Top 4 bài phân tích những lần hóa thân của Tấm hay và chi tiết

Tải về

Trong truyển cổ tích Tấm Cám, nhân vật Tấm đã có rất nhiều lần hóa thân khác nhau. Vậy ý nghĩa của mỗi lần hóa thân của nhân vật Tấm là gì? Mời các bạn cùng tham khảo một số bài văn mẫu phân tích những lần hóa thân của Tấm hay và chi tiết dưới đây để hiểu rõ hơn về những lần hóa thân của Tấm nhé.

Sau đây là nội dung chi tiết mẫu phân tích ý nghĩa những lần biến hóa của Tấm để thấy được sức sống mãnh liệt không thể bị tiêu diệt của cái đẹp, cái thiện.

1. Dàn ý phân tích các hình thức biến hóa của Tấm

1. Mời bài

- Tấm chết, linh hồn hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, rồi cây thị, quả thị. Đây vốn là những vật rất gần gũi trong cuộc sống của người lao động nơi thôn quê dân dã.

- Mỗi hình thức biến hóa mang một ý nghĩa đặc sắc riêng.

2. Thân bài

- Chim vàng anh tiếng hót trong trẻo, thánh thót đem lại niềm vui. Chim quấn quýt bên nhà vua, được vua sủng ái yêu chiều như với người.

- Tấm hóa thành cây xoan đào. Cây xoan đào cành lá xanh tươi xòe bóng che mát cho nhà vua, lòng cây màu hồng như tấm lòng son mãi không phai qua bao thăng trầm của Tấm.

- Tấm hóa thành cây thị. Cây thị mộc mạc dân dã và thân thiết với người nông dân nơi thôn quê. Quả thị nhỏ nhắn luôn tỏa ngát hương thơm khiến ai cũng thích, cũng quý.

- Tấm trở lại làm người, xinh đẹp và tự tin hơn xưa. Đó là ước mơ của nhân dân ta dành cho những con người nhân hậu, tốt bụng: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

=> Tấm đều hóa thân trong những hình ảnh rất đẹp. Mỗi lần mỗi khác nhưng tất cả những hình ảnh đó đều có một sự thống nhất chung. Hiển hiện của một linh hồn lương thiện, trong sáng, thủy chung, một linh hồn không cam chịu khuất phục khi ý thức được nỗi oan ức của mình.

3. Kết bài

Quá trình hóa thân của Tấm là sự thể hiện một sức sống mãnh liệt, không thể bị tiêu diệt của cái đẹp, cái thiện. Đó là quan niệm, đồng thời cũng là mơ ước cháy bỏng của nhân dân lao động bao đời nay trong cuộc đối mặt với cái ác, cái xấu.

2. Phân tích các lần biến hóa của Tấm - Mẫu 1

“Tấm Cám” là một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng của văn học dân gian Việt Nam. Khi đọc truyện này, người đọc sẽ cảm thấy ấn tượng với chi tiết sau khi Tấm chết, lần lượt biến hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và quả thị. Mỗi lần biến hóa mang một ý nghĩa khác nhau.

Lần đầu tiên, Tấm hóa thân thành chim vàng anh. Ngày ngày quấn quýt ở bên nhà vua. Vàng anh cất tiếng hót trong trẻo đem lại niềm vui cho nhà vua. Chim vàng anh là hiện thân của một tâm hồn trong trẻo, thánh thiện. Tiếng kêu của chim vàng anh khi Cám đang ngồi giặt quần áo cho nhà vua ở giếng: “Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao” đã cho thấy sự cô Tấm lúc này không còn yếu đuối, bị động như trước đây nữa.

Từ ngày có chim vàng anh, ngày đêm vua chỉ mê mải với chim không tưởng đến Cám. Điều đó khiến Cám vô cùng tức giận liền về nhà mách mẹ. Dì ghẻ sai Cám giết chết chim vàng anh rồi làm thịt, vứt lông chim ra ngoài vườn. Từ chỗ lông chim mọc ra một cây xoan đào. Vua đi qua thấy cây xoan đào “sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng”. Vua thấy cây xoan đào rợp bóng liền sai lính mắc võng để nghỉ ngơi. Hình ảnh cây xoan đào cũng giống như sự quan tâm của Tấm dành cho nhà vua, cũng là tấm lòng thủy chung son sắc của nàng. Khi cây xoan đào bị Cám chặt và đốn thành khung cửi để Cám dệt vải. Tấm lại một lần nữa cảnh báo Cám:

“Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra”

Đó giống như một lời tuyên chiến khiến cho Cám cảm thấy sợ hãi phải đốt khung cửi.

Đến lần thứ ba, từ chỗ tro của khung cửi mọc lên một cây thị. Kỳ lạ là cả cây chỉ có duy nhất một quả thị. Quả thị thơm thảo giống như tấm lòng của nàng Tấm. Một hôm, có một bà lão đi qua liền bảo thị: “Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn”. Quả thị rơi xuống. Từ hôm đó, nhà cửa bà lão luôn sạch sẽ, cơm nước tinh tươm. Cô Tấm từ trong quả thị bước ra vẫn xinh đẹp, đảm đang như ngày nào. Hình ảnh đó thể hiện ước mơ của nhân dân dành cho những con người nhân hậu - ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Tấm trở lại với một hình hài mới và đoàn tụ với nhà vua, cũng như dành cho mẹ con Cám một sự trừng phạt thích đáng. Cuộc sống của Tấm từ nay sẽ hạnh phúc hơn.

Mỗi lần hóa thân là một lần thay đổi của nàng Tấm. Quá trình hóa thân đã thể hiện được sức sống mãnh liệt của Tấm. Cũng như tấm lòng thủy chung, son sắc và tâm hồn cao đẹp không thay đổi của nàng.

3. Phân tích ý nghĩa những lần biến hóa của Tấm - Mẫu 2

Yếu tố hoang đường, kì ảo là một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện cổ tích. Trong truyện Tấm Cám, yếu tố này xuất hiện qua những lần hóa thân của Tấm, lần lượt từ chim vàng anh, cây xoan đào, quả thị, rồi trở lại làm người.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm vốn hiền lành, xinh đẹp lại chăm chỉ. Vốn mồ côi cha mẹ từ sớm, Tấm phải sống cùng dì ghẻ và Cám. Mọi công việc trong nhà đều đến tay nhưng vẫn bị mẹ con Cám ngược đãi, tìm cách hãm hại.

Mỗi lần gặp khó khăn, Bụt đều hiện lên giúp đỡ. Bụt giúp Tấm có được cá bống để khi trở về không bị dì ghẻ mắng. Bụt gọi lũ chim sẽ đến nhặt thóc và cho Tấm quần áo đẹp đi dự hội. Sau này, Tấm thử vừa chiếc hài và trở thành hoàng hậu. Nhưng mẹ con Cám vẫn tìm cách hãm hại nàng. Mượn ngày giỗ cha, dì ghẻ gọi Tấm về sai trèo lên cây hái cau xuống cùng cha còn mình thì ở dưới chặt cây. Tấm ngã xuống ao và chết. Dì ghẻ đưa Cám vào cung thay cho Tấm. Sau khi chết, Tấm lần lượt hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị. Đến cuối cùng vì “ở hiền gặp lành”, Tấm được trở lại làm người và đoàn tụ với nhà vua. Còn mẹ con Cám thì bị trừng phạt thích đáng.

Quá trình hóa thân của Tấm diễn ra trong bốn lần. Sau khi bị mẹ con Cám hại chết, Tấm hóa thân thành chim vàng anh. “Chim bay một mạch về kinh đến vườn ngự. Thấy Cám đang ngồi giặt áo cho vua ở giếng, vàng anh dừng lại trên một cành cây, bảo nó:

- Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”.

Chim vàng anh ngày ngày quấn quýt bên vua không rời, giúp vua vơi đi nỗi nhớ thương nàng Tấm. Vàng anh đại diện cho tâm hồn trong trẻo và tấm lòng thủy chung dành cho nhà vua.

Lần thứ hai, Tấm hóa thân thành một cây xoan đào. Vua đi qua thấy cây xoan đào “sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng”. Cây xoan đào rợp bóng mát nên vui sai lính mắc võng để nghỉ ngơi. Cám sai người chặt làm khung cửi để Cám dệt vải. Tấm lại một lần nữa cảnh báo Cám:

“Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra”

Đó giống như một lời tuyên chiến khiến cho Cám cảm thấy vô cùng sợ hãi và phải đốt khung cửi. Như vậy, sự hóa thân của Tấm lúc này cho sự mạnh mẽ của nàng.

Lần thứ ba, từ chỗ tro của khung cửi mọc lên một cây thị. Kỳ lạ là cả cây chỉ có duy nhất một quả thị. Quả thị thơm thảo giống như tấm lòng của nàng Tấm. Một hôm, có một bà lão đi qua liền bảo thị: “Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn”. Quả thị rơi xuống, bà lão hàng nước đem về để trong nhà.

Từ hôm đó, nhà cửa bà lão luôn sạch sẽ, cơm nước tinh tươm. Cô Tấm từ trong quả thị bước ra vẫn xinh đẹp, đảm đang như ngày nào. Lần hóa thân cuối cùng cũng là để trở lại làm người. Hình ảnh đó thể hiện ước mơ của nhân dân ta rằng “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Tấm trở lại với một hình hài mới và đoàn tụ với nhà vua, cũng như dành cho mẹ con Cám một sự trừng phạt thích đáng.

Như vậy, mỗi lần hóa thân đều mang những ý nghĩa riêng. Thể hiện những mơ ước cao cả của nhân dân ta.

Phân tích các hình thức biến hóa của Tấm

4. Phân tích các hình thức biến hóa của Tấm - Mẫu 3

Tấm Cám là câu chuyện cổ tích thần kì, để truyền tải những thông điệp, khát vọng của nhân dân về một xã hội công bằng, nơi cái thiện, điều tốt được bảo vệ, tác giả dân gian đã sử dụng những kết hợp những yếu tố thần kì. Trong truyện, Tấm đã có bốn lần hóa thân, bốn lần hồi sinh thần kì sau khi bị mẹ con Cám liên tiếp hãm hại.

Bốn lần hóa thân là quá trình trưởng thành của Tấm trong nhận thức và hành động chống lại cái ác, sự triệt tiêu tàn nhẫn, vô lí mà mẹ con Cám mang đến cho mình. Tấm từ một cô gái trong sáng, ngây thơ nạn nhân của những âm mưu thâm độc của mẹ con Cám đã dần trở nên mạnh mẽ với những hành động đấu tranh cụ thể để giành lại hạnh phúc của mình.

Lần hóa thân đầu tiên, Tấm đã hóa thân thành chim vàng anh, ngày ngày cất tiếng hót trong trẻo, quấn quýt và mang lại niềm vui cho nhà vua. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả dân gian để cho lần hóa thân của cô Tấm dưới hình thức của chim vàng anh, chim vàng anh là sự hóa thân của một linh hồn trong sáng, thánh thiện đồng thời cũng qua lần hóa thân đầu tiên này ta cũng nhận ra sự thay đổi ở cô Tấm, không còn là cô Tấm yếu đuối, bị động như trước mà đã chủ động trong việc nắm giữ hạnh phúc của mình.

Lần hồi sinh thứ hai, Tấm hóa thân thành cây xoan đào xanh tươi, rợp bóng mát che chở cho nhà vua nằm nghỉ trưa. Cây xoan đào xanh tốt cũng như sức sống mạnh mẽ của cô Tấm, lòng cây xoan màu hồng cũng như tấm lòng thủy chung, son sắc của Tấm với nhà vua dù trải qua bao thăng trầm cũng không thay đổi. Khi bị mẹ con Cám phát hiện, chặt cây làm khung cửi, Tấm đã có những hành động đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đó là những lời nói đầy nghiêm khắc: “Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra…”

Lần thứ ba, Tấm hóa thân thành cây thị – loại cây dân dã, quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người dân quê. Cây thị mộc mạc, giản đơn nhưng trái thị lại thơm ngát xốn xang lòng người. Hương thơm của quả thị cũng chính là hương thơm tỏa ra từ tấm lòng thiện lương, thơm thảo của Tấm. Trải qua bao kiếp nạn, Tấm bước ra từ quả thị trở lại là chính mình, sự sống sau nhiều lần bị vùi dập đã trở nên vô cùng mạnh mẽ, tự tin và chủ động và kiên quyết hơn trong việc đấu tranh giành lại hạnh phúc của mình.

Như vậy, qua bốn lần hóa thân của cô Tấm, người đọc cảm nhận được quá trình trưởng thành của của cái Thiện trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với cái ác.

5. Phân tích ý nghĩa những lần biến hóa của Tấm

Yếu tố kì ảo là một trong những đặc trưng của truyện cổ tích. Thông qua các yếu tố hoang đường, kì ảo tác giả dân gian sẽ khéo léo gửi gắm vào đó những ước mơ, khát vọng của mình. "Tấm Cám" là một câu chuyện như thế. Ở "Tấm Cám", tác giả dân gian đã nhiều lần sử dụng hình thức nghệ thuật này bằng cách hóa thân cho nhân vật để gửi vào đó những tâm tư, tình cảm của mình.

Truyện kể về Tấm - một cô gái ngay từ nhỏ đã phải chịu thiệt thòi, sống một cuộc sống khổ cực. Mẹ mất sớm, bố đi thêm bước nữa, khi bố mất Tấm phải một mình sống với mụ dì ghẻ cùng cô em cùng cha khác mẹ độc ác. Tấm lúc nào cũng phải cực khổ làm hết mọi việc trong gia đình, còn Cám luôn được nuông chiều, sống sung sướng. Hai mẹ con nhà Cám bắt nạt Tấm hết lần này đến lần khác. Tấm chăm chỉ bắt tôm bắt tép vì nghĩ rằng sẽ được dì thưởng cho một chiếc yếm đỏ nhưng Cám lại lừa Tấm và lấy mất. Tấm có cá Bống là chỗ dựa tinh thần duy nhất thì mẹ con Cám lại ra tay sát hại. Đến ngày trẩy hội, mẹ con Cám dùng đủ mọi cách để không cho Tấm đi cùng. Thế nhưng, người tốt thì luôn được đền đáp xứng đáng. Bên cạnh Tấm luôn có sự giúp đỡ của ông Bụt, cùng Tấm vượt qua mọi mưu mẹo của hai mẹ con Cám. Tấm được đi trẩy hội và tình cờ Tấm chiếm được cảm tình của vua và trở thành hoàng hậu. Lúc này, mâu thuẫn truyện đã được đẩy lên đến đỉnh điểm, trở thành mâu thuẫn một mất một còn.

Sau khi trở thành hoàng hậu, đến ngày giỗ cha Tấm xin vua cho trở về nhà để làm cỗ cúng cha. Biết Tấm là người con hiếu thảo, mụ dì ghẻ đã lợi dụng điều này để sai Tấm trèo lên cây cau lấy một buồng cau xuống làm lễ cúng cha để rồi nhân cơ hội đó, mụ ta ở dưới chặt cây nhằm sát hại Tấm. Sau khi chết, Tấm hóa thân thành chim vàng anh có tiếng hót trong trẻo ngày ngày ở bên cạnh vua. Chú chim nhỏ lúc nào cũng quấn quýt bên vua, mua vui cho vua và được vua cưng chiều, sủng ái như người. Chim vàng anh tuy nhỏ bé nhưng nó lại là hiện than của sự trong trẻo, vui tươi, hồn hậu. Chim vàng anh biết bay đến cung vua, ở bên cạnh vua, trở thành người bạn của vua. Chim vàng anh đã tự biết tìm đến hạnh phúc của mình, không còn bị động, yếu ớt như cô Tấm ngày xưa. Thế nhưng, vì ghen ghét và đố kỵ, Cám đã sai người làm thịt chim vàng anh. Giết chim vàng anh là mẹ con Cám lại một lần nữa giết chết Tấm, lại một lần nữa muốn chiếm đoạt hạnh phúc mà Tấm đang có.

Thế nhưng, sau khi chim vàng anh chết, lông của chim đã hóa thân thành cây xoan đào xanh tươi tỏa bóng mát. Tại đây, cây xoan đào ngày nào cũng tỏa bóng che mát cho nhà vua. Thế rồi lại một lần nữa chịu sự đố kỵ của Cám, cây xoan đào bị chặt đem đi làm khung cửi. Nhưng cô Tấm lúc này không còn là cô Tấm cam chịu của ngày xưa nữa. Tấm trong khung cửi ngày nào cũng buông lời chửi rủa Cám: "Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra". Tấm giống như đang tuyên chiến với kẻ thù, đang muốn giành lại hạnh phúc vốn có của mình. Tấm đã không còn là một cô gái thụ động, cam chịu trước số phận. Nhưng Cám lại tìm mọi cách để nhà vua có thể chú ý đến mình, tìm mọi cách để có được hạnh phúc như Tấm. Dường như đối với Cám, có được giàu sang phú quý thôi là chưa đủ. Lòng tham vô đáy đã khiến Cám ra tay giết hại Tấm hết lần này đến lần khác. Cám đốt khung cửi và sai người đổ đống tro đi thật xa hoàng cung.

Đến lần này, Tấm hóa thân thành cây thị tỏa hương thơm mát. Không phải ngẫu nhiên tác giả dân gian lại để nhân vật của mình hóa thân thành loài cây quen thuộc, thân thiết với trốn thôn quê này. Quả thị nhỏ nhỏ, chín vàng, thơm phức khiến ai cũng quý, giống như tấm lòng thơm thảo của Tấm vậy. Hóa thân thành quả thị để rồi Tấm bước ra từ quả thị, trở về với cuộc sống thường ngày bên cạnh bà lão bán nước. Cũng nhờ đây mà Tấm tìm về được với cuộc sống của chính mình. Tấm gặp lại nhà vua, quay trở lại hoàng cung, trừng trị kẻ thù và sống với những điều hạnh phúc.

Có thể thấy, trước đó Tấm luôn cam chịu sự độc ác của mẹ con nhà Cám nhưng sau nhiều kiếp luân hồi Tấm không chỉ trở nên xinh đẹp hơn, dịu hiền hơn mà còn là một người phụ nữ mạnh mẽ hơn, cam đảm hơn, chủ động hơn. Khi là chim vàng anh Tấm đã tự biết đi tìm hạnh phúc của mình, khi là khung cửi Tấm đã biết tuyên chiến với kẻ thù để rồi khi trở về Tấm chủ động giành lại hạnh phúc mà mình đáng được có.

Mỗi lần hóa thân Tấm đều trở thành những hình ảnh rất đẹp, rất thơ. Dù là chim vàng anh, là cây xoan đào, là khung cửi hay là quả thị thì chúng đều là hiện thân cho vẻ đẹp trong sáng, hồn hậu của Tấm. Quan trọng hơn sau mỗi lần hóa than ta lại thấy được sự trưởng thành của Tấm, sự mạnh mẽ của một tâm hồn không bao giờ chịu khuất phục để rồi chính Tấm đã tự đòi lại công bằng cho mình.

Có thể thấy quá trình hóa thân của Tấm đã thể hiện một sức sống mãnh liệt, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của nhân dân lao động rằng cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Nó vừa là nét đẹp của cái thiện vừa thể hiện ước mơ về một cuộc sống tự do, hạnh phúc nhưng cũng vừa là bài học kinh nghiệm sâu sắc mà tác giả dân gian muốn gửi gắm tới thế hệ mai sau.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
9 18.804
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm