Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội
Việc quản lý và tổ chức lễ hội được Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/08/2018 và có hiệu lực từ ngày 15/10/2018. Theo Nghị định này, người tham gia lễ hội trang phục phải lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh gây ảnh hướng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
- Nghị định 109/2018/NĐ-CP Chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình sản xuất sản phẩm hữu cơ
- Nghị định 108/2018/NĐ-CP Sửa đổi bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP
- Nghị định 107/2018/NĐ-CP Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội là văn bản pháp luật còn hiệu lực 2022 thuộc lĩnh vực Bộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội. Các bạn có thể Tải Nghị định 110/2018/NĐ-CP doc và pdf để xem chi tiết nội dung.
Nghị định 110/2018/NĐ-CP - Quản lý và tổ chức lễ hội
- Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
- Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Chính sách của Nhà nước về lễ hội
- Điều 5. Nguyên tắc tổ chức lễ hội
- Điều 6. Quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội
- Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội
- Điều 8. Tạm ngừng tổ chức lễ hội
- Chương II. ĐĂNG KÝ, THÔNG BÁO TỔ CHỨC LỄ HỘI
- Điều 9. Đăng ký tổ chức lễ hội
- Điều 10. Hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội
- Điều 11. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài
- Điều 12. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội quy mô cấp tỉnh
- Điều 13. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội cấp huyện
- Điều 14. Thông báo tổ chức lễ hội
- Điều 15. Nội dung văn bản thông báo tổ chức lễ hội
- Điều 16. Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; lễ hội cấp tỉnh
- Điều 17. Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp huyện, cấp xã
- Chương III. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LỄ HỘI
- Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Nội dung Nghị định 110/2018/NĐ-CP như sau:
CHÍNH PHỦ ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 110/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục đăng ký hoặc thông báo việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là người Việt Nam; tổ chức, cá nhân là người nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
2. Lễ hội văn hóa là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, thể thao tiêu biểu, đặc sắc; tiềm năng du lịch về đất nước, con người Việt Nam.
3. Lễ hội ngành nghề là hoạt động quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề.
4. Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng Việt Nam.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về lễ hội
1. Hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.
2. Khuyến khích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
3. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý hoạt động lễ hội.
4. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động lễ hội.
Điều 5. Nguyên tắc tổ chức lễ hội
1. Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
2. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
3. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
4. Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
5. Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
6. Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
7. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 6. Quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội
1. Người tham gia lễ hội có các quyền sau
a) Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng;
b) Thể hiện mong muốn Điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước;
c) Được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.
2. Người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau
a) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
b) Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
c) Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;
d) Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
đ) Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
e) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 2 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội
1. Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm sau
a) Thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định này và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
b) Thành lập, phê duyệt quy chế làm việc của Ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban tổ chức lễ hội;
c) Chịu trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định của Nghị định này;
d) Báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo chậm nhất 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.
2. Ban tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm sau
a) Ban hành, phổ biến quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
b) Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội;
c) Xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
d) Quy định khu vực vui chơi giải trí và khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ, bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; treo, đặt bảng phổ biến nội dung, biển hướng dẫn ở vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc tiếp nhận thông tin của người tham gia lễ hội;
đ) Yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; không bày bán động vật quý hiếm, các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật;
e) Không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Điều 8. Tạm ngừng tổ chức lễ hội
1. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội;
b) Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người;
c) Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương;
d) Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.
2. Ban tổ chức lễ hội tự ngừng hoặc ngừng ngay các hoạt động tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; kịp thời khắc phục hậu quả, đề xuất phương án tiếp tục tổ chức lễ hội trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chương II. ĐĂNG KÝ, THÔNG BÁO TỔ CHỨC LỄ HỘI
Điều 9. Đăng ký tổ chức lễ hội
1. Lễ hội phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức gồm:
a) Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề do cơ quan trung ương tổ chức (sau đây gọi là lễ hội cấp quốc gia) được tổ chức lần đầu.
b) Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có từ 02 tỉnh trở lên tham gia tổ chức (sau đây gọi là lễ hội cấp khu vực) được tổ chức lần đầu.
c) Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
2. Lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi tổ chức gồm:
a) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên;
b) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia tổ chức (sau đây gọi là lễ hội cấp tỉnh) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
3. Lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi tổ chức gồm:
a) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp huyện được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.
b) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều xã thuộc một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương tham gia tổ chức (sau đây gọi là lễ hội cấp huyện) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
c) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp xã được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.
d) Lễ hội truyền thống cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm nhưng có thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung, địa điểm so với truyền thống.
Điều 10. Hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội
Hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội bao gồm:
1. Văn bản đăng ký nêu rõ tên lễ hội, sự cần thiết, thời gian, địa điểm, quy mô, nội dung hoạt động lễ hội, dự kiến thành phần số lượng khách mời.
2. Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
3. Dự kiến thành phần Ban tổ chức lễ hội.
4. Các tài liệu hoặc văn bản chứng minh về nguồn gốc lễ hội (đối với lễ hội truyền thống).
5. Văn bản đồng ý tổ chức lễ hội tại Việt Nam của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự hoặc Tổng Lãnh sự quốc gia, vùng lãnh thổ và văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao (đối với lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài).
Điều 11. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài
1. Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định nội dung sau:
a) Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;
b) Các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ lễ hội;
c) Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
3. Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung liên quan đến các bộ, ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản xin ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định việc chấp thuận tổ chức hoạt động lễ hội.
4. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực hiện lại trình tự đăng ký theo quy định tại Điều này.
Điều 12. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội quy mô cấp tỉnh
1. Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định nội dung sau:
a) Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;
b) Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
c) Tính xác thực của tài liệu hoặc văn bản chứng minh; nội dung thực hành nghi lễ truyền thống (đối với lễ hội truyền thống).
3. Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung liên quan đến các bộ, ngành trung ương hoặc các cơ quan, đơn vị ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản xin ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định việc chấp thuận tổ chức hoạt động lễ hội.
4. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực hiện lại trình tự đăng ký theo quy định tại Điều này.
Điều 13. Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội cấp huyện
1. Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp huyện (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định nội dung sau:
a) Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;
b) Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
c) Tính xác thực của tài liệu hoặc văn bản chứng minh; nội dung thực hành nghi lễ truyền thống (đối với lễ hội truyền thống).
3. Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung liên quan đến các cơ quan chuyên môn hoặc các đơn vị ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có văn bản xin ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định việc chấp thuận tổ chức hoạt động lễ hội.
4. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực hiện lại trình tự đăng ký theo quy định tại Điều này.
Điều 14. Thông báo tổ chức lễ hội
1. Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp quốc gia hoặc cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức hàng năm phải thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức lễ hội.
2. Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm phải thông báo với Ủy ban nhân dân cùng cấp trước khi tổ chức lễ hội.
Điều 15. Nội dung văn bản thông báo tổ chức lễ hội
1. Tên lễ hội, sự cần thiết về việc tổ chức lễ hội;
2. Thời gian, địa điểm, quy mô và các hoạt động của lễ hội;
3. Dự kiến thành phần, số lượng khách mời;
4. Dự kiến thành phần Ban tổ chức lễ hội;
5. Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
Điều 16. Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; lễ hội cấp tỉnh
1. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Sau khi nhận được văn bản không đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị tổ chức lễ hội phải tiến hành chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung của hoạt động lễ hội.
2. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội cấp tỉnh được thực hiện như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
c) Sau khi nhận được văn bản không đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị tổ chức lễ hội phải tiến hành chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung của hoạt động lễ hội.
Điều 17. Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp huyện, cấp xã
1. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội có cấp huyện được thực hiện như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày.
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ hội cấp xã được thực hiện như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày.
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chương III. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LỄ HỘI
Điều 18. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động lễ hội.
2. Hướng dẫn, đôn đốc công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội của các địa phương.
3. Quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học về lễ hội; tổ chức, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội.
4. Tổ chức thực hiện giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động lễ hội.
5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội.
6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.
7. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ, ngành liên quan
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác tuyên truyền về lễ hội;
b) Định hướng dư luận xã hội trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của lễ hội.
2. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý nội dung hoạt động lễ hội nước ngoài tại Việt Nam.
3. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác bảo đảm y tế trong hoạt động lễ hội.
4. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội cho hoạt động lễ hội.
5. Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong hoạt động lễ hội.
6. Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về lễ hội trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 20. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền, có các nhiệm vụ sau đây:
a) Chỉ đạo thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội;
b) Bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển;
c) Chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương trong việc phối hợp quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
d) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương;
đ) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội theo thẩm quyền;
e) Báo cáo định kỳ việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
g) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn; tiếp nhận nội dung đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội quy mô cấp huyện hoặc cấp xã; kiểm kê, phân loại lễ hội và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương.
Điều 21. Xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội
1. Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
2. Các quy định về tổ chức lễ hội tại mục 3, Chương 2 Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Chương V Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điều 23. Điều Khoản chuyển tiếp
1. Đối với những lễ hội đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải thực hiện trình tự đăng ký lại.
2. Đối với các lễ hội không phải xin phép trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện thủ tục thông báo theo quy định tại Nghị định này.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG |
- Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, Cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KGVX (2). XH205 | Nguyễn Xuân Phúc |
Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, người tham gia lễ hội có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định sau:
- Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
- Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
- Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;
- Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn phải thực hiện các quy định sau:
- Không đi lễ hội trong giờ hành chính;
- Không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội
235,6 KB 31/08/2018 8:40:00 SATải xuống định dạng .Doc
102,5 KB 06/09/2018 10:44:01 SA
Cơ quan ban hành: | Người ký: | ||
Số hiệu: | Lĩnh vực: | Đang cập nhật | |
Ngày ban hành: | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật | |
Loại văn bản: | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật | |
Tình trạng hiệu lực: |
- Chia sẻ:Tran Thao
- Ngày:
Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định 120/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng
Nghị định 114/2021/NĐ-CP quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài
Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
Biểu mẫu nghị định 118 về xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Bài liên quan
-
Mẫu thông báo về khoản thu, mục đích sử dụng từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng
-
Mẫu báo cáo số liệu thống kê lễ hội
-
Mẫu đơn đề nghị tổ chức lễ hội tín ngưỡng
-
Những câu hỏi về lễ hội bằng tiếng Anh
-
Mẫu đăng ký tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu
-
40+ Vẽ tranh ngày Tết lễ hội và mùa xuân 2024
-
Ăn mặc hở hang, váy ngắn đến lễ hội có bị xử phạt?
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Văn hóa Xã hội
Nghị quyết 71/2012/NQ-HĐND
Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa Nghị định 89/2014 về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Quyết định thành lập hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú số 1358/QĐ-TTg
Quyết định 747/2013/QĐ-UBND
Quyết định 2540/QĐ-TTg về điều kiện, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới
Thông tư 04/2021/TT-BVHTTDL về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác