Quyết định pháp luật về trẻ em phải được tham vấn ý kiến trẻ em số 1235/QĐ-TTg

Tải về

Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em

Quyết định số 1235/QĐ-TTg phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020. Quyết định này được Thủ Tướng chính phủ ban hành, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và quyết định 1235/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1235/QĐ-TTgHà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát: Tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.

2. Các mục tiêu cụ thể:

a) 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em;

b) 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em;

c) 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em;

d) 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ít nhất 02 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI CHƯƠNG TRÌNH

1. Đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quyền của trẻ em.

2. Phạm vi của Chương trình: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp cho trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân.

2. Các cơ quan nhà nước khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em; nhà trường, cộng đồng, xã hội khi xây dựng và thực hiện quyết định, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em phải tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em bằng các hình thức phù hợp.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm: Ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương; huy động từ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Phê duyệt kèm theo Chương trình các dự án sau:

1. Dự án 1: Truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em

a) Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em;

b) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

  • Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
  • Các cơ quan phối hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Dự án 2: Nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em

a) Mục tiêu: Nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ đoàn, đội, cha mẹ và trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em;

b) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

  • Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
  • Cơ quan phối hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối các hoạt động của Chương trình;

b) Tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định của pháp luật;

c) Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông về chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về quyền tham gia của trẻ em;

d) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

đ) Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tham vấn ý kiến trẻ em khi xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình, đề án có liên quan đến trẻ em;

e) Tổ chức tổng kết việc thực hiện Chương trình.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách đoàn, đội trong trường học về việc xây dựng và áp dụng phương pháp giáo dục gắn liền với sự tham gia của trẻ em;

b) Tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo và năng lực, sự phát triển của trẻ em.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy các hoạt động tham gia của trẻ em trong gia đình.

4. Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; phối hợp thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.

5. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em phải có hình thức tham vấn ý kiến trẻ em phù hợp và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành chức năng;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hằng năm về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; lồng ghép việc thực hiện Chương trình với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn;

c) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, đề án phải tham vấn ý kiến trẻ em;

d) Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Chương trình;

đ) Kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương và thực hiện chế độ báo cáo hằng năm về kết quả triển khai Chương trình gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai Chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền tham gia của trẻ em; tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về quyền tham gia của trẻ em.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Vũ Đức Đam

Đánh giá bài viết
1 212
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm