Phân tích truyện ngắn Đất quên của Nguyễn Huy Thiệp
Phân tích Đất quên của Nguyễn Huy Thiệp
"Đất quên" là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nằm trong tập truyện "Những ngọn gió Hua Tát". Tác phẩm này mang đậm phong cách nghệ thuật độc đáo của ông, với sự kết hợp giữa hiện thực trần trụi và yếu tố huyền ảo, cùng những suy tư sâu sắc về thân phận con người. Sau đây là bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Đất quên, mời các bạn cùng tham khảo.
Đề bài: Phân tích truyện ngắn "Đất quên" của Nguyễn Huy Thiệp trong chùm truyện "Những ngọn gió Hua Tát".
Văn bản Đất quên
Lò Văn Pành là ông già nổi tiếng ở bản Hua Tát. Hơn tám mươi tuổi, hàm răng của ông vẫn còn đều tăm tắp như răng chàng trai mười bảy tuổi. Cối đá giã gạo, ông dùng một tay cử lên như bỡn. ông làm bằng ba người khác. Uống rượu cũng vậy, sức ông có thể chấp nổi muôn người. Tráng đinh trong bản Hua Tát nhìn ông kiêng nể. Ông Pành có ba vợ, tám đứa con và khoảng ba chục đứa cháu. Họ sống hòa thuận và khá sung túc. Gia đình cũng giống như những lò than, các cục than có sức tỏa ấm cho nhau nhưng rồi sau đó lại thiêu đốt nhau. Gia đình nào mà chẳng thế?
Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu như ông Pành chỉ sống quanh quẩn ở trong thung lũng Hua Tát. Nhưng đùng một cái, ông bỗng nảy sinh ý định đi về Mường Lưm mua trâu. Thực ra nếu chỉ mua trâu chẳng phải vất vả nhiều đến thế, chỉ cần sang bản Chi, bản Mạt, ông Pành có thể mua được những con trâu cày hạng nhất. Nhưng Mường Lưm là nơi thời trẻ ông Pành ở đó. Ký ức xa xưa sống dậy trong ông.
Mường Lưm là vùng đất xa xôi hẻo lánh tận cuối Châu Yên. Tiếng Thái Mường Lưm nghĩa là đất quên. ở đây có những khu rừng nguyên sinh từ thời thượng cổ, cây cối bạt ngàn, chim thú nhiều vô kể.
Hôm ấy, ông Pành cưỡi ngựa đến gần Mường Lưm thì trời đã tối. Một cơn mưa đá dữ dội ập đến. Ông Pành nhìn quanh xem có chỗ nào trú được nhưng chỉ mênh mông rặt đồi cỏ gianh lá sắc như dao. Đá ở trên cao ào ào trút xuống. Con ngựa sợ hãi không chịu đi nữa, miệng nó hý vang, móng cào xuống đất.
Ông Pành nhảy vội xuống ngựa, miệng chửi rủa, ông chưa bao giờ thấy trận mưa nào dữ dội đến thế. Gió to quá, những giọt mưa đá quất vào người ông đau điếng. Đêm dần ập xuống, sấm sét rền vang làm đất rung chuyển, con ngựa dứt đứt dây cương chạy vụt xuống đồi. ông Pành định đuổi theo thì bỗng nhiên thấy có bóng đen nhỏ chạy về phía minh. ông định thần lại. Đấy là cô gái đi làm nương về, gặp mưa bất thần, nàng sợ hãi vừa chạy vừa ngã, luôn miệng kêu trời. Gặp ông Pành, nàng kiệt sức ngã quỵ vào tay ông.
Mưa như trút, những cục đá văng như đạn ghém. ông Pành đứng lom khom che chở cho cô gái, cô gái úp mặt vào hai bàn tay, toàn thân run rẩy. Cô tựa vào bộ ngực trần vạm vỡ của ông tin cậy. ông Pành an ủi:
– Đừng sợ…đừng sợ…Cơn giận của Then sẽ qua đi thôi…
Họ đứng như thế giữa đồi cỏ gianh, xung quanh mưa đá sấm rền. ông Pành ngợp trong diệu huyền. Cả cuộc đời từng trải của ông, ông chưa bao giờ có cảm giác ấy. Ông biết đây chính là điều ông vẫn hằng khao khát mong tìm. Hơn cả tình yêu, hơn cả những người phụ nữ mà ông đã gặp, cảm giác này như là hạnh phúc.
Khi trời mưa tạnh thì trên cao bắt đầu le lói một thứ ánh hồng mờ ảo. Cô gái ngượng ngập rút tay ra khỏi bàn tay ông Pành. Ông chưa bao giờ thấy ai lại đẹp như vậy. Nàng vùng chạy. ông luống cuống đuổi theo, vấp ngã nhưng rồi cuối cùng ông nắm được tay nàng.
– Em tên là gì? – Ông hỏi. – Ngày mai ta đến cầu hôn… Em có bằng lòng ta không? Cô gái bối rối, mãi sau nàng mới ấp úng:
– Em là Muôn… Ở bản Mường Lưm…
Nàng đẩy ông ra rồi chạy xuống đồi, đôi bắp chân trắng nõn nà. ông Pành ngồi thụp xuống đất, mồ hôi vã ra, bủn rủn. Một niềm sung sướng tràn ngập lòng ông. ông nằm vật ra giữa đám cỏ gianh ướt sũng, mặc cho những con kiến đen to tướng bò lung tung trên tấm ngực trần. ông thiếp đi cho đến lúc con ngựa tinh khôn tìm thấy ông, lấy cái miệng nóng hổi nhay nhay vào cái tai to, có những chùm lông đen loăn xoăn của ông để lôi dậy.
Trưa hôm sau, ông Pành dắt ngựa vào bản tìm đến nhà Muôn. ông quỳ xuống, chồng cả đống bạc hoa xòe dự định mua trâu cho ông bố Muôn. Biết lời cầu xin của khách, bố Muôn cười vang, ông gọi vợ con và dân bản đến. Mọi người cười cợt bàn tán. Ông Pành vẫn cứ trơ trơ giữa lời nhạo báng sắc tựa dao chích. Muôn nấp sau khe cửa nhìn ra. Nàng thấy hay hay và thấy câu chuyện còn có vẻ buồn cười nữa. Quả thật, nàng đã quên khuấy đi cơn mưa đá đêm qua, những giọt nước mắt và cuộc gặp gỡ trên đồi.
Một mực khăng khăng, ông Pành nhắc đi nhắc lại những lời cầu hôn. Thực quá đáng, mọi người không thể còn cười được nữa. Cuối cùng, bố Muôn đành phải đặt ra điều kiện:
– Thôi được, ông muốn làm rể tôi thì ông ở đây làm sao hạ được cây gỗ lim to nhất ở đỉnh Phu Luơng mang về. Cây gỗ ấy sau này sẽ là căn nhà của ông và con Muôn đấy…
Mọi người lại cười phá lên. Không ai ở đây không biết cây gỗ lim ấy, vòng gốc của cây gỗ lim tám người đứng ôm không xuể. Nó mọc trên đỉnh núi đá vôi cao đến nỗi đứng ở trên ấy nhìn xuống thì bản Mường Lưm chỉ bé như mái nhà sàn.
– Được! Xin ông hãy giữ lấy lời! – ông Pành trả lời như dao chém đá.
Người ta đồn rằng hôm sau ông Pành leo lên đỉnh núi, bập được nhát rìu đầu tiên vào gốc cây lim thì ông kiệt sức. ông chết vì bị vỡ tim.
Đám tang ông Pành, Muôn không đi đưa. Hôm ấy nàng bận đi chợ Yên Châu xem đám chọi gà. Chiều về nàng cũng gặp mưa, nhưng mà lần này trời không mưa đá.
Phân tích văn bản Đất quên
Trong cuộc đời, mỗi chúng ta đều sẽ gặp rất nhiều người, có người dừng chân lại và cũng có người lướt qua chỉ trong một khoảnh khắc. Và mỗi cuộc gặp gỡ như vậy đều là do thượng đế sắp xếp, ngài buộc ta phải gặp họ, ngài làm ta tò mò, băn khoăn và suy nghĩ xem vì sao ta lại gặp họ. Có người mang đến niềm vui thì sẽ có người mang đến nỗi buồn, sự dâng trào cảm xúc sinh ra hoocmon kích thích trí não khiến ta nghĩ về họ nhiều hơn. Nhưng cuộc đời sẽ không có nhiều lần ta cảm nhận được cảm xúc thăng hoa nhất - sự hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải hạnh phúc nào cũng kéo dài. Truyện ngắn thứ sáu “Đất quên” trong mười truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của tác giả Nguyễn Huy Thiệp đã khiến bạn đọc phải đặt ra câu hỏi rằng: Liệu có phải hạnh phúc chỉ là một khoảnh khắc hay nó là cả một quá trình xuyên suốt trong cuộc đời?
Câu chuyện kể về ông Lò Văn Pành, ông đã hơn tám mươi tuổi, ông sống ở bản Hua Tát cùng ba bà vợ, tám đứa con và khoảng ba chục đứa cháu. Ông Pành sống quanh quẩn trong thung lũng bản Hua Tát. Nhưng cuộc sống của ông đã thay đổi khi ông quyết định về Mường Lưm mua trâu – vùng đất nơi còn trẻ ông có rất nhiều kí ức tươi đẹp. Vào chiều tối mưa đá định mệnh của cuộc đời, ông đã gặp được nàng Muôn. Ông có cảm giác hạnh phúc, một cảm giác ông chưa từng được trải qua. Sau đó ông đã tới nhà nàng Muôn để cầu hôn, nhưng những gì ông nhận lại là thái độ cười cợt nhạo báng, họ bàn tán về ông và bố Muôn đã đưa ra một thử thách khó như lên núi đao, xuống biển lửa - hạ cây gỗ lim to nhất ở đỉnh Phu Lương mang về. Chính ông cũng biết đây là thử thách khó khăn nhưng ông vì nàng Muôn. Ông leo lên đỉnh núi vung một nhát rìu vào gốc cây rồi kiệt sức vỡ tim chết.
Cốt truyện được xây dựng đơn giản với hai nhân vật ông Pành và nàng Muôn. Trong đó ông Pành là người được nhắc đến và dõi theo nhiều nhất, từ khi ông sống ở bản Hua Tát đến Mường Lưm rồi đến lúc ông chết đi. Không gian trong truyện được nhắc đến ở bản Hua Tát, ở Mường Lưm xa xôi tận cuối Châu Yên, ở giữa đổi cỏ gianh nơi ông Pành và nàng Muôn gặp nhau. Bản Hua Tát là nơi ông Pành sống nhưng lại không được người cầm bút khắc hoạ, miêu tả nhiều, tác giả đưa ta đến với không gian tại Mường Lưm khiến ta băn khoăn rằng liệu có phải chỉ có thời trẻ, thời niên thiếu mới là khoảng thời gian khiến ta hạnh phúc? Hay cũng chỉ có nơi có kỉ niệm mới khiến cảm xúc ta được dâng trào? Ông Pành vì có thời trai trẻ gắn liền với Mường Lưm nên dĩ nhiên sẽ vô cùng quen thuộc và biết ở trên đỉnh núi có cây gỗ lim. Nhưng ông lại không hề chùn bước trước khó khăn. Phải chăng vì bản năng của con người là chinh phục thử thách hay vì khát vọng hạnh phúc mà ông mới tìm được sau 80 năm cuộc đời? Dù có nhiều không gian nhưng Nguyễn Huy Thiệp chỉ nhắc đến khoảng thời gian duy nhất là trận mưa đá, ngày ông Pành cảm nhận được niềm hạnh phúc. Lát cắt thời gian trong chiều mưa ấy dù ngắn ngủi, mong như tờ giấy nhưng đã khiến ông Pành được trải qua cảm giác chưa từng có. Chính lát cắt thời gian này, ông vua không ngai của “làng truyện ngắn” đã khiến độc giả thật sự phải suy tư, phải ngẫm nghĩ về thông điệp ông muốn nói đến thông qua các chi tiết và đặt ra câu hỏi rằng hạnh phúc có thật sự chỉ là một khoảnh khắc?
Tình huống truyện đầy hấp dẫn, bất ngờ và cũng vô cùng éo le. Tác giả đã đưa ta từ bản Hua Tát đến Mường Lưm, từ nơi yên bề gia thất đến tuổi trẻ mang trên mình đầy hoài bão và ước mơ. Khi ta bị cuốn vào đêm mưa đá đầy cảm xúc của ông Pành, để rồi nhiều người cũng đã nghĩ rằng câu chuyện sẽ có một cái kết đẹp, rằng niềm hạnh phúc của ông Pành sẽ đến với ông một cách khó tin ở độ tuổi ấy, rằng nàng Muôn sẽ giống như một món quà mà thượng đế ban cho ông. Nhưng tôi đã ngỡ ngàng trước thái độ của bố nàng Muôn cũng như của dân bản. Họ cười cợt và bàn tán về ông Pành. Ngay cả chính nàng Muôn, người ông cứ ngỡ là định mệnh cũng nấp sau khe cửa và cảm thấy câu chuyện này thật buồn cười. Nàng Muôn cười vì lẽ với cô thiếu nữ còn tuổi xuân xanh thì cuộc gặp gỡ ấy chỉ là thoáng qua, chỉ là một khoảnh khắc trong đời. Nhưng với ông Pành, đây là hạnh phúc, là cảm giác ông mất cả đời để đợi, để được trải qua, để cảm nhận. Có lẽ thượng đế đã quá tàn nhẫn khi để xảy ra một cuộc gặp gỡ éo le đến vậy. Giá như ông Pành gặp người như nàng Muôn từ thời còn trẻ thì có lẽ hai người đã không lướt qua nhau như thế.
Ông Pành trừ tuổi tác là của một ông già đúng nghĩa thì tất cả đều giống một chàng trai còn trẻ. Ông mang trong mình sự dũng mãnh như hổ, ấm áp như ánh mặt trời, ông không quan tâm đến cái nhìn của người khác và rất ngoan cố. Điển hình là khi ông đến cầu hôn nàng Muôn. Nếu như không có chi tiết ông ngợp trong diệu huyền, bủn rủn vì cảm xúc ta sẽ không thể biết được ông cũng có một tâm hồn của một chàng thanh niên. Ông muốn yêu và khao khát được hạnh phúc, đây là một nhu cầu vô cùng bình thường. Tuy nhiên, với một người hơn 80 có nên bắt đầu cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc hay không? Nàng Muôn lướt qua đời ông là thực hay chỉ là ảo ảnh về hạnh phúc? Đối với một người như ông Pành, ba vợ, tám con, ba mươi người cháu, gia đình khá giả, sung túc; sức khỏe vô biên đã là đủ đầy, viên mãn chưa? Nếu mọi người được như ông có an phận với cơ ngơi, cuộc đời, với lộc trời ban cho hay không? Giá như ông an phận, đâu đến nỗi phải vỡ tim mà chết? Cái chết của ông Pành là nghiệt ngã là tái tê hay là một niềm hạnh phúc của một con người được chết vì khát vọng kiếm tìm chinh phục hạnh phúc? Quả thực, cuộc đời và cái chết của ông Pành đáng để suy nghĩ!?
Truyện được kể dưới ngôi kể thứ ba, với điểm nhìn trần thuật của ông Pành. Giọng điệu văn chương của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện có phần lãng mạn nhưng lại pha chút chễ giễu. Ông chế giễu sự mau quên của nàng Muôn, chễ giễu cuộc đời sao quá bất công với ông Pành khi ông chỉ muốn có được hạnh phúc nhưng sao khó khăn mà cơ hội lại mong manh đến vậy. Thông qua truyện ngắn này tác giả đã bày tỏ sự đồng cảm với ông Pành và gửi gắm đến chúng ta thông điệp: Hãy luôn theo đuổi niềm hạnh phúc? Hay biết an phận đây?
Kết thúc truyện Đất quên cứ bâng khuâng trong lòng người về một vùng nhớ chẳng thể nào quên. Muôn không đưa đám ông Pành, nàng chị chợ Yên Châu xem chọi gà, chiều về nàng gặp mưa nhưng không có mưa đá. Cái kết cứ dửng dưng, cứ lạnh lùng mà khiến ta bâng khuâng quá vậy. Phải chẳng Mường Lưm chính là mảnh đất quên thực sự? Nguyễn Huy Thiệp gieo chữ, gieo tình huống thật tài tình khiến ta cứ thấy man mác buồn cho một kiếp người. Đoạn kết nhẹ nhàng, lăn tăn sóng như một mặt hồ yên tĩnh, như một dòng chảy nhẹ nhàng mà sao lại cuộn xoáy bao cảm xúc trong lòng người đến vậy.
Ra đời trong tập truyện ngắn cùng chín truyện khác nhưng “Đất quên” vẫn luôn nổi bật và được rất nhiều độc giả chú ý đến. Ngắn gọn, đơn giản nhưng lại có thể khiến ta như trải qua cả cuộc đời cùng với nhân vật. Cho đến kết truyện tôi cho rằng ai cũng đã có câu trả lời cho riêng mình, rằng hạnh phúc là một khoảnh khắc hay là một quá trình. Với bản thân tôi, hạnh phúc chính là hạnh phúc, dù là khoảnh khắc hay quá trình không quan trọng, quan trọng là ta đã được trải qua nó, được đắm chìm và tận hưởng nó. Tôi tin rằng dù cho mười năm hay hàng trăm năm nữa thi phẩm này vẫn sẽ là một niềm tự hào của Nguyễn Huy Thiệp và ghi sâu vào trong lòng người đọc. Mỗi chúng ta đều sẽ được hạnh phúc, bạn hãy đọc và cảm nhận “Đất quên”, bạn cũng sẽ được hạnh phúc.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:
Cô bé bướng bỉnh
- Ngày:
Tham khảo thêm
Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2025 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2025
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2025
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2025
Mẫu hợp đồng ngoại thương bằng Tiếng Anh
Mẫu hợp đồng góp vốn
Bài phát biểu của lãnh đạo tại Đại hội nông dân xã nhiệm kỳ 2023-2028
Có thể bạn quan tâm
-
Phân tích bài thơ “Nói với em” của nhà thơ Vũ Quần Phương
-
Phân tích truyện ngắn Bố tôi của Nguyễn Ngọc Thuần
-
Phân tích truyện ngắn “Thằng gù” của Hạ Huyền
-
Phân tích truyện ngắn Cơm mùi khói bếp
-
Phân tích truyện ngắn Ông ngoại của Nguyễn Ngọc Tư
-
Phân tích truyện ngắn Bến thời gian Tạ Duy Anh
-
Phân tích Quê hương Giang Nam
-
Phân tích truyện Những dòng chữ diệu kỳ
-
Đọc hiểu truyện ngắn Gọi con
-
Phân tích truyện ngắn Hương hoa hoàng lan
-
Nghị luận về vượt qua khó khăn thử thách trong cuộc sống
-
Phân tích bài thơ Đất nước tôi Tạ Hữu Yên