Thông tư 17/2012/TT-BVHTTDL

Thông tư 17/2012/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 27 tháng 12 năm 2012 về việc quy định về triển lãm, thi, liên hoan và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh.

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
------------------
Số: 17/2012/TT-BVHTTDL

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ
Quy định về triển lãm, thi, liên hoan và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh

---------------------

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về triển lãm, thi, liên hoan và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh.

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các hoạt động sau đây:

1. Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam và đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm.

2. Thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam và đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan.

3. Sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh trên báo chí, xuất bản phẩm, sản phẩm quảng cáo, để chuyển chất liệu hoặc kết hợp với loại hình nghệ thuật khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác.

2. Chuyển chất liệu là hình thức sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh để thể hiện sang chất liệu khác với chất liệu ban đầu.

3. Kết hợp với loại hình nghệ thuật khác là hình thức sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm nhiếp ảnh để tạo nên sản phẩm thuộc loại hình nghệ thuật: mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh và các loại hình khác.

4. Công bố, phổ biến tác phẩm nhiếp ảnh là việc đưa tác phẩm nhiếp ảnh đến công chúng thông qua hình thức triển lãm, trình chiếu, đưa lên mạng internet, đăng tải trên báo chí, xuất bản phẩm và các phương tiện kỹ thuật tác động đến thị giác khác.

Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động triển lãm, thi, liên hoan và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh

1. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái.

3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định.

4. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

5. Vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ và các quy định khác của pháp luật.

6. Vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh được sử dụng.

7. Sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 5. Quy định đối với một số hoạt động có liên quan khi tổ chức triển lãm, thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh

Các hoạt động có liên quan khi tổ chức triển lãm, thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh như quảng cáo, họp báo, trình diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí và các hoạt động khác phải tuân theo các quy định của pháp luật về các hoạt động đó.

Chương II
TRIỂN LÃM TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH

Mục 1
TRIỂN LÃM TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH TẠI VIỆT NAM

Điều 6. Điều kiện tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh

1. Tác phẩm nhiếp ảnh tham gia triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc, xuất xứ và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp trong thời gian triển lãm.

2. Địa điểm tổ chức triển lãm phải phù hợp với tính chất, quy mô của triển lãm; đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xã hội, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ; đảm bảo về không gian ánh sáng trưng bày.

3. Chủ địa điểm triển lãm chỉ được phép tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh khi có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 7. Thẩm quyền cấp Giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh

1. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với:

a) Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh quy mô đại diện cho quốc gia hoặc nhiều quốc gia;

b) Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh có quy mô toàn quốc;

c) Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh có quy mô toàn ngành;

d) Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh do tổ chức nước ngoài tổ chức có danh nghĩa đại diện cho một quốc gia hoặc có sự phối hợp của nhiều quốc gia;

đ) Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh do tổ chức quốc tế tổ chức.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh

1. Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Thông tư này. Hồ sơ đề nghị cấp phép gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam (Mẫu số 01);

b) Danh sách tác phẩm nhiếp ảnh bằng tiếng Việt (ghi rõ số thứ tự tác phẩm, tên tác phẩm, tên tác giả, chất liệu, kích thước, số lượng);

c) Ảnh mẫu đúng với ảnh sẽ triển lãm về nội dung, chú thích và được in trên giấy kích thước nhỏ nhất là 10 x 15cm hoặc ghi vào đĩa CD (file ảnh kích thước 10 x 15cm, độ phân giải 300dpi);

d) Bản sao các giấy tờ sau:

- Giấy chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng (đối với cá nhân Việt Nam);

- Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với cá nhân là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài);

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, khi nộp mang theo bản gốc để đối chiếu; trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu điện, nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

đ) Đối với các tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân lộ rõ danh tính còn phải có văn bản thỏa thuận giữa người chụp ảnh và người được chụp ảnh về nội dung chụp và phạm vi công bố tác phẩm.

2. Thời gian cấp giấy phép: Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh (Mẫu số 02); trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thành lập Hội đồng thẩm định trước khi cấp phép quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này thì thời hạn cấp giấy phép được phép kéo dài nhưng không quá 10 (mười) ngày làm việc.

3. Lệ phí cấp phép thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm cấp phép.

4. Sau khi được cấp phép, nếu có thay đổi một trong các nội dung ghi trong giấy phép, tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm phải làm lại thủ tục cấp phép.

Điều 9. Hội đồng thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh

1. Hội đồng thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Thông tư này thành lập đối với trường hợp cần thẩm định các tác phẩm nhiếp ảnh trước khi cấp phép.

2. Thành viên Hội đồng thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh là người có uy tín trong lĩnh vực hoạt động và quản lý nhiếp ảnh, có chuyên môn cao về nhiếp ảnh. Số lượng thành viên Hội đồng thẩm định tối thiểu là 05 người.

3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định:

a) Hội đồng thẩm định làm việc khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự;

b) Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo khách quan, công bằng;

c) Trong quá trình thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định có quyền trao đổi, thảo luận và bảo lưu ý kiến, nhưng phải chấp hành kết luận của Hội đồng thẩm định;

d) Kết luận của Hội đồng thẩm định phải được lập thành biên bản;

đ) Khi chưa có quyết định, thông báo chính thức hoặc sự đồng ý của cơ quan thành lập Hội đồng thẩm định thì các thành viên Hội đồng thẩm định không được thông tin về kết quả thẩm định.

4. Trách nhiệm và quyền lợi của Hội đồng thẩm định:

a) Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định:

- Tư vấn trong việc đánh giá chất lượng, nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm nhiếp ảnh;

- Chịu trách nhiệm trước cơ quan thành lập Hội đồng thẩm định về những ý kiến đánh giá của mình.

b) Quyền lợi của Hội đồng thẩm định:

Hội đồng thẩm định được hưởng thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo chế độ hiện hành, do cơ quan thành lập Hội đồng thẩm định chi trả.

Đánh giá bài viết
1 137
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi