Nghị định 21/2021/NĐ-CP thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Nghị định số 21/2021/NĐ-CP
- Nội dung Thông tư 21 năm 2021
- Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
- Điều 5. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm, bằng nhiều tài sản
- Điều 6. Giữ, sử dụng, giao, nhận Giấy chứng nhận
- Điều 7. Quyền truy đòi tài sản bảo đảm
- Chương II. TÀI SẢN BẢO ĐẢM
- Điều 8. Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
- Điều 9. Mô tả tài sản bảo đảm
- Điều 10. Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
- Điều 11. Tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng
- Điều 12. Vật có vật phụ, vật đồng bộ, vật đặc định
- Điều 13. Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi
- Điều 14. Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng
- Điều 15. Tài sản hình thành từ việc góp vốn
- Điều 16. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên
- Điều 17. Quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ
- Điều 18. Dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư
- Điều 19. Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh và kho hàng
- Điều 20. Đầu tư vào tài sản thế chấp
- Điều 21. Biến động về tài sản bảo đảm
Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Ngày 19/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP về việc quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Cụ thể, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm: Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm; Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu; Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ; Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Nội dung Thông tư 21 năm 2021
CHÍNH PHỦ _______ Số: 21/2021/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2021 |
NGHỊ ĐỊNH
Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
_________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi là biện pháp bảo đảm) và xử lý tài sản bảo đảm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên bảo đảm bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên bảo lãnh, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong trường hợp tín chấp, bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.
2. Bên nhận bảo đảm bao gồm bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên có quyền trong ký quỹ, bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp, bên có quyền trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.
3. Người có nghĩa vụ được bảo đảm là người mà nghĩa vụ của họ được bảo đảm thực hiện thông qua biện pháp bảo đảm. Người có nghĩa vụ được bảo đảm có thể đồng thời hoặc không đồng thời là bên bảo đảm.
4. Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
5. Hợp đồng bảo đảm bao gồm hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký cược, hợp đồng ký quỹ, hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, hợp đồng bảo lãnh hoặc hợp đồng tín chấp.
Hợp đồng bảo đảm có thể là sự thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc thỏa thuận giữa bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người có nghĩa vụ được bảo đảm.
Hợp đồng bảo đảm có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc là điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật.
6. Giấy chứng nhận bao gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ khác xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản theo quy định của pháp luật.
7. Thời hạn hợp lý là khoảng thời gian được hình thành theo thói quen đã được xác lập giữa các bên hoặc là khoảng thời gian mà trong điều kiện bình thường, các bên trong hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm hoặc chủ thể khác có quyền, lợi ích liên quan có thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.
Điều 4. Áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
1. Trường hợp pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ hoặc lĩnh vực khác có quy định đặc thù về tài sản bảo đảm, xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc xử lý tài sản bảo đảm thì áp dụng quy định đặc thù đó.
Trường hợp bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm bị tuyên bố phá sản thì việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản, xử lý khoản nợ có bảo đảm và các biện pháp bảo toàn tài sản áp dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
2. Trường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thỏa thuận khác với quy định tại Nghị định này mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, không vi phạm giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên.
3. Trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản.
4. Trường hợp thỏa thuận có nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng các bên không xác định rõ hoặc xác định không chính xác tên biện pháp bảo đảm mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với nội dung thỏa thuận này.
Điều 5. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm, bằng nhiều tài sản
1. Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ này bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm thì bên nhận bảo đảm lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm.
2. Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Điều 6. Giữ, sử dụng, giao, nhận Giấy chứng nhận
1. Trường hợp tài sản bảo đảm được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc để thực hiện giao dịch dân sự khác mà bên nhận bảo đảm đang giữ bản chính Giấy chứng nhận thì người này giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo thỏa thuận để chủ thể trong giao dịch liên quan thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bên nhận bảo đảm giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan thì chủ thể đã nhận phải giao lại bản chính Giấy chứng nhận cho bên nhận bảo đảm ngay sau khi thực hiện xong thủ tục, nếu chậm hoặc không giao lại bản chính Giấy chứng nhận mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Bên bảo đảm được dùng bản sao Giấy chứng nhận và bản chính văn bản xác nhận còn hiệu lực của bên nhận bảo đảm về việc giữ bản chính Giấy chứng nhận để sử dụng hoặc lưu hành tài sản.
2. Việc giữ, sử dụng Giấy chứng nhận về tàu bay, tàu biển thực hiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Điều 7. Quyền truy đòi tài sản bảo đảm
1. Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không áp dụng đối với tài sản sau đây:
a) Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận;
b) Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 321 của Bộ luật Dân sự;
c) Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác quy định tại Điều 21 Nghị định này;
d) Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
3. Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm không chấm dứt nhưng thực hiện theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản.
Chương II. TÀI SẢN BẢO ĐẢM
Điều 8. Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
1. Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
2. Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
3. Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
4. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Điều 9. Mô tả tài sản bảo đảm
1. Việc mô tả tài sản bảo đảm do bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận, phù hợp với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, các Điều 12, 13, 18 và 19 Nghị định này.
2. Trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận.
3. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền tài sản thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải thể hiện được tên, căn cứ pháp lý phát sinh quyền tài sản.
Điều 10. Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
1. Việc dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với tài sản gắn liền với đất, dùng tài sản gắn liền với đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với quyền sử dụng đất.
2. Trường hợp tài sản gắn liền với đất là tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký và cũng chưa được đăng ký theo yêu cầu mà chủ sở hữu và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì quyền, nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.
Trường hợp tài sản gắn liền với đất là cây hằng năm theo quy định của Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định của Luật Xây dựng mà chủ sở hữu và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển.
3. Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang là bất động sản hưởng quyền bất động sản liền kề được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì quyền đối với bất động sản liền kề vẫn có hiệu lực với mọi cá nhân, pháp nhân.
4. Việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai không áp dụng đối với quyền sử dụng đất.
Điều 11. Tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng
1. Tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quyền bề mặt quy định tại khoản 2 Điều 271 của Bộ luật Dân sự được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp tài sản quy định tại khoản này là tài sản gắn liền với đất thì áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9, các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Nghị định này.
2. Hoa lợi, lợi tức hoặc tài sản khác có được từ việc khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Điều 12. Vật có vật phụ, vật đồng bộ, vật đặc định
Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là vật có vật phụ, vật đồng bộ hoặc vật đặc định thì việc mô tả phải thể hiện được đặc điểm để xác định vật này theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 13. Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi
Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng việc mô tả tài sản bảo đảm phải phù hợp với quy định của pháp luật về giấy tờ có giá, chứng khoán, ngân hàng.
Điều 14. Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng
Bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; quyền khai thác, quản lý dự án đầu tư; quyền cho thuê, cho thuê lại; quyền hưởng hoa lợi, lợi tức, lợi ích khác trị giá được bằng tiền hình thành từ hợp đồng; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Điều 15. Tài sản hình thành từ việc góp vốn
Chủ thể góp vốn được dùng cổ phần, phần vốn góp, quyền mua phần vốn góp hoặc lợi tức phát sinh từ cổ phần, phần vốn góp trong pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật liên quan và điều lệ của pháp nhân (nếu có).
Điều 16. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên
Chủ thể có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật liên quan được dùng quyền khai thác khoáng sản; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; tài nguyên nước, bao gồm nước mặt, nước biển và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; yến sào thiên nhiên; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác trị giá được bằng tiền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Việc dùng quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều này phải phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác.
Điều 17. Quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ
Chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Điều 18. Dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư
Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư mà Luật Đầu tư, luật khác liên quan không cấm chuyển nhượng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư và quyền tài sản khác hoặc tài sản khác thuộc dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp dự án đầu tư dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án khác mà theo quy định của pháp luật liên quan phải có Giấy chứng nhận, Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc căn cứ pháp lý khác thì việc mô tả trong hợp đồng bảo đảm phải thể hiện được căn cứ pháp lý này.
Điều 19. Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh và kho hàng
Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh và kho hàng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể được mô tả theo giá trị tài sản hoặc theo loại hàng hóa. Việc mô tả đối với tài sản bảo đảm là kho hàng còn phải thể hiện được địa chỉ, số hiệu kho (nếu có) hoặc dấu hiệu khác của vị trí kho hàng.
Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh có thể là hàng hóa trong kho hoặc là hàng hóa đang tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh.
Điều 20. Đầu tư vào tài sản thế chấp
1. Trường hợp bên thế chấp thực hiện quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 321 của Bộ luật Dân sự thì phần giá trị đầu tư tăng thêm thuộc tài sản thế chấp.
2. Việc đầu tư vào tài sản thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp trong trường hợp:
a) Bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp;
b) Bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp làm phát sinh tài sản mới không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.
3. Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu chấm dứt việc đầu tư nếu việc đầu tư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này làm giảm giá trị tài sản thế chấp.
4. Trường hợp bên thế chấp, bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp không tuân thủ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên nhận thế chấp.
5. Trường hợp bên bảo đảm hoặc bên thứ ba đầu tư vào tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm khác mà các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan không quy định khác thì áp dụng các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Điều 21. Biến động về tài sản bảo đảm
1. Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc chia, tách một tài sản bảo đảm thành nhiều tài sản phù hợp với quy định của pháp luật liên quan thì giải quyết như sau:
a) Việc chia, tách tài sản bảo đảm không làm thay đổi chủ sở hữu thì những tài sản mới được hình thành sau khi chia, tách tiếp tục là tài sản bảo đảm;
b) Việc chia, tách tài sản bảo đảm làm thay đổi chủ sở hữu thì tài sản mới được hình thành sau khi chia, tách thuộc quyền của chủ sở hữu mới không là tài sản bảo đảm.
2. Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc hợp nhất, sáp nhập hoặc trộn lẫn tài sản bảo đảm với tài sản khác hoặc tài sản bảo đảm được chế biến tạo thành tài sản mới thì tài sản bảo đảm được xác định như sau:
a) Tài sản mới được tạo thành do hợp nhất, sáp nhập hoặc trộn lẫn mà không chia được thì phần giá trị tài sản bảo đảm được hợp nhất, sáp nhập hoặc trộn lẫn vào tài sản mới trở thành tài sản bảo đảm;
b) Vật mới được tạo thành do chế biến thuộc sở hữu của bên bảo đảm thì vật mới tiếp tục là tài sản bảo đảm. Trường hợp vật mới không thuộc sở hữu của bên bảo đảm thì giá trị phần tài sản bảo đảm được chế biến trở thành tài sản bảo đảm.
3. Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc dùng tài sản bảo đảm để góp vốn vào pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội thì cổ phần hoặc phần vốn góp là tài sản bảo đảm, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm và pháp nhân nhận góp vốn có thỏa thuận về việc tài sản bảo đảm mang góp vốn tiếp tục được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
4. Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc dùng tài sản đang được bảo hiểm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc tài sản đang dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà được bảo hiểm thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường hoặc tài sản thay thế mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm trở thành tài sản bảo đảm.
5. Trường hợp tài sản bảo đảm là cây hằng năm theo quy định của Luật Trồng trọt được thu hoạch, công trình tạm theo quy định của Luật Xây dựng bị phá dỡ thì hoa lợi hoặc tài sản khác có được từ việc thu hoạch hoặc phá dỡ trở thành tài sản bảo đảm.
6. Trường hợp tài sản đang dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo đảm cài đặt, tích hợp phần mềm, hệ thống phần mềm phù hợp với quy định của pháp luật liên quan thì quyền tài sản đối với phần mềm, hệ thống phần mềm trong phạm vi tài sản bảo đảm này cũng là tài sản bảo đảm.
7. Trường hợp tài sản bảo đảm bị thu hồi do bên bảo đảm vi phạm pháp luật liên quan thì bên bảo đảm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm được Nhà nước thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật liên quan thì tài sản được thanh toán hoặc bồi thường trở thành tài sản bảo đảm.
8. Trường hợp không còn tài sản bảo đảm do bị thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì số tiền được bồi thường, tài sản được thay thế hoặc tài sản được trao đổi theo quy định của pháp luật liên quan trở thành tài sản bảo đảm.
9. Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 7 và 8 Điều này.
10. Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan làm cho tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế mà có tài sản mới phát sinh hoặc có tài sản được thay thế thì tài sản này trở thành tài sản bảo đảm.
....................................
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực An ninh trật tự được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Tải Nghị định 21/2021/NĐ-CP .pdf
583,4 KB 19/03/2021 6:06:15 CH
Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Số hiệu: | 21/2021/NĐ-CP | Lĩnh vực: | An ninh trật tự |
Ngày ban hành: | 15/03/2021 | Ngày hiệu lực: | 15/05/2021 |
Loại văn bản: | Nghị định | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Bài liên quan
-
Làm thẻ căn cước công dân gắn chip cần mang theo giấy tờ gì?
-
Giải mã ý nghĩa 10 ký tự mã số thẻ bảo hiểm y tế mới
-
Đề cương tuyên truyền 90 năm ngày thành lập Đoàn
-
Hướng dẫn cách làm bài thi đánh giá năng lực Đại học quốc gia Hà Nội
-
Cách tính điểm ưu tiên vào lớp 10 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay An ninh trật tự
Thông tư 104/2021/TT-BCA về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong CAND
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7336:2020 về phòng cháy chữa cháy
Thông tư 39/2015/TT-BCA về phân công trách nhiệm của công an xã giải quyết các vụ cháy, nổ
Thông tư 60/2021/TT-BCA trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15
Nghị định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác