Nghị định 153/2013/NĐ-CP

Tải về

Nghị định 153/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân.

CHÍNH PHỦ
-----------


Số: 153/2013/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2007/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 4 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG AN NHÂN DÂN VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC CƠ YẾU HƯỞNG LƯƠNG NHƯ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân (sau đây được viết là Nghị định số 68/2007/NĐ-CP).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP như sau:

1. Điểm b Khoản 2 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"b) Hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên Công an nhân dân được hưởng sinh hoạt phí."

2. Đoạn đầu của Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 5. Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Luật bảo hiểm xã hội, trong phạm vi, chức năng của mình, thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:"

3. Điểm a Khoản 2 Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a) Nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng tiếp thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bao gồm cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện và được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định đối với từng đối tượng tại thời điểm giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội."

4. Khoản 7 Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển sang ngạch công chức, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu hoặc chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc chuyển ngành sang doanh nghiệp Nhà nước, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định rồi mới nghỉ hưu thì cách tính lương hưu thực hiện như sau:

a) Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân hoặc phụ cấp thâm niên nghề tính theo thời gian làm việc trong tổ chức cơ yếu tại thời điểm liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu;

b) Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sang các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này;

c) Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển ngành rồi nghỉ hưu mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu tính theo Điểm a, Điểm b Khoản này thấp hơn mức lương hưu tính theo mức lương bình quân của quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng tại thời điểm chuyển ngành và được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu."

5. Khoản 3 Điều 44 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"3. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội trong tổ chức bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bao gồm:

a) Chi thường xuyên của tổ chức bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm;

b) Chi thường xuyên cho lao động hợp đồng do thủ trưởng đơn vị thực hiện giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; chi thường xuyên đặc thù; chi không thường xuyên; chi đầu tư phát triển phục vụ cho hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và do Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm."

6. Điều 48 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 48. Tổ chức bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Tổ chức bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định tại Khoản 2 Điều 106 Luật bảo hiểm xã hội, thực hiện như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, quyết định thành lập tổ chức bảo hiểm xã hội thuộc Bộ mình để giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 47 Nghị định 68/2007/NĐ-CP đối với người lao động đang phục vụ trong quân đội, công an và Ban Cơ yếu Chính phủ. Tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang phục vụ trong quân đội và Ban Cơ yếu Chính phủ.

2. Tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu sự chỉ huy, quản lý về tổ chức, cán bộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam."

7. Điểm b Khoản 1 Điều 49 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"b) Trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm cho Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an những nội dung như quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 44 Nghị định này."

8. Bổ sung Khoản 14 Điều 50 như sau:

"14. Quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cả năm chế độ mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002; Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội."

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2013.

2. Các trường hợp đã chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các ngành được tính thâm niên nghề theo quy định, sau đó nghỉ hưu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì cách tính lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 1 Nghị định này.

3. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này; cụm từ "bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ" và các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ tại các Điều, Khoản của Nghị định 68/2007/NĐ-CP.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiếm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

Đánh giá bài viết
1 1.683
Nghị định 153/2013/NĐ-CP
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm