Công văn hướng dẫn thanh toán tiền lãi chậm thi hành án số 614/BTP-TCTHADS

Tải về

Công văn số 614/BTP-TCTHADS hướng dẫn thanh toán tiền lãi chậm thi hành án, khi thanh toán tiền thi hành án, việc thanh toán tiền lãi trước sau đó mới đến thanh toán tiền gốc dễ dẫn tới việc cơ quan thi hành án dân sự tính “lãi chồng lãi”, khoản tiền gốc không được thanh toán kịp thời lại phát sinh thêm khoản tiền lãi mới, không đảm bảo quyền lợi của người phải thi hành án.

Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12
Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11

Hướng dẫn thanh toán tiền lãi chậm thi hành án

BỘ TƯ PHÁP
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 614/BTP-TCTHADS
V/v hướng dẫn việc thanh toán tiền thi hành
án liên quan đến lãi chậm thi hành án
Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2015


Kính gửi: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian qua, một số cơ quan thi hành án dân sự phản ánh về vướng mắc liên quan đến thứ tự thanh toán tiền thi hành án đối với khoản tiền gốc (số tiền phải thi hành án theo quyết định của Bản án, Quyết định của Tòa án) và khoản tiền lãi chậm thi hành án trong trường hợp Bản án, Quyết định của Tòa án có tuyên tính lãi đối với số tiền chậm thi hành án. Về vấn đề này, sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn như sau:

Khoản 4 Điều 295 Bộ luật dân sự 1995 và khoản 2 Điều 290 Bộ luật dân sự 2005 đều quy định: “Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”; Điểm 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án quy định: Khi tính lãi suất chậm thi hành án chỉ tính lãi của số tiền còn phải thi hành án mà không tính lãi của số tiền lãi chưa trả trong quá trình thi hành án. Thông tư liên tịch này chưa bị văn bản quy phạm pháp luật nào hủy bỏ nên vẫn được áp dụng, trừ những nội dung không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó. Như vậy, về nguyên tắc chỉ được tính lãi trên số tiền nợ gốc (số tiền phải thi hành án theo quyết định của Bản án, Quyết định của Tòa án) mà không được tính lãi trên số tiền lãi.

Điều 47 Luật Thi hành án dân sự về thứ tự thanh toán tiền thi hành án không quy định ưu tiên thanh toán khoản tiền gốc hay lãi trước. Tuy nhiên, liên quan đến thứ tự thanh toán các khoản tiền trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là trả tiền, khi xem xét các quy định khác của pháp luật thấy rằng: Điều 338 Bộ luật dân sự 2005 có quy định: “Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có” ; khoản 11 Mục II Thông tư liên tịch số 02/2002/TTLT-NHNN-BTP ngày 05/02/2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục bán tài sản bảo đảm, công chứng, chứng thực văn bản bán tài sản và giao tài sản cho các ngân hàng thương mại theo bản án, quyết định của tòa án quy định: “Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được dùng để thanh toán nợ gốc, lãi, lãi quá hạn cho ngân hàng thương mại, công ty quản lý nợ sau khi trừ đi các chi phí thực tế, hợp lý liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm”. Như vậy, theo các quy định trên, trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là trả tiền thì tiền gốc được ưu tiên thanh toán trước tiền lãi. Căn cứ Điều 3 Bộ luật Dân sự 2005 về áp dụng quy định tương tự của pháp luật thì cơ quan thi hành án dân sự có thể vận dụng để thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án.

Mặt khác, thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, khi thanh toán tiền thi hành án, việc thanh toán tiền lãi trước sau đó mới đến thanh toán tiền gốc dễ dẫn tới việc cơ quan thi hành án dân sự tính “lãi chồng lãi”, khoản tiền gốc không được thanh toán kịp thời lại phát sinh thêm khoản tiền lãi mới, không đảm bảo quyền lợi của người phải thi hành án (quyền lợi của người được thi hành án đã được bảo đảm bằng việc hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án). Do đó, khi thu được tiền thi hành án cần thanh toán tiền nợ gốc rồi mới đến tiền lãi chậm thi hành án.

Vì vậy, trong trường hợp Bản án, Quyết định của Tòa án tuyên tính lãi suất chậm thi hành án đối với số tiền thi hành án (trừ trường hợp đương sự thỏa thuận cách thức tính, thanh toán tiền lãi chậm thi hành án và được quyết định trong Bản án, Quyết định của Tòa án) thì khi thu được tiền thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thanh toán tiền nợ gốc (số tiền phải thi hành án được tuyên rõ trong Bản án, Quyết định của Tòa án) trước, sau đó mới thanh toán tiền lãi suất chậm thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Đánh giá bài viết
1 2.006
Công văn hướng dẫn thanh toán tiền lãi chậm thi hành án số 614/BTP-TCTHADS
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm