Hỏi đáp về sách Đạo đức lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo

Sách giáo khoa Đạo đức lớp 2 bộ sách Chân trời sáng tạo được Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Đạo đức lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo sau đây nhé.

Câu hỏi 1. Cơ sở biên soạn SGK Đạo đức 2 là gì?

Trả lời:

SGK Đạo đức 2 được biên soạn dựa trên:

– Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn SGK mới theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình Đạo đức 2.

– Đặc trưng dạy học môn Đạo đức theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

– Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về biên soạn SGK.

Câu hỏi 2. Quan điểm biên soạn SGK Đạo đức 2 là gì?

Trả lời:

Quan điểm biên soạn SGK Đạo đức 2:

– Thể hiện chính xác, đầy đủ, hấp dẫn những mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình môn Đạo đức lớp 2.

–Thiết kế các bài học thành chuỗi các hoạt động dạy học phù hợp với quy trình phát triển từ cảm xúc đạo đức, qua phán đoán đạo đức đến hình thành động cơ đạo đức và thực hiện các chuẩn mực hành vi đạo đức cụ thể.

– Giúp quá trình dạy học Đạo đức thực sự là quá trình chuyển hoá các giá trị đạo đức và kĩ năng sống thành ý thức và hành vi công dân trong mỗi HS.

– Gắn với thực tiễn cuộc sống của học sinh lớp 2 trong gia đình, nhà trường và xã hội.

– Đảm bảo yêu cầu dạy học tích hợp và phân hoá; đảm bảo tính đa dạng vùng miền và sự cân bằng về giới.

– Đảm bảo tính mở, tạo điều kiện để GV vận dụng được nhiều phương pháp dạy học tích cực nhằm tích cực hoá hoạt động học tập, phát triển năng lực HS; giúp HS được nghĩ nhiều hơn, nói nhiều hơn và làm nhiều hơn.

Câu hỏi 3. Vai trò của sách giáo khoa Đạo đức 2?

– Là tài liệu dạy học chính thức môn Đạo đức lớp 2 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

– Là phương tiện giúp giáo viên đổi mới phương pháp, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

– Là phương tiện giúp học sinh học và tự học nhằm phát huy năng lực của bản thân một cách hiệu quả thông qua các nhiệm vụ học tập phong phú, đa dạng.

– Là phương tiện hỗ trợ và thu hút sự tham gia của gia đình vào quá trình giáo dục học sinh ở nhà.

Câu hỏi 4. SGK Đạo đức 2 đề cập đến những nội dung ?

Trả lời:

– Nội dung SGK Đạo đức 2 gồm ba lĩnh vực giáo dục: giáo dục đạo đức (55%), giáo dục kĩ năng sống (25%), giáo dục pháp luật (10%).

– Ba lĩnh vực giáo dục trên gồm 8 chủ đề: Quê hương em, Kính trọng thầy giáo, cô giáo và yêu quý bạn bè, Quý trọng thời gian, Nhận lỗi và sửa lỗi, Bảo quản đồ dùng cá nhân và đồ dùng gia đình, Thể hiện cảm xúc bản thân, Tìm kiếm sự hỗ trợ, Tuân thủ quy định nơi công cộng.

– Tám chủ đề trên được phân xuất thành 15 bài học: 1. Quý trọng thời gian; 2. Nhận lỗi và sửa lỗi; 3. Bảo quản đồ dùng cá nhân; 4. Bảo quản đồ dùng gia đình; 5. Kính trọng, biết ơn thầy giáo, cô giáo; 6. Yêu quý bạn bè; 7. Quan tâm, giúp đỡ bạn; 8. Chia sẻ yêu thương; 9. Những sắc màu cảm xúc; 10. Làm chủ cảm xúc; 11. Tìm kiếm sự hỗ trợ khi ở nhà, ở trường; 12. Tìm kiếm sự hỗ trợ khi ở nơi công cộng; 13. Em yêu quê hương; 14. Giữ gìn cảnh đẹp quê hương; 15. Thực hiện quy định nơi công cộng

Câu hỏi 5. Sách giáo khoa Đạo đức 2 có cấu trúc như thế nào?

Trả lời:

Cấu trúc SGK Đạo đức 2 gồm:

– Hướng dẫn sử dụng sách: Giải thích các dấu hiệu chỉ dẫn trong sách.

– Lời nói đầu: Giới thiệu ngắn gọn về nội dung của sách và các hoạt động trong từng chủ đề/bài học.

– Giới thiệu nhân vật: Hình ảnh 4 nhân vật thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động học tập.

– Mục lục: Trình tự sắp xếp các chủ đề/bài học trong SGK.

– Bài học: Giới thiệu từng bài học theo một cấu trúc thống nhất các hoạt động nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của chương trình.

– Một số thuật ngữ dùng trong sách: Giải thích ý nghĩa một số thuật ngữ liên quan tới nội dung các chủ đề/bài học.

Câu hỏi 6. Mỗi bài học trong SGK Đạo đức 2 có cấu trúc như thế nào?

Trả lời:

Mỗi bài học đều được thiết kế thống nhất theo chuỗi hoạt động:

– Khởi động:

+ Tạo tâm thế cho HS chuẩn bị bước vào bài học; bước đầu cảm nhận về chuẩn mực hành vi đạo đức cần hình thành, phát triển;

+ Tạo tình huống học tập trên cơ sở huy động kiến thức nền, khơi gợi cảm xúc đạo đức của HS;

+ Kích thích hứng thú tìm tòi, khám phá, giải quyết vấn đề của HS về các biểu hiện cụ thể của hành vi đạo đức trong những hoạt động tiếp theo.

Kiến tạo tri thức mới:

+ Nhận diện các biểu hiện cụ thể của chuẩn mực hành vi đạo đức;

+ Tự nhận xét và đưa ra phán đoán về những hành động có thể xảy ra trong các tình huống;

+ Hiểu được sự cần thiết của việc thực hiện hành vi phù hợp chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống hằng ngày.

– Luyện tập:

+ Củng cố kiến thức, kĩ năng vừa khám phá

+ Rèn luyện cách thức lựa chọn hành vi ứng xử của bản thân phù hợp với những tình huống đạo đức điển hình.

– Vận dụng:

Giúp học sinh tự giác, tích cực áp dụng những điều đã học để thực hiện các hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống hằng ngày.

Cuối mỗi bài học là một Thông điệp ngắn gọn được thể hiện bằng thơ, giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ các chuẩn mực hành vi cần thực hiện.

Câu hỏi 7. Kênh hình trong SGK Đạo đức 2 có vai trò gì?

Trả lời:

Kênh hình trong SGK Đạo đức 2:

Là những minh hoạ giúp thể hiện một cách trực quan những tình huống dạy học, tăng thêm tính thẩm mĩ và sức hấp dẫn của sách.

Là phương thức hình ảnh hoá nội dung, giúp HS phát triển các năng lực tư duy phán đoán, suy luận, liên kết...

Tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái cho HS khi tiếp thu bài học.

Câu 8. Sách giáo khoa Đạo đức 2 có điểm gì đặc biệt?

Trả lời:

– Học tập lý thuyết phát triển đạo đức của các nhà Đạo đức học nổi tiếng trên thế giới: Lawrence Kohlberg, J.Peaget, John Dewey, Darcia Narvaez… hình thành ý thức, hành vi đạo đức từ việc khơi dậy cảm xúc đạo đức.

– Việc hình thành kiến thức đạo đức là quá trình tự thân, học sinh tự nhận thức ra các giá trị đạo đức và tự nguyện làm theo.

– Học tập kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa Đạo đức của một số nước trên thế giới. Ví dụ: Xây dựng các nhân vật có cá tính, gần gũi với đời sống của các em học sinh Tiểu học.

Câu hỏi 9. Giáo viên cần làm gì để sử dụng SGK Đạo đức 2 một cách hiệu quả?

Trả lời:

Chú trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để HS khám phá, phân tích, xử lí tình huống thực tiễn, điển hình; tăng cường sử dụng các thông tin, tình huống từ thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống HS; coi trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm để HS tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, phát triển kĩ năng và thái độ tích cực.

Kết hợp sử dụng kết hợp các PPDH truyền thống với các PPDH hiện đại theo hướng tích cực hoá hoạt động của người học; tăng cường sử dụng các PPDH đặc thù của môn học.

Kết hợp các hình thức dạy học theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân; dạy học ở trong lớp và ở ngoài lớp, ngoài khuôn viên nhà trường; tăng cường thực hành, rèn luyện kĩ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống;

Phối hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 4.044
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi