Nghị định 61/2013/NĐ-CP quy chế giám sát tài chính với doanh nghiệp Nhà nước

Nghị định 61/2013/NĐ-CP quy chế giám sát tài chính với doanh nghiệp Nhà nước

Nghị định 61/2013/NĐ-CP quy chế giám sát tài chính với doanh nghiệp Nhà nước quy định việc giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Nghị định 61/2013/NĐ-CP HẾT HIỆU LỰC ngày 30/11/2015, và được thay thế bằng Nghị định 87/2015/NĐ-CP giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN), giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------------------

Số: 61/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT TÀI CHÍNH VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ CÔNG KHAI THÔNG TIN TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU VÀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước,

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2013.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu; Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp có vốn nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(Đã ký)


Nguyễn Tấn Dũng

QUY CHẾ

GIÁM SÁT TÀI CHÍNH VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ CÔNG KHAI THÔNG TIN TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU VÀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị định sổ 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con (sau đây gọi chung là công ty mẹ) do Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (sau đây viết tắt là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập) do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (viết tắt là SCIC).

b) Doanh nghiệp có vốn nhà nước:

Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên do các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

2. Các tổ chức, cá nhân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp hoặc giao thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn nhà nước; người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Cơ quan quản lý nhà nước, về tài chính có chức năng, nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp.

Điều 3. Mục đích giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính

1. Đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

2. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

3. Giúp nhà nước, chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

4. Thực hiện việc công khai minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Điều 4. Các từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau

1. Giám sát tài chính là việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra, đánh giá các vấn đề về tài chính, chấp hành chính sách pháp luật về tài chính của doanh nghiệp.

2. Báo cáo giám sát tài chính là báo cáo phân tích, đánh giá, cảnh báo các vấn đề về tài chính của từng doanh nghiệp. Báo cáo do chủ thể giám sát lập.

3. Báo cáo kết quả giám sát tài chính là báo cáo tổng hợp kết quả công tác giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Báo cáo do chủ sở hữu lập.

4. Tiêu chí đánh giá là hệ thống các chỉ tiêu, chuẩn mực dùng để xác định hiệu quả hoạt động và phân loại doanh nghiệp một cách toàn diện, khách quan.

5. Chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm: Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về tài chính là Bộ Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp).

7. Giám sát gián tiếp là việc theo dõi và kiểm tra tình hình của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật và của chủ sở hữu.

8. Giám sát trực tiếp là việc kiểm tra, thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp.

9. Giám sát trước là việc xem xét, kiểm tra tính khả thi các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, dự án đầu tư, phương án huy động vốn và các dự án phương án khác của doanh nghiệp.

10. Giám sát trong là việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch, dự án của doanh nghiệp, việc chấp hành các quy định của pháp luật của chủ sở hữu trong suốt quá trình triển khai kế hoạch, dự án.

11. Giám sát sau là việc kiểm tra kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở các báo cáo định kỳ, kết quả chấp hành pháp luật của chủ sở hữu hoặc điều lệ doanh nghiệp, việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

12. Viên chức quản lý doanh nghiệp là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, kế toán trưởng (không bao gồm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo Hợp đồng lao động).

13. Giám sát tài chính đặc biệt là quy trình giám sát đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính cần phải được các cơ quan có thẩm quyền theo dõi và chấn chỉnh.

14. Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Người đại diện) là cá nhân được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại doanh nghiệp.

15. Doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

16. Doanh nghiệp có vốn nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.

Chương 2.

GIÁM SÁT TÀI CHÍNH VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU

MỤC 1. GIÁM SÁT TÀI CHÍNH

Điều 5. Chủ thể giám sát

1. Bộ quản lý ngành với tư cách là chủ sở hữu chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp là công ty mẹ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với tư cách là chủ sở hữu thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp là công ty mẹ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

3. Cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp:

a) Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan chủ sở hữu thực hiện giám sát tài chính đối với công ty mẹ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Bộ quản lý ngành thành lập hoặc được giao quản lý; tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tổng hợp, báo cáo Chính phủ về hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích được giao, về tình hình tài chính của các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu theo định kỳ hàng năm.

b) Sở Tài chính các tỉnh, thành phố là đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Điều 6. Nội dung giám sát

1. Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo các nội dung sau:

a) Hoạt động đầu tư tài sản tại doanh nghiệp (bao gồm danh mục dự án đầu tư, nguồn vốn huy động gắn với dự án đầu tư).

b) Việc huy động vốn và sử dụng vốn huy động; phát hành trái phiếu, cổ phiếu (nếu có).

c) Hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp bao gồm đầu tư trong nước, đầu tư ra nước ngoài, đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán (nếu có); hiệu quả việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.

d) Việc quản lý tài sản, công nợ phải thu, công nợ phải trả, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu.

2. Giám sát bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.

3. Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo các nội dung sau:

a) Hoạt động sản xuất, tiêu thụ, tồn kho sản phẩm; doanh thu hoạt động kinh doanh, dịch vụ; doanh thu hoạt động tài chính; thu nhập khác.

b) Kết quả hoạt động kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA).

c) Phân tích về lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.

d) Việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

đ) Phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

4. Giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp, trong đó có các nội dung về chi phí tiền lương, thu nhập của người lao động, người quản lý điều hành doanh nghiệp.

5. Bộ Tài chính quy định các biểu mẫu để thực hiện nội dung giám sát nêu tại các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định các biểu mẫu để thực hiện nội dung giám sát nêu tại Khoản 4 Điều này.

6. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán thực hiện các quy định về giám sát tài chính tại Quy chế này và các quy định của pháp luật về tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác với Quy chế này thì áp dụng theo pháp luật chuyên ngành.

Điều 7. Căn cứ thực hiện giám sát tài chính

Hoạt động giám sát tài chính doanh nghiệp được thực hiện theo các căn cứ sau:

1. Văn bản pháp luật về quản lý tài chính doanh nghiệp.

2. Điều lệ hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp.

3. Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm, kế hoạch dài hạn (05 năm), tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp đã được kiểm toán và được Hội đồng thành viên thông qua; báo cáo tài chính quý, báo cáo nghiệp vụ định kỳ và các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

5. Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng.

6. Các thông tin, tài liệu có liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Đánh giá bài viết
2 2.233
0 Bình luận
Sắp xếp theo