Quyết định 1984/QĐ-TCT về việc ban hành phạm vi ứng dụng chữ ký số trong ngành Thuế

Quyết định 1984/QĐ-TCT ban hành phạm vi ứng dụng chữ ký số trong ngành Thuế

Quyết định 1984/QĐ-TCT về việc ban hành "Quy chế tạm thời quản lý và sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số trong ngành thuế" được Bộ tài chính ban hành ngày 19 tháng 10 năm 2015 quy định về phạm vi ứng dụng chữ ký số trong ngành Thuế.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

Số: 1984/QĐ-TCT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỨNG THƯ SỐ,
DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ TRONG NGÀNH THUẾ"

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 114/QĐ-BTC ngày 15/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghệ thông tin trực thuộc Tổng cục Thuế;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

Căn cứ Thông tư số 05/2010/TT-BNV ngày 01/07/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tạm thời quản lý và sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số trong ngành Thuế".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các Vụ/đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
  • Như điều 2;
  • Website Tổng cục Thuế;
  • Lưu: VT, CNTT (2b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG

Bùi Văn Nam

QUY CHẾ

TẠM THỜI QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỨNG THƯ SỐ, DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ TRONG NGÀNH THUẾ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1984/QĐ-TCT ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Quy chế này quy định việc sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong quá trình đăng ký, quản lý và sử dụng chứng thư số để xác thực thông tin, chứng thực chữ ký số trong các giao dịch điện tử trong nội bộ ngành Thuế và giao dịch điện tử với các cơ quan, tổ chức khác.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Phạm vi: Áp dụng đối với các giao dịch điện tử trong nội bộ ngành Thuế và giao dịch điện tử giữa cơ quan Thuế với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Đối tượng: Áp dụng đối với cá nhân, đơn vị thuộc ngành Thuế sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chứng thư số: Là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp, bao gồm chứng thư số chuyên dùng và chứng thư số công cộng.

2. Chứng thư số chuyên dùng: Là một dạng chứng thư điện tử do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cấp cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

3. Chứng thư số công cộng: Là một dạng chứng thư điện tử do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Thuê bao: Là cá nhân, đơn vị thuộc ngành Thuế được cấp chứng thư số và giữ khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số được cấp.

5. Chữ ký số: Là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng. Theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

  • Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
  • Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu được đảm bảo kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

6. Thiết bị lưu khóa bí mật: Là thiết bị vật lý chứa chứng thư số và khóa bí mật của thuê bao.

7. Ký số: Là việc đưa khóa bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào văn bản điện tử cần ký.

8. Cổng thông tin điện tử: Là điểm truy cập duy nhất của cơ quan trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dùng có thể khai thác và sử dụng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Đối tượng được sử dụng chứng thư số

  • Cơ quan Tổng cục Thuế, các đơn vị trực thuộc cơ quan Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế được sử dụng chứng thư số cho cơ quan, tổ chức.
  • Lãnh đạo từ cấp Phó trưởng phòng trở lên tại các Vụ/đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan Tổng cục Thuế; Lãnh đạo từ cấp Phó trưởng phòng trở lên tại Cục Thuế; Lãnh đạo từ cấp Phó đội trưởng trở lên tại Chi cục Thuế và các trường hợp phát sinh khác do yêu cầu của Tổng cục Thuế được sử dụng chứng thư số cho cá nhân.

Điều 5. Sử dụng chữ ký số

  • Ký số đối với văn bản điện tử:
    • Văn bản điện tử phải có đủ chữ ký số của cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm ký văn bản điện tử theo quy định.
    • Văn bản điện tử được ký bởi chữ ký số của cá nhân có giá trị như văn bản giấy được ký tay bởi cá nhân đó; Văn bản điện tử được ký bởi chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu có giá trị như văn bản giấy được ký tay bởi người có thẩm quyền đó và được đóng dấu.
    • Văn bản điện tử được số hóa từ văn bản giấy đã ký, đóng dấu được ký số bởi chữ ký số của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản có giá trị như văn bản giấy đã ký, đóng dấu khi chưa số hóa.
    • Việc ký thay, ký thừa lệnh theo quy định của pháp luật thực hiện bởi người có thẩm quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký ghi trên chứng thư số.
  • Các trường hợp khác về sử dụng con dấu trên văn bản khi chuyển sang môi trường điện tử sẽ tương ứng như sau:
    • Trường hợp phải có dấu giáp lai: Trong môi trường điện tử, chữ ký số đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản điện tử. Văn bản điện tử khi có chữ ký số hợp pháp không cần cơ chế đảm bảo tính toàn vẹn bổ sung tương ứng với dấu giáp lai.
    • Trường hợp phải có dấu treo: Trong môi trường điện tử, nếu tài liệu đi kèm với văn bản chính nằm trong cùng một tệp điện tử và văn bản chính có chữ ký số hợp pháp thì không cần cơ chế bổ sung để đảm bảo tài liệu đi kèm là phần không thể tách rời nội dung của văn bản chính. Nếu tài liệu đi kèm với văn bản chính không cùng một tệp điện tử thì tệp đi kèm cần được ký số bởi chữ ký số của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
  • Ký qua cổng thông tin điện tử.
    • Các văn bản điện tử tự động ra bên ngoài được ký bởi chữ ký số của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
    • Đối với các văn bản điện tử gửi đến cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị mà có yêu cầu ký số bởi chữ ký số chuyên dùng của Tổng cục Thuế thì cá nhân, tổ chức gửi văn bản phải ký số bằng chữ ký số chuyên dùng của cá nhân hoặc của cơ quan, tổ chức.
    • Đối với các văn bản điện tử gửi cho cá nhân, tổ chức không thuộc hệ thống chính trị mà có yêu cầu ký số bởi chữ ký số công cộng của Tổng cục Thuế thì cá nhân, tổ chức gửi văn bản phải thực hiện ký số bằng chữ ký số của cá nhân hoặc của cơ quan, tổ chức.

Điều 6. Phạm vi ứng dụng chữ ký số

Chữ ký số chuyên dùng sử dụng trong các giao dịch điện tử nội bộ ngành Thuế hoặc với các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Chữ ký số công cộng sử dụng trong các giao dịch điện tử giữa cơ quan Thuế với các cá nhân, tổ chức không thuộc hệ thống chính trị. Cụ thể như sau:

  • Ký số các văn bản điện tử bao gồm:
    • Giấy mời họp, biên bản, thông báo, báo cáo, công văn, tờ trình, văn bản chỉ đạo điều hành (trừ tài liệu chưa được công bố hoặc tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước);
    • Văn bản, tài liệu công bố trên cổng thông tin điện tử nội bộ ngành Thuế;
    • Các văn bản khác liên quan tới quy trình quản lý thuế.
  • Gửi và nhận thư điện tử trong các trường hợp quy định phải sử dụng chữ ký số.
  • Thực hiện các giao dịch truy vấn, trao đổi thông tin với các đơn vị bên ngoài ngành Thuế thông qua các chức năng trong các ứng dụng CNTT có yêu cầu sử dụng chữ ký số.
  • Cung cấp các thông tin mật khi gửi qua mạng theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Đánh giá bài viết
1 148
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi