Quyết định 09/2013/QĐ-TTg

Tải về

Quyết định 09/2013/QĐ-TTg về Quy định chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----------
Số: 09/2013/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI DÂN TẠI CƠ SỞ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2013.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (3b).

THỦ TƯỚNG

(Đã ký)


Nguyễn Tấn Dũng

QUY ĐỊNH
VỀ CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI DÂN TẠI CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về các tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là tại cơ sở); việc đánh giá, công nhận, biểu dương, xếp hạng, khen thưởng xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là địa phương) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đánh giá, công nhận, xếp hạng, biểu dương, khen thưởng và giải pháp bảo đảm xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là xã, phường).

2. Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là quận, huyện).

3. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh, thành phố).

4. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến đánh giá, công nhận, biểu dương, xếp hạng, khen thưởng và giải pháp bảo đảm xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật.

Điều 3. Mục đích

Đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc đánh giá, công nhận, xếp hạng, biểu dương, khen thưởng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (sau đây viết tắt là chuẩn tiếp cận pháp luật) phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Việc đánh giá và xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Việc đánh giá và xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật mang tính lâu dài, bền vững, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Điều 5. Các tiêu chí tiếp cận pháp luật

1. Có 8 tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, gồm 41 chỉ tiêu với số điểm đánh giá tương ứng sau đây:

a) Tiêu chí về giải quyết các vụ việc hành chính, tư pháp, gồm 12 chỉ tiêu (300 điểm);

b) Tiêu chí về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, gồm 02 chỉ tiêu (50 điểm);

c) Tiêu chí về phổ biến, giáo dục pháp luật, gồm 06 chỉ tiêu (110 điểm);

d) Tiêu chí về trợ giúp pháp lý, gồm 05 chỉ tiêu (100 điểm);

đ) Tiêu chí về thực hiện dân chủ ở xã, phường, gồm 05 chỉ tiêu (130 điểm);

e) Tiêu chí về thiết chế tiếp cận pháp luật của xã hội, gồm 06 chỉ tiêu (130 điểm);

g) Tiêu chí về bộ máy bảo đảm thực hiện thiết chế pháp luật, gồm 02 chỉ tiêu (110 điểm);

h) Tiêu chí về kinh phí và cơ sở vật chất, gồm 03 chỉ tiêu (70 điểm).

Tổng số điểm của các tiêu chí là 1.000 điểm.

2. Nội dung của 08 tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở được quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quy định này.

Điều 6. Điều kiện công nhận, xếp hạng, biểu dương địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật

1. Địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là địa phương có môi trường pháp lý thuận lợi với đủ các thiết chế pháp luật; hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ pháp luật tốt, được xã hội hóa; người dân nói chung, đặc biệt là người nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với hoạt động của các cơ quan nhà nước và sử dụng các thiết chế pháp luật, các phương tiện hỗ trợ pháp lý tại cơ sở thuận lợi để bảo vệ, thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình.

Địa phương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật là địa phương tiêu biểu trong số các địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật 02 năm liên tục. Việc khen thưởng địa phương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật được thực hiện 02 năm/lần theo chuyên đề.

2. Xã, phường được công nhận đạt chuẩn và xã, phường được biểu dương là tiêu biểu về tiếp cận pháp luật:

a) Xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là xã, phường không có tiêu chí nào đạt dưới 50% số điểm tối đa và có số điểm chuẩn như sau:

- Các phường thuộc các quận của thành phố trực thuộc Trung ương: Đạt từ 900 điểm trở lên.

- Các xã, thị trấn thuộc huyện của thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường của thành phố thuộc tỉnh; xã, phường của thị xã thuộc tỉnh; thị trấn của huyện thuộc tỉnh khu vực đồng bằng, trung du; xã, phường của thị xã, thành phố thuộc tỉnh miền núi: Đạt từ 800 điểm trở lên.

- Các xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Đạt từ 700 điểm trở lên.

b) Xã, phường được biểu dương là xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật:

- Xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh: Không có cán bộ, công chức xã, phường bị hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên vì sai phạm trong việc thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật; đạt trên 20 điểm so với điểm chuẩn của năm đánh giá nhưng không quá 15% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của tỉnh, thành phố.

Việc đánh giá, biểu dương xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh theo thứ tự ưu tiên sau đây: Điểm chuẩn cao; tính đại diện cho vùng, miền cao; sự nỗ lực, vượt khó cao.

- Xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc: Không có cán bộ, công chức xã, phường bị hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên vì sai phạm trong việc thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật; đạt trên 40 điểm so với điểm chuẩn của năm đánh giá nhưng không quá 3% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của toàn quốc.

Việc đánh giá, biểu dương xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc như sau: Chọn mỗi tỉnh, thành phố 01 xã, phường theo thứ tự ưu tiên tính trong phạm vi của tỉnh; thành phố: Điểm chuẩn cao; tính đại diện cho đơn vị hành chính tỉnh, thành phố cao; tính đại diện cho vùng, miền cao; sự nỗ lực, vượt khó cao. Đối với các xã, phường còn lại chọn theo thứ tự ưu tiên như trên những tính trong phạm vi toàn quốc.

3. Quận, huyện được công nhận đạt chuẩn và quận, huyện được biểu dương là tiêu biểu về tiếp cận pháp luật:

a) Quận, huyện được công nhận là quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nếu có trên 70% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và không có xã, phường nào đạt dưới 500 điểm.

b) Quận, huyện được biểu dương là quận, huyện tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc nếu trong năm đánh giá có trên 90% xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quận, huyện tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc không quá 10% số quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc đánh giá, biểu dương quận, huyện tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc theo thứ tự ưu tiên sau đây: Tỷ lệ xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc cao; tỷ lệ xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh cao; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao; điểm trung bình của các xã, phường cao.

4. Tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn, tiêu biểu và xếp hạng tiếp cận pháp luật:

a) Tỉnh, thành phố được công nhận là tỉnh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nếu có trên 70% số quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và trên 70% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; không có xã, phường đạt dưới 500 điểm.

b) Tỉnh, thành phố được biểu dương là tỉnh, thành phố tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc nếu trong năm đánh giá có quận, huyện tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc; có trên 3% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được biểu dương là xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc. Tỉnh, thành phố tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc không quá 20% số tỉnh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc đánh giá, biểu dương tỉnh, thành phố tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc theo thứ tự ưu tiên sau đây: Tỷ lệ xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc cao; tỷ lệ quận, huyện tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc cao; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao; điểm trung bình của các xã, phường cao.

Việc xếp hạng tỉnh, thành phố theo thứ tự ưu tiên sau đây: Là tỉnh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn có số điểm trên 40 điểm so với điểm chuẩn cao; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có số điểm trên 20 điểm so với điểm chuẩn cao; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao; điểm trung bình của các xã, phường cao.

Điều 7. Quy trình đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng xã, phường đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật

1. Việc đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện mỗi năm một lần, tính từ ngày 01 tháng 07 của năm trước đến ngày 30 tháng 6 của năm đánh giá.

2. Việc đánh giá xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật được thực hiện 02 năm/lần, tính từ ngày 01 tháng 7 của 02 năm trước đến ngày 30 tháng 6 của năm đánh giá.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường tự đánh giá, báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện trước ngày 31 tháng 7 của năm đánh giá. Niêm yết công khai điểm số tự đánh giá và quy định có liên quan tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường.

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thẩm tra; đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố công nhận và khen thưởng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tặng Bằng khen đối với xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh trước ngày 20 tháng 8 của năm đánh giá.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, khen thưởng các xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đối với các xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh vào dịp kỷ niệm ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là ngày Pháp luật Việt Nam) 09 tháng 11 của năm đánh giá; đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen đối với xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc trước ngày 20 tháng 9 của năm đánh giá; đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen đối với xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc trước ngày 20 tháng 9 của năm đánh giá.

Đánh giá bài viết
1 857
Quyết định 09/2013/QĐ-TTg
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm