Công văn 39/BGDĐT-GDTH tổng hợp đánh giá và khen thưởng HS tiểu học theo TT 30/2014/TT-BGDĐT

Tải về

Công văn 39/BGDĐT-GDTH - Hướng dẫn đánh giá và khen thưởng Học sinh tiểu học

Công văn 39/BGDĐT-GDTH tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT do Bộ giáo dục Đào tạo ban hành ngày 06 tháng 01 năm 2015 gửi đến Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện đánh giá học sinh tiểu học và chỉ đạo đánh giá định kì theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
Số: 39/BGDĐT-GDTH
V/v tổng hợp đánh giá và khen thưởng HS
tiểu học theo TT 30/2014/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2015

Kính gửi: Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo

Tiếp theo Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH ngày 29 tháng 10 năm 2014 về việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học và Công văn số 7475/BGDĐT-GDTH ngày 25 tháng 12 năm 2014 về việc chỉ đạo đánh giá định kì theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị các sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số việc như sau:

1. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức tốt công tác tổng hợp đánh giá cuối học kỳ I và cuối năm học: hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh về:

a) Quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác, những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học, hoạt động giáo dục; xếp loại từng học sinh đối với từng môn học, từng hoạt động giáo dục thuộc một trong hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành;

b) Mức độ hình thành và phát triển năng lực: những biểu hiện nổi bật về đặc điểm, sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực của học sinh; góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh; xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt;

c) Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: những biểu hiện nổi bật về đặc điểm và sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm phẩm chất của học sinh; góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh; xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt.

2. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức tốt công tác khen thưởng học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học: giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá (theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT) trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.

Ví dụ: Khen thưởng về các môn học: Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Khoa học và môn Âm nhạc; Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt; Có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật; …; Khen thưởng về năng lực, phẩm chất: Có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; Có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường; Có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; Luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập; …

Việc ghi vào Giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn.

3. Tuyên truyền, giải thích để giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh hiểu và nhận thức đúng về việc khen thưởng theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. Mục đích khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích khả năng của mỗi học sinh, giúp động viên các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện cho các em.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ GIÁO DỤC TIỂU HỌC

Phạm Ngọc Định

Giấy khen của học sinh tiểu học sẽ không theo khuôn mẫu

Sau công văn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học và chỉ đạo đánh giá định kỳ, ngày 6/1, Bộ GD&ĐT tiếp tục gửi công văn cho giám đốc các Sở Giáo dục hướng dẫn tổng hợp đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30.

Theo đó, các Sở phải chỉ đạo phòng Giáo dục hướng dẫn trường tiểu học tổng hợp đánh giá cuối học kỳ I và cuối năm học. Giáo viên chủ nhiệm từng lớp sẽ họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập... để tổng hợp, đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh.

Các lĩnh vực đánh giá bao gồm quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác. Đó là những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học, hoạt động giáo dục... Xếp loại từng học sinh đối với từng môn học, từng hoạt động giáo dục sẽ thuộc một trong hai mức là "hoàn thành" hoặc "chưa hoàn thành".

Về mức độ hình thành và phát triển năng lực, giáo viên đánh giá những biểu hiện nổi bật về đặc điểm, sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực của học sinh; góp ý với các em và khuyến nghị với nhà trường, phụ huynh. Xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức "đạt" hoặc "chưa đạt".

Về mức độ hình thành và phát triển phẩm chất, giáo viên đánh giá những biểu hiện nổi bật về đặc điểm và sự tiến bộ, góp ý với các em cũng như đưa ra khuyến nghị. Xếp loại từng học sinh cũng theo hai mức "đạt" hoặc "chưa đạt".

Theo quy định của Bộ Giáo dục, giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn học sinh bình bầu những bạn đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, hoặc đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua, có thành tích đột xuất khác. Giáo viên cũng tham khảo thêm ý kiến cha mẹ học sinh, từ đó tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Hiệu trưởng trường sẽ quyết định khen thưởng học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học (như nội dung học tập môn Toán; Khoa học và môn Âm nhạc; Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt; Có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật...); hay khen thưởng về năng lực, phẩm chất (như có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; Có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường; Có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; Luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập...).

Việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là rất linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn.

"Mục đích khen thưởng là động viên, khuyến khích khả năng của mỗi học sinh, giúp các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện. Các Sở phải tuyên truyền, giải thích để giáo viên, học sinh và phụ huynh nhận thức đúng", Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định nhấn mạnh.

Trước đó Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10) quy định cách đánh giá thường xuyên với học sinh tiểu học. Theo văn bản này, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Trong đó, giáo viên dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đánh giá bài viết
1 3.284
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm