Mã định danh là gì? Tra mã định danh cá nhân 2024

Mã số định danh cá nhân là gì? Mã số định danh cá nhân dùng để làm gì? Hiện nay vẫn còn nhiều bạn đọc chưa nắm rõ về mã số định danh cá nhân. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ các thông tin chi tiết về mã định danh là gì, mời các bạn đọc cùng tham khảo.

1. Khái niệm mã số định danh cá nhân

Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP:

Mã số định danh cá nhân là một dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, trong đó 6 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh, mã thế kỷ sinh, mã giới tính và mã năm sinh của công dân; 6 số còn lại là khoảng số ngẫu nhiên. Mã số này sẽ gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi cá nhân đó chết đi, không thay đổi và không trùng lặp với số định danh cá nhân của người khác.

Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho công dân Việt Nam. Mã số này sẽ được bảo mật hoàn toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp CCCD. Số Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Điều 5 Thông tư 59/2021 của Bộ Công an nêu rõ: Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số ĐDCN thì công dân yêu cầu công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.

Mẫu thông báo số ĐDCN và thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư được in trực tiếp từ hệ thống CSDL quốc gia về dân cư. Công dân sử dụng thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thủ tục xin cấp mã số định danh cá nhân

Thủ tục xin cấp mã số định danh cá nhân được quy định tại Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết về Luật Căn cước công dân. Theo khoản 2 Điều 5 của Thông tư này:

Khi công dân có yêu cầu được thông báo cấp số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu của quốc gia về dân cư thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân đó chỉ cần yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đó đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.

Cụ thể, công dân có văn bản yêu cầu cần nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp; xuất trình thẻ CCCD hoặc CMND để cơ quan công an kiểm tra, xác định rõ đúng người đề nghị cung cấp thông tin mã định danh.

3. Tra cứu xem mã định danh cá nhân ở đâu 2024?

3.1. Tra mã định danh trên Căn cước công dân

Để tra cứu mã số định danh cá nhân, đối với trẻ em đã có mã số định danh ngay sau khi làm giấy khai sinh thì các bạn có thể xem trực tiếp trên giấy khai sinh của trẻ. Đối với những người không có số định danh cá nhân trên giấy khai sinh mà đang sử dụng chứng minh nhân dân/ căn cước công dân (CMND/ CCCD) 12 số thì 12 số này chính là mã số định danh cá nhân.

3.2 Tra mã định danh trên Cổng dữ liệu dân cư quốc gia

Hoặc các bạn có thể tra mã định danh cá nhân trên Cổng dữ liệu về dân cư quốc gia của Bộ Công An.

Truy cập: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/portal/p/home/dvc-gioi-thieu.html

Các bạn có tài khoản đăng nhập, sau đó chọn vào phần Thường Trú/Tạm trú/Tạm vắng/ Lưu trú để tra cứu thông tin. Nhanh nhất là kích vào phần Lưu trú để tra cứu Số định danh cá nhân tức Căn cước công dân.

Tra mã định danh trên Cổng dữ liệu dân cư quốc gia

Cách Tra cứu số căn cước công dân/Tra cứu mã định danh cá nhân 2024 cụ thể có trong bài viết hướng dẫn.

4. Cấu trúc mã định danh cá nhân

+ 3 số đầu: Là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (TTTƯ) nơi công dân đăng ký khai sinh hoặc là mã của quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.

+ 3 số kế tiếp: Là mã thế kỷ sinh + mã giới tính (1 số) và mã năm sinh (2 số cuối năm sinh).

+ 6 số còn lại: Là dãy các số ngẫu nhiên

Cấu trúc số định danh cá nhân

Trong đó:

- Mã tỉnh, thành phố TTTƯ nơi mà công dân đăng ký khai sinh:

Là các mã từ 001 đến 096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đối với các công dân khai sinh ở Hà Nội sẽ có mã 001, ở Hải Phòng sẽ có mã 031, Đà Nẵng có mã 048 và TP. Hồ Chí Minh có mã 079…

(Xem thêm chi tiết mã tỉnh, thành phố tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an).

- Mã thế kỷ và mã giới tính trong số định danh cá nhân được quy ước như sau:

+ Công dân sinh ở thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Đối với Nam là 0, nữ là 1;

+ Công dân sinh ở thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Đối với Nam là 2, nữ là 3;

+ Công dân sinh ở thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Đối với nam là 4, nữ là 5;

+ Công dân sinh ở thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Đối với nam là 6, nữ là 7;

+ Công dân sinh ở thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Đối với nam là 8, nữ là 9;

Mã năm sinh: thể hiện 2 số cuối năm sinh của công dân.

Ví dụ, nếu số CCCD của một người là 031097000321, bạn sẽ biết được người này khai sinh ở Hải Phòng, giới tính nam, sinh năm 1997 và có số ngẫu nhiên là 000321.

5. Mã số định danh cá nhân được cấp cho công dân khi nào?

Theo quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, Công dân được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an cấp mã số định danh cá nhân khi:

- Đăng ký khai sinh

- Làm CCCD (đối với các trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân hoặc đối với trường hợp công dân đang sử dụng CMND 9 số chuyển sang đăng ký CCCD.)

6. Số định danh cá nhân dùng để làm gì?

- Số định danh cá nhân được sử dụng để khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư

Theo nội dung quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP; Điều 5 Thông tư 59/2021/TT-BCA:

Số định danh cá nhân sẽ được xác lập từ CSDL quốc gia về dân cư. Mã số này được sử dụng để kết nối, cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL chuyên ngành. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ được phép sử dụng mã số định danh cá nhân trên thẻ CCCD để thực hiện kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong CSDL quốc gia.

Số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân; các trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số Căn cước công dân, số định danh cá nhân trong Giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Số định danh cá nhân dùng thay cho giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục mua bán nhà ở

Đối với công dân Việt Nam đã được cấp mã số định danh cá nhân và CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về đăng ký đầu tư, đăng ký DN kết nối, vận hành thì sẽ được phép sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các loại giấy tờ liên quan đến nhân thân như: bản sao CMND/ CCCD, hộ chiếu, sổ hộ khẩu và các giấy tờ chứng thực cá nhân liên quan khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS) theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh BĐS.

- Số định danh cá nhân được sử dụng thay thế cho MST cá nhân

Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì mã số định danh sẽ sử dụng thay cho mã số thuế. Theo nội dung được quy định tại Khoản 7 Điều 35, Luật Quản lý thuế 2019)

Như vậy, trong thời gian tới, khi hoàn thành việc cấp mã số định danh cho toàn bộ dân cư, mã số định danh cá nhân sẽ được sử dụng thay cho mã số thuế cá nhân khi công dân thực hiện các thủ tục, giao dịch liên quan đến mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, đăng ký giao dịch điện tử, khai thuế, nộp thuế, giảm thuế, hoàn thuế, miễn thuế...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật, Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
8 15.700
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm