Phân tích Cay đắng mùi đời

Phân tích đánh giá tác phẩm Cay đắng mùi đời

Hồ Biểu Chánh là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Cay đắng mùi đời là một trong số các tác phẩm tiêu biểu của ông. Tác phẩm viết năm 1923, phóng tác từ tiểu thuyết Pháp “Sans famille” của Hector Malot. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích, đánh giá đoạn trích tác phẩm Cay đắng mùi đời sẽ giúp các em nắm được những ý chính cần triển khai khi làm dạng bài viết này.

Dàn ý phân tích Cay đắng mùi đời

Đoạn trích

Tóm tắt: Cay đắng mùi đời của nhà văn Hồ Biểu Chánh xoay quanh cuộc đời đầy gian truân của thằng bé Được. Nhằm thực hiện âm mưu chiếm đoạt đạt tài sản, Phan Đức Lợi đã bắt cóc con của anh mình là ông Hội đồng Nhàn đêm bỏ miệt ở xứ Gò Công. Ba Thời - một người phụ nữ tốt bụng, có chồng tên Hữu bỏ nhà đi đã lâu, nay “xí” được thằng bé và đặt tên cho nó là Được. Thằng Được ở với Ba Thời đến năm tám tuổi thì tên Hữu về, đem bán nó cho thầy Đàng. Thằng Được bắt đầu cuộc sống phiêu lưu, rong ruổi cùng thầy. Ở với thầy, thằng bé được thầy dạy chođờn ca và học chữ. Trong một lần hai thầy trò trên đường đến Gia Định thì thầy Đàng chết do rét và đói. Thằng Được lang thang một mình và kết bạn với thằng Bĩ. Cả hai cùng nhau kiếm tiền và mua cho Ba Thời một con heo quắn đít. Thằng Được nghe Ba Thời khuyên thì quyết tâm lên đường tìm ba mẹ ruột của mình. Kết thúc tác phẩm Cay đắng mùi đời thằng bé Được tìm mẹ mình là bà Hội đồng Nhàn và đền ơn đáp nghĩa cho những người có ơn với nó.

Đoạn trích sau kể về sự việc sau khi thầy Đàng mất.

Thầy xếp ga dọn cơm cho nó ăn rồi mới mượn con thầy dắt chỉ giùm mả của thầy Ðàng cho nó thăm. Nó ra tới mà lạy bốn lạy rồi ngồi ôm núm mà khóc nghe rất thảm thiết. Nó khóc một hồi rồi đứng dậy, lau nước mắt, chắp tay đứng trước đầu mả mà vái lớn lên rằng: "Thưa thầy, con nhờ ơn thầy dạy bảo mấy năm nay nên ngày nay con mới biết đường ngay nẻo dại, con mới hiểu thế thái nhơn tình. Nay trời khiến giữa đường thầy trò ta phải xa nhau, con chẳng biết lấy chi mà tỏ lòng kính mến thầy. Vậy con xin lạy thầy bốn lạy mà tạ ơn. Con đứng giữa chốn này, trên có trời, dưới có đất, con nguyền lập chí như thầy, gặp việc phải làm dầu nát thân con, con cũng làm, gặp chuyện chẳng nên làm dầu làm được bạc ức bạc muôn con cũng chẳng thèm".

Thằng Ðược vái van xong rồi mới trở về nhà thầy xếp ga. Thầy hỏi nó vậy chớ bây giờ tính đi đâu. Nó suy nghĩ một hồi rồi thưa với thầy rằng: "Thưa thầy em chẳng có bà con chi hết, song em có một người mẹ nuôi ở dưới Xóm Tre. Lại thầy em hồi trước nuôi em với một đứa con gái tên là con Liên, khi tới Mỹ Tho thầy em cho con Liên cho bà Hội đồng Cần Thơ nuôi. Bà Hội đồng dắt nó đi Sài Gòn, vậy em tính lên Sài Gòn đặng kiếm coi gặp nó hay không".

Thầy xếp ga cầm nó lại một đêm. Nó đờn ca cho vợ chồng thầy nghe chơi rồi sáng mới giao đồ đạc rồi giao luôn cái đồng hồ bằng bạc với cái bóp của ông Ðàng cho nó nữa. Nó bỏ cái đồng hồ vào túi rồi dở bóp ra coi thì còn một đồng rưỡi. Nó móc trong túi nó ra mà đếm thì tiền riêng của nó còn được tám cắc bạc. Nó bỏ chung vô bóp, rồi đứng ngẫm nghĩ rằng: "Mình lên Sài Gòn không quen với ai, không biết cơm đâu mà ăn, chỗ đâu mà ngủ". Nghĩ như vậy nó mới móc bóp ra tám cắc bạc của nó mà lận lưng, rồi mở va-li bỏ cái bóp của thầy vô đặng gởi va-li với cây dù lại cho thầy xếp ga, tính xách hai cây đờn mà đi thôi. Thầy xếp ga cho nó một giấy xe lửa với một đồng bạc. Nó từ chối hoài không chịu lấy bạc. Vợ thầy theo ép quá túng thế nó phải lấy, song trong bụng tính thầm hễ chừng làm có tiền trở lại lấy đồ rồi trả đồng bạc cho thầy. Xe lửa dưới Mỹ Tho lên gần tới thổi xúp-lê nghe vang rân. Nó tử giã vợ chồng thầy xếp ga rồi vác hai cây đờn ra đứng chực mà lên xe (...)

Thằng Ðược cách biệt Ba Thời đã bốn năm năm, trong lòng nó thương nhớ, nên khi nó nghe thầy Ðàng chết rồi thì trước hết nó tính trở về Mỹ Lợi đặng viếng thăm. Song nó tính như vậy rồi nó nhớ tới tên Hữu thì trong bụng nó lại buồn thầm, nghĩ vì về đó nó cực thân đã đành rồi, mà sợ má nó càng thêm nhớ tiếc thì càng tội nghiệp cho má nó nữa. Bới nghĩ như vậy nên nó mới quyết lên Sài Gòn mà tìm con Liên, bởi vì khi gặp bà Hội đồng thì bà có nói bà chở thằng con bà lên Sài Gòn đặng cầu danh y cho nó uống thuốc, vậy, nếu lên Sài Gòn mà tìm thì chắc là gặp Ðược. (Hồ Biểu Chánh).

Dàn ý

1. Mở bài:

- Có thể đi từ tư tưởng nhân nghĩa, đạo đức, các bài học đạo lí của dân tộc

“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”

(Nguyễn Đình Chiểu)

Thấm nhuần tư tưởng Nho gia, ngòi bút của Hồ Biểu Chánh luôn dốc lòng vì quan niệm “văn dĩ tải đạo”, hướng thiện làm lành, chuyển tải nhiều bài học đạo đức, tư tưởng sâu sắc cho mọi người.

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

Hồ Biểu Chánh là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Trang viết của ông phần lớn là cuộc sống Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Cách diễn đạt của ông nôm na, bình dị. Ông đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai.

Tác phẩm “Cay đắng mùi đời” sáng tác vào năm 1923, phóng tác từ tiểu thuyết Pháp “Sans famille” của Hector Malot. (Tóm tắt truyện)

- Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

Đoạn trích thuộc phần giữa của truyện, kể về tâm trạng của nhân vật Được sau khi thầy Đàng mất, hành trình phiêu lưu và tấm lòng thơm thảo của vợ chồng thầy ga xếp. Đoạn trích chú trọng đề cao tinh thần nhân nghĩa, biết nhớ cội nguồn, biết sống ngay thắng, theo lẽ phải, đạo lí, biết giúp người trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.

2. Thân bài:

* Xác định chủ đề của tác phẩm

Chủ đề đoạn trích xoay quanh các vấn đề luân lí xã hội, quan niệm sống tích cực, ngay thẳng, sống theo lẽ phải, hướng thiện làm lành, biết nhớ ơn và biết nâng đỡ lẫn nhau.

“Con đứng giữa chốn này, trên có trời, dưới có đất, con nguyền lập chí như thầy, gặp việc phải làm dầu nát thân con, con cũng làm, gặp chuyện chẳng nên làm dầu làm được bạc ức bạc muôn con cũng chẳng thèm”

* Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm

Đây là một chủ đề tích cực, bồi đắp nhân cách con người. Giữa thời đại rối ren, khi các giá trị dần băng hoại, con người chạy theo lối sống “thời thượng” – kim tiền thì chủ đề và câu nói của Được lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nó hướng người ta đến lối sống kiên định, không thỏa hiệp với những điều sai trái, biết tin vào cái thiện, cái đẹp ở đời, không tùy tiện gian trá, lọc lừa.

Chủ đề này cho đến ngày nay vẫn là bài học lớn cho mỗi người chúng ta phấn đấu, hoàn thiện chính mình.

So với thời đại, tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX đi sâu vào tinh thần yêu nước, tụ tôn dân tộc, về các vị anh hùng, các điểm tựa lịch sử; thì tác phẩm của Hồ Biểu Chánh lại có phần gần gũi hơn vì nó đi sâu vào đời sống, vào nhiều mảnh đời bình dị nhất để gửi gắm nhiều đạo lý nhân sinh

* Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm

* Lời thoại trong truyện đan xen giữa lời người kể chuyện với nhân vật. Truyện được kể theo ngôi thứ 3, tác giả là người bên ngoài theo dõi tận tường tâm tính của nhân vật, mang tính khách quan, sinh động. Mỗi lời đối thoại của nhân vật thể hiện một tính cách, chủ yếu cho thấy bản tâm hướng thiện, sống theo lẽ phải, chuyên chở tư tưởng của nhà văn

* Nhân vật

Tuyến nhân vật trong trang viết của Hồ Biểu Chánh còn tương đối đơn giản, đi theo hai hướng thiện và ác. Nhân vật của ông không còn mang tính chất ước lệ, mà có những nét đặc trưng riêng, thể hiện đúng tính chất của từng loại người. Ông chú ý đến ngoại hình và phân tích hành động của nhân vật nhiều hơn.

Thằng Được hiền hòa, luôn lạc quan suy nghĩ về tương lai, giàu lòng tự trọng. Cậu xem “tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim”. Cậu như đó hoa sen thơm ngát mọc lên giữa bùn đất cuộc đời. Giữa bao nhiêu cám dỗ, cậu vẫn trưởng thành một cách tự cường, chính trực, không bị mưa gió cuộc đời làm hoen ố. Có thể thấy, Hồ Biểu Chánh vẫn luôn tin điều cái thiện, tin vào phẩm chất của con người, dù nhơn tình có ấm lạnh ra sao, lòng người vẫn mãi tốt đẹp.

Cách đặt tên, cách gọi nhân vật đặc sệt cách gọi của người Nam Kì, không trau chuốt hoa mĩ mà giản dị gần gũi. không họ, chỉ có tên gọi: thằng Được, hoặc gọi theo nghề nghiệp “thầy ga xếp”. Đó vừa là những con người cá nhân, cá thể, vừa khái quát cho một nhóm người bình dị trong xã hội, nhỏ bé nhưng đầy đủ phẩm chất, lương tri

*Kết cấu truyện theo lối truyền thống, đi theo trình tự thời gian, từ lúc thằng Được đi thăm mả thầy Đàng, ở lại nhà thầy ga xếp một đêm, đến sáng hôm sau chia tay, tiễn biệt lên thành phố đều được miêu tả chi tiết, kĩ lưỡng. Kết cấu này tạo nên sự liền mạch, sáng rỏ, giúp người đọc, đặc biệt là người đọc mới, người đọc bình dân thời bấy giờ dễ dàng nắm bắt trình tự câu chuyện.

* Ngôn ngữ trong đoạn trích giản dị, bình dân, dễ hiểu. Ông sử dụng nhiều từ ngữ địa phương Nam Bộ (gọi “má”, “trời khiến”, “thế thái nhân tình”, “trong bụng”…) ->câu văn có phong cách gần gũi như đang nói chuyện đời thường giữa mọi người với nhau.

Lối hành văn rất tự nhiên. Nghĩ sao viết vậy, viết như nói. Nếu bàn về văn phong của Hồ Biểu Chánh, Thanh Lãng cho rằng: “Ông là người đầu tiên làm cách mạng, vì đã đập vỡ cái khuôn khổ văn chương đài các đương thời.”

* Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Hồ Biểu Chánh chọn thể loại tiểu thuyết, dung lượng dày rộng, dễ dàng thể hiện nhiều biến cố, thử thách xoay quanh nhân vật. Chỉ với một đoạn trích nhỏ nêu trên, ta đã có thể thấy được nhiều nét trong sinh hoạt, phong phục, phong cảnh bấy giờ, cũng thấy rõ hơn tính cách nhân vật. Mỗi lần tiếp xúc với tác phẩm, nghe những câu chuyện về thằng Được ta lại cảm thấy tin yêu thêm những câu chuyện tốt đẹp ở đời, những con người mà dù bất kì hoàn cảnh nào cũng không cúi đầu bất nghĩa.

3. Kết bài:

- Khái quát về giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm

Có thể thấy, trong “Cay đắng mùi đời”, Hồ Biểu Chánh đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt của mình là nêu cao luân lí, biểu dương những đức tính tốt đẹp của con người (lòng nhân ái, hiếu nghĩa, tự trọng…) tố cáo sự xấu xa, độc ác. Tác phẩm có khuynh hướng mới, tự hào truyền thống văn hóa đồng thời chú ý canh tân (đặc biệt là trong ngôn ngữ) nhưng tuyến nhân vật còn tương đối đơn giản, bị chi phối bởi tư tưởng đạo đức nên tính cách còn gò ép, một chiều.

Cùng với “Cay đắng mùi đời” và hơn 60 tiểu thuyết khác, Hồ Biểu Chánh có thể dược xem là một trong những cây bút tiên phong của nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, trong những bước đi đầu tiên trước giai đoạn toàn thịnh, và cũng là cây bút sức, có nhiều công lao. Ông góp phần không nhỏ trong việc chuẩn bị cho sự hình thành chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học Việt Nam ở thập niên sau đó.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 12
Phân tích Cay đắng mùi đời
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng