Top 5 Bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn, viết về Lê Văn Tám

Tải về

HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn nội dung bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn, viết về Lê Văn Tám. Một nhân vật lịch sử mà các em học sinh ai ai cũng ngưỡng mộ và tự hào.

Hẳn mỗi chúng ta, ai cũng đã từng nghe câu chuyện về người anh hùng tuổi nhỏ Lê Văn Tám đã anh dũng hi sinh tính mạng để đốt kho đạn giặc, và để lại trong trí nhớ nhân dân hình ảnh "Em bé đuốc sống" - một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng Việt Nam. Nội dung bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn, viết về Lê Văn Tám hôm nay sẽ là những dòng suy nghĩ, sự ngưỡng mộ tự hào dành cho người thiếu niên anh dũng này.

Đề bài: Em hãy viết những cảm xúc của em về một người thiếu niên tên Lê Văn Tám dũng cảm trong lịch sử nước ta, người đã truyền cho em cảm hứng tốt đẹp trong suy nghĩ, hành động và ước mơ (tối đa 500 từ).

Dưới đây là 5 mẫu Bài dự thi cuộc thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn ngắn gọn, hay nhất. Bạn đọc tham khảo để tự viết cho mình một bài dự thi thật ý nghĩa, lôi cuốn và đạt giải cao nhé.

1. Bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn Lê Văn Tám số 1

Bài làm:

Dù chiến tranh đã qua đi bao năm tháng, nhưng trong lòng mỗi người dân Việt, những hình ảnh ác liệt về một thời khói lửa đạn bom vẫn còn vang vọng đâu đây. Dù những ngày gian khổ đã đi qua, nhưng những tấm gương anh dũng kiên cường của thế hệ cha anh nước nhà vẫn còn sống mãi trong lòng chúng ta. Những tấm gương yêu nước ấy nhiều vô cùng như Đặng Thùy Trâm, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Vừ A Dính... Nhưng đối với tôi, có lẽ hình ảnh người anh hùng Lê Văn Tám - người lấy thân mình phá kho xăng đạn của giặc để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất. Anh là người là truyền lửa cho tôi biết thế nào là lòng yêu nước, truyền cho tôi cảm hứng tốt đẹp để tôi có thêm động lực thực hiện ước mơ, suy nghĩ, hành động của mình.

Lê Văn Tám sinh năm 1932, là một đứa trẻ thuộc những gia đình nghèo khó nhất của Sài Gòn bấy giờ. Cuộc sống của anh hàng ngày không phải được đi học mà phải lang thang trên những con đường bán kẹo, bán lạc rang, đánh giày, ... để kiếm sống. Có lẽ sống trong những khổ cực của một xã hội bị đô hộ, áp bức, chứng kiến cảnh đồng bào ta bị sát hại bởi súng đạn kẻ thù đã khiến cho anh nuôi trong mình lòng căm thù giặc, muốn tiêu diệt những kẻ cướp nước ấy từ rất sớm. Vậy nên, vào năm mười ba tuổi, anh đã nảy ra ý định phải diệt kho xăng đạn của kẻ thù. Sau những buổi bán kẹo, lạc rang cho bọn lính gác kho xăng đạn, anh đã quen mặt chúng nên đã lợi dụng lúc bọn giặc gác lơ là lẩn vào kho xăng đạn đó. Anh đã quẹt diêm, châm lửa, đốt cháy kho xăng đạn của giặc khiến chúng bị thiệt hại nặng nề.

Anh đã anh dũng hi sinh và trở thành biểu tượng "em bé đuốc sống", vang danh dân tộc Việt về sự dũng cảm của mình. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng anh đã khiến chúng ta vô cùng khâm phục bởi lòng dũng cảm, lòng yêu nước của mình. Lòng yêu nước và sự dũng cảm của anh đã tiếp cho tôi thêm động lực về phấn đấu học tập và rèn luyện. Anh cũng đã truyền cho tôi ước mơ được cống hiến sức lực của mình cho Tổ quốc Việt Nam. Để làm được điều đó, tôi phải ra sức học tập, rèn luyện sức khỏe và tu dưỡng đạo đức hơn nữa, để có thể cống hiến một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của dân tộc.

Tấm gương vì nước hi sinh anh dũng của Lê Văn Tám sẽ là động lực cho mỗi thiếu niên Việt Nam học tập, suy nghĩ, ước mơ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn Lê Văn Tám
Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn Lê Văn Tám

2. Bài viết về anh hùng Lê Văn Tám số 2

Lê Văn Tám là tên của một thiếu niên anh hùng trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương của Việt Nam với chiến tích nổi bật là đã cảm tử châm lửa để phá hủy một kho đạn của quân Pháp. Sau chiến tranh, hình ảnh Lê Văn Tám được coi là một biểu tượng anh hùng cách mạng, được nhắc tới cho đến tận ngày nay trong sách giáo khoa để các em thiếu nhi học tập tấm gương của một thiếu niên anh hùng dân tộc, đã xả thân vì nghiệp lớn giải phóng dân tộc.

Lê văn Tám con nhà nghèo ở gần chợ Đa Kao, Sài Gòn. Hàng ngày phải đi bán lạc rang, đánh giày để kiếm sống. Với những cảnh chết chóc của đồng bào ta dưới sự dã man của giặc Pháp, Tám nảy ra ý định phá kho xăng đạn của giặc tại Thị Nghè.

Sau nhiều lần bán lạc rang để dò la Tám đã quen mặt với bọn lính gác; Lợi dụng lúc bọn lính lơ là, Tám giấu xăng trong người chạy như bay vào chỗ để xăng quẹt diêm bốc cháy, cả kho xăng và đạn cháy nổ rầm trời thành phố.

Lê Văn Tám đã anh dũng hy sinh để lại hình ảnh thành đồng của tổ quốc :“Em bé đuốc sống”

3. Bài viết về anh hùng Lê Văn Tám số 3

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, bên cạnh những vị anh hùng lừng lẫy, còn có những con người bình dị, nhỏ bé nhưng lại mang trong mình trái tim dũng cảm và tinh thần yêu nước nồng nàn. Câu chuyện về người thiếu niên Lê Văn Tám, người con của đất Sài Gòn – Gia Định, đã trở thành biểu tượng sáng ngời về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Lê Văn Tám sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó tại làng Phong Phú, huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Tuổi thơ của cậu gắn liền với những tháng ngày cơ cực, sớm phải lao động phụ giúp gia đình.

Năm 1945, khi phong trào Việt Minh nổi dậy giành chính quyền, Lê Văn Tám, dù tuổi đời còn nhỏ nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng. Cậu tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong và hăng hái tham gia các hoạt động chống Pháp.

Sự kiện ngày 17/10/1945 đã khắc ghi tên tuổi Lê Văn Tám vào lịch sử dân tộc. Trong trận đánh tại kho đạn Thị Nghè, Lê Văn Tám đã xung phong nhận nhiệm vụ đầy nguy hiểm: phá hủy kho xăng của địch. Cậu bé đã dùng chính thân mình, biến thành “ngọn đuốc sống” lao vào kho xăng, thiêu rụi nguồn tiếp tế quan trọng của quân thù.

Hành động quả cảm của Lê Văn Tám đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta, làm nức lòng đồng bào cả nước.

Sau khi Lê Văn Tám hy sinh, hình ảnh và câu chuyện về cậu bé đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ người Việt Nam. Tên tuổi của cậu được đặt cho nhiều trường học, đường phố trên khắp cả nước.

Câu chuyện về Lê Văn Tám không chỉ là bài học về lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh mà còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc.

Ông Ba, một cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Pháp, kể lại: “Hồi đó, tôi mới chỉ là một cậu bé liên lạc. Khi nghe tin Lê Văn Tám hy sinh, ai cũng bàng hoàng và tiếc thương vô hạn. Cậu ấy còn rất trẻ, nhưng đã dám xả thân vì đất nước. Hình ảnh ngọn đuốc của Lê Văn Tám mãi mãi in sâu trong tâm trí tôi, là động lực để tôi tiếp tục chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.”

Câu chuyện của ông Ba cùng biết bao thế hệ người Việt Nam đã chứng minh, Lê Văn Tám – người con của Sài Gòn – Gia Định kiên cường, mãi là biểu tượng sáng ngời về lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

4. Kể chuyện về anh hùng Lê Văn Tám số 4

Được quân Anh che chở và giúp sức, ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp nổ súng ở Sài Gòn, hòng trở lại cướp nước ta. Nhân dân Sài Gòn sôi sục căm thù, xông lên đánh trả quân xâm lược.

Tại một xóm lao động nghèo thuộc ngoại ô Sài Gòn có chú bé Lê Văn Tám . Tám mồ côi cha, ở với má, hàng ngày đem lạc rang đi bán dọc các phố đông. Tám biết rất rõ các tin chiến sự [1] trong thành phố và hôm nào cũng đem kể lại với cô bác trong xóm.

Trận đánh ở cầu Thị Nghè gần Sở thú, giặc Pháp chết cả trăm tên làm cho Tám hả dạ bao nhiêu thì hình ảnh các chiến sĩ trẻ hiên ngang đã ngã xuống bên các chiến lũy càng khiến cho Tám đau thương gấp bội, căm thù bọn giặc cướp nước gấp bội. Tám thường nghĩ: phải làm được cái gì cho xứng với các anh.

Hồi này, chính quyền ta đã tạm thời rút ra bên ngoài chỉ để lại trong thành phố một đội cảm tử hoạt động. Tám được chú Ba Nhỏ, trung đội cảm tử, giao cho công việc dò tình hình giặc. Tám thông minh, kín đáo và gan dạ, nhiều lần được chú Ba Nhỏ ngợi khen.

Trưa hôm đó, gặp chú Ba Nhỏ, Tám kể cho chú nghe những gì Tám đã chú ý sáng nay theo như chú dặn: các bốt giặc, các loại súng mới, chỗ đặt súng… Lại còn lính Tây, lính da đen, lính Việt Nam ở đâu kéo về chật các đồn, các bốt. Cái kho xăng ở Thị Nghè bỗng dưng đầy ắp những thùng to chất cao ngất, xe nhà binh đậu chật cái sân rộng, phuy xăng thì nhiều vô kể…

Chú Ba Nhỏ gật đầu:

– Tin quan trọng đó, Tám! Đúng là chúng chuẩn bị ruồng bố, phải tìm cách chặn chúng lại mới được.

– Chỉ cần một mồi lửa là xong chú à.

– Đâu có dễ thế cháu. Nhớ có tin gì mới lại cho chú biết ngay nhé.

Về nhà Tám vào bếp, hối má rang nhiều lạc thật ngon cho Tám tối nay đem bán cho bọn lính gác kho xăng uống rượu, như chúng đã dặn.

Cơm nước xong, Tám đeo thùng lạc rang, vui vẻ chào má rồi đi ra phố.

Đêm chưa khuya nhưng chẳng mấy ai muốn ra khỏi nhà. Bỗng mọi người giật mình: Một tràng liên thanh nổ ran phía kho xăng Thị Nghè rồi thình lình một tiếng nổ xé trời, tiếp đến là lửa. Lửa bùng lên cao ngất, lửa lan nhanh dữ dội, khói cuồn cuộn ngút trời…

Trong cái biển lửa hừng hực ấy, giữa những tiếng nổ hỗn loạn, người ta còn kịp thấy bóng một em nhỏ, khắp người bốc cháy như một bó đuốc di chuyển trong các kho xăng.

Không ai biết được chú bé Lê Văn Tám đã lọt vào kho xăng và đốt kho xăng như thế nào. Chỉ biết là hai ngày hôm sau thì toàn bộ cái kho đồ sộ chứa vũ khí, xăng dầu ở Thị Nghè đã bị NGỌN ĐUỐC SỐNG LÊ VĂN TÁM thiêu rụi.

5. Tóm tắt tiểu sử anh hùng Lê Văn Tám

Lê Văn Tám là con của một gia đình nghèo ở xóm Bàn Cờ ( nay thuộc Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh ). Cha anh đã từng hoạt động thời Nam Kì khởi nghĩa (1940). Ngày thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ (9-1945), gia đình anh ra vùng kháng chiến. Sau vì hoàn cảnh riêng, gia đình anh lại phải trở về vùng địch tạm chiếm. Cảnh nhà túng thiếu, ngày ngày anh phải đi bán lạc rang. Anh thường lân la đến trạm gác một cây xăng đạn lớn giữa lòng thành phố. Tám thông minh, lanh lợi nên chẳng bao lâu đã trở nên “thân quen” với bọn lính gác. Hình ảnh những hòm đạn, những thùng xăng nằm trong kho gợi cho anh trí nhớ đến bao cảnh giết chóc dã man ở ngoài vùng tự do. Mối căm thù giặc sẵn có trong lòng anh ngày càng cứ sôi sục thêm lên. Nghĩ đến gương những anh hùng đã anh dũng hi sinh của quân đội ta mà anh đã từng được nghe kể lại, anh bỗng nảy ra một ý định quyết liệt. Anh thủ dầu xăng trong người rồi thản nhiên đem thùng lạc rang đến bán cho bọn lính gác như thường lệ. Lừa lúc bọn chúng vui chuyện mất cảnh giác, anh chạy bay vàp kho xăng đạn như một luồng gió. Một que diêm lóe sáng, những tiếng nổ ầm trời và tiếp theo đó khói lửa mịt mù thành phố. Cả một kho xăng và đạn của giặc ra tro. Lê Văn Tám anh dũng hi sinh để chặn bàn tay đẫm máu của bọn đế quốc xâm lược, để đỡ bao đau khổ, chết chóc cho đồng bào. Lê Văn Tám xứng đáng là người con của thành đồng Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đồng bào gọi anh là “Anh đuốc sống”. Gương anh chói sáng mãi trong lòng mỗi đội viên chúng ta.

6. Bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn Vừ A Dính

7. Bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn, viết về Kim Đồng

8. Bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn viết về Lý Tự Trọng

Trên đây là bài dự thi tìm hiểu về anh hùng Lê Văn Tám HoaTieu.vn đã chia sẻ với các bạn. Các anh hùng nhỏ tuổi luôn là những tấm gương sáng để các em thiếu niên nhi đồng học tập và noi gương.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Giáo dục đào tạo của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
92 28.009
1 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • 🖼️
    Hồ Ngọc Thiên Kim

    🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳

    Thích Phản hồi 24/09/23
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm