở tài khoản chứng khoán ký quỹ tại một thành viên bù trừ chung.

2. Tài khoản tiền gửi ký quỹ và tài khoản chứng khoán ký quỹ của nhà đầu tư chỉ được sử dụng cho các hoạt động sau:

a) Nhận và hoàn trả tài sản ký quỹ cho nhà đầu tư;

b) Nhận lãi hoặc thanh toán lỗ hàng ngày từ vị thế của nhà đầu tư; thanh toán khi thực hiện hợp đồng; nhận lãi tiền gửi ký quỹ tại ngân hàng (nếu có);

c) Nhận hoặc chuyển giao tài sản cơ sở, tài sản có thể chuyển giao khi thực hiện hợp đồng (trường hợp thanh toán dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở) đối với vị thế của nhà đầu tư.

3. Khi thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ với thành viên bù trừ như sau:

a) Nhà đầu tư có trách nhiệm nộp đầy đủ ký quỹ ban đầu cho toàn bộ vị thế dự kiến mở cho thành viên bù trừ trước khi thực hiện giao dịch, ngoại trừ các giao dịch đối ứng;

b) Nhà đầu tư phải duy trì ký quỹ cho vị thế của mình và phải bổ sung ký quỹ khi giá trị tài sản ký quỹ xuống dưới mức ký quỹ yêu cầu hoặc số dư tiền gửi ký quỹ không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ bằng tiền theo yêu cầu của thành viên bù trừ. Tùy vào điều kiện thị trường, thành viên bù trừ có quyền yêu cầu nhà đầu tư bổ sung ký quỹ ngay trong phiên giao dịch;

c) Nhà đầu tư được rút bớt tài sản ký quỹ nếu giá trị tài sản ký quỹ vượt quá mức ký quỹ yêu cầu do thành viên bù trừ quy định;

d) Khi ký quỹ ban đầu hoặc bổ sung ký quỹ, thành viên bù trừ được yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ hoàn toàn bằng tiền hoặc cho phép nhà đầu tư sử dụng một phần tài sản ký quỹ là chứng khoán theo tỷ lệ ký quỹ bằng tiền do thành viên bù trừ quy định nhưng không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ bằng tiền theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

..............................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Chứng khoán được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 158/2020 về chứng khoán phái sinh
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhNgười ký:Huỳnh Quang Hải
Số hiệu:58/2021/TT-BTCLĩnh vực:Chứng khoán
Ngày ban hành:12/07/2021Ngày hiệu lực:27/08/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 97
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm