Hỏi đáp về sách Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo

Sách giáo khoa Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Lịch sử - Địa lý lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo

I. PHẦN CHUNG

Câu 1. Theo CHương trình GDPT 2018, môn Lịch sử và Địa lí được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Môn Lịch sử và Địa lí được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học Lịch sử, Địa lí. Đây là môn học bắt buộc, được dạy từ lớp 6 đến lớp 9. Môn học gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn; đồng thời lồng ghép, tích hợp ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,… Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối và bổ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, môn học còn có một số chủ đề mang tính tích hợp, được thực hiện trong chương trình lớp 7, 8, 9.

Câu 2. Môn Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS được tiếp nối với môn Lịch sử và Địa lí cấp Tiểu học (lớp 4, 5) như thế nào?

Trả lời:

Môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS có sự tiếp nối môn Lịch sử và Địa lí cấp Tiểu học (lớp 4, 5).

- Ở cấp Tiểu học, môn Lịch sử và Địa lí được biên soạn lồng ghép phần kiến thức lịch sử và địa lí với nhau. Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp Tiểu học gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam, các nước láng giềng và một số nét cơ bản về địa lí, lịch sử thế giới. Nội dung chương trình môn Lịch sử và Địa lí còn liên quan trực tiếp với nhiều môn học và các hoạt động giáo dục khác như: Đạo đức, Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm,...

- Đến cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lí được chia thành hai phần: Lịch sử và Địa lí. Nội dung giáo dục lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian, từ thời nguyên thuỷ qua cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại; trong từng thời kì có sự đan xen lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử Việt Nam. Mạch nội dung giáo dục Địa lí đi từ địa lí đại cương đến địa lí khu vực và địa lí Việt Nam. Chú trọng lựa chọn các chủ đề, kết nối kiến thức và kĩ năng để hình thành và phát triển năng lực ở học sinh (HS), đồng thời coi trọng đặc trưng của Khoa học Lịch sử và Khoa học Địa lí.

Câu 3. Thời lượng môn Lịch sử và Địa lí theo Chương trình GDPT 2018 so với hai môn Lịch sử, Địa lí theo Chương trình GDPT 2006 khác nhau như thế nào?

Trả lời:

Môn Lịch sử và Địa lí theo Chương trình GDPT 2018 được xây dựng ở cấp THCS là 420 tiết, chiếm 10,25% tổng số giờ của tất cả các môn học cấp THCS; ở mỗi lớp là 105 tiết. Trong Chương trình GDPT 2006, tổng số tiết hai môn Lịch sử, Địa lí là 70 tiết/khối lớp. Như vậy, về thời lượng, môn Lịch sử và Địa lí 6 theo Chương trình GDPT 2018 có tăng so với hai môn Lịch sử và Địa lí theo Chương trình GDPT 2006 là 35 tiết.

Câu 4. Về nội dung, môn Lịch sử và Địa lí có sự điều chỉnh như thế nào so với chương trình hiện hành?

Trả lời:

- Tuy số tiết có tăng nhưng về nội dung, môn Lịch sử và Địa lí có sự điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn và hấp dẫn hơn đối với người học. Thời lượng tăng dành cho việc thiết kế các hoạt động cho HS. Nội dung được biên soạn chú trọng đặc biệt đến quá trình Tiếp cận năng lực của HS thông qua việc trình bày các tình huống có vấn đề và gợi mở phương án giải quyết cùng hệ thống các câu hỏi dẫn dắt, gợi ý các em có thể tự học và giáo viên (GV) có cơ sở để hướng dẫn trong từng mục của mỗi bài học.

- Nội dung chú trọng kiến thức tích hợp ở cả hai cấp độ là tích hợp nội môn và tích hợp liên môn.

- Nội dung kiến thức được trình bày sống động và dẫn dắt HS kết nối được giữa kiến thức lịch sử với cuộc sống hiện tại, giữa kiến thức địa lí đại cương với thực tế cuộc sống.

- Nội dung kiến thức không chỉ được chuyển tải bằng chữ viết mà bằng cả kênh hình. Kênh hình trong sách rất phong phú, bao gồm hình ảnh, bản đồ, lược đồ và sơ đồ. Hệ thống kênh hình là một kênh cung cấp kiến thức, hỗ trợ GV trong thiết kế hoạt động dạy học, giúp HS hứng thú hơn trong học tập.

Câu 5. Phần “Học xong bài này, em sẽ” ở mỗi bài học có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Là những yêu cầu cần đạt (mục tiêu) về kiến thức và kĩ năng sau khi HS học xong mỗi bài. Mục này giúp GV định hướng được hoạt động giảng dạy hướng đến các mục tiêu đã đề ra để thiết kế các hoạt động dạy học cho phù hợp. Nó cũng giúp HS thấy được các yêu cầu về mặt kiến thức, kĩ năng và phẩm chất mà mình cần đạt được sau mỗi bài học.

Câu 6. Phần “Khởi động” mỗi bài học có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Là hoạt động đầu tiên, nhằm huy động những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm đã có của HS về các vấn đề có liên quan đến bài học mới. Hoạt động khởi động sẽ kích thích tính tò mò, sự hứng thú, tạo tâm thế để HS sẵn sàng bắt đầu bài học.

Thực chất, hoạt động khởi động này tương ứng với thành phần mở đầu trong cấu trúc bài học theo văn bản ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017 của Bộ GD&ĐT.

Câu 7. Phần “Khám phá” có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Khám phá: là hoạt động giúp HS tự tìm hiểu, tự nhận thức, tự chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng mới hoặc hình thành nhận thức mới đúng hơn, chính xác hơn về một vấn đề cụ thể thông qua hệ thống các câu hỏi, tình huống, bài tập,… phù hợp với mạch nội dung và yêu cầu cần đạt đã được quy định trong chương trình.

Thực chất, hoạt động khám phá này tương ứng với thành phần kiến thức mới trong cấu trúc bài học theo văn bản ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017 của Bộ GD&ĐT.

Câu 7. Phần “Luyện tập – Vận dụng” có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Cuối mỗi bài học là hệ thống các câu hỏi và bài tập hướng tới rèn luyện kĩ năng và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết một vấn đề có liên quan đến hiện tại, thực tế cuộc sống. Một số câu hỏi mang tính chất hệ thống lại kiến thức của bài học cũng có trong mục này.

Đây là hoạt động giúp HS biết ôn tập, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã khám phá được để giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống phù hợp với mạch nội dung và yêu cầu cần đạt đã được quy định trong chương trình.

Thực chất, hoạt động vận dụng này tương ứng với thành phần luyện tập, vận dụng trong cấu trúc bài học theo văn bản ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017 của Bộ GD&ĐT.

Câu 8: Phần Tư liệu, “Em có biết” và “Nhân vật lịch sử” có ý nghĩa như thế nào?

Đó là phần kiến thức mở rộng và nâng cao, chiếm khoảng từ 10 đến 15% nội dung của bài học tuỳ theo từng bài. Là những thông tin hỗ trợ, bổ sung nhằm làm rõ hơn nội dung chính của bài học. Phần kiến thức bổ trợ này khá lí thú, sẽ giúp HS hứng thú hơn với việc học tập.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 1.363
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm