Chỉ thị 03/CT-BYT năm 2017 về tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện

Tải về

Chỉ thị 03/CT-BYT năm 2017 - Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện

Chỉ thị 03/CT-BYT năm 2017 về tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện do Bộ Y tế ban hành ngày 19 tháng 05 năm 2017 nhằm hạn chế các sai sót về chuyên môn và tinh thần, thái độ, kỹ năng tiếp xúc người bệnh: Bảo đảm công tác an ninh, trật tự bệnh viện, các biện pháp phòng ngừa tình trạng mất an ninh, trật tự bệnh viện.

Thông tư 33/2016/TT-BYT quy định tổ chức và hoạt động xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện

Quyết định 6197/QĐ-BYT về Hướng dẫn Quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện

Công văn 7537/BYT-KCB về chấn chỉnh tình trạng chuyển người bệnh ra điều trị ngoài bệnh viện trái quy định

BỘ Y TẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 03/CT-BYTHà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2017

CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ BỆNH VIỆN

Trong thời gian qua, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã xảy ra tình trạng người nhà người bệnh, côn đồ hành hung nhân viên y tế, người bệnh trong bệnh viện làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện; đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Để đảm bảo công tác an ninh, trật tự trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, Ngành khẩn trương tiến hành và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc nghiêm túc thực hiện một số công việc sau:

I. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1) Chủ động phối hợp với Công an xây dựng quy chế phối hợp giữa Y tế và Công an trên cơ sở Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế phù hợp với tình hình tại địa phương; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan và ban, ngành liên quan tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân tôn trọng, bảo vệ danh dự và tính mạng nhân viên y tế; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện và các cơ sở y tế.

2) Xây dựng tài liệu, nội dung và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, trách nhiệm của nhân viên y tế, đạo đức nghề nghiệp; về biện pháp phòng vệ, xử trí trước các tình huống có khả năng tạo ra hành vi xâm hại danh dự và tính mạng nhân viên y tế.

3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh để hạn chế các sai sót về chuyên môn và tinh thần, thái độ, kỹ năng tiếp xúc người bệnh: bảo đảm công tác an ninh, trật tự bệnh viện, các biện pháp phòng ngừa tình trạng mất an ninh, trật tự bệnh viện.

II. Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

1) Lãnh đạo bệnh viện có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ danh dự, tính mạng của nhân viên y tế; bảo đảm môi trường an toàn cho người bệnh tới khám và điều trị tại bệnh viện.

2) Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh của nhân viên y tế; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám bệnh, chữa bệnh rút ngắn thời gian chờ đợi; thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị 09/CT-BYT ngày 22/11/2013 của Bộ Y tế, về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc...

3) Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an tỉnh, thành phố như: Phòng PA83, PC64, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát 113, Công an quận, huyện. Công an phường, xã sở tại để chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cụ thể về các phương án phòng chống khủng bố trong bệnh viện, phòng chống trộm cắp, các đối tượng lưu manh, cò mồi, lừa đảo trong bệnh viện... làm mất an ninh, trật tự bệnh viện; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện, tăng cường chế độ trực, ngăn chặn kịp thời các hành vi đe dọa tấn công cán bộ y tế và người dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

4) Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong và ngoài bệnh viện theo đúng quy định tại Quyết định số 6197/QĐ-BYT, ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, về việc ban hành Hướng dẫn Quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện.

5) Rà soát, củng cố và kiểm soát mức độ an toàn trên toàn bộ khuôn viên tường rào, các lối ra, vào của bệnh viện; lắp đặt hệ thống Camera an ninh, hệ thống, báo động khẩn cấp, có thể trang bị khóa từ ở các khoa có nguy cơ mất an ninh trật tự cao và các phương tiện phòng hộ khác. Rà soát, cập nhật các bảng biểu về nội quy của bệnh viện, trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh; quản lý số lượng, hợp lý người nhà vào thăm, nuôi người bệnh.

6) Bảo đảm nhân lực làm công tác an ninh, trật tự bệnh viện là lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp được đào tạo; phân công đủ nhân viên bảo vệ trực thường xuyên 24/24h, tăng cường thêm lực lượng bảo vệ trong các tua trực đêm.

7) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, gia đình người bệnh và cảnh báo về các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng có khả năng gây rối an ninh, trật tự bệnh viện. Đào tạo kỹ năng phát hiện, xứ lý trước các tình huống và nguy cơ bất trắc dễ dẫn tới xung đột cho nhân viên y tế. Xây dựng và phổ biến hướng dẫn phản ứng nhanh trước các nguy cơ và tình huống có hành vi xâm hại tới danh dự và tính mạng nhân viên y tế và người bệnh trong bệnh viện (Phản ứng nhanh xử lý bạo hành trong bệnh viện).

8) Xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự chung của bệnh viện và tại các khoa, phòng, bộ phận có nguy cơ mất an ninh, trật tự cao. Thường xuyên kiểm tra khả năng ứng phó tình huống và công tác bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, đặc biệt là đội ngũ nhân viên trực tiếp trong đội Phản ứng nhanh xử lý bạo hành trong bệnh viện.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục và các đơn vị liên quan có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn, tổ chức thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng ngừa tình trạng mất an ninh, trật tự bệnh viện.

2. Giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Công đoàn y tế Việt Nam tiếp tục chỉ đạo triển khai việc thực hiện đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh.

3. Giao Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tôn trọng, bảo vệ danh dự và tính mạng nhân viên y tế; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện và các cơ sở y tế.

4. Giao Thanh tra Bộ làm đầu mối phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan khác tiến hành thanh kiểm tra giám sát việc thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng Y tế ngành khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện tại đơn vị, địa phương mình quản lý./.

Đánh giá bài viết
1 151
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm