Quy định của pháp luật về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

Quy định mới về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm như thế nào? Quy định mới về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là gì? HoaTieu.vn mời các bạn cùng tham khảo những vấn đề quan trọng của hợp đồng bảo hiểm qua bài viết dưới đây.

Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là vấn đề quan trọng của hợp đồng bảo hiểm, nó ràng buộc trách nhiệm phải bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm nếu rủi ro tổn thất được bảo hiểm xảy ra, đồng thời ràng buộc trách nhiệm phải đóng đủ phí của người tham gia bảo hiểm tính từ thời điểm đó. Vì vậy cần phải quy định rõ hợp đồng bảo hiểm nhất thiết phải lập thành văn bản và quy định rõ thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm để gắn chặt nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi khách hàng ngay từ thời điểm phát sinh trên.

Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung năm 2010 quy định: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.

Quy định trên đã thể hiện rõ, để được nhận tiền bồi thường, bên mua bảo hiểm đã phải đóng phí cho doanh nghiệp bảo hiểm (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về gia hạn đóng phí). Tức là bên mua bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí trước mới được quyền nhận tiền bồi thường. Quy định trên của Luật kinh doanh bảo hiểm là hoàn toàn phù hợp với bản chất của quan hệ bảo hiểm, đó là quỹ chi trả bảo hiểm được tạo lập từ phí bảo hiểm. Nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí, có nghĩa rằng, sự đóng góp của họ vào quỹ bảo hiểm chưa có, do vậy không có cơ sở để được nhận tiền bồi thường bảo hiểm từ quỹ này. Hơn nữa, nếu xét từ góc độ pháp lý, nếu người mua bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cung ứng dịch vụ cho mình nhưng lại chưa trả tiền cho việc cung ứng dịch vụ đó thì chưa thể hiện ý chí tiếp nhận dịch vụ. Nếu Luật kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm như vậy thì không có gì đáng bàn.

Quy định mới về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm…”, và Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí…”. Hai điều luật trên cho thấy, pháp luật chưa có sự phân định rõ giữa thời điểm giao kết hợp đồng và thời điểm phát sinh hiệu lực pháp lý của hợp đồng. Cụ thể, theo quy định trên, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm doanh nghiệp đồng ý bảo hiểm (thể hiện qua việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm). Nhưng đồng ý bảo hiểm khác hoàn toàn với việc phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Cụ thể, đồng ý bảo hiểm trong bảo hiểm thể hiện doanh nghiệp bảo hiểm có đủ điều kiện để cấp bảo hiểm, tuy nhiên nếu doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý bảo hiểm nhưng bên mua bảo hiểm chưa đóng phí thì không thể phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm được. Sở dĩ, chúng tôi lập luận như trên bởi vì, hợp đồng bảo hiểm chỉ được coi là có hiệu lực pháp lý khi nó thể hiện ý chí tham gia vào hợp đồng của cả hai bên. Nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí thì điều đó có nghĩa là bên mua bảo hiểm chưa thể hiện ý chí tham gia hợp đồng.

Hơn nữa, bản chất kinh tế của phí bảo hiểm là khoản tiền mà người mua bảo hiểm đóng góp vào quỹ bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bảo hiểm, do vậy, nếu người mua bảo hiểm chưa đóng phí, thì không có cơ sở kinh tế để doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Còn xét ở góc độ pháp lý, khi người mua bảo hiểm chưa thực hiện nghĩa vụ thì cũng không thể được hưởng quyền. Như vậy, có thể khẳng định, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm.

Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm

Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-NHNN thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi như sau:

  • Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
  • Tại văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này phải nêu rõ việc tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán (lâm vào tình trạng phá sản) để làm cơ sở cho việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi.

Căn cứ pháp lý:

- Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-NHNN thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật bảo hiểm tiền gửi.

Đánh giá bài viết
1 488
0 Bình luận
Sắp xếp theo