Vai trò của giáo viên trong công tác phòng ngừa nguy cơ mất an toàn trường học

Thực tế tình trạng bạo lực học đường ngày càng có những diễn biến phức tạp mới, đặt ra câu hỏi vai trò của giáo viên trong công tác phòng ngừa nguy cơ mất an toàn trường học là gì?

Thế nào là trường học an toàn? Tại sao phải xây dựng trường học an toàn? Quan điểm của thầy/cô về vai trò của giáo viên trong công tác phòng ngừa nguy cơ mất an toàn trường học ra sao? Mời thầy/cô tham khảo chi tiết tại bài viết do Hoatieu.vn biên tập, chỉnh sửa sau đây.

Vai trò của giáo viên trong công tác phòng ngừa nguy cơ mất an toàn trường học do HoaTieu biên soạn, để nghị không sao chép dưới mọi hình thức.

1. Trường học an toàn là gì?

Trường học an toàn là trường học đáp ứng đủ các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển của người học.

Trong đó, người học được bảo vệ, được giáo dục trong môi trường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, không có bạo lực, được đối xử bình đẳng, công bằng, được tạo điều kiện để phát triển tư duy, phẩm chất, năng lực. Giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục có lối sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa.

Trường học an toàn là gì

Quá trình xây dựng trường học an toàn phải có sự tham gia của tất cả học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của địa phương.

2. Tại sao phải xây dựng trường học an toàn?

Xây dựng trường học an toàn là mục tiêu của toàn ngành giáo dục trong nhiều năm. Qua khái niệm trường học an toàn là gì, chúng ta đã nhận ra giá trị và tầm quan trọng của việc xây dựng trường học an toàn đối với sự phát triển của thế hệ tương lai nói riêng, hay hệ thống giáo dục nói chung.

Bởi trong môi trường học tập an toàn, lành mạnh, cả học sinh và giáo viên đều có thêm động lực cho việc dạy và học. Học sinh cảm thấy hứng khởi với việc đến trường hằng ngày, chủ động trong tiếp thu kiến thức mới, bài học mới. Khi đó, giúp giáo viên có thêm động lực sáng tạo những phương pháp dạy học, bài học mới, để giúp học sinh tiếp thu kiến thức môn học hiệu quả nhất. Ở trường học an toàn, từ học sinh đến giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý đều được phát huy khả năng, thế mạnh của bản thân, được thể hiện ý kiến một cách dân chủ, bình đẳng, cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Tham khảo thêm: Những dấu hiệu mất an toàn hoặc bạo lực học đường đối với học sinh

3. Vai trò của giáo viên công tác xây dựng trường học an toàn

Để xây dựng trường học an toàn cần có sự đồng hành của nhà trường, học sinh và gia đình. Tiếp nối và song hành với môi trường giáo dục của gia đình là nhà trường. Nhà trường là cơ sở thứ hai sau gia đình giáo dục cho học sinh hình thành nhân cách. Trong đó, giáo viên có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa nguy cơ mất an toàn trường học. Giáo viên không chỉ là người trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức, mà còn là người bạn tâm giao của học sinh.

Vai trò của giáo viên trong công tác phòng ngừa bạo lực học đường

3.1. Giáo viên kiêm "bác sĩ tâm lý" của học sinh

Dù là giáo viên chủ nhiệm, nhà quản lý giáo dục hay giáo viên bộ môn thì đều có nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục học sinh. Để xây dựng trường học an toàn, giáo viên phải trang bị sự hiểu biết, kiến thức và kỹ năng giúp họ chú ý và chăm sóc tình trạng tâm lý và sức khỏe của tất cả học sinh.

  • Thầy/cô cần nắm bắt tâm lý học sinh "có vấn đề" từ những việc nhỏ nhất để có hướng theo dõi, ngăn chặn kịp thời.
  • Thầy/cô thường xuyên theo dõi và khoanh vùng học sinh có cá tính mạnh, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh có dấu hiệu bị cô lập, bắt nạt. Từ đó có cách thấu hiểu, sẻ chia riêng với từng em. Việc này đòi hỏi tinh thần nhẫn nại lớn, bởi một số em có tính cách rất ngang ngạnh.
  • Bên cạnh đó, biện pháp kỷ luật theo quy định có tác dụng răn đe với học sinh, nhưng đôi khi phản tác dụng, ở những trường hợp cụ thể, giáo viên cần sử dụng phương pháp uốn nắn "mềm", phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Khi giáo viên "bắt sóng" được suy nghĩ của từng học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc trở thành bạn đồng hành với các em.
  • Thầy/cô cũng nên có cách thức phù hợp để tạo nguồn tin riêng trong lớp đang quản lý, để nhanh chóng nắm bắt "tin mật" của nhóm học sinh cá tính đang ngầm thực hiện.
  • Ngoài ra, bản thân giáo viên phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức và học tập, là niềm động lực cho học sinh phấn đấu noi gương.

3.2. Giáo viên là "cán bộ tuyên truyền pháp luật"

Bên cạnh nội dung học chính khóa, trong các giờ sinh hoạt tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng bảo vệ bản thân cho học sinh, thầy/cô cũng cần có giáo án cụ thể, nội dung dễ hiểu, thu hút để học sinh hiểu và biết tự bảo vệ bản thân, phát hiện và kịp thời báo với người lớn để được hỗ trợ, giúp đỡ, nhằm ngăn ngừa tối đa bạo lực học đường, quấy rối.

Thay đổi phương thức tiếp cận với học sinh, ngoài biện pháp tuyên truyền truyền thống, thầy/cô có thể sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) để việc tuyên truyền gần gũi và đạt hiệu quả cao hơn. Đối tượng tuyên truyền ngoài học sinh còn có cả phụ huynh học sinh.

3.3. Giáo viên là "cầu nối giáo dục" song hành giữa nhà trường và phụ huynh

Giáo viên cần tạo mối quan hệ gắn bó với gia đình học sinh, kịp thời nắm bắt tình hình của lớp học thông qua phụ huynh, bởi thực tế có một số em học sinh thường kể những chuyện xảy ra hằng ngày trên trường lớp với cha mẹ.

Việc nắm bắt thông tin kịp thời không chỉ giúp giáo viên ngăn chặn những hành vi chưa đúng của các em, mà còn biết được cơ bản thông tin mối quan hệ bạn bè trên lớp của học sinh, kể cả khi có sự bắt nạt hoặc mâu thuẫn xảy ra trên môi trường mạng. Nhờ đó, giáo viên có thể có biện pháp phù hợp cân bằng được các hành vi của học sinh.

Trên đây là gợi ý giải đáp câu hỏi: Vai trò của giáo viên trong công tác phòng ngừa nguy cơ mất an toàn trường học

Mời các bạn tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Dành cho giáo viên của Chuyên mục Tài Liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 5.206
0 Bình luận
Sắp xếp theo