Thông tư 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ
Thông tư số 45 về hoạt động trạm thu phí đường bộ
- Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT
- THÔNG TƯ Quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ
- Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
- Chương II. HOẠT ĐỘNG TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ
- Điều 5. Quản lý và tổ chức vận hành trạm thu phí
- Điều 6. Vận hành và bảo trì hệ thống Back-End
- Điều 7. Vận hành và bảo trì hạ tầng trạm thu phí, hệ thống Front-End
- Điều 8. Thời gian làm việc, trang phục phù hiệu
- Điều 9. Hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ
- Điều 10. Dữ liệu thu
- Điều 11. Kết nối dữ liệu thu
- Điều 12. Quản lý, khai thác dữ liệu thu
- Điều 13. Quản lý, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ
- Chương III. QUẢN LÝ TIỀN THU
- Điều 14. Mở và sử dụng tài khoản thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ của chủ phương tiện
- Điều 15. Trách nhiệm của Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu
- Điều 16. Đối soát số thu và chuyển tiền vào tài khoản thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ; chứng từ, hóa đơn điện tử cho hoạt động thu
- Điều 17. Chuyển tiền thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và thanh toán chi phí cung cấp dịch vụ
- Điều 18. Chi phí vận hành, chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng, chi phí giám sát hoạt động thu phí
Ngày 31/12/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ.
Theo đó, trạm thu phí phải hoạt động 24/24 vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ trừ khi có văn bản dừng thu, tạm dừng thu phí của các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, so với Thông tư 15/2020/TT-BGTVT thì Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT đã bổ sung thêm 2 trường hợp trạm thu phí sử dụng đường bộ bị tạm dừng thu.
Sau đây là nội dung chi tiết Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT, mời các bạn cùng theo dõi.
Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 45/2021/TT-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021 |
THÔNG TƯ
Quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ
___________
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 16 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ trên mạng lưới đường bộ ở Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trạm thu phí đường bộ trên mạng lưới đường bộ ở Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Trạm thu phí đường bộ (sau đây gọi tắt là trạm thu phí) là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
2. Đơn vị quản lý thu là tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chuyển giao quyền thu hoặc cho phép thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
3. Đơn vị vận hành thu là tổ chức được Đơn vị quản lý thu giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện công việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí hoặc là Đơn vị quản lý thu trong trường hợp Đơn vị quản lý thu tự thực hiện.
4. Nhà cung cấp dịch vụ thu là đơn vị được quy định tại khoản 7 Điều 3 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (sau đây gọi tắt là Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg) và được Đơn vị quản lý thu ký hợp đồng dịch vụ để cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.
5. Đơn vị vận hành hệ thống quản lý, giám sát thu là đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền việc quản lý, vận hành hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu.
6. Hạ tầng trạm thu phí bao gồm: nhà điều hành; giá long môn và cổng trạm thu phí (nếu có); mặt đường và hệ thống điện chiếu sáng trong phạm vi trạm thu phí; đảo phân làn (nếu có); cabin thu phí (nếu có); các trang bị an toàn và hệ thống an toàn giao thông tại trạm thu phí.
7. Hệ thống phần mềm, thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí, trực tiếp tương tác với phương tiện giao thông đi qua trạm (sau đây được gọi là hệ thống Front-End) bao gồm các thiết bị điện tử như đầu đọc thẻ, ăng ten, ca-me-ra nhận dạng biển số, thiết bị nhận diện xe vào trạm, ba-ri-e tốc độ cao và các hệ thống phần cứng, phần mềm, thiết bị tự động hóa khác. Hệ thống Front-End kết nối với hệ thống Back-End để gửi thông tin giao dịch và thu nhận thông tin của phương tiện, thẻ đầu cuối.
8. Hệ thống điều hành trung tâm (sau đây được gọi là hệ thống Back-End) bao gồm các phân hệ, hệ thống phần cứng, phần mềm đặt tại Trung tâm dữ liệu, phục vụ các yêu cầu kinh doanh và vận hành thiết yếu nhất của hệ thống thu phí tự động không dừng. Hệ thống Back-End thực hiện thu nhận, xử lý các giao dịch được gửi về từ hệ thống Front-End và thực hiện các chức năng quản lý tài khoản, khách hàng (chủ phương tiện), thẻ đầu cuối, phương tiện giao thông đăng ký sử dụng thẻ đầu cuối, thanh toán bù trừ, báo cáo đối soát, kết nối với ngân hàng và các nghiệp vụ quản lý, điều hành khác.
9. Hệ thống quản lý, giám sát thu là hệ thống phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin có chức năng để quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu lưu lượng và doanh thu xe qua trạm thu phí.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động trạm thu phí đường bộ
1. Tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ:
a) Phải đặt trong phạm vi của dự án (không áp dụng với phương thức thu phí quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư này).
b) Phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
c) Thực hiện hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép.
d) Trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
e) Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản này.
2. Nguyên tắc hoạt động trạm thu phí đường bộ: Hoạt động trạm thu phí đường bộ phải được công khai, minh bạch; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, chỉ cung cấp thông tin khi có sự đồng ý của người sử dụng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chương II. HOẠT ĐỘNG TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ
Điều 5. Quản lý và tổ chức vận hành trạm thu phí
1. Đối với dự án xây dựng và vận hành theo phương thức đối tác công tư, hạ tầng trạm thu phí, hệ thống Front-End là hạng mục của dự án cần được xây dựng và hoàn thành trước khi Dự án đưa vào vận hành khai thác.
2. Đối với dự án xây dựng và vận hành theo hình thức khác tại khoản 1 Điều này, trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thu phí đường bộ, hạ tầng trạm thu phí thực hiện trong dự án, hoàn thành trước khi đưa vào vận hành khai thác. Đơn vị quản lý thu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hình thức đầu tư.
3. Đối với dự án đang trong giai đoạn khai thác: Đơn vị quản lý thu đề xuất hình thức tổ chức thu, nguồn kinh phí, hình thức đầu tư hệ thống Front-End với cơ quan có thẩm quyền để quyết định.
Điều 6. Vận hành và bảo trì hệ thống Back-End
1. Hệ thống Back-End do Nhà cung cấp dịch vụ thu quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và được thu hồi vốn thông qua chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.
2. Ngoài trung tâm dữ liệu được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng phải có trung tâm dữ liệu dự phòng hoặc hệ thống sao lưu dữ liệu cho trung tâm dữ liệu. Trung tâm dữ liệu, trung tâm dữ liệu dự phòng hoặc hệ thống sao lưu của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng được Nhà cung cấp dịch vụ thu đặt (hoặc thuê đặt chỗ) tại trung tâm dữ liệu có mức đảm bảo kỹ thuật đạt mức 3 trở lên được quy định tại Phụ lục A tiêu chuẩn TCVN 9250:2012 Trung tâm dữ liệu - Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông; và phải tuân thủ theo các quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với Trung tâm dữ liệu.
Điều 7. Vận hành và bảo trì hạ tầng trạm thu phí, hệ thống Front-End
Đơn vị vận hành thu thực hiện công tác vận hành và bảo trì hạ tầng trạm thu phí và hệ thống Front-End theo nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng dịch vụ thu với Đơn vị quản lý thu. Chi phí vận hành và bảo trì được lấy từ chi phí vận hành thu phí và chi phí bảo trì, vận hành dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác hoặc chi phí hệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.
Điều 8. Thời gian làm việc, trang phục phù hiệu
1. Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ (trừ những trường hợp dừng thu, tạm dừng thu khi có văn bản của cấp có thẩm quyền).
2. Khi trạm thu phí phải ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng, Đơn vị vận hành thu phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; đồng thời, phải báo cáo ngay cho Đơn vị quản lý thu và cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu phí vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
3. Người lao động làm việc tại trạm thu phí phải mặc đồng phục trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mẫu đồng phục của người lao động tại trạm thu phí do Đơn vị vận hành thu quyết định nhưng phải đảm bảo có phù hiệu, biểu trưng của Đơn vị vận hành thu, biển tên, chức danh được bố trí ở vị trí dễ nhận biết.
Điều 9. Hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng.
a) Hình thức điện tử không dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải dừng lại để trả tiền sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí ;
b) Hình thức một dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà khi qua trạm thu phí, phương tiện giao thông đường bộ thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn thu phí để trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ;
2. Thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín.
a) Phương thức mở là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện;
b) Phương thức kín là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.
3. Các đoạn tuyến cao tốc; các đoạn tuyến cao tốc nối tiếp nhau; các tuyến cao tốc; các tuyến cao tốc liên kết với nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín.
4. Làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) tại trạm thu phí được bố trí theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 5 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.
5. Hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được cấp có thẩm quyền quyết định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 10. Dữ liệu thu
1. Dữ liệu thu bao gồm dữ liệu thông tin chủ phương tiện của hệ thống thu hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng và dữ liệu về lịch sử giao dịch thu.
2. Dữ liệu thông tin chủ phương tiện của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng bao gồm các thông tin sau:
a) Thông tin liên hệ của chủ phương tiện: Số chứng minh nhân dân, hoặc số thẻ căn cước công dân, hoặc số hộ chiếu; mã số doanh nghiệp, địa chỉ nơi cư trú hoặc địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại liên lạc và địa chỉ hộp thư điện tử (nếu có) tiếp nhận chứng từ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng;
b) Mã số định danh của phương tiện giao thông đường bộ được nhận chi trả từ tài khoản thu phí;
c) Tải trọng phương tiện, số chỗ ngồi, loại xe, biển kiểm soát xe.
3. Dữ liệu về lịch sử giao dịch thu phí bao gồm:
a) Các tập tin dữ liệu thông tin giao dịch khi phương tiện giao thông qua trạm thu phí;
b) Các tập tin dữ liệu về lưu lượng, doanh thu thu phí, vé lượt, vé tháng, vé quý;
c) Các tập tin video giám sát làn, giám sát cabin (nếu có), giám sát toàn cảnh;
d) Các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí đường bộ bao gồm: Hình ảnh chụp biển số đảm bảo đọc rõ biển số; hình ảnh chụp toàn cảnh phương tiện lưu thông phải đảm bảo nhận được loại phương tiện;
đ) Thông tin số tiền trong tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và lịch sử giao dịch của tài khoản thu của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.
4. Dữ liệu thu phải tuân thủ theo quy định trong mục 5.3.5 TCVN 10849:2015 Hệ thống thu phí điện tử và các quy định của cơ quan có thẩm quyền.
5. Chế độ lưu dữ liệu thu
a) Lưu trữ tối thiểu 1 năm: Các tập tin video giám sát toàn cảnh, giám sát cabin (nếu có);
b) Lưu trữ tối thiểu 5 năm: Các tập tin video giám sát làn; các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí;
c) Lưu trữ từ thời điểm đưa trạm thu phí vào hoạt động đến thời điểm sau 10 năm kể từ khi thanh lý hợp đồng PPP: Dữ liệu thông tin chủ phương tiện của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng; các tập tin dữ liệu thông tin giao dịch khi phương tiện giao thông qua trạm thu phí; các tập tin dữ liệu về lưu lượng, doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, vé lượt, vé tháng, vé quý.
Điều 11. Kết nối dữ liệu thu
1. Dữ liệu thu được kết nối theo quy định trong mục 5.3.6 TCVN 10849:2015 Hệ thống thu phí điện tử và yêu cầu kết nối Back-End giữa các Nhà cung cấp dịch vụ thu.
2. Đối với dự án thực hiện phương thức kín, Đơn vị vận hành thu phải kết nối, đồng bộ dữ liệu về lịch sử giao dịch thu phí lên hệ thống Back-End của Nhà cung cấp dịch vụ thu ngay khi phương tiện đi qua trạm thu phí đầu vào.
3. Các Nhà cung cấp dịch vụ thu phải đảm bảo cơ chế kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu trên nguyên tắc sẵn sàng, khả thi, thuận tiện, tránh trùng lặp, lãng phí khi thực hiện quản lý, vận hành thu và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền . Chi phí kết nối dữ liệu thu giữa các Back-End do các Nhà cung cấp dịch vụ thu thỏa thuận với nhau, phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Các dữ liệu được nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Thông tư này phải được kết nối về Hệ thống quản lý, giám sát thu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
5. Kết nối dữ liệu thu phải đảm bảo tốc độ truyền dẫn, tính dự phòng; đáp ứng yêu cầu an ninh và bảo mật thông tin/dữ liệu theo các quy định được nêu trong mục 5.3.7 TCVN 10849:2015 Hệ thống thu phí điện tử và các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin .
Điều 12. Quản lý, khai thác dữ liệu thu
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, khai thác dữ liệu thu của các trạm thu phí đường bộ trên Hệ thống quản lý, giám sát thu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; khai thác dữ liệu thu điện tử không dừng thông qua tài khoản đăng nhập và mật khẩu được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin dành cho cơ quan quản lý nhà nước của hệ thống Back-end của Nhà cung cấp dịch vụ thu. Việc quản lý khai thác dữ liệu phải thực hiện theo quy định pháp luật về bảo mật thông tin.
2. Sở Giao thông vận tải quản lý, khai thác dữ liệu thu của các trạm thu phí đường bộ trên Hệ thống quản lý, giám sát thu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); khai thác dữ liệu thu điện tử không dừng của các trạm thu phí đường bộ do địa phương quản lý thông qua tài khoản đăng nhập và mật khẩu được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin dành cho cơ quan quản lý nhà nước của hệ thống Back-End của Nhà cung cấp dịch vụ thu.
3. Nhà cung cấp dịch vụ thu quản lý dữ liệu thu điện tử không dừng trên hệ thống Back-End theo quy định của hợp đồng dịch vụ thu.
4. Đơn vị quản lý thu và Đơn vị vận hành thu quản lý dữ liệu thu theo hình thức một dừng tại trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý.
5. Đơn vị quản lý thu và Đơn vị vận hành thu được khai thác dữ liệu thu điện tử không dừng của các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý thông qua tài khoản đăng nhập được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin của hệ thống Back -End của Nhà cung cấp dịch vụ thu.
6. Chủ phương tiện được khai thác dữ liệu tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (quy định tại Điều 14 Thông tư này) của chủ phương tiện trên hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng thông qua tài khoản đăng nhập được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin khách hàng của hệ thống BackEnd của Nhà cung cấp dịch vụ thu.
Điều 13. Quản lý, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ
1. Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu và Nhà cung cấp dịch vụ thu phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm thu phí để bảo đảm hoạt động thu đúng quy định; cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vấn đề liên quan an ninh, an toàn giao thông trong quá trình khai thác.
2. Cơ quan có thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ bằng Hệ thống quản lý, giám sát thu hoặc các phương pháp nghiệp vụ khác và xử lý vi phạm hoạt động của trạm thu phí theo quy định của pháp luật, theo quy định của hợp đồng.
3. Hệ thống quản lý, giám sát thu có vai trò, chức năng cung cấp thông tin phục vụ việc giám sát hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí được quy định chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Các bên: Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm phối hợp, cung cấp, cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý, giám sát thu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
Chương III. QUẢN LÝ TIỀN THU
Điều 14. Mở và sử dụng tài khoản thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ của chủ phương tiện
1. Mở tài khoản, sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ thực hiện theo Điều 10, Điều 11 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.
2. Toàn bộ số tiền trong tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được quản lý độc lập và tách biệt với các khoản tiền khác của Nhà cung cấp dịch vụ thu và chỉ được sử dụng cho các mục đích quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
a) Nhận tiền nộp vào tài khoản trả trước;
b) Thanh toán các khoản phải hoàn trả cho chủ phương tiện;
c) Chuyển trả cho các Đơn vị quản lý thu; chi trả dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng cho Nhà cung cấp dịch vụ thu;
d) Nộp tiền vào ngân sách nhà nước tiền phạt theo quy định của pháp luật.
đ) Chi trả các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác) để sử dụng dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng theo quy định.
5. Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ được gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không đủ để chi trả khi qua làn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp.
Điều 15. Trách nhiệm của Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu
1. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm:
a) Phát hành chứng từ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đúng đối tượng, đúng giá trị cho từng đối tượng phải trả tại trạm thu phí; không được thu, gây cản trở đối với các trường hợp không thuộc đối tượng trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật tại trạm thu phí, không được thay đổi mức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi chưa có chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước;
b) Thực hiện kiểm toán doanh thu hàng năm theo quy định của pháp luật và hợp đồng dịch vụ thu;
c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để đảm bảo thực hiện theo đúng hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật;
d) Hoàn trả doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cho Đơn vị quản lý thu sau khi trừ đi giá dịch vụ của trạm thu phí theo Hợp đồng dịch vụ thu;
đ) Quản lý đối với toàn bộ số tiền của các chủ phương tiện nộp vào tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của Nhà cung cấp dịch vụ thu theo quy định của pháp luật;
e) Phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho các khoản giá dịch vụ của trạm thu phí đã thanh toán trong tháng và chuyển hóa đơn giá trị gia tăng cho Đơn vị quản lý thu liên quan;
2. Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm:
a) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm: biện pháp quản lý sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của Nhà cung cấp dịch vụ thu, có cam kết/thỏa thuận với ngân hàng về việc quản lý sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của Nhà cung cấp dịch vụ thu;
b) Kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật;
c) Lập báo cáo doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và tình hình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, hàng năm và báo cáo Cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
d) Kiểm tra, đối chiếu, tiếp nhận khoản doanh thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được Nhà cung cấp dịch vụ thu chuyển trả. Sử dụng khoản kinh phí này để hoàn vốn cho hợp đồng PPP.
Điều 16. Đối soát số thu và chuyển tiền vào tài khoản thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ; chứng từ, hóa đơn điện tử cho hoạt động thu
1. Đối soát số tiền chủ phương tiện đã nộp vào tài khoản trả trước: Hàng ngày, Nhà cung cấp dịch vụ thu thực hiện đối soát số tiền chủ phương tiện đã nộp vào tài khoản trả trước với ngân hàng, đại lý và các đơn vị trung gian thanh toán. Hàng tháng, nếu số tiền trong tài khoản trả trước của chủ phương tiện được tính lãi tiền gửi, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm cộng số lãi phát sinh trong tháng vào tài khoản trả trước của chủ phương tiện theo quy định tính lãi của ngân hàng.
2. Đối soát số thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
a) Nhà cung cấp dịch vụ thu thực hiện đối soát số liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hàng ngày ngay sau thời điểm chốt số liệu (24 giờ tính từ thời điểm chốt số liệu trở về trước) với Đơn vị quản lý thu làm căn cứ xác nhận số thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đã thu được trong ngày, thời điểm chốt số liệu được thống nhất trong hợp đồng cung cấp dịch vụ thu;
b) Trước ngày mùng 5 hàng tháng, Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu thực hiện đối soát và chốt công nợ cho tháng liền trước đó;
c) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi năm tài chính, Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu thực hiện chốt công nợ và quyết toán cho năm liền trước đó.
3. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm xây dựng quy trình đối soát, chuyển tiền phù hợp với quy định của Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan.
4. Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm phối hợp với Nhà cung cấp dịch vụ thu để thực hiện quy trình đối soát và khắc phục, điều chỉnh các lỗi, sai số phát hiện được thông qua quá trình đối soát.
5. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm công khai số thu hàng ngày, số tiền các phương tiện còn nợ tại từng trạm thu phí (nếu có).
6. Hàng ngày, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm kiểm tra, cập nhật số liệu chính xác trên Hệ thống quản lý, giám sát thu các nội dung sau: Số tiền thu được, số tiền dịch vụ sử dụng đường bộ các phương tiện còn nợ tại từng trạm thu phí, số tiền chuyển cho các dự án PPP (chi tiết từng dự án), số tiền còn giữ lại; doanh thu, lưu lượng và giải trình chênh lệch doanh thu, lưu lượng.
Điều 17. Chuyển tiền thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và thanh toán chi phí cung cấp dịch vụ
1. Trên cơ sở số liệu đã thống nhất sau khi thực hiện đối soát hàng ngày với Đơn vị quản lý thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu chuyển toàn bộ số tiền thu dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) tại mỗi trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng cho Đơn vị quản lý thu sau khi trừ đi chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng theo hợp đồng dịch vụ thu giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu và Doanh nghiệp dự án PPP. Thời gian chuyển trả theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg và hợp đồng dịch vụ thu giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu và Doanh nghiệp dự án PPP nhưng không vượt quá 12 giờ kể từ thời điểm chốt số liệu. Trường hợp vào các ngày lễ, ngày nghỉ mà hệ thống ngân hàng nghỉ làm việc không thực hiện được việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng thì sẽ chuyển ngay (không quá 06 giờ) khi hệ thống ngân hàng làm việc trở lại.
2. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm xây dựng quy trình thực hiện giao dịch thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng; kê khai và nộp các loại thuế trên phần thu dịch vụ sử dụng đường bộ giữ lại.
3. Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm kê khai và nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều 18. Chi phí vận hành, chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng, chi phí giám sát hoạt động thu phí
1. Chi phí vận hành thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là các chi phí cần thiết để hoàn thành các công việc thu tiền sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Chi phí vận hành thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định theo quy định của cơ quan nhà nước ban hành hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng đã ký kết.
2. Chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng là khoản tiền mà Nhà cung cấp dịch vụ thu được hưởng để hoàn vốn cho đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì dự án thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng. Chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng của mỗi trạm thu phí được xác định cụ thể tại Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và được trích trực tiếp từ doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng sẽ được điều chỉnh tùy theo quy định tại các điều khoản Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng hoặc quy định của pháp luật có liên quan.
3. Chi phí giám sát hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ
Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm bố trí cán bộ thực hiện công tác kiểm tra giám sát thu, đối soát số liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ với Nhà cung cấp dịch vụ thu hoặc với Doanh nghiệp dự án PPP trong trường hợp thu liên thông. Chi phí cho công tác kiểm tra giám sát thu, đối soát của Đơn vị quản lý thu được lấy từ chi phí vận hành thu.
Cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai vận hành Hệ thống quản lý, giám sát thu; lập, trình cơ quan quản lý cấp trên quyết định giao dự toán hàng năm từ nguồn chi thường xuyên cho hoạt động kinh tế đường bộ theo quy định của Bộ Tài chính.
........................
Tải Thông tư 45/2021/TT-BGTVT .pdf
11/02/2022 9:48:55 SA
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Người ký: | Lê Đình Thọ |
Số hiệu: | 45/2021/TT-BGTVT | Lĩnh vực: | Giao thông |
Ngày ban hành: | 31/12/2021 | Ngày hiệu lực: | 31/03/2022 |
Loại văn bản: | Thông tư | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Bùi Linh
- Ngày:
Bài liên quan
-
Cách hợp thức hóa nhà xây dựng không phép mới nhất
-
Công bố danh mục sách giáo khoa mới lớp 3 năm học 2022-2023
-
Phụ lục Nghị định 13 2022 về sử dụng mã số mã vạch
-
Tra cứu khu vực ưu tiên 2024 mới nhất
-
Biểu mẫu nghị định 118 về xử phạt vi phạm hành chính
-
Biểu thuế GTGT hàng nhập khẩu của Hải quan năm 2022
-
Phụ lục 1 Nghị định 15 2022
-
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Văn bản Giao thông vận tải
Thông tư 41/2022/TT-BGTVT tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức ngành quản lý dự án hàng hải
Thông tư quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận lao động Hàng hải số 43/2015/TT-BGTVT
Công điện 04/2013/CĐ-BGTVT
Công văn 8601/VPCP-CN về sử dụng Giấy đăng ký phương tiện trong trường hợp thế chấp phương tiện
Nghị định 56/2022/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải
CSGT có quyền phạt người chạy xe vào đường cong không bật xi nhan?
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác