Hỏi đáp về sách Âm nhạc lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo

Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 2 bộ sách Chân trời sáng tạo được Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Âm nhạc lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo sau đây nhé.

Câu 1. SGK Âm nhạc 2 CTST được biên soạn theo quan điểm nào?

Trả lời:

SGK Âm nhạc 2 ngoài việc tuân thủ các quy định được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc, bao gồm: mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục còn cung cấp kiến thức, tài liệu giúp HS có thể tự học, tự giải quyết vấn đề, phát triển năng lực thẩm mĩ và sáng tạo trong âm nhạc.

Với nguyên tắc “Âm thanh đi trước kí hiệu” của Pestalozzi, SGK Âm nhạc 2 kế thừa những ưu điểm của SGK hiện hành, đồng thời tiếp thu tinh hoa của một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới với các phương pháp giáo dục âm nhạc hiện đại.

Nội dung SGK vừa đảm bảo tính cốt lõi, vừa có tính mở để phù hợp với sự đa dạng về điều kiện và khả năng học tập của HS các vùng miền.

Câu 2. SGK Âm nhạc 2 CTST hình thành những phẩm chất, năng lực nào cho HS?

Trả lời:

SGK đảm bảo các nguyên tắc giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể SGK góp phần phát triển các phẩm chất chủ yếu cho học sinh, bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm thông qua các bài học về văn hoá và đời sống văn hóa cộng đồng, di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam và thế giới; từ hình ảnh về đất nước, con người, trang phục đậm nét văn hóa các dân tộc Việt Nam được sử dụng trong thiết kế mĩ thuật chung ở các trang đầu sách, các tranh chủ đề, hay gắn kết vào các nội dung bài học ở từng chủ đề. Và năng lực chung gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh thông qua sự đa dạng trong hình thức tổ chức hoạt động dạy học.

Đặc biệt là các năng lực đặc thù gồm: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. Để đạt đến việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, SGK được thiết kế có tính gợi mở để thông qua việc thực hành, trải nghiệm. Học sinh được tạo điều kiện để khám phá, tự nhận thức các kiến thức; trải nghiệm các hoạt động âm nhạc sự đa dạng về hình thức học tập như trò chơi, vận động; thực hành để phát triển các kĩ năng hát, đọc nhạc, nghe nhạc, chơi nhạc cụ,… Trong mọi hoạt động học tập, học sinh luôn được tạo điều kiện để phản ứng với âm nhạc, ứng tấu, và sáng tạo âm nhạc.

Câu 3. SGK Âm nhạc 2 CTST gồm mấy chủ đề, mấy bài? Đó là những chủ đề nào?

Trả lời:

SGK Âm nhạc 2 được cấu trúc theo 8 chủ đề (29 tiết), mỗi chủ đề được thiết kế từ 3 – 4 tiết; nội dung ôn tập học kì và kiểm tra đánh giá (4 tiết). Tên các chủ đề được đặt như sau:

  • Chủ đề 1: Rộn ràng ngày mới
  • Chủ đề 2: Nhịp điệu bạn bè
  • Chủ đề 3: Vui bước tới trường
  • Chủ đề 4: Thiên nhiên tươi đẹp
  • Chủ đề 5: Mùa xuân hân hoan
  • Chủ đề 6: Lời ru yêu thương
  • Chủ đề 7: Giai điệu quê hương
  • Chủ đề 8: Vui cùng âm nhạc

Ở mỗi chủ đề sẽ ứng với một mục tiêu về nội dung khác nhau, từ đó giúp HS hình thành được những năng lực về âm nhạc.

Các bài hát sử dụng trong SGK vừa có tính kế thừa, vừa có tính mới, các bài hát đa dạng thể loại như: bài hát tuổi thiếu nhi, bài hát nước ngoài, bài hát dân ca; có cao độ và âm điệu phù hợp với HS lớp 2. Bên cạnh đó, sách giáo viên (SGV) sẽ cung cấp thêm các bài hát thay thế, giúp GV có thêm nguồn tài liệu phong phú để lựa chọn trong hoạt động dạy học.

Câu 4. Cho biết mô hình bài học của SGK Âm nhạc 2 CTST. Cách thực hiện của từng hoạt động như thế nào?

Trả lời:

Mô hình bài học của SGK Âm nhạc 2 bao gồm 3 phần trong một chủ đề, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh

  • Đoàn tàu khởi hành:với nội dung Khám phá là là bức tranh tổng thể thiết kế trên hai trang sách, gồm các câu chuyện dẫn dắt hay hình ảnh minh hoạ chủ đề, giúp HS vận động, cảm thụ và sáng tạo âm nhạc. Nội dung thực hiện theo phương pháp nghe, cảm thụ, sáng tạo và vận động âm nhạc.
  • Đoàn tàu hành trình:với các mạch nội dung chính như: Hát, Nghe nhạc, Đọc nhạc, Nhạc cụ, Thường thức âm nhạc, như là quá trình hình thành kiến thức mới và luyện tập thực hành để giúp phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Ngoài ra còn có một số hoạt động âm nhạc dưới dạng trò chơi để tăng thêm sự hứng thú trong quá trình học của học sinh.
  • Đoàn tàu về ga:với nội dung Nhà ga âm nhạc: là các câu hỏi, gợi ý giúp HS tái hiện lại các kĩ năng, kiến thức đã học, tự đánh giá các năng lực âm nhạc đã lĩnh hội và phát triển năng lực hoạt động âm nhạc.

Câu 5. Điểm mới nổi bật của SGK Âm nhạc 2 CTST là gì?

Trả lời:

Những điểm mới nổi bậc của SGK Âm nhạc gồm:

  • Tiếp cận và tham khảo các bộ SGK Âm nhạc ở bậc Tiểu học của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: Singapore, Hàn quốc, Nhật Bản, Hoa Kì,...
  • Phát triển hệ thống “Chủ đề” kết hợp giữa nội dung âm nhạc, văn hoá, xã hội,...
  • Tiếp cận và vận dụng các phương pháp dạy học âm nhạc tiên tiến của thế giới: Kodály, Orff-Schulwerk, Dalcroze… (nhạc cụ gõ kết hợp vỗ tay, búng tay, vỗ chân, giậm chân,… nốt nhạc bàn tay, nốt nhạc hình tượng, âm tiết tấu, nghe nhạc cảm thụ và vận động,...)
  • Vận dụng các ưu điểm về phương pháp, nội dung của SGK hiện hành (nguồn bài hát, các bài học về tác giả − tác phẩm, âm nhạc và đời sống...)
  • Phát huy sự ưu việt của kênh hình ảnh, nguồn tư liệu đa phương tiện; sử dụng hợp lí kênh chữ. Chú trọng đến các yếu tố thẩm mĩ, phù hợp với lứa tuổi HS ở từng lớp.

Câu 6. Tổ chuyên môn có thể linh hoạt như thế nào khi thực hiện xây dựng Kế hoạch giáo dục môn Âm nhạc theo SGK Âm nhạc 2 CTST?

Trả lời:

SGK Âm nhạc 2 được cấu trúc theo 8 chủ đề (29 tiết), mỗi chủ đề được thiết kế từ 3 – 4 tiết; nội dung ôn tập học kì và kiểm tra đánh giá (4 tiết), (tổng là 35 tiết / năm học). Khi lập kế hoạch giáo dục Âm nhạc lớp 2, Tổ chuyên môn có thể đảo đổi vị trí các chủ đề cho phù hợp với Kế hoạch giáo dục mong muốn của nhà trường mà không ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục.

Khi lập kế hoạch bài dạy, mỗi giáo viên có thể điều chỉnh thời gian thực hiện của mỗi tiết cho phù hợp với điều kiện thực tế tại lớp mình mà vẫn đạt được mục tiêu. GV cần lưu ý, các hoạt động trong tiết học được lựa chọn sao cho đảm bảo được các tiêu chí về yêu cầu cần đạt của các nội dung được quy định trong chương trình.

Câu 7. Học sinh tự học, tự giải quyết vấn đề và phát triển sáng tạo trong quá trình học SGK Âm nhạc 2 CTST như thế nào?

Trả lời:

Học sinh có thể tự học và tự giải quyết các vấn đề về chuyên môn âm nhạc mà mỗi bài học của từng nội dung âm nhạc như hát, đọc nhạc, nghe nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc và thường thức âm nhạc thông qua các giải pháp trên SGK như sau:

  • Mô tả đầy đủ bằng kênh chữ và kênh hình cho từng nội dung để học sinh có thể học các kiến thức và kĩ năng âm nhạc qua các hoạt động học cụ thể.
  • Các câu lệnh rất mạch lạc, đơn giản để học sinh dễ hiểu và tự học. Các câu lệnh luôn thống nhất trong phạm vi một chủ đề và các chủ đề của toàn bộ của sách để tránh các nhầm lẫn trong hoạt động của học sinh.
  • Các nội dung và các hoạt động trong từng nội dung đều hàm chứa 4 bước theo định hướng dạy học phát triển năng lực học sinh: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập – thực hành, vận dụng – sáng tạo. Các nội dung cần có nguồn học liệu phụ như file tiếng, hình, hay link internet đều có các đường dẫn nguồn hỗ trợ học sinh tự học.
  • Ở mỗi nội dung dạy đều có những gợi ý để học sinh sáng tạo như ứng tấu (improvisation); sáng tạo các mẫu âm nhạc để gõ đệm, vận động, chơi nhạc cụ để phát huy các tiềm năng âm nhạc trong mỗi học sinh.

Câu 8. Giáo viên lưu ý gì khi Lập kế hoạch bài dạy theo SGK Âm nhạc 2 CTST?

Trả lời:

Khi lập kế hoạch bài dạy theo SGK Âm nhạc 2, GV cần lưu ý:

  • Xác định đúng mục tiêu bài học được hướng dẫn cụ thể trong sách giáo viên Âm nhạc 2 để đảm bảo bài dạy được thực hiện đúng yêu cầu cần đạt với học sinh.
  • Một tiết dạy học âm nhạc nên có nhiều hoạt động hoặc nội dung dạy học để tránh sự nhàm chán; vì vậy giáo viên cần tổ chức các hoạt động sao cho linh hoạt, không cứng nhắc, hình thức, không tạo áp lực cho HS; dựa trên mục tiêu, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động, phương tiện dạy học phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế để GV và HS hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Câu 9. Vì sao nói SGK Âm nhạc 2 CTST thích hợp với mọi vùng miền trên cả nước?

Trả lời:

  • SGK được viết dựa trên các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Âm nhạc. Chương trình được ban hành cho mọi vùng miền của đất nước.
  • SGK bảo đảm phản ảnh các giá trị văn hóa âm nhạc của các vùng miền đặc trưng ở Việt Nam và thế giới.
  • SGK được biên soạn trên việc ưu tiên giảng dạy các nội dung học âm nhạc mà hoạt động tự thân học sinh có thể thực hiện được như hát, đọc nhạc, nghe nhạc, thường thức âm nhạc; nhạc cụ ưu tiên các nhạc cụ tiết tấu đơn giản rồi mới đến các nhạc cụ khác (nếu chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất thì có thể chưa cần dạy như nhạc cụ giai điệu gồm recorder, melodica,…)

Câu 10. SGV Âm nhạc 2 CTST thể hiện quá trình đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT BGDĐ như thế nào?

Trả lời:

  • SGK hướng tới hỗ trợ giáo viên kiểm tra đánh giá năng lực âm nhạc của HS thông qua các biểu hiện về năng lực đặc thù theo chương trình môn Âm nhạc: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. SGK xây dựng các trang “Nhà ga âm nhạc” ở cuối mỗi chủ đề nhằm hỗ trợ giáo viên đánh giá mức độ hoàn thành của học sinh sau mỗi chủ đề, hoặc học sinh tự đánh giá hay có thể đánh giá chéo lẫn nhau thông qua các nội dung có tính hoạt động trên nền tảng kĩ năng và kiến thức âm nhạc đã học.
  • Cuối mỗi học kì có phần hướng dẫn HS ôn tập. Qua đó, giáo viên có thể tham khảo để xây dựng các bài kiểm tra định kì của mình. GV đưa ra đánh giá, nhận xét và xếp loại cho cá nhân hoặc nhóm.
  • Việc đánh giá HS theo chương trình giáo dục phổ thông mới căn cứ vào Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT Ban hành Quy định đánh giá học sinh Tiểu học. GV cần cần chú trọng đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên) học tập của HS, từ đó có những căn cứ để đánh giá tổng kết (đánh giá định kì), qua đó thấy rõ sự phát triển về mặt phẩm chất và năng lực của mỗi học sinh có sự khác biệt qua thời gian.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 2.908
0 Bình luận
Sắp xếp theo