Câu hỏi tập huấn Thông tư 68 về hóa đơn điện tử
HoaTieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết câu hỏi tập huấn Thông tư 68 về hóa đơn điện tử để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm hiểu biết về hóa đơn điện tử nhé. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết tại đây.
Câu hỏi tập huấn Thông tư 68
- I. Tóm tắt 5 Thay đổi từ TT 32 lên TT 68
- II. Câu hỏi tập huấn thông tư 68 về hóa đơn điện tử
- Câu 1: Hóa đơn điện tử đã sử dụng không thể hiện ngày ký điện tử thì hóa đơn có hiệu lực pháp lý hay không?
- Câu 2: Công ty đang dùng hóa đơn điện tử muốn hủy và xin đặt in hóa đơn giấy được không?
- Câu 3: Công ty xuất hóa đơn điện tử nhưng không ghi chi tiết hàng hóa mà xuất theo bảng kê. Hướng giải quyết?
- Câu 4: Khi lập hóa đơn điều chỉnh, nếu cột thành tiền đúng, chỉ sai cột số lượng và đơn giá thì theo trước đây, khi xuất hóa đơn điều chỉnh giấy, chỉ cần điều chỉnh đơn giá và số lượng (cột thành tiền tổng), còn hóa đơn điện tử khi đánh số lượng và đơn giá thì cột thành tiền sẽ tự nhảy ra. Vậy phải xử lý như thế nào?
- Câu 5: Các doanh nghiệp thương mại và xây dựng nhỏ doanh thu nhỏ hơn 15 tỷ mỗi năm có phải đăng ký gửi hóa đơn để có mã xác thực đến CQT không?
- Câu 6 về nộp lại thông báo và hóa đơn mẫu
- Câu 7: Nếu đến ngày 01/11/2020 số lượng hóa đơn giấy còn thì phải lập thủ tục hủy hóa đơn theo NĐ nào, và mẫu biểu nào?
- Câu 8: Công ty đã dùng hóa đơn điện tử nhưng chưa tích hợp phần mềm kế toán có đươc không?
- Câu 9: DN có được sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy không?
- Câu 10: Có nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua trên HĐĐT hay không?
- Câu 11: Hóa đơn điện tử kèm bảng kê?
- Câu 12: Hóa đơn điện tử chuyển đổi nhiều hơn 1 trang
- Câu 13: Hóa đơn điện tử đã lập chưa gửi cho người mua bị sai sót thì xử lý như thế nào?
- Câu 14: Lập hóa đơn điện tử khách hàng không lấy hóa đơn (Bán lẻ xăng dầu)
- Câu 15: Có được lập văn bản thỏa thuận sai sót dưới dạng bản giấy?
- Câu 16: Miễn tiêu thức dấu của người bán trên hóa đơn chuyển đổi?
I. Tóm tắt 5 Thay đổi từ TT 32 lên TT 68
1. Mẫu số, Ký hiệu, số hóa đơn
Mẫu số, Ký hiệu: Gộp làm 1 dòng Ký hiệu
Số hóa đơn: Tăng từ tối đa 7 số lên 8 số
2. Chữ ký điện tử trên hóa đơn
Trường hợp người bán là doanh nghiệp, tổ chức thì chữ ký số của người bán trên hóa đơn là chữ ký số của doanh nghiệp, tổ chức; trường hợp người bán là cá nhân thì sử dụng chữ ký số của cá nhân hoặc người được ủy quyền.
Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì người mua ký số, ký điện tử trên hóa đơn.
Trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán và người mua thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
3. Thời điểm hóa đơn có hiệu lực đã rõ
Thời điểm lập hóa đơn điện tử xác định theo thời điểm người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm (ví dụ: ngày 30 tháng 4 năm 2019) và phù hợp với hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.
4. Xử lý khi phát hiện sai sót
Không còn nghiệp vụ Hóa đơn điều chỉnh.
5. Hóa đơn điện tử có lập kèm bảng kê không?
Định dạng hóa đơn điện tử là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị hóa đơn điện tử. Định dạng hóa đơn điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "eXtensible Markup Language" được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin).
II. Câu hỏi tập huấn thông tư 68 về hóa đơn điện tử
Câu 1: Hóa đơn điện tử đã sử dụng không thể hiện ngày ký điện tử thì hóa đơn có hiệu lực pháp lý hay không?
Trả lời:
Căn cứ Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
- Tại Tiết e, Khoản 1 Điều 6 hướng dẫn về nội dung của hóa đơn điện tử
“Điều 6. Nội dung của hoá đơn điện tử
1. Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:
…
e) Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
…”
- Tại Điều 8 quy định về lập hóa đơn điện tử
“Điều 8. Lập hóa đơn điện tử
1. Lập hóa đơn điện tử là việc thiết lập đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 6 Thông tư này khi bán hàng hóa, dịch vụ trên định dạng hóa đơn đã được xác định. Các hình thức lập hóa đơn điện tử:
- Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử) thực hiện lập hóa đơn điện tử tại hệ thống phần mềm lập hóa đơn điện tử của người bán;
- Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử) truy cập vào chương trình hệ thống lập hóa đơn điện tử của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử để khởi tạo và lập hóa đơn điện tử.
2. Gửi hóa đơn điện tử là việc truyền dữ liệu của hóa đơn từ người bán hàng hóa, dịch vụ đến người mua hàng hóa, dịch vụ.
…”
Căn cứ Tiết a Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 hướng dẫn thi hành nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định về cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
“Điều 16. Lập hóa đơn
…
2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
…”
Căn cứ các quy định nêu trên, thì hóa đơn điện tử chỉ quy định phải đảm bảo nội dung theo quy định tại điều 4, Thông tư số 39/2014/TT-BTC và điều 6, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và có chữ ký điện tử của người bán theo quy định của pháp luật; chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
Từ 01/11/2020, công ty thực hiện lập và ký hóa đơn điện tư theo quy định tại điểm e, khoản 1, điều 3 và điều 4 Thông tư số 68/2019/TT-BTC
Câu 2: Công ty đang dùng hóa đơn điện tử muốn hủy và xin đặt in hóa đơn giấy được không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
“Điều 35. Hiệu lực thi hành
…
3. Trong thời gian từ ngày 01 tháng 11 năm 2018 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành.”
Căn cứ quy định trên, trước ngày 01/11/2020 công ty được tiếp tục thực hiện sử dụng, quản lý hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
Trường hợp công ty đang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC, thì công ty được sử dụng thêm hình thức hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in) theo quy định tại khoản 3, điều 7, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và khoản 2, điều 5, Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
Từ 01/11/2020, công ty thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC
Câu 3: Công ty xuất hóa đơn điện tử nhưng không ghi chi tiết hàng hóa mà xuất theo bảng kê. Hướng giải quyết?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 19 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2013 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hướng dẫn lập hóa đơn khi danh mục hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn số dòng của một số hóa đơn như sau:
"Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ nếu danh mục hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn số dòng của một số hóa đơn, người bán hàng có thể lập thành nhiều hóa đơn hoặc lựa chọn một trong hai hình thức sau:
1. Người bán hàng ghi liên tiếp nhiều số hóa đơn. Dòng ghi hàng hóa cuối cùng của số hóa đơn trước ghi cụm từ “tiếp số sau” và dòng ghi hàng hóa đầu số hóa đơn sau ghi cụm từ “tiếp số trước”. Các hóa đơn liệt kê đủ các mặt hàng theo thứ tự liên tục từ hóa đơn này đến hóa đơn khác. Thông tin người bán, thông tin người mua được ghi đầy đủ ở số hóa đơn đầu tiên. Chữ ký và dấu người bán (nếu có), chữ ký người mua, giá thanh toán, phụ thu, phí thu thêm, chiết khấu thương mại, thuế giá trị gia tăng được ghi trong hóa đơn cuối cùng và gạch chéo phần còn trống (nếu có).
Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn tự in, việc lập và in hóa đơn thực hiện trực tiếp từ phần mềm và số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn, Cục thuế xem xét từng trường hợp cụ thể để chấp thuận cho cơ sở kinh doanh được sử dụng hóa đơn nhiều hơn một trang nếu trên phần đầu của trang sau của hóa đơn có hiển thị: cùng số hóa đơn như của trang đầu (do hệ thống máy tính cấp tự động); cùng tên, địa chỉ, MST của người mua, người bán như trang đầu; cùng mẫu và ký hiệu hóa đơn như trang đầu; kèm theo ghi chú bằng tiếng Việt không dấu “tiep theo trang truoc - trang X/Y” (trong đó X là số thứ tự trang và Y là tổng số trang của hóa đơn đó).”
2. Người bán hàng được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn.
…."
- Căn cứ quy định nêu trên
- Căn cứ công văn số 820/TCT-DNL ngày 13/3/2017 của Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử có hướng dẫn về việc lập hóa đơn điện tử có số dòng nhiều hơn một trang.
Khi bán hàng hóa công ty xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng thì Công ty phải lập đầy đủ danh mục hàng hóa bán ra đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính. Công ty không được lập hóa điện tử không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy cho khách hàng.
Trường hợp Công ty chuyển đổi hóa đơn điện tử ra giấy, nếu danh mục hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn thì công ty thực hiện tương tự trường hợp sử dụng hóa đơn tự in mà việc lập và in hóa đơn thực hiện trực tiếp từ phần mềm và số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn, cụ thể:
Công ty được thể hiện hóa đơn nhiều hơn một trang nếu trên phần đầu trang sau của hóa đơn có hiển thị: cùng số hóa đơn như của trang đầu (do hệ thống máy tính cấp tự động); cùng tên, địa chỉ, MST của người mua, người bán như trang đầu; cùng mẫu và ký hiệu hóa đơn như trang đầu; kèm theo ghi chú bằng tiếng Việt không dấu "tiep theo trang truoc - trang X/Y" (trong đó X là số thứ tự trang và Y là tổng số trang của hóa đơn đó).
Câu 4: Khi lập hóa đơn điều chỉnh, nếu cột thành tiền đúng, chỉ sai cột số lượng và đơn giá thì theo trước đây, khi xuất hóa đơn điều chỉnh giấy, chỉ cần điều chỉnh đơn giá và số lượng (cột thành tiền tổng), còn hóa đơn điện tử khi đánh số lượng và đơn giá thì cột thành tiền sẽ tự nhảy ra. Vậy phải xử lý như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định về xử lý hóa đơn điện tử đã lập
“Điều 9. Xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập
1. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế, nếu phát hiện sai thì chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của người bán và người mua. Việc huỷ hóa đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử mới theo quy định tại Thông tư này để gửi cho người mua, trên hóa đơn điên tử mới phải có dòng chữ “hóa đơn này thay thế hóa đơn số…, ký hiệu, gửi ngày tháng năm.
2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”
Trường hợp công ty sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC, thì việc xử lý sai sót chỉ tiêu số lượng, đơn giá ghi trên hóa đơn điện tử đã lập được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.
Từ ngày 01/11/2020, việc xử lý hóa đơn điện tử có sai sót được thực hiện theo quy định tại điều 11 và điều 17, Thông tư số 68/2019/TT-BTC
Câu 5: Các doanh nghiệp thương mại và xây dựng nhỏ doanh thu nhỏ hơn 15 tỷ mỗi năm có phải đăng ký gửi hóa đơn để có mã xác thực đến CQT không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
“Điều 12. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
2. Doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế (trừ trường hợp nêu tại khoản 3 Điều này và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
4. Hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.
5. Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sẽ triển khai trên toàn quốc.
6. Hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại khoản 4 Điều này nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; hướng dẫn áp dụng hóa đơn điện tử đối với các trường hợp rủi ro cao về thuế; kết nối chuyển dữ liệu điện tử từ các ngân hàng thương mại hoặc cổng thanh toán điện tử quốc gia với cơ quan thuế; hướng dẫn việc cấp và khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và các nội dung khác cần thiết theo yêu cầu quản lý.”
Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/09/2019 của Bộ Tài chính quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
“Điều 6. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
3. Việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các trường hợp rủi ro cao về thuế được thực hiện như sau:
a) Người bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế quy định tại điểm b khoản này thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
b) Doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có một trong các dấu hiệu sau:
b.1) Không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất sau: nhà máy; xưởng sản xuất; kho hàng; phương tiện vận tải; cửa hàng và các cơ sở vật chất khác.
b.2) Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi.
b.3) Doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
b.4) Doanh nghiệp có doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khác mà chủ các doanh nghiệp này có mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc quan hệ liên kết sở hữu chéo chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng doanh thu kinh doanh trên Tờ khai quyết toán thuế TNDN của năm quyết toán.
b.5) Doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế theo quy định: Không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh theo giấy phép đăng ký kinh doanh; nghỉ kinh doanh quá thời hạn đã thông báo tạm nghỉ kinh doanh với cơ quan thuế và cơ quan thuế kiểm tra xác nhận doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh nhưng không kê khai thuế; không c n hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và không khai báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan thuế kiểm tra không xác định được nơi đăng ký thường trú, tạm trú của người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp.
b.6) Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng mà không khai báo theo quy định hoặc không kê khai, nộp thuế ở nơi đăng ký mới theo quy định.
b.7) Doanh nghiệp đang mua hóa đơn của cơ quan thuế (thực hiện Quyết định“về việc doanh nghiệp có rủi ro cao chuyển sang sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế” ) được cơ quan thuế Thông báo chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
b.8) Trong thời gian 01 năm tính đến thời điểm đánh giá:
- Doanh nghiệp bị cơ quan thuế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn liên quan đến hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế và bị xử phạt từ 20 triệu đồng trở lên;
- Doanh nghiệp bị cơ quan thuế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn 02 lần/năm với tổng số tiền phạt 8 triệu đồng trở lên;
- Doanh nghiệp bị cơ quan thuế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn từ 03 lần/năm.
…”
Căn cứ các quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và xây dựng không thuộc lĩnh vực được áp dụng hóa đơn điện tử không có mã cơ quan thuế. Do vậy, công ty phải thực hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1, điều 12, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP
Câu 6 về nộp lại thông báo và hóa đơn mẫu
(1) Trường hợp hóa đơn điện tử không thể hiện ngày ký điện tử, doanh nghiệp có cần nộp lại thông báo và hóa đơn mẫu hay không? (Hóa đơn mẩu và hóa đơn điện tử đã sử dụng đã được ký điện tử nhưng không thể hiện ngày ký).
(2) Hóa đơn điện tử đã sử dụng không thể hiện ngày ký điện tử thì hóa đơn có hiệu lực pháp lý hay không?
Trả lời: Căn cứ quy định nội dung của hóa đơn điện tử tại điều 4, Thông tư số 39/2014/TT-BTC và điều 6, Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ tài chính cũng như khoản 1 Điều 6 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của chính phủ không bắt buộc nội dung ngày ký hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử đáp ứng đủ quy định tại khoản 5, Điều 4, các Điều 6,7,8 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 và đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin là hóa đơn hợp pháp.
Câu 7: Nếu đến ngày 01/11/2020 số lượng hóa đơn giấy còn thì phải lập thủ tục hủy hóa đơn theo NĐ nào, và mẫu biểu nào?
Trả lời: Việc hủy hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng thực hiện theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Câu 8: Công ty đã dùng hóa đơn điện tử nhưng chưa tích hợp phần mềm kế toán có đươc không?
Trả lời:
Trường hợp công ty sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC, thì công ty phải có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn.
Từ 01/11/2020, việc sử dụng hóa đơn điện tử được hiện theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC, theo đó nếu công ty thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, thì công ty phải có phần mềm kế toán, phần mềm hóa đơn thoe quy định tại khoản 2, điều 12, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP
Câu 9: DN có được sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy không?
Đến ngày 31/10/2020, DN, tổ chức được sử dụng song song hóa đơn đặt in và HĐĐT và được sử dụng đến khi chuyển sang HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP.
Câu 10: Có nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua trên HĐĐT hay không?
Trường hợp không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua: Người mua không phải là đơn vị kế toán & Người mua không phải là đơn vị kế toán: Có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán với người mua.
Câu 11: Hóa đơn điện tử kèm bảng kê?
CV 2047/TCT-CS ngày 22/5/2019: Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không bị giới hạn về số dòng trên một tờ hóa đơn nên HĐĐT không lập kèm bảng kê. ( DN không được lập HĐĐT không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy/bảng kê điện tử cho khách hàng)
Câu 12: Hóa đơn điện tử chuyển đổi nhiều hơn 1 trang
Để phù hợp với đặc thù của HĐ ĐT, trường hợp chuyển đổi HĐĐT ra giấy, nếu số lượng HHDV bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn thì DN thực hiện tương tự trường hợp sử dụng HĐ tự in mà việc lập và in HĐ thực hiện trực tiếp từ phần mềm và số lượng HH, DV bán ra nhiều hơn số dòng của một trang HĐ
Câu 13: Hóa đơn điện tử đã lập chưa gửi cho người mua bị sai sót thì xử lý như thế nào?
HĐĐT đã lập có sai sót nhưng chưa gửi cho người mua thì người bán:
Hủy hóa đơn điện tử đã lập có sai sót
Lập hóa đơn điện tử mới gửi cho người mua
HĐĐT đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Câu 14: Lập hóa đơn điện tử khách hàng không lấy hóa đơn (Bán lẻ xăng dầu)
Trong trường hợp này nếu doanh nghiệp xuất hóa đơn vào ngày hôm sau hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ lễ, tết là không phù hợp theo quy định.
Câu 15: Có được lập văn bản thỏa thuận sai sót dưới dạng bản giấy?
Được lập văn bản thỏa thuận bằng giấy trường hợp người mua không có chữ ký điện tử
Câu 16: Miễn tiêu thức dấu của người bán trên hóa đơn chuyển đổi?
HĐ chuyển đổi để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông phải có dấu của người bán.
Trên đây HoaTieu.vn vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Câu hỏi tập huấn Thông tư 68 về hóa đơn điện tử để bạn đọc cùng tham khảo, ngoài ra HoaTieu.vn cũng xin gửi tới bạn đọc Tài liệu tập huấn thông tư 68 về hóa đơn điện tử để bạn đọc có thêm tài liệu tập huấn về hóa đơn điện tử nhé. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục tài chính ngân hàng trong mục văn bản pháp luật nhé.
- Chia sẻ:
- Ngày:
Câu hỏi tập huấn Thông tư 68 về hóa đơn điện tử
247,2 KB 09/12/2019 9:14:00 SATải file định dạng .DOC
114,5 KB 09/12/2019 9:26:40 SA
Bài viết hay Tài chính - Ngân hàng
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ
Quyết định 46/2016/QĐ-TTg về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017
Thông tư 15/2019/TT-NHNN
Thông tư 15/2021/TT-NHNN về quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Thông tư số 16/2010/TT-NHNN
Thông tư 15/2022/TT-BTC Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030