Bản sao giấy khai sinh có thời hạn không?

Giấy khai sinh là một văn bản để xác định thời điểm xuất hiện và tồn tại của một cá thể khi sinh ra. Vậy, Bản sao giấy khai sinh có thời hạn không? Bài viết dưới đây Hoatieu.vn sẽ giúp bạn có câu trả lời.

1. Giấy khai sinh là gì?

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 thì giấy khai sinh được hiểu như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

6. Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.

Bên cạnh đó, tại quy định của Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật hộ tịch cũng nêu rõ giá trị pháp lý Giấy khai sinh như sau:

Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Bản sao Giấy khai sinh có thời hạn không?

2. Bản sao Giấy khai sinh có thời hạn bao lâu?

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì bản sao là:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

6. “Bản sao” là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc

Hiện nay theo quy định pháp luật thì không có quy định về thời hạn của giấy khai sinh. Khác với các loại giấy tờ có thời hạn như Phiếu lý lịch tư pháp, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đều có thời hạn 6 tháng thì Giấy khai sinh là loại giấy tờ nhiều năm không thay đổi cũng không có thời hạn sử dụng.

Do đó, bản sao Giấy khai sinh đương nhiên không có thời hạn và khi đã xuất trình bản sao Giấy khai sinh thì không cần phải xuất trình thêm bản chính Giấy khai sinh nữa.

3. Các loại bản sao Giấy khai sinh

Theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì Giấy khai sinh có hai loại bản sao đó là:

  • Bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc là bản sao được cấp từ sổ gốc, do cơ quan đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao, có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

Việc cấp bản sao từ sổ gốc được thực hiện đồng thời với việc cấp bản chính hoặc sau thời điểm cấp bản chính.

  • Bản sao Giấy khai sinh có chứng thực là bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

4. Giá trị của bản sao Giấy khai sinh

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì giá trị của bản sao Giấy khai sinh được quy định như sau:

1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

4. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Như vậy, bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc và bản sao Giấy khai sinh chứng thực đều có giá trị sử dụng thay cho bản chính Giấy khai sinh.

Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Thủ tục cấp lại Giấy khai sinh bản chính, Hướng dẫn làm Giấy khai sinh trực tuyến trên mạng từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 920
0 Bình luận
Sắp xếp theo