Hướng dẫn 02-HD/TW 2012 về thực hiện chất vấn trong Đảng

Hướng dẫn 02 về thực hiện chất vấn trong Đảng

Ngày 8/6 năm 2012 Bộ chính trị đã ban hành Hướng dẫn số 02 về thực hiện việc chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp ban chấp hành trung ương. 

Theo đó, Hướng dẫn này đã ban hành các quy định chung về khái niệm, phạm vi điều chỉnh; Mục đích, yêu cầu; nguyên tắc chất vấn; Chủ thể chất vấn và đối tượng chất vấn...

Sau đây là nội dung chi tiết Hướng dẫn số 02 năm 2012 của Bộ chính trị, mời các bạn cùng theo dõi.

Hướng dẫn 02-HD/TW 2012 

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 02-HD/TW

Hà Nội, ngày 8 tháng 6 năm 2012

HƯỚNG DẪN
VỀ THỰC HIỆN VIỆC CHẤT VẤN TRONG ĐẢNG TẠI CÁC KỲ HỌP BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XI;

- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay";

- Căn cứ Quy định số 23-QĐ/TW, ngày 15-1-2002 của Bộ Chính trị khoá IX về "Thực hiện việc phê bình, chất vấn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương";

- Căn cứ Quy chế chất vấn trong Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12-5-2008 của Bộ Chính trị khoá X),

Bộ Chính trị hướng dẫn thực hiện việc chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1- Khái niệm, phạm vi điều chỉnh

a) Chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương là việc các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết), Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư (sau đây gọi chung là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương) hỏi và được trả lời về việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hoặc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước.

b) Hướng dẫn này quy định việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương, được áp dụng đối với các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

2- Mục đích, yêu cầu

a) Phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đề cao chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương trong sinh hoạt đảng, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng hoạt động của tập thể lãnh đạo và từng đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Chấp hành Trung ương và trong toàn Đảng.

b) Chất vấn của các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và việc trả lời chất vấn của đại diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hoặc của đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải được tiến hành trực tiếp, công khai, dân chủ, với tinh thần trách nhiệm xây dựng, khách quan, thẳng thắn, chân thành, thể hiện tình đồng chí, bảo đảm đúng nguyên tắc sinh hoạt đảng.

3- Nguyên tắc chất vấn

a) Việc chất vấn và trả lời chất vấn phải tuân theo Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng.

b) Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương có quyền chất vấn hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương tại kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương và chịu trách nhiệm về nội dung chất vấn của mình. Tổ chức, cá nhân là đối tượng chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời chất vấn của mình.

c) Không được lợi dụng chất vấn để gây mất đoàn kết nội bộ hoặc đưa ra những thông tin không có căn cứ, làm mất uy tín của tổ chức, cá nhân; không được tự ý tuyên truyền, phổ biến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cho các tổ chức và cá nhân không liên quan.

II- CHỦ THỂ, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

1- Chủ thể chất vấn và đối tượng chất vấn

a) Chủ thể chất vấn gồm các đồng chí: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

b) Đối tượng trả lời chất vấn gồm:

- Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, trực tiếp là đồng chí được phân công thay mặt để trả lời.

- Cá nhân các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

2- Nội dung chất vấn

2.1- Đối với tổ chức

a) Các nội dung có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được thể hiện trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI (số 25-QĐ/TW, ngày 18-7-2011), Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI (số 22-QĐ/TW, ngày 15-7-2011) và chức trách, nhiệm vụ của từng đồng chí.

b) Việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

c) Việc chỉ đạo, hướng dẫn các cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới quán triệt, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp uỷ và công tác tổ chức, cán bộ.

d) Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp.

2.2- Đối với cá nhân Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương

a) Về các nội dung có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của đồng chí Tổng Bí thư và của các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đã được thể hiện trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI.

b) Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và tư cách cá nhân từng đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương có liên quan đến trách nhiệm và uy tín của Ban Chấp hành Trung ương. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; việc tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.

3- Phương thức chất vấn và trả lời chất vấn

3.1- Phương thức chất vấn

a) Tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cần dành thời gian thích hợp ở một phiên họp để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.

b) Việc chất vấn được tiến hành bằng văn bản hoặc trực tiếp hỏi, đối thoại tại phiên họp Ban Chấp hành Trung ương.

Nội dung chất vấn được gửi trước khi tổ chức kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương chậm nhất từ 7 đến 10 ngày để Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc tổ chức trả lời chất vấn. Phiếu chất vấn phải ghi rõ họ, tên, chức vụ, cơ quan của người chất vấn, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời chất vấn, nội dung chất vấn (có mẫu phiếu kèm theo). Văn phòng Trung ương Đảng có trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp nội dung chất vấn từ trước 7 đến 10 ngày khai mạc kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương cho đến trước phiên chất vấn 1 ngày, báo cáo Bộ Chính trị xem xét; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Văn phòng Trung ương Đảng chuyển đến cá nhân được phân công thay mặt tổ chức trả lời chất vấn hoặc cá nhân được chất vấn để chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn.

Ngoài việc gửi phiếu đăng ký chất vấn trước khi tổ chức kỳ họp, trường hợp thấy cần thiết, người chất vấn có thể đăng ký chất vấn bổ sung ngay tại phiên chất vấn. Trong trường hợp này, nếu trả lời được thì người trả lời chất vấn trả lời ngay, nếu chưa chuẩn bị kịp thì trả lời sau bằng văn bản.

3.2 - Phương thức trả lời chất vấn

a) Tổ chức và cá nhân sau khi nhận được nội dung chất vấn phải chuẩn bị để trả lời.

- Nếu nội dung chất vấn thuộc trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trả lời thì Bộ Chính trị chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức thảo luận, kết luận và phân công người trực tiếp báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương tại phiên họp trả lời chất vấn.

- Các nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm cá nhân đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương nào thì đồng chí đó có trách nhiệm chuẩn bị, trực tiếp trả lời và gửi văn bản trả lời chất vấn cho Văn phòng Trung ương Đảng quản lý.

b) Bộ Chính trị căn cứ các nội dung chất vấn để xem xét, quyết định việc chất vấn và trả lời chất vấn theo chương trình kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương.

- Bộ Chính trị phân công đồng chí chủ trì hội nghị, điều hành phiên họp công bố trình tự những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

- Đại diện tổ chức hoặc cá nhân được chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn theo sự điều hành của chủ trì hội nghị.

Sau khi trả lời, nếu người chất vấn chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có thể hỏi thêm. Vấn đề hỏi thêm phải ngắn gọn, liên quan đến nội dung trả lời chất vấn.

Người trả lời chất vấn căn cứ nội dung hỏi thêm để trả lời. Các nội dung hỏi thêm và nội dung trả lời (nếu trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn) được ghi biên bản kỳ họp (trích lưu hồ sơ cán bộ, nếu là chất vấn đối với cá nhân hoặc lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng, nếu là chất vấn đối với tổ chức).

- Sau khi đại diện tổ chức hoặc cá nhân được chất vấn trả lời, nếu người chất vấn hoặc trong Ban Chấp hành Trung ương vẫn có ý kiến chưa đồng tình với việc trả lời chất vấn thì Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và kết luận theo nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định của Điều lệ Đảng.

- Trường hợp chưa đủ điều kiện trả lời chất vấn ngay tại hội nghị (cả nội dung chất vấn ban đầu và nội dung hỏi thêm) thì trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được chất vấn, tổ chức hoặc cá nhân được chất vấn phải trả lời bằng văn bản hoặc đề nghị được trả lời tại kỳ họp sau.

c) Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được lưu trong hồ sơ kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương theo quy định. Nội dung trả lời chất vấn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xem xét, xử lý theo quy định.

III- QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CHẤT VẤN VÀ QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRẢ LỜI CHẤT VẤN

1- Quyền và trách nhiệm của người chất vấn

1.1. Quyền của người chất vấn

a) Yêu cầu người trả lời chất vấn trả lời nội dung chất vấn theo quy định tại điểm 2, mục II của Hướng dẫn này.

b) Nếu người trả lời chất vấn không trả lời đúng nội dung chất vấn thì người chất vấn được đề nghị đồng chí chủ trì hội nghị chỉ đạo để đối tượng chất vấn thực hiện đúng nội dung yêu cầu chất vấn.

1.2- Trách nhiệm của người chất vấn

a) Chất vấn đúng đối tượng, nội dung tại điểm 1, điểm 2, mục II của Hướng dẫn này.

b) Chất vấn với tinh thần xây dựng, khách quan, đúng nguyên tắc sinh hoạt đảng.

c) Nêu rõ họ tên, chức vụ, cơ quan của mình, nội dung chất vấn và tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời chất vấn.

d) Gửi phiếu chất vấn cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời chất vấn theo quy định tại điểm 3, mục II của Hướng dẫn này.

đ) Cung cấp tài liệu có liên quan đến nội dung chất vấn (nếu có).

2- Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả lời chất vấn

2.1- Quyền hạn của tổ chức, cá nhân trả lời chất vấn

a) Đề nghị người chất vấn giải thích những nội dung chất vấn chưa rõ.

b) Được chọn hình thức trả lời chất vấn theo quy định tại điểm 3, mục II của Hướng dẫn này.

c) Từ chối trả lời nếu nội dung chất vấn thuộc bí mật của Đảng và Nhà nước, những vấn đề không có nội dung và địa chỉ cụ thể, không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hoặc không thuộc chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người trả lời chất vấn.

2.2- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả lời chất vấn

a) Trả lời chất vấn theo quy định tại điểm 3, mục II của Hướng dẫn này.

b) Tiếp nhận, chuẩn bị và trả lời chất vấn một cách khách quan, trung thực, thực sự cầu thị; không từ chối hoặc né tránh trả lời chất vấn về những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hoặc chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân.

c) Tiếp thu những nội dung chất vấn đúng, hợp lý; tổ chức chỉ đạo và thực hiện những nội dung chất vấn phục vụ thiết thực cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của tổ chức hoặc cá nhân mình.

d) Chủ động, kịp thời sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn

a) Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương.

b) Bộ Chính trị giúp Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc chất vấn, trả lời chất vấn và xử lý kết quả chất vấn sau kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương.

c) Định kỳ hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện chất vấn và việc tiếp thu, xử lý, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm sau chất vấn của các tổ chức, cá nhân được chất vấn (nếu có).

2- Xử lý kết quả chất vấn

a) Trong quá trình chất vấn, trả lời chất vấn và xác minh chất vấn, nếu kết luận người bị chất vấn có sai phạm thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tiến hành xem xét, xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng.

b) Những nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được chất vấn thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, giải quyết theo quy định của Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XI, Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI.

3- Trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị

a) Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các ban tham mưu của Trung ương Đảng có trách nhiệm tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, giải quyết những vấn đề được chất vấn thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

b) Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các tổ chức đảng có liên quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị tiến hành xem xét, xử lý đối với những trường hợp cá nhân người bị chất vấn có sai phạm theo quy định của Điều lệ Đảng; đồng thời, đôn đốc, theo dõi người bị chất vấn bị xử lý chấp hành kết luận, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

c) Hằng năm, Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư báo cáo Ban Chấp hành Trung ương kết quả thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn và xử lý kết quả chất vấn tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương.

d) Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương phải lập hồ sơ về các tài liệu liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương theo đúng quy định.

4- Lưu trữ và quản lý tài liệu chất vấn

a) Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của từng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương được lưu vào các hồ sơ quản lý cán bộ theo quy định.

b) Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lưu trữ ở Văn phòng Trung ương Đảng.

Trên đây là hướng dẫn thực hiện việc chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương. Quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Bộ Chính trị (qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương) để xem xét, quyết định.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh

PHIẾU CHẤT VẤN

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

……ngày…. tháng….năm……

PHIẾU CHẤT VẤN

Kính gửi: Bộ Chính trị

- Họ và tên:...........................................................................................................

- Chức vụ:.............................................................................................................

- Cơ quan..............................................................................................................

Xin gửi Bộ Chính trị ý kiến chất vấn của tôi đối với tổ chức, cá nhân như sau:

1. Đối với tổ chức:

- Tên tổ chức được chất vấn:

- Nội dung chất vấn:

2. Đối với cá nhân:

- Tên cá nhân được chất vấn:

- Nội dung chất vấn:

Người chất vấn

(Ký tên, ghi rõ họ tên)

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Cơ cấu tổ chức được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ chính trịNgười ký:Lê Hồng Anh
Số hiệu:02-HD/TW 2012Lĩnh vực:Cơ cấu tổ chức
Ngày ban hành:08/06/2012Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Hướng dẫnNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 53
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi