Quy định 109-QĐ/TW

Tải về

Quy định 109-QĐ/TW - Công tác kiểm tra cán bộ Đảng viên năm 2018

Quy định 109-QĐ/TW năm 2018 về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên do Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 03/01/2018. Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết.

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 109-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2018

QUY ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG ĐỐI VỚI VIỆC TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;

- Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;

- Căn cứ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ;

- Căn cứ Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;

Ban Bí thư quy định công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1- Quy định này áp dụng đối với cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (gọi tắt là tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống) theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

2- Tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 2. Mục đích kiểm tra

1- Kịp thời nắm bắt và giúp cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

2- Phát huy ưu điểm, kịp thời phát hiện gương cán bộ, đảng viên tiêu biểu, điển hình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống để nhân rộng, biểu dương, khen thưởng.

3- Giáo dục và ngăn ngừa vi phạm đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống theo quy định.

Điều 3. Nguyên tắc kiểm tra

1- Tuân thủ Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; bảo đảm nguyên tắc, phương pháp, quy trình công tác theo quy định của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng.

2- Tổ chức đảng kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý. Cán bộ, đảng viên phải tự kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền khi được yêu cầu.

3- Kiểm tra của tổ chức đảng phải gắn với việc tự kiểm tra, tự phê bình của cán bộ, đảng viên được kiểm tra và tổ chức đảng có đảng viên được kiểm tra trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

4- Kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên phải gắn với công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ.

Điều 4. Trách nhiệm và quyền của chthể kiểm tra

1- Ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

2- Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo, giải trình về nội dung kiểm tra.

3- Thẩm tra, xác minh, kết luận về nội dung kiểm tra.

4- Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý đảng viên vi phạm trong việc thực hiện Quy định.

5- Thực hiện trách nhiệm và quyền của chủ thể kiểm tra theo quy định của Đảng.

Điều 5. Trách nhiệm và quyền của đối tượng kiểm tra

1 - Báo cáo đầy đủ, trung thực, kịp thời theo yêu cầu của chủ thể kiểm tra.

2- Giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.

3- Chấp hành nghiêm các quy định của Đảng về công tác kiểm tra và các quyết định xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

4- Thực hiện trách nhiệm và quyền của đối tượng kiểm tra theo quy định của Đảng.

Điều 6. Chế độ kiểm tra

1- Đối với tổ chức đảng

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện, kiểm tra hằng năm đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý, lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

b) Phân công các thành viên cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức đảng cấp dưới thực hiện kiểm tra cán bộ, đảng viên thực hiện việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo thẩm quyền.

d) Thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất đối với cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

đ) Tiến hành kiểm tra cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống thông qua sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm.

2- Đối với cán bộ, đảng viên

a) Thường xuyên tự kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống gắn với việc thực hiện nhiệm vụ cán bộ, đảng viên, những điều đảng viên không được làm và chức trách, nhiệm vụ được giao.

b) Định kỳ hằng năm, cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trước chi bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội mà mình là thành viên. Tham gia ý kiến phê bình đối với đồng chí mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

c) Chịu sự kiểm tra của chi bộ và tổ chức đảng cấp trên; có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của mình.

Chương II

THẨM QUYỀN, NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

Điều 7. Thẩm quyền kiểm tra

1- Cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp (trừ chi ủy): Kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp mình.

2- Ủy ban kiểm tra: Kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp ủy cùng cấp theo sự phân công của cấp ủy.

3- Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy: Kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý, lĩnh vực được phân công phụ trách.

4- Chi bộ: Kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong chi bộ, kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý sinh hoạt đảng tại chi bộ.

Điều 8. Nội dung kiểm tra

1- Việc nghiên cứu, quán triệt các nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của bản thân cán bộ, đảng viên.

2- Về tinh thần yêu nước, kiên định thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về chống suy thoái, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng; nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3- Về ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo chính đáng của nhân dân; chống biểu hiện về sự vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

Về tình thương yêu, đoàn kết, hợp tác với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp; đoàn kết, hợp tác quốc tế; chống chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

4- Về thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về đức tính khiêm tốn, trung thực, dũng cảm; về chống phô trương hình thức; chống tham nhũng, lãng phí, dối trá, hối lộ, bê tha, trụy lạc, nói không đi đối với làm, chạy theo danh vọng, địa vị, tư lợi cá nhân, tha hóa quyền lực.

5- Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

6- Về thực hiện các chuẩn mực đạo đức và đạo đức nghề nghiệp do cơ quan, đơn vị, tổ chức ban hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

7- Việc động viên cha, mẹ, vợ hoặc chồng và giáo dục con giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật, không để người thân lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi.

8- Các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Điều 9. Đối tượng kiểm tra

Kiểm tra cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; cán bộ, đảng viên công tác ở các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng (công tác quản lý cán bộ; quản lý và sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, rừng; đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng; điều tra, truy tố, xét xử; y tế, giáo dục...).

Điều 10. Hình thức kiểm tra

1- Kiểm tra thường xuyên: Người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức đảng được phân công kiểm tra trực tiếp trao đổi, đối thoại với đối tượng kiểm tra hoặc trao đổi, tìm hiểu thông qua cấp ủy nơi sinh hoạt, nơi cư trú, người thân của đối tượng kiểm tra. Bản thân cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thường xuyên tự kiểm tra.

2- Kiểm tra đột xuất: Kiểm tra và kết luận kịp thời khi có sự việc đột xuất xảy ra hoặc khi có yêu cầu của tổ chức đảng cấp trên đối với cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; chủ yếu thông qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo hoặc kiểm tra việc vi phạm Quy định này.

3- Kiểm tra định kỳ: Căn cứ yêu cầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định nội dung, đối tượng, thời gian và hình thức kiểm tra cho phù hợp.

Thuộc tính văn bản: Quy định 109-QĐ/TW

Số hiệu109-QĐ/TW
Loại văn bảnQuy định
Lĩnh vực, ngànhBộ máy hành chính
Nơi ban hànhBan Chấp hành Trung ương
Người kýTrần Quốc Vượng
Ngày ban hành03/01/2018
Ngày hiệu lực
03/01/2018
Đánh giá bài viết
1 3.443
Quy định 109-QĐ/TW
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm