Thông tư 49/2016/TT-BTNMT về giám sát và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai

Tải về

Thông tư 49/2016/TT-BTNMT - Giám sát và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai

Thông tư 49/2016/TT-BTNMT quy định công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực ngày 01/3/2017 và thay thế Thông tư 05/2009 của Bộ Tài nguyên.

Nghị định 21/2017/NĐ-CP sửa đổi, hướng dẫn về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Nghị quyết 28/2016/QH14 sửa đổi Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 49/2016/TT-BTNMT Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2016

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THẨM ĐỊNH VÀ NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH, SẢN PHẨM TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất;

Căn cứ Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu đối với hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình, sản phẩm thuộc các chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ quản lý đất đai hoặc nhiệm vụ có hạng mục quản lý đất đai bao gồm:

1. Đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê;

3. Thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;

4. Lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

5. Xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất;

6. Điều tra thoái hóa đất;

7. Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai;

8. Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất;

9. Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp;

10. Quan trắc giám sát tài nguyên đất;

11. Các chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ chuyên môn khác về quản lý và sử dụng đất đai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giám sát công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai là hoạt động theo dõi về tiến độ thực hiện công trình và việc tuân thủ các quy chuẩn, quy định kỹ thuật và các quy định trong các chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kiểm tra công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai là việc thực hiện các phương pháp kỹ thuật để đánh giá chất lượng, xác định khối lượng các hạng mục công trình, sản phẩm theo các quy chuẩn, quy định kỹ thuật và các quy định trong các chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thẩm định công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai là việc đánh giá chất lượng, khối lượng công trình hoặc hạng mục công trình trên cơ sở hồ sơ, các sản phẩm công trình hoặc hạng mục công trình đã hoàn thành và tài liệu liên quan khác.

4. Nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai là việc chủ đầu tư xác nhận chất lượng, khối lượng các hạng mục công trình đã hoàn thành trên cơ sở kết quả giám sát, kiểm tra, thẩm định chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

5. Cơ quan quyết định đầu tư công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai là cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng vốn đầu tư cho công trình về lĩnh vực quản lý đất đai.

6. Chủ đầu tư công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai là cơ quan sở hữu vốn hoặc được cơ quan quyết định đầu tư giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư công trình về lĩnh vực quản lý đất đai.

Điều 4. Nguyên tắc giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm

1. Công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu công trình, sản phẩm phải tiến hành thường xuyên và có hệ thống trong quá trình thực hiện trên cơ sở kế hoạch giám sát, kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu được lập theo tiến độ thi công từng hạng mục hoặc toàn bộ công trình, sản phẩm.

2. Chủ đầu tư sử dụng đơn vị trực thuộc hoặc thuê đơn vị giám sát, kiểm tra có chức năng phù hợp (sau đây gọi chung là đơn vị giám sát, kiểm tra) thực hiện giám sát, kiểm tra công trình, sản phẩm cấp chủ đầu tư.

3. Các tổ chức, cá nhân thi công (sau đây gọi chung là đơn vị thi công) công trình, sản phẩm phải tự kiểm tra, nghiệm thu chất lượng, khối lượng của tất cả các hạng mục công trình, sản phẩm trước khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu.

4. Trong thời gian thi công nếu có sự thay đổi về chế độ chính sách tiền lương, định mức kinh tế - kỹ thuật thì quá trình giám sát, kiểm tra phải xác định cụ thể khối lượng các hạng mục công việc đã thực hiện trước và sau thời điểm chế độ chính sách tiền lương, định mức kinh tế - kỹ thuật thay đổi.

Điều 5. Mục đích giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm

1. Bảo đảm cho công trình, sản phẩm thực hiện theo đúng các quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến việc thi công, giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm.

2. Phát hiện những sai sót trong quá trình thi công để kịp thời khắc phục, xử lý các sai sót, các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công nhằm bảo đảm chất lượng công trình, sản phẩm.

3. Đánh giá, xác nhận đúng chất lượng, khối lượng, mức khó khăn (nếu có) của hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình, sản phẩm đã hoàn thành.

Điều 6. Cơ sở pháp lý để giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm

1. Chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản điều chỉnh của cấp có thẩm quyền trong quá trình thi công.

2. Các quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 7. Trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm

1. Trách nhiệm của cơ quan quyết định đầu tư.

a) Tổ chức thực hiện hoặc ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thực hiện thẩm định hồ sơ nghiệm thu đối với các công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai đã hoàn thành;

b) Quyết định giải quyết những phát sinh, vướng mắc đối với công nghệ chưa có quy định kỹ thuật; phát sinh do thay đổi chính sách; giải quyết những phát sinh, vướng mắc về định mức kinh tế - kỹ thuật khi thay đổi giải pháp công nghệ dẫn đến làm tăng giá trị dự toán vượt quá giá trị dự toán đã được phê duyệt; giải quyết những phát sinh về khối lượng, mức khó khăn (nếu có) dẫn đến tổng giá trị vượt quá 05 phần trăm so với tổng giá trị dự toán đã được phê duyệt; giải quyết việc kéo dài thời gian thi công công trình so với thời gian thi công đã được phê duyệt. Đối với dự án do Chính phủ quyết định đầu tư thì thực hiện theo quy chế quản lý dự án riêng (nếu có);

c) Quyết định đình chỉ thi công, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ công trình, sản phẩm công trình đang thi công không đúng chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc vi phạm các quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Trách nhiệm của chủ đầu tư.

a) Tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm chất lượng, khối lượng, tiến độ thực hiện đối với các công trình, sản phẩm được giao;

b) Quyết định giải quyết những phát sinh, vướng mắc về công nghệ trong quá trình thi công; giải quyết những phát sinh, vướng mắc về định mức kinh tế - kỹ thuật khi thay đổi giải pháp công nghệ nhưng không làm tăng giá trị dự toán so với giá trị dự toán đã được phê duyệt; giải quyết những phát sinh về khối lượng, mức khó khăn (nếu có) nhưng không làm giá trị vượt quá 05 phần trăm so với tổng giá trị dự toán đã được phê duyệt. Đối với dự án do Chính phủ quyết định đầu tư thì thực hiện theo quy chế quản lý dự án riêng (nếu có);

c) Báo cáo kịp thời với cơ quan quyết định đầu tư những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình;

d) Quyết định đình chỉ thi công, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ công trình, sản phẩm công trình đang thi công không đúng chương trình, đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc vi phạm các quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và phải báo cáo bằng văn bản đến cơ quan quyết định đầu tư;

đ) Lập báo cáo gửi cơ quan quyết định đầu tư về chất lượng, khối lượng, tiến độ các hạng mục công trình, sản phẩm đã hoàn thành khi kết thúc công trình.

Đánh giá bài viết
2 1.758
Thông tư 49/2016/TT-BTNMT về giám sát và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm