Thông báo 43/2013/TB-BGDĐT

Thông báo 43/2013/TB-BGDĐT về kết quả hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------------
Số: 43/TB-BGDĐT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------------------------

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2013

THÔNG BÁO

KẾT QUẢ HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ DẠY HỌC NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM

Trong hai ngày 0506/01/2013, tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam.

Hội thảo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì; tham dự có đại diện lãnh đạo, cán bộ các đơn vị bậc học và các đơn vị liên quan, Hội đồng bộ môn Ngữ văn của Bộ, một số trường ĐHSP, Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, 63 Sở GDĐT.

Hội thảo đã tập hợp được 142 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên các cấp học phổ thông.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng về đánh giá chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn, nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn hiện nay; định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; định hướng dạy học trong nhà trường phổ thông sau năm 2015.

Tổng hợp các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bộ GDĐT thông báo kết quả hội thảo như sau:

I. Đánh giá về chương trình, sách giáo khoa; phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thời gian qua

1. Những kết quả đạt được

1.1. Chương trình, sách giáo khoa hiện hành có một bước tiến so với Chương trình, sách giáo khoa trước đó

Về cơ bản, mục tiêu môn học đáp ứng đúng qui định của Luật Giáo dục và của Chương trình (CT) giáo dục phổ thông, khá toàn diện và đầy đủ trên 03 bình diện: kiến thức, kĩ năng và thái độ; CT đã xác định được chuẩn kiến thức, kỹ năng làm cơ sở để biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên để dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; cập nhật khoa học Ngôn ngữ và Văn học, đã thể hiện được nguyên tắc tích hợp trong dạy học.

Nhìn chung, sách giáo khoa (SGK) môn Ngữ văn đã cơ bản phù hợp với chương trình, với trình độ của học sinh; các tác phẩm văn học được bố trí theo thể loại giúp học sinh có những hiểu biết về đặc trưng thể loại, từ đó hình thành kỹ năng phân tích những tác phẩm cùng thể loại.

1.2. Về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay

Phương pháp dạy học Ngữ văn đã có những chuyển biến khá tích cực. Nhiều giáo viên Ngữ văn đã bước đầu áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới và công nghệ thông tin, truyền thông vào quá trình dạy học, bước đầu coi trọng việc chuyển hướng từ giảng văn sang phương pháp đọc hiểu văn bản.

Về kiểm tra đánh giá: đã bước đầu quan tâm ra đề theo hướng mở, gắn với các vấn đề cuộc sống. Nhiều giáo viên đã biết dựa vào chuẩn để xác định nội dung, xây dựng ma trận câu hỏi trắc nghiệm khách quan, câu hỏi tự luận khi xây dựng đề. Vấn đề đánh giá trong quá trình dạy học đã từng bước được quan tâm, những nghiên cứu về PISA bước đầu được ứng dụng vào thực tiễn đọc hiểu văn bản ở Việt Nam; bước đầu kết hợp giữa đánh giá của giáo viên và hoạt động tự đánh giá của học sinh.

1.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu về kiến thức cơ bản và một phần về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm

Công tác bồi dưỡng giúp GV bổ sung kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu dạy học Ngữ văn được tổ chức thường xuyên, định kì hằng năm đã giúp cho chất lượng giảng dạy bộ môn được cải thiện.

2. Hạn chế cần khắc phục

2.1. CT chưa nhất quán theo một trục qua các cấp học, nội dung còn nhiều trùng lặp, tính tích hợp giữa các hợp phần càng lên các lớp trên càng mờ nhạt. Việc tách biệt các hợp phần Tiếng Việt và Làm văn trong CT là không hợp lý. CT và SGK vẫn nặng tính hàn lâm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh – nhất là phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo.

Nhiều bài học trong SGK, nhất là ở các lớp trên, nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho HS. Một số nội dung còn cao đối với khả năng tiếp thu của HS, nhất là HS nông thôn, miền núi và những HS có ở những vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Thời lượng dành cho một số nội dung học tập chưa hợp lý. Hầu hết tác phẩm dạy trong SGK THCS, THPT tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời quá lâu, nhiều tác phẩm không phù hợp với tâm lý của HS hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập của các em.

2.2. Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá vẫn chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở hình thức, chưa có chiều sâu. Phương pháp dạy đọc hiểu chưa có hiệu quả, giáo viên chưa chú ý đến việc hình thành cho học sinh phương pháp đọc văn bản. Việc kiểm tra đánh giá vẫn chủ yếu là kiểm tra kiến thức nhớ, tái hiện, làm theo, chép lại,... học tác phẩm nào thi đúng tác phẩm đó, chưa đánh giá đúng được sự vận dụng kiến thức, chưa chú trọng việc đánh giá thường xuyên trên lớp học và sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy và học.

2.3. Chất lượng đầu ra của sinh viên (SV) chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn mặc dù điều kiện học tập ngày càng tốt hơn. Nhiều SV sau khi ra trường lúng túng trong việc dạy học bởi khoảng cách giữa việc học tập - thực tập ở nhà trường và thực tế dạy học. Kiến thức Văn, kĩ năng nghề của SV ngày càng sa sút, chưa coi trọng học tập và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Công tác tuyển sinh còn nhiều vấn đề cần bàn, CT đào tạo chưa xác định rõ các tiêu chí cho các học phần cơ bản/lựa chọn/bắt buộc; các tổ bộ môn trong khoa Ngữ văn chưa có sự phối hợp tốt, việc cấp chứng chỉ sư phạm chưa được quản lí chặt chẽ, phương pháp đào tạo lạc hậu, chưa phát huy tính tích cực và năng lực tự học của sinh viên.

Đội ngũ GV thụ động trong việc đáp ứng những đòi hỏi của việc thay đổi của chương trình, sách giáo khoa do ý thức tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng GV tuy được tổ chức thường xuyên, nhưng chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của giáo viên, hiệu quả thấp.

II. Khuyến nghị của hội thảo về định hướng và giải pháp đổi mới dạy học Ngữ văn

1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông

Cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn Ngữ văn ở trường phổ thông là: Hình thành và phát triển các năng lực cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học; đặc biệt là năng lực giao tiếp (kiến thức tiếng Việt cùng với 4 kĩ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết và khả năng ứng dụng các kiến thức và kĩ năng ấy vào các tình huống giao tiếp khác nhau trong cuộc sống ) và năng lực cảm thụ, thưởng thức văn học; bồi dưỡng và nâng cao vốn văn hóa cho người học thông qua những hiểu biết về ngôn ngữ và văn học, góp phần tích cực giáo dục, hình thành và phát triển cho HS những tư tưởng, tình cảm nhân văn trong sáng, cao đẹp.

Với nhận thức như vậy, cần mạnh dạn thay đổi cấu trúc môn học và cách biên soạn sách giáo khoa không theo lịch sử văn học mà cần tuyển chọn các văn bản theo hướng phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh, phục vụ có hiệu quả cho việc rèn luyện các kĩ năng (không phân biệt giai đoạn, thời kì, trong và ngoài nước). Vấn đề lịch sử văn học sẽ được hệ thống hóa ở các lớp cuối cấp, các chuyên đề chuyên sâu chỉ dành cho học sinh giỏi, học sinh sẽ dự tuyển vào ngành văn; các tri thức lí luận văn học sẽ được tích hợp vào quá trình dạy đọc văn và dạy viết văn nhằm nâng cao tính thiết thực, tránh lí thuyết hàn lâm.

2. Các năng lực cần hình thành cho học sinh

Theo định hướng phát triển năng lực, các môn học đều phải góp phần hình thành và phát triển một số năng lực chung bên cạnh các năng lực chuyên biệt của môn học. Theo yêu cầu này, môn Ngữ văn có ưu thế trong việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp (đó là năng lực chung/năng lực cốt lõi). Ngoài ra cần trao đổi tiếp để xác định những năng lực chuyên biệt, cụ thể nào trong môn Ngữ văn cần được hình thành và phát triển ở học sinh. Mức độ các năng lực ấy được thể hiện vào mục tiêu và chuẩn môn học qua từng cấp/ lớp như thế nào?

3. Tích hợp và phân hóa với môn Ngữ văn

Định hướng dạy học theo năng lực đòi hỏi các môn học tích hợp một số nội dung tri thức và kĩ năng nhằm giải quyết các tình huống trong học tập và trong cuộc sống. Tích hợp các mạch kiến thức lớn (văn học, tiếng Việt và Làm văn, văn hóa) trong nội bộ môn học qua trục kĩ năng. Ngoài ra, cần tích hợp nhiều hơn, tự nhiên hơn những lĩnh vực/ môn học khác.

Lấy trục kĩ năng làm chính, việc phân hóa vi mô được thể hiện qua Chuẩn CT các cấp, lớp học và được thực hiện thông qua quá trình dạy học. Cần chú ý tới hướng tổ chức nội dung môn Ngữ văn đáp ứng yêu cầu phân hóa vĩ mô thông qua các nội dung học tự chọn ở các lớp trên nhằm mục đích hướng nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các học sinh khác nhau về làm văn và văn học.

4. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá

Lựa chọn sử dụng các phương pháp phù hợp, quan tâm sâu sắc, tác động trực tiếp đến hoạt động học của học sinh để tạo ra sự chuyển biến trong quá trình học tập. Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, khả năng hợp tác, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đa dạng hoá các hình thức hoạt động học tập Ngữ văn, xây dựng môi trường học tập tích cực, tương tác, thể hiện rõ đặc trưng bộ môn Ngữ văn. Sử dụng phối hợp các phương pháp để giúp học sinh rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, hình thành năng lực giao tiếp, trong đó bao gồm cả giao tiếp đời sống và giao tiếp nghệ thuật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học Ngữ văn, khai thác thế mạnh của internet và các phần mềm dạy học. Mở rộng nghiên cứu và chắt lọc những kinh nghiệm quốc tế vào dạy học và kiểm tra đánh giá Ngữ văn – nhất là khoa học về đánh giá thường xuyên trên lớp học. Cần vận dụng các bộ công cụ đánh giá quốc tế theo hướng của PISA để đo lường năng lực đọc hiểu Ngữ văn của học sinh. Đổi mới cách ra đề và hướng dẫn chấm phù hợp để đánh giá được năng lực của người học, tránh hiện tượng học vẹt, viết theo bài văn mẫu, học tác phẩm nào thi tác phẩm đó.

5. Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên

Được xác định là khâu then chốt của quá trình đổi mới; phải thiết kế được một chương trình đào tạo giáo viên bảo đảm tính khoa học cao, tích hợp giữa khoa học sư phạm và khoa học cơ bản, đáp ứng Chuẩn nghề nghiệp GV. Hướng đổi mới quan trọng nhất là rèn luyện năng lực tự học và năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên, đánh giá đúng tầm quan trọng và tăng cường các giải pháp, thời lượng cho việc học tập và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên. Nâng cao nhận thức của GV về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng. Xác định bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ không chỉ là trách nhiệm của các cấp quản lý mà phải trở thành và xuất phát từ nhu cầu thường xuyên của mỗi GV. Đa dạng hóa, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức bồi dưỡng giáo viên nhằm bồi dưỡng toàn diện: về chính trị đạo đức, phẩm chất, năng lực SP, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực kiến thức bổ trợ (tin học, ngoại ngữ, năng lực tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học…). Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lí giáo dục, trường sư phạm và giáo viên, trường phổ thông trong quá trình bồi dưỡng thường xuyên GV.

Trên đây là kết quả Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam. Bộ GDĐT thông báo đến các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT để biết và nghiên cứu vận dụng trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo hiện nay, hướng tới việc xây dựng và triển khai thực hiện CT, SGK mới giai đoạn sau 2015.

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Các Sở GDĐT; các cơ sở đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên phổ thông (để thực hiện);
- Các đơn vị liên quan (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)


Nguyễn Vinh Hiển

Đánh giá bài viết
1 98
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi