Thông tư 04/2020/TT-TANDTC quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm hòa giải viên

Thông tư 04/2020/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về việc quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ hòa giải viên.

Ngày 16/11/2020, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 04/2020/TT-TANDTC về việc quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ hòa giải viên.

Cụ thể, quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên gồm các bước sau: Thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên; Tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên; Tư vấn lựa chọn Hòa giải viên; Ra quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên; Thông báo công khai danh sách Hòa giải viên. Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên có tối thiểu 03 người gồm Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên.

Bên cạnh đó, chậm nhất 02 tháng trước ngày hết nhiệm kỳ, Hòa giải viên có nguyện vọng tiếp tục làm Hòa giải viên, nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại tại Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

Ngoài ra, thẻ Hòa giải viên bị thu hồi nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Hòa giải viên được bổ nhiệm lại, phải nộp lại thẻ cũ để cấp thẻ mới; Hòa giải viên đã được miễn nhiệm, thôi làm Hòa giải viên; Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

Nội dung Thông tư 04 2020 TANDTC

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

___________

Số: 04/2020/TT-TANDTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM; CẤP VÀ THU HỒI THẺ HÒA GIẢI VIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 16 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi là Hòa giải viên).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người được đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên.

2. Hòa giải viên được xem xét miễn nhiệm, khen thưởng hoặc bị xử lý vi phạm theo quy định.

3. Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và người có thẩm quyền thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng hoặc xử lý vi phạm Hòa giải viên; cấp, đổi và thu hồi thẻ Hòa giải viên.

Điều 3. Định biên số luọng Hòa giải viên

1. Số lượng Hòa giải viên được xác định trên cơ sở số lượng vụ, việc dân sự, hành chính được thụ lý của từng Tòa án và các tiêu chí sau:

a) Tòa án có số lượng thụ lý dưới 300 vụ, việc/năm có tối đa 05 Hòa giải viên.

b) Tòa án có số lượng thụ lý từ 300 đến dưới 1.000 vụ, việc/năm có tối đa 15 Hòa giải viên.

c) Đối với các Tòa án có số lượng thụ lý từ 1.000 vụ, việc/năm trở lên thì cứ tăng thêm 100 vụ, việc/năm bổ sung thêm 01 Hòa giải viên.

2. Thủ tục đề xuất số lượng Hòa giải viên

a) Sau tổng kết công tác năm, căn cứ vào số lượng vụ, việc thụ lý, Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện) có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh) giao số lượng Hòa giải viên.

b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu, đề xuất số lượng Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).

c) Sau khi Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao số lượng Hòa giải viên đối với từng Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp.

Điều 4. Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên

1. Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) có tối thiểu 03 người; danh sách thành viên Hội đồng tư vấn do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định, gồm:

a) Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng.

b) Các Ủy viên: Trưởng đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh; 01 thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có người được đề nghị tuyển chọn, bổ nhiệm làm Hòa giải viên); đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức có liên quan đến người được đề nghị bổ nhiệm làm Hòa giải viên (nếu có).

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tư vấn

a) Lựa chọn người đủ điều kiện làm Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và hướng dẫn tại Thông tư này, để tư vấn cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên.

b) Xem xét việc miễn nhiệm, xử lý vi phạm Hòa giải viên theo quy định của pháp luật, để tư vấn cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn nhiệm, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên.

c) Hội đồng tư vấn tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 5. Ban hành các văn bản, biểu mẫu

Ban hành kèm theo Thông tư này các văn bản, biểu mẫu sau đây:

1. Tờ trình đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên (Mẫu số 01);

2. Tờ trình đề nghị bổ nhiệm lại Hòa giải viên (Mẫu số 02);

3. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên (Mẫu số 03);

4. Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Hòa giải viên (Mẫu số 04);

5. Quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên (Mẫu số 05);

6. Tờ trình đề nghị buộc thôi làm Hòa giải viên (Mẫu số 06);

7. Quyết định buộc thôi làm Hòa giải viên (Mẫu số 07)

8. Thẻ Hòa giải viên (Mẫu số 08);

9. Tờ khai đề nghị cấp thẻ Hòa giải viên (Mẫu số 09);

10. Tờ khai đề nghị cấp đổi, cấp lại Hòa giải viên (Mẫu số 10);

11. Đơn đề nghị bổ nhiệm (Mẫu số 11);

12. Đơn đề nghị bổ nhiệm lại (Mẫu số 12);

13. Sơ lược lý lịch (Mẫu số 13);

14. Biên bản họp Hội đồng tư vấn (Mẫu số 14);

15. Nghị quyết lựa chọn, bổ nhiệm/bổ nhiệm lại/miễn nhiệm hoặc xử lý vi phạm Hòa giải viên (Mẫu số 15);

16. Danh sách trích ngang đề nghị bổ nhiệm/bổ nhiệm lại/miễn nhiệm Hòa giải viên (Mẫu số 16a, Mẫu số 16b, Mẫu số 16c);

17. Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của Hòa giải viên (Mẫu số 17);

18. Đánh giá nhận xét của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc về quá trình thực hiện nhiệm vụ (Mẫu số 18).

Chương II. QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI VÀ MIỄN NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN

Mục 1. BỔ NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN

Điều 6. Quy trình bổ nhiệm

1. Thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên

Căn cứ nhu cầu và định biên số lượng Hòa giải viên đã được phê duyệt, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thông báo tuyển chọn Hòa giải viên và đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, niêm yết tại trụ sở của Tòa án nhân dân nơi có nhu cầu trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày đăng thông báo, niêm yết.

2. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên

a) Người có đủ điều kiện theo thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên.

b) Tòa án nhân dân nơi nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ đã đầy đủ các giấy tờ theo quy định.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ, Tòa án nơi nhận hồ sơ phải tiến hành phân loại hồ sơ. Đối với các trường hợp bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại thì lập danh sách cử đi bồi dưỡng gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp báo cáo Tòa án nhân dân tối cao.

d) Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp danh sách do Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi đến và làm văn bản chuyển Học viện Tòa án để tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo quy định.

đ) Sau khi các trường hợp được cử đi bồi dưỡng đã được cấp chứng chỉ, Tòa án nơi nhận hồ sơ lựa chọn người có đủ điều kiện và có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm (qua đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh).

3. Tư vấn lựa chọn Hòa giải viên

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng tư vấn để xem xét, lựa chọn Hòa giải viên.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh có văn bản, Hội đồng tư vấn tổ chức họp xem xét, thống nhất và ra nghị quyết lựa chọn người có đủ điều kiện làm Hòa giải viên

4. Ra quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên

a) Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng tư vấn, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên. Trường hợp từ chối bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Thông báo công khai danh sách Hòa giải viên

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời, gửi Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) để quản lý và công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao theo quy định.

Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm

1. Thủ tục đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên gồm các tài liệu sau:

a) Tờ trình đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên (theo Mẫu số 01);

b) Danh sách Hòa giải viên đề nghị bổ nhiệm (theo Mẫu số 16a);

c) Biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng tư vấn (theo Mẫu số 14 và Mẫu số 15);

d) Hồ sơ cá nhân của người được đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên (quy định tại khoản 2 Điều này).

2. Hồ sơ cá nhân:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm (theo Mẫu số 11);

b) Sơ lược lý lịch (theo Mẫu số 13);

c) Phiếu lý lịch tư pháp (được cấp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm);

d) Giấy chứng nhận sức khỏe (do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, còn giá trị trong 06 tháng);

đ) Giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm một trong các giấy tờ sau đây:

đ1) Quyết định bổ nhiệm hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên;

đ2) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc đã hoặc đang là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác;

đ3) Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trân về việc có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư.

e) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.

Mục 2. BỔ NHIỆM LẠI HÒA GIẢI VIÊN

Điều 8. Quy trình bổ nhiệm lại

1. Chậm nhất 02 tháng trước ngày hết nhiệm kỳ, Hòa giải viên có nguyện vọng tiếp tục làm Hòa giải viên, nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại tại Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

2. Căn cứ nhu cầu thực tế, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hòa giải viên, Tòa án nơi có Hòa giải viên làm việc có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét bổ nhiệm lại theo quy định.

3. Quy trình bổ nhiệm lại Hòa giải viên được thực hiện như quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 6 Thông tư này.

4. Quyết định bổ nhiệm lại Hòa giải viên phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết nhiệm kỳ làm Hòa giải viên. Trường hợp không đáp ứng điều kiện để bổ nhiệm lại, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 9. Thủ tục, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại

1. Thủ tục đề nghị bổ nhiệm lại Hòa giải viên gồm các tài liệu sau:

a) Tờ trình đề nghị bổ nhiệm lại Hòa giải viên (theo Mẫu số 02);

b) Danh sách Hòa giải viên đề nghị bổ nhiệm lại (theo Mẫu số 16b);

c) Biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng tư vấn (theo Mẫu số 14 và Mẫu số 15);

d) Đánh giá nhận xét của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc về quá trình thực hiện nhiệm vụ (theo Mẫu số 18);

đ) Hồ sơ cá nhân của người được đề nghị bổ nhiệm lại Hòa giải viên (quy định tại khoản 2 Điều này).

2. Hồ sơ cá nhân:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm lại (theo Mẫu số 12);

b) Giấy chứng nhận sức khóe (do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, còn giá trị trong 6 tháng);

c) Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của Hòa giải viên (theo Mẫu số 17).

Mục 3. MIỄN NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN

Điều 10. Quy trình miễn nhiệm

1. Khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng tư vấn xem xét việc miễn nhiệm Hòa giải viên.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh có văn bản, Hội đồng tư vấn tổ chức họp xem xét và ra nghị quyết về việc miễn nhiệm Hòa giải viên.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh trình, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên; xóa tên Hòa giải viên khỏi danh sách, thu hồi thẻ Hòa giải viên, thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi họ làm việc; đồng thời, gửi Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) để báo cáo và công bố trên Cổng thông tin điện tử theo quy định.

Điều 11. Thủ tục đề nghị miễn nhiệm

1. Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Hòa giải viên (theo Mẫu số 04).

2. Danh sách Hòa giải viên đề nghị miễn nhiệm (theo Mẫu số 16c).

3. Biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng tư vấn (theo Mẫu số 14 và Mẫu số 15).

4. Văn bản đề nghị miễn nhiệm Hòa giải viên của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc (nếu có).

5. Các tài liệu chứng minh (đối với các trường hợp thuộc điểm b khoản 1 Điều 13 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Chương III. CẤP, ĐỔI VÀ THU HỒI THẺ HÒA GIẢI VIÊN

Điều 12. Thẻ Hòa giải viên

1. Thẻ Hòa giải viên được cấp cho người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên tại các Tòa án nhân dân, để sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án; không được sử dụng vào việc khác không thuộc nhiệm vụ Hòa giải viên.

2. Mẫu Thẻ Hòa giải viên do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định, cụ thể như sau:

a) Kích thước: Chiều dài 95 mm, chiều rộng 62 mm;

b) Mặt trước: Nền xanh, trên cùng là dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” phông chữ VnArialH đậm, màu đỏ, in hoa, cỡ chữ 10; ở giữa là logo Tòa án có đường kính 20 mm; phía dưới logo Tòa án là dòng chữ “THẺ HÒA GIẢI VIÊN” phông chữ VnArialH, màu đỏ, in hoa, cỡ chữ 13

c) Mặt sau: Nền trắng có hoa văn chìm, màu vàng; ở giữa có hình trống đồng in chìm; góc trên bên trái có logo Tòa án, đường kính 9.8 mm; góc dưới bên trái có ảnh của Hòa giải viên (cỡ 20x30 mm); có thông tin về họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nhiệm kỳ, nơi làm việc, ngày cấp Thẻ Hòa giải viên.

d) Ảnh được đóng dấu chìm của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều 13. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục cấp thẻ Hòa giải viên

1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh cấp Thẻ Hòa giải viên cho người được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Trình tự, thủ tục cấp Thẻ Hòa giải viên

a) Người được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên làm Tờ khai đề nghị cấp Thẻ Hòa giải viên (theo Mẫu số 09, kèm theo 02 ảnh 20x30 mm) gửi Tòa án nơi mình làm việc.

b) Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc tiếp nhận tờ khai, kiểm tra đối chiếu thông tin, xác nhận vào tờ khai và gửi Tòa án nhân dân cấp tỉnh (qua đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh).

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai đề nghị cấp thẻ, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp Thẻ Hòa giải viên theo quy định tại Thông tư này.

Điều 14. Cấp đổi, cấp lại và thu hồi Thẻ Hòa giải viên

1. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên

a) Khi thay đổi thông tin cá nhân trong Thẻ Hòa giải viên: Trường hợp có sự thay đổi về thông tin, ngày tháng năm sinh..., Hòa giải viên báo cáo Chánh án Tòa án nơi mình làm việc, cung cấp các giấy tờ, tài liệu hợp pháp chứng minh có sự thay đổi.

b) Các thông tin trong Thẻ Hòa giải viên đã cấp bị sai sót: Hòa giải viên báo cáo Chánh án Tòa án nơi mình làm việc để cấp đổi Thẻ hòa giải viên.

c) Thẻ Hòa giải viên bị mất, bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng:

c1) Trường hợp bị mất: Hòa giải viên phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án nơi mình làm việc và nói rõ lý do, hoàn cảnh bị mất Thẻ, cung cấp các tài liệu kèm theo (nếu có);

c2) Trường hợp Thẻ Hòa giải viên bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng: Hòa giải viên phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án nơi mình làm việc để đề nghị cấp đổi Thẻ Hòa giải viên.

2. Thủ tục đề nghị cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên

a) Chánh án Tòa án có văn bản báo cáo rõ lý do đề nghị cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên theo quy định.

b) Tờ khai đề nghị cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên (theo Mẫu số 10).

c) Nộp lại Thẻ Hòa giải viên cũ để hủy theo quy định.

3. Các trường hợp thu hồi Thẻ Hòa giải viên

a) Hòa giải viên được bổ nhiệm lại, phải nộp lại Thẻ cũ để cấp thẻ mới.

b) Hòa giải viên đã được miễn nhiệm, thôi làm Hòa giải viên.

c) Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên.

Chương IV. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Khen thưởng đối với Hòa giải viên

Hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được xem xét, khen thưởng bằng các hình thức sau:

1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”;

2. Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

3. Giấy khen của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh.

Điều 16. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”

Hòa giải viên có thời gian làm nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ đủ 06 năm trở lên được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”.

Điều 17. Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Hòa giải viên được xem xét, tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong các trường hợp sau:

1. Có 02 năm liên tục hoàn thành xuất sắc công việc hòa giải, đối thoại được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tặng thưởng Giấy khen.

2. Có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề nghị.

Điều 18. Giấy khen của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh

Hòa giải viên được tặng Giấy khen của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong các trường hợp sau:

1. Có số lượng các vụ, việc “hòa giải, đối thoại thành” theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt từ 70% trở lên trong tổng số các vụ, việc được giao;

2. Có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện đề nghị.

...........................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Hành chính được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 270
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo