22 câu hỏi thường gặp về dạy học SGK Toán 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

22 câu hỏi thường gặp về dạy học SGK Toán 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là tài liệu bổ ích để các thầy cô tham khảo về điểm mới, cách dạy, cách tiếp cận....chương trình sách giáo khoa môn Toán lớp 1.

Điểm mới của SGK Toán 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu hỏi 1. Bốn bộ SGK Toán 1 – CT 2018 của NXB Giáo dục Việt Nam viết theo bốn “triết lí” hay bốn “thông điệp” khác nhau? Điều đó có đưa tới sự hiểu khác nhau khi xây dựng nội dung dạy học trong SGK Toán 1 không?

Trả lời:

Bộ SGK môn Toán ở cấp Tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng được biên soạn đáp ứng các yêu cầu chung đối với SGK mới:

– Tuân thủ định hướng đổi mới giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển nền giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp HS hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.

– Bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018 và các tiêu chuẩn SGK mới theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2017.

Do đó, tuy mỗi bộ sách có những triết lí, cách tiếp cận và cách thể hiện riêng, bốn bộ sách vẫn có những thống nhất chung về mặt khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt theo chương trình nhằm đảm bảo HS, GV, nhà trường sẽ không gặp khó khăn trong việc lựa chọn và sử dụng sách.

Câu hỏi 2. Thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống” thể hiện trong SGK Toán 1 – CT 2018 như thế nào?

Trả lời:

Tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong SGK các môn học và hoạt động giáo dục của bộ sách này thể hiện qua thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Với thông điệp này, các tác giả thể hiện quan điểm đổi mới SGK theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực của người học, nhưng không xem nhẹ vai trò của kiến thức. Kiến thức trong SGK không chỉ cần hiểu và ghi nhớ, mà phải là “chất liệu” quan trọng hướng đến mục tiêu của giáo dục là giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực mà các em cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Trong SGK Toán 1 – CT 2018, nhiều nội dung lịch sử, địa lí, văn học, khoa học và công nghệ được lồng ghép không chỉ giúp HS cảm thấy sự gần gũi của toán học mà còn tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em.

Câu hỏi 3. Cấu trúc SGK Toán 1 – CT 2018 có điểm gì mới so với SGK Toán 1 – CT 2000?

Trả lời:

Về cấu trúc, SGK Toán 1 – CT 2018 có một điểm đổi mới căn bản khi thiết kế các nội dung theo chủ đề, mỗi chủ đề được biên soạn theo từng bài thay vì tiết học. Mỗi chủ đề gồm một số bài học, mỗi bài học có thể có nhiều tiết. Trong khi đó, SGK Toán 1 – CT 2000 khi xây dựng nội dung dạy học theo chương, mục, mỗi bài học là một tiết, các mạch kiến thức đan xen nhau,... Cách tiếp cận mới này sẽ giúp GV chủ động và linh hoạt hơn trong giảng dạy tuỳ theo tình hình thực tế của lớp học để phân bổ thời gian cho mỗi bài học một cách hợp lí.

Câu hỏi 4. Cách tiếp cận về nội dung và phương pháp dạy học trong SGK Toán 1 – CT 2018 có điểm gì mới so với SGK Toán 1 – CT 2000?

Trả lời:

Về mức độ nội dung, SGK Toán 1 đảm bảo các yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018 đối với lớp 1. Với mỗi bài học, các đơn vị kiến thức, hệ thống các bài tập, ví dụ minh hoạ được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực, luôn xuất phát từ trực quan, gắn với thực tiễn, mức độ phân hoá đa dạng, đảm bảo phục vụ cho tất cả các đối tượng HS sử dụng.

Về mặt phương pháp, SGK Toán 1 chú trọng đến việc tạo không gian mở, sáng tạo và linh hoạt cho GV. Các nội dung của SGK Toán 1 được lồng ghép rất nhiều hoạt động, trò chơi giúp GV cùng HS có thể trải nghiệm và tổ chức lớp học một cách đa dạng, góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

Bên cạnh đó, do đặc thù của sách tiểu học, công tác minh hoạ đặc biệt được chú trọng, đảm bảo tính xuyên suốt, tính lôgic và thẩm mĩ cao trong toàn bộ cuốn sách. Từng chi tiết nhỏ như tính phù hợp về trang phục đối với vùng miền, thời tiết, bối cảnh đều được cân nhắc rất kĩ lưỡng.

Câu hỏi 5. Cấu trúc một bài học trong SGK Toán 1 – CT 2018 thường có phần Khám phá, Hoạt động, Luyện tập, Trò chơi (khác với bài học trong SGK Toán 1 – CT 2000). Điều đó có ý nghĩa gì khi tổ chức dạy học trên lớp?

Trả lời:

Cấu trúc mỗi bài thường gồm các phần: Phần Khám phá giúp HS tìm hiểu kiến thức mới, phần Hoạt động giúp HS thực hành kiến thức ở mức độ cơ bản, phần Trò chơi là loại hình tổ chức hoạt động dạy học hấp dẫn, gây hứng thú học tập giúp HS thực hành, củng cố kiến thức và phần Luyện tập giúp HS ôn tập, vận dụng và mở rộng kiến thức thông qua hệ thống các bài tập cơ bản và nâng cao.

Câu hỏi 6. Nội dung trong SGK Toán 1 – CT 2018 gồm hai mạch kiến thức: Số và Phép tính; Hình học và Đo lường (SGK Toán 1 – CT 2000 gồm các mạch kiến thức: Số và Phép tính; Đại lượng cơ bản; Hình học; Giải toán có lời văn). Vì sao có sự thay đổi như vậy?

Trả lời:

SGK Toán 1 – CT 2018 được xây dựng bám sát chương trình Toán – 2018, trong đó môn Toán được xây dựng xuyên suốt theo ba mạch kiến thức ở cấp Tiểu học: Số và Phép tính, Hình học và Đo lường, Thống kê và Xác suất. Trong đó, các nội dung thống kê và xác suất được bắt đầu đưa vào từ lớp 2. Mạch Số và Phép tính được tiếp nối bởi mạch Số và Đại số ở cấp Trung học cơ sở và mạch Đại số và Một số yếu tố giải tích ở cấp Trung học phổ thông. Các mạch Hình học và Đo lường, Thống kê và Xác suất được kéo liên tục đến hết lớp 12. Cách thiết kế này bảo đảm tính chỉnh thể, thống nhất và phát triển liên tục từ lớp 1 đến lớp 12.

Câu hỏi 7. SGK Toán 1 – CT 2018 xây dựng tuyến nhân vật gồm 5 bạn Mai, Mi, Việt, Nam, Rô-bốt, là điều mới và hấp dẫn trẻ. Ý nghĩa của việc xây dựng tuyến nhân vật đó thế nào? Có xuyên suốt cả 5 lớp Tiểu học không? Việc làm đó có ảnh hưởng khi đề cập đến việc liên hệ với các bạn nhỏ ở các vùng miền khác vào nội dung dạy học không?

Trả lời:

Tuyến nhân vật xuyên suốt được xây dựng giúp HS cảm thấy gần gũi và tương tác nhiều hơn với cuốn sách, bao gồm: hai chị em Mai và Mi; hai bạn Việt và Nam học cùng lớp Mai và bạn Rô-bốt, nhân vật đặc biệt rất thông minh và tinh nghịch. Các bạn nhỏ trong bộ sách sẽ lớn lên theo từng lớp học và hi vọng sẽ trở thành những người bạn thân thiết của mỗi HS trong những năm tháng học trò. Bên cạnh việc cùng nhau khám phá các kiến thức toán học, các bạn Mai, Nam, Việt, bé Mi và Rô-bốt còn có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống, giao tiếp với mọi người ở những vùng miền khác nhau. Chúng tôi hi vọng rằng, các bạn nhỏ khi sử dụng cuốn sách này, đều sẽ tìm được một phần của mình trong tuyến nhân vật.

Câu hỏi 8. Vì cấu trúc SGK Toán 1 thay đổi nên cấu trúc SGV thay đổi theo. Vậy khi sử dụng SGV Toán 1, cần lưu ý những gì, đặc biệt là khi soạn bài?

Trả lời:

Với cấu trúc mới của SGK Toán 1, SGV cũng được soạn theo từng chủ đề, bài học. Các bài học trong sách đều được thiết kế gồm hệ thống các hoạt động. Cách làm này tạo thuận lợi cho GV khi soạn bài sẽ xây dựng được một nội dung, đơn vị kiến thức hoàn chỉnh. Từ đó, GV sẽ có thể chủ động, linh hoạt hơn trong việc phân bổ thời gian phù hợp theo thực tế của từng lớp học.

Trong SGV có những định hướng về phương pháp dạy học Toán 1 và cũng có những gợi ý cụ thể cho việc đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với định hướng đổi mới đánh giá của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Trong SGV, chủ yếu phân tích, gợi ý một số phương án tiếp cận phần khám phá; phân tích mục đích, yêu cầu cần đạt ở phần bài tập thực hành, luyện tập. GV cần chủ động, sáng tạo thiết kế phương án tổ chức dạy học, sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại cho phù hợp điều kiện của lớp học, giúp các em hứng thú học Toán, tiến bộ nhanh, nhưng không chịu nhiều áp lực. Điều quan trọng là GV hiểu được ý tưởng của tác giả và vận dụng linh hoạt trong thực tế giảng dạy.

Vì mỗi bài trong SGK thường gồm nhiều tiết nên mỗi bài trong SGV cũng thường gồm nhiều tiết. Cấu trúc mỗi bài hướng dẫn dạy học thường có ba phần: Mục tiêu, Chuẩn bị, Hoạt động dạy học tương tự như trong SGV – CT 2000. Khi soạn bài cho từng tiết học GV cần lưu ý:

– Nghiên cứu kĩ SGV để nắm vững mục tiêu của bài học, từ đó xây dựng kế hoạch dạy học cho từng tiết học.

– Trong SGV có gợi ý phương án phân chia nội dung cho từng tiết học để GV tham khảo, nhưng không nên quá lệ thuộc vào phương án này. Tuỳ điều kiện thực tiễn của lớp học, GV chủ động, linh hoạt phân chia nội dung từng tiết học cho phù hợp, nhằm đạt mục tiêu của cả bài học.

Câu hỏi 9. Cần lưu ý gì khi thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện phẩm chất, năng lực học tập của HS trong quá trình giáo dục, giảng dạy Toán 1 – CT 2018?

Trả lời:

1. Cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đánh giá

Căn cứ Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT về quy định đánh giá HS tiểu học và quan điểm kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS thể hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018, mục tiêu, yêu cầu kiểm tra, đánh giá HS tiểu học nói chung, HS lớp 1 nói riêng là:

– Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục môn Toán là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của HS đối chiếu với yêu cầu cần đạt của môn học ở mỗi lớp học, cấp học. Giúp điều chỉnh các hoạt động giáo dục dạy học, đảm bảo sự tiến bộ của từng HS và nâng cao chất lượng giáo dục môn Toán nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.

– Tiếp cận đánh giá vì sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của HS, giúp HS phát huy nhiều nhất khả năng, đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

2. Thực hiện có hiệu quả, đúng yêu cầu các loại hình kiểm tra, đánh giá ở lớp 1 nói riêng, tiểu học nói chung

2.1. Đánh giá thường xuyên

– Đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện về kiến thức, kĩ năng, thái độ và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS, được tiến hành theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho GV và HS nhằm hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của HS theo mục tiêu của giáo dục tiểu học.

– Có hai hoạt động: “Đánh giá thường xuyên về học tập” và “đánh giá thường xuyên về năng lực, phẩm chất”. Tuy mỗi hoạt động đánh giá này có đặc điểm riêng, nhưng cách tiến hành thường theo hướng để HS tự đánh giá chủ yếu, GV tham gia hướng dẫn, giúp đỡ HS, kết hợp với cha mẹ HS cùng trao đổi với nhà trường, động viên, giúp đỡ HS học tập, rèn luyện thường xuyên.

2.2. Đánh giá định kì

– Đánh giá định kì là đánh giá kết quả giáo dục của HS sau một giai đoạn học tập, rèn luyện nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của HS so với chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học và sự hình thành phát triển năng lực, phẩm chất HS.

– Có hai hoạt động: “Đánh giá định kì về học tập” và “đánh giá định kì về năng lực, phẩm chất”. Hai hoạt động này thường tiến hành đồng thời ở giữa mỗi học kì, ở cuối học kì 1 và cuối năm học theo các tiêu chuẩn và xác định các mức độ đạt được như Thông tư 22 đã quy định.

– Riêng đánh giá định kì về học tập, vào giữa mỗi học kì, cuối học kì 1 và cuối năm học đối với môn Toán có bài kiểm tra định kì. (Riêng lớp 1 chỉ có bài kiểm tra Toán vào cuối học kì 1 và cuối năm học).

2.3. Bài kiểm tra Toán lớp 1 và cuối học kì 1 và cuối năm học

– Cần đạt các chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực trong giai đoạn học tập tương ứng (quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Toán lớp 1).

– Cấu trúc đề kiểm tra định kì môn Toán lớp 1 – CT 2018 gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế có các câu “trắc nghiệm” và có các câu “tự luận”. Số lượng câu hỏi, chất lượng bài toán phù hợp, thời gian kiểm tra và xây dựng theo các mức độ sau:

+ Mức độ 1: Nhận biết (nhắc lại được kiến thức đã học);

+ Mức độ 2: Hiểu biết (trình bày được kiến thức đã học);

+ Mức 3: Biết vận dụng (trực tiếp);

+ Mức 4: Biết vận dụng (linh hoạt, nâng cao hơn).

– GV có thể tham khảo các bài luyện tập chung ở chủ đề Ôn tập cuối học kì 1 và Ôn tập cuối năm trong SGK Toán 1 – CT 2018 để xây dựng đề kiểm tra phù hợp.

Câu hỏi 10. Bộ đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu môn Toán lớp 1 – CT 2018 gồm những danh mục nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng bộ đồ dùng, thiết bị dạy học để tổ chức dạy học có hiệu quả môn Toán lớp 1 – CT 2018?

Trả lời:

1. Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Toán lớp 1 – CT 2018 năm học 2020 – 2021 bao gồm:

– Bộ thiết bị dạy học chữ số và so sánh số;

– Bộ thiết bị dạy phép tính;

– Bộ thiết bị dạy hình phẳng, hình khối;

– Mô hình đồng hồ, thước thẳng có vạch chia cm.

Đồ dùng, thiết bị dạy học bao gồm cả các thiết bị dạy học của GV cũng như các đồ dùng học tập của HS. Chi tiết từng đồ dùng học tập cụ thể cho mỗi bộ thiết bị xin tham khảo ở các hộp đồ dùng học tập của HS và GV.

2. Ở tiểu học, nhất là ở lớp 1, chủ yếu là phương pháp dạy học trực quan

– Dạy học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của HS đòi hỏi phải tăng cường việc sử dụng phương tiện và đồ dùng dạy học. Đồ dùng dạy học chủ yếu để HS sử dụng để khám phá, thực hành kiến thức mới.

– Trong tổ chức hoạt động dạy học, tạo môi trường hứng thú, tích cực học tập của HS, thì tổ chức cho HS được tự làm việc trên mỗi đồ dùng học tập của từng em là cách làm việc có hiệu quả và có tính “cá nhân hoá, tích cực hoá” quá trình nhận thức của mỗi HS (như là một hoạt động trải nghiệm bổ ích).

– Tổ chức hoạt động trên đồ dùng học tập của từng em hay trong nhóm tạo môi trường hợp tác, có sự tương tác giữa HS với HS, giữa HS với GV.

3. Cần lưu ý

– Thực hiện thiết bị, đồ dùng học tập cần đúng lúc, đúng chỗ, có hiệu quả (tránh lạm dụng, hình thức, lãng phí).

– Tạo điều kiện cho HS được tự thực hành, trải nghiệm, qua đó hình thành tri thức một cách chủ động, tự tin và thích thú.

– Phối hợp sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học một cách linh hoạt, hiệu quả (kết hợp thiết bị hiện đại và truyền thống hợp lí).

– Khuyến khích GV và HS chủ động, sáng tạo xây dựng, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp với đối tượng HS và thực tế vùng miền khác nhau.

B. NỘI DUNG DẠY HỌC CỤ THỂ

Câu hỏi 11. Dạy học về Số tự nhiên trong Toán 1 – CT 2018 gồm những nội dung nào? Có điểm gì khác biệt so với nội dung dạy học về Số tự nhiên trong Toán 1 – CT 2000? Yêu cầu cần đạt về dạy học số tự nhiên trong Toán 1 – CT 2018 là gì?

Trả lời:

Nội dung dạy học chủ yếu về số tự nhiên trong Toán 1 – CT 2018 bao gồm:

a) Nội dung dạy học các số trong phạm vi 10 (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10) bao gồm:

– Hình thành số (theo phép đếm).

– Đọc, viết số.

– Phân tích, cấu tạo số (gộp, tách số).

– Thứ tự, so sánh (quan hệ thứ tự, quan hệ số lượng).

b) Nội dung dạy học các số trong phạm vi 100 (số có hai chữ số), bao gồm:

– Hình thành số (theo phép đếm như ở vòng từ 0 đến 10 và theo cách đếm gồm số chục và số đơn vị).

– Đọc, viết số.

– Phân tích, cấu tạo số (bước đầu làm quen với cấu tạo thập phân của số có hai chữ số.

– Thứ tự, so sánh số (quan hệ thứ tự, quan hệ số lượng).

Điểm khác biệt so với chương trình SGK Toán 1 – CT 2000:

– Nội dung cơ bản không có gì khác biệt nhiều (Toán – 2018 đã kế thừa, phát triển ưu điểm của Toán 1 – CT 2000).

– Có giảm tải: Bỏ phần nội dung “Tia số, số liền trước, số liền sau”; bỏ phần “Viết số có hai chữ số thành tổng các chục và đơn vị (dạng 42 = 40 + 2)”; chưa yêu cầu phân biệt số và chữ số (chữ số hàng chục, chữ số hàng đơn vị, giá trị mỗi chữ số ở trong số có hai chữ số). Các nội dung này được chuyển sang học ở Toán 2 – 2018, phù hợp với tổng thể cả Chương trình Toán tiểu học – 2018.

– Sự khác biệt, đổi mới chủ yếu là ở cấu trúc và cách tiếp cận nội dung dạy học số tự nhiên trong Toán 1 – CT 2018.

Yêu cầu cần đạt về dạy học số tự nhiên trong Toán 1 – CT 2018:

– Đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10, trong phạm vi 20, trong phạm vi 100.

– Nhận biết được chục và đơn vị, số tròn chục.

– Nhận biết được cách so sánh, xếp thứ tự các số trong phạm vi 100 (ở các nhóm có không quá 4 chữ số).

Câu hỏi 12. Cấu trúc nội dung dạy học các số trong phạm vi 10 (từ 0 đến 10) ở SGK Toán 1 – CT 2018 như thế nào? Có điểm gì khác biệt so với xây dựng nội dung dạy học các số trong phạm vi 10 ở SGK Toán 1 – CT 2000?

Trả lời:

  • Cấu trúc nội dung dạy học các số trong phạm vi 10 ở Toán 1 – CT 2018 thể hiện như sau:

– Nội dung dạy học các số trong phạm vi 10 được coi là một “chủ đề” cấu trúc gọn lại gồm hai “bài học”, mỗi bài học là một nhóm số (Bài 1: Các số 0, 1, 2, 3, 4, 5; Bài 2: Các số 6, 7, 8, 9, 10).

– Hình thành số ở cả hai nhóm đều cùng một cách là “đếm số”.

– Số 0 được học ngay từ đầu trong nhóm các số từ 0 đến 5 và hình thành sau số 5.

  • Cấu trúc nội dung như trên có khác biệt so với Toán 1 – CT 2000 ở các điểm sau:

– Thu gọn lại các nhóm số có cùng đặc điểm để dạy học: Nhóm số từ 0 đến 5 như là các số trực giác, HS đã được nhận biết, làm quen từ mầm non; nhóm số từ 6 đến 10 hình thành sau, được thực hiện bằng cách đếm tương tự như ở nhóm từ 0 đến 5 nên dễ thực hiện và đơn giản hơn trước.

(SGK Toán 1 – CT 2000 dạy học các số từ 0 đến 10 thành nhiều giai đoạn, chẳng hạn: nhóm (1, 2, 3); nhóm (1, 2, 3, 4, 5); nhóm mỗi số là một bài (số 6, số 7, số 8, số 9, số 0, số 10). Mặt khác, khi hình thành các số ở mỗi nhóm số lại thực hiện khác nhau. (Ví dụ: Ở nhóm (6, 7, 8, 9, 10) số sau hình thành bằng cách thêm 1 vào số trước nó. Các nhóm khác đếm các phần tử ở mỗi tranh để hình thành số.).

– Số 0 được học trong nhóm (0, 1, 2, 3, 4, 5) nhưng được hình thành sau số 5 với cách hình thành số như với các số 1, 2, 3, 4, 5 một cách tự nhiên (đếm có 1 con cá là 1,..., đếm 5 con cá là 5, đếm “có không con cá” là 0).

(Số 0 trong Toán 1 – CT 2000 học thành bài riêng, sau số 9 như là bản số của tập rỗng.).

– Nội dung “so sánh số” và nội dung “Phân tích, cấu tạo số” được tách ra thành bài riêng (Bài 4: So sánh số; Bài 5: Mấy và mấy).

(Trong Toán 1 – CT 2000, các nội dung trên lồng ghép khi học từng số hoặc nhóm số, không tách riêng từng bài như trên.).

Câu hỏi 13. Dạy học bài “Mấy và mấy” trong Toán 1 – CT 2018 (là bài mới so với Toán 1 – CT 2000) theo cách tiếp cận nào?

Trả lời:

  • Trong Toán 1 – CT 2018, chủ đề “Các số từ 0 đến 10” gồm 6 bài học, trong đó có “Bài 5: Mấy và mấy” (Toán 1 – CT 2000 không có bài này).

– Bài học “Mấy và mấy” thực chất là bài học về “gộp số và tách số”, “phân tích, cấu tạo số”.

– “Mấy và mấy” được hiểu, chẳng hạn:

+ “Mấy và mấy là mấy?” (2 con cá và 3 con cá là 5 con cá ® 2 và 3 là 5).

+ “Mấy gồm mấy và mấy?” (5 con cá gồm 2 con cá và 3 con cá ® 5 gồm 2 và 3).

– Mức độ yêu cầu cần đạt là giúp HS nhận biết được: Hai số gộp lại là số nào? (chẳng hạn: 3 và 4 là 7); một số có thể tách ra thành hai số nào? (chẳng hạn 7 gồm 3 và 4). Lưu ý 3 và 4 gộp lại chỉ có một đáp án là 7 nhưng 7 tách ra có thể có nhiều đáp án (7 gồm 1 và 6; 7 gồm 2 và 5; 7 gồm 3 và 4,…)

  • Cách tiếp cận dạy học bài “Mấy và mấy” theo cách đi từ thực tiễn, quan sát tranh, mô hình rồi hình thành kiến thức mới. Chẳng hạn, ở phần khám phá nội dung “Số gồm mấy và mấy?” (Trang 34 Toán 1, tập một) có tranh vẽ thể hiện như sau:

– HS quan sát tranh:

+ Trong hình có 5 con cá, gồm 1 con cá to và 4 con cá nhỏ. Từ đó nêu: “5 con cá gồm 1 con cá và 4 con cá, hay 5 gồm 1 và 4”.

+ Trong bình có 5 con cá, gồm 2 con cá màu hồng và 3 con cá màu vàng. Từ đó nêu: “5 con cá gồm 2 con cá và 3 con cá, hay 5 gồm 2 và 3”.

– Có thể chốt lại như mô hình sau:

Gộp số:

2

3

5

Tách số:

4

1

5

* Lưu ý: Bài “Mấy và mấy” với cách tiếp cận như trên sẽ là cơ sở để dạy học phép tính cộng, phép tính trừ trong, phân tích cấu tạo thập phân số sau này.

Câu hỏi 14. Dạy học phép tính trong SGK Toán 1 – CT 2018 gồm những nội dung nào? Có điểm gì khác biệt so với nội dung dạy học về phép tính trong SGK Toán 1 – CT 2000? Yêu cầu cần đạt dạy học phép tính trong Toán 1 – CT 2018 là gì?

Trả lời:

  • Nội dung dạy học phép tính trong SGK Toán 1 – CT 2018 bao gồm:

– Phép cộng trong phạm vi 10;

– Phép trừ trong phạm vi 10;

– Bảng cộng, bảng trừ trong phạm vi 10;

– Phép cộng, phép trừ (không nhớ) số có hai chữ số với (cho) số có một chữ số;

– Phép cộng, phép trừ (không nhớ) số có hai chữ số với (cho) số có hai chữ số;

– Số 0 trong phép cộng phép trừ;

– Thực hiện tính trường hợp có hai dấu phép tính.

  • Điểm khác biệt so với SGK Toán 1 – CT 2000:

– Về nội dung cơ bản không có khác biệt nhiều.

– Khác biệt ở cấu trúc nội dung dạy học:

+ Trong Toán 1 – CT 2018, nội dung dạy học phép tính trong phạm vi 10 thu gọn lại thành hai bài học: phép cộng trong phạm vi 10 và phép trừ trong phạm vi 10.

+ Trong Toán 1 – CT 2000, nội dung dàn trải, bao gồm: Phép cộng trong phạm vi 3, 4, 5; phép trừ trong phạm vi 3, 4, 5; lần lượt phép cộng và phép trừ trong phạm vi 6, phép cộng và phép trừ trong phạm vi 7,... đến phép cộng phép trừ trong phạm vi 9, 10.

– Khác biệt ở cách xây dựng khái niệm ban đầu về phép cộng, phép trừ (chủ yếu đi từ ý nghĩa thực tiễn để hình thành phép tính).

– Khác biệt ở cách tiếp cận xây dựng bảng cộng, bảng trừ trong phạm vi 10. Trong Toán 1 – CT 2018, HS khi được biết sự hình thành phép cộng, phép trừ từ ý nghĩa thực tế (gộp, thêm đối với phép cộng; bớt, tách đối với phép trừ), các em đồng thời cũng tự biết được cách tính (kĩ thuật tính), tìm ra kết quả phép cộng, phép trừ (qua đếm số lượng, đếm tiếp, qua “gạch bớt” rồi đếm, loại trừ dần,...). Từ đó (không phải qua từng bảng cộng, trừ trong mỗi số như trước), HS có thể xây dựng hoàn thiện bảng cộng, bảng trừ (không yêu cầu các em phải bắt buộc học thuộc bảng cộng, bảng trừ).

– Bỏ đặt tính dọc về phép cộng, trừ các số trong phạm vi 10.

  • Yêu cầu cần đạt dạy học phép tính trong Toán 1 – CT 2018 là:

– Nhận biết được ý nghĩa của phép cộng, phép trừ;

– Thực hiện được phép cộng, phép trừ (không nhớ) các số trong phạm vi 100;

– Làm quen với việc thực hiện tính toán trong trường hợp có hai dấu phép tính cộng, trừ (theo thứ tự từ trái sang phải);

– Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm trong phạm vi 10;

– Thực hiện được việc cộng, trừ nhẩm các số tròn chục;

– Nhận biết được ý nghĩa thực tiễn của phép tính (cộng, trừ) thông qua tranh ảnh, hình vẽ hoặc tình huống thực tiễn;

– Nhận biết và viết được phép tính (cộng, trừ) phù hợp với câu trả lời của bài toán có lời văn và tính được kết quả đúng.

– Bài toán có lời văn không là mạch kiến thức riêng mà được coi là bài toán ý nghĩa thực tiễn đan xen dạy phép tính, yêu cầu giảm nhẹ hơn trước.

Câu hỏi 15. Hình thành khái niệm ban đầu về phép cộng, phép trừ trong phạm vi 10 ở Toán 1 – CT 2018 như thế nào?

Trả lời:

a) Định hướng chung:

Hình thành khái niệm ban đầu về phép cộng, phép trừ theo “ý nghĩa thực tiễn” của phép tính.

– Xuất phát từ bài toán thực tế (tình huống thực tế) để hình thành phép cộng (như gộp lại thì bằng mấy?, thêm vào thì bằng mấy?).

– Xuất phát từ bài toán thực tế (tình huống thực tế) để hình thành phép trừ (như bớt đi còn lại mấy?, tách ra còn lại mấy?).

b) Một số điểm lưu ý

– Tuy hình thành phép cộng, trừ theo hướng ý nghĩa thực tiễn nhưng qua đó vẫn làm rõ bản chất phép tính theo hướng ý nghĩa toán học của phép tính.

– Xây dựng phép tính theo ý nghĩa thực tiễn phù hợp với thông điệp cuốn Toán 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống. HS được phát triển năng lực thông qua việc gắn phép tính với việc giải quyết các bài toán tình huống trong thực tế gần gũi các em.

– Quá trình hình thành khái niệm phép tính cũng là cơ sở hình thành “kĩ thuật tính” (cách tính) thông qua đếm số lượng phần tử, hoặc qua cách “tách, gộp số” như bài “Mấy và mấy”. (Có thể tham khảo trang 56, 60, 68, 70 Toán 1, tập một – CT 2018)– Xây dựng phép tính theo hướng tiếp cận này cũng góp phần giảm độ khó bài học (bỏ sơ đồ Ven ở phép tính, bỏ phần đặt tính dọc trong phạm vi 10, tăng cường cách tính nhẩm so với sách Toán 1 – CT 2000).

Câu hỏi 16. Cần lưu ý gì khi dạy học “Bài toán có lời văn” trong SGK Toán 1 – CT 2018?

Trả lời:

Trong Toán tiểu học – CT 2018, “giải bài toán có lời văn” không được coi là một mạch kiến thức độc lập như trong Toán 1 tiểu học – CT 2000. Các bài toán có lời văn thường được học xen kẽ ở các nội dung liên quan đến phép tính (cộng, trừ) và thường gắn với các bài toán thực tế (cần giải quyết vấn đề có tình huống).

– Yêu cầu, mức độ giải bài toán có lời văn có “giảm” so với Toán 1 – CT 2000 (chủ yếu ở phần trình bày lời giải bài toán). Chẳng hạn:

+ Ở học kì 1 (giai đoạn HS đang học vần trong Tiếng Việt). Khi trình bày giải toán có lời văn, chỉ yêu cầu HS quan sát tranh, nêu (nói) được đề toán (cho gì?, hỏi gì?). Từ đó đưa ra được phép tính cộng hoặc trừ thích hợp, rồi tính đúng kết quả (không phải ghi kèm theo tên đơn vị đo, đếm). Thường ở dạng bài:

Còn lại mấy con chim?

Tất cả có mấy con chim?

+ Ở học kì 2 (giai đoạn HS biết đọc, viết tốt hơn). Khi trình bày giải toán có lời văn, ngoài yêu cầu, mức độ như ở học kì 1 (đã nêu) thì HS có thêm phần trả lời câu hỏi (hay đáp số), thường ở các dạng trả lời. Chẳng hạn: Với hai tình huống như trên, có thể yêu cầu HS nêu số thích hợp trong dấu “?” ở phép tính và ở câu trả lời “Còn lại ? con chim” hoặc “tất cả có ? con chim.”

Hoặc yêu cầu HS nêu (nói) phép tính và câu trả lời (đáp số) kèm theo.

– Lưu ý:

+ Chưa yêu cầu HS viết lời giải.

+ Chưa nên đưa khái niệm “bước tính” khi học giải bài toán có lời văn ở lớp 1 (điều này chuyển sang học từ lớp 2).

Câu hỏi 17. Dạy học Hình học trong Toán 1 – CT 2018 gồm những nội dung nào? Có điểm gì khác biệt so với nội dung dạy học Hình học trong SGK Toán 1 – CT 2000? Yêu cầu cần đạt của dạy học Hình học trong Toán 1 – CT 2018 là gì?

Trả lời:

  • Nội dung dạy học Hình học trong Toán 1 – CT 2018 bao gồm:

– Hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật;

– Khối lập phương, khối hộp chữ nhật;

– Vị trí, định hướng trong không gian;

– Thực hành lắp ghép, xếp hình.

  • Khác biệt so với nội dung dạy học Hình học trong Toán 1 – CT 2000:

– Bỏ nội dung điểm, đoạn thẳng, điểm ở trong, điểm ở ngoài, đo độ dài đoạn thẳng (chuyển sang Toán 2 – CT 2018).

– Bổ sung thêm nội dung hình chữ nhật; khối lập phương; khối hộp chữ nhật; vị trí, định hướng trong không gian; tăng cường nội dung thực hành lắp ghép, xếp hình (học thành bài riêng).

– Chủ yếu khác biệt ở cấu trúc và cách tiếp cận dạy học các nội dung trên theo hướng “kết nối tri thức với cuộc sống”.

  • Yêu cầu cần đạt dạy học nội dung Hình học trong Toán 1 – CT 2018 là:

– Nhận biết được vị trí, định hướng trong không gian: trên – dưới, phải – trái, trước – sau, ở giữa;

– Nhận dạng được hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật, khối lập phương, khối hộp chữ nhật thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc và thật;

– Nhận biết thực hiện được việc lắp ghép, xếp hình với việc sử dụng bộ đồ dùng học tập hoặc và thật.

Câu hỏi 18. Cách tiếp cận hình thành biểu tượng, nhận biết khối lập phương, khối hộp chữ nhật trong Toán 1 – CT 2018 như thế nào?

Trả lời:

Hình thành biểu tượng nhận dạng khối lập phương, khối hộp chữ nhật, có thể thực hiện theo các bước:

– Từ vật thật là hộp quà, xúc xắc có dạng khối lập phương; bể cá cảnh, loa thùng có dạng khối hộp chữ nhật giúp HS nhận biết hình dạng khối lập phương, khối hộp chữ nhật.

– Từ mô hình làm bằng bìa, khối gỗ khối nhựa có dạng khối lập phương, khối hộp chữ nhật giúp HS nhận biết hình dạng khối lập phương, khối hộp chữ nhật.

– HS nhận biết dạng hình khối qua quan sát “hình vẽ” trong SGK, trên bảng, hình chiếu trên màn hình,…

– HS liên hệ vận dụng tìm các vật thật có dạng là khối lập phương, khối hộp chữ nhật trong thực tế xung quanh các em để nhận biết khối lập phương, khối hộp chữ nhật.

Câu hỏi 19. Cần lưu ý gì khi dạy học nội dung “Thực hành lắp ghép, xếp hình” trong phần “hình học phẳng” ở SGK Toán 1 – CT 2018?

Trả lời:

1. Cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cần đạt của nội dung dạy học “thực hành lắp ghép, xếp hình”

– Trong SGK Toán 1 – CT 2018, phần hình học được học gọi lại thành hai chủ đề (Làm quen với hình phẳng và Làm quen với hình khối). Điều này có khác biệt so với SGK Toán 1 – CT 2000, phần hình học phẳng (không học hình khối) học xen kẽ các mạch kiến thức khác trong các chương, mục quy định. Bài “Thực hành lắp ghép, xếp hình” được học thành bài riêng (2 tiết) sau khi đã học về hình thành nhận biết các hình (hình vuông, hình tam giác, hình tròn và hình chữ nhật). Trong Toán 1 – CT 2000 không học hình chữ nhật.

– Yêu cầu cần đạt của bài “thực hành lắp ghép, xếp hình” là:

+ Củng cố nhận dạng được các hình đã học (hình vuông, hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật);

+ Nắm được một số thao tác cơ bản khi lắp ghép, xếp hình các hình phẳng đơn lẻ thành một hình (bức tranh) tổng hợp theo yêu cầu đặt ra;

+ Thông qua lắp ghép, xếp hình, rèn luyện các năng lực toán học (quan sát, phân tích, tổng hợp, trí tưởng tượng không gian, cách giải quyết vấn đề, lựa chọn phương án lắp ghép, xếp hình đúng và hợp lí nhất,...);

+ Gây hứng thú học Toán. HS tự mình lắp ghép, xếp hình được các hình mới “như là một sản phẩm” đẹp, hấp dẫn là các hình như con cá, mũi tên, ngôi nhà,... quen thuộc đối với các em.

2. So với Toán 1 – CT 2000, yêu cầu, mức độ về lắp ghép, xếp hình được quan tâm hơn ở Toán 1 – CT 2018 với mức độ có phát triển hơn

Chẳng hạn:

– Ở Toán 1 – CT 2000 chủ yếu từ 3 hình để lắp ghép, xếp thành một số hình đơn giản khác.

– Ở Toán 1 – CT 2018, ngoài mức trên còn có thêm các dạng, chẳng hạn:

+ Từ 4 hình được cắt ra từ một hình vuông để lắp ghép, xếp thành các hình nhiều dạng phong phú, hấp dẫn hơn (Bài tập 1 trang 52 Toán 1 tập một).

+ Hoặc có bài ghép hai mảnh với nhau thành một hình thích hợp (Bài tập 2 trang 53 Toán 1 tập một).

+ Hoặc có bài đếm số hình đơn lẻ dùng để ghép được một hình tổng hợp nào đó (Bài 4 trang 55 Toán 1 tập một).

3. Khuyến khích HS tự tìm tòi, sáng tạo để lắp ghép xếp thành những hình mà em ưa thích

Sau đây là gợi ý tham khảo một số hình đã ghép được từ 4 hình tam giác như trong SGK.

Câu hỏi 20. Dạy học về Đo lường trong SGK Toán 1 – CT 2018 gồm những nội dung nào? Có điểm gì khác biệt so với SGK Toán 1 – CT 2000? Yêu cầu cần đạt dạy học về đo lường trong Toán 1 là gì?

Trả lời:

  • Nội dung dạy học về Đo lường trong SGK Toán 1 – CT 2018 bao gồm:

– Dài hơn, ngắn hơn;

– Đơn vị đo độ dài: đơn vị tự quy ước và đơn vị xăng-ti-mét (cm);

– Thực hành ước lượng và đo độ dài;

– Xem giờ đúng trên đồng hồ;

– Các ngày trong tuần;

– Thực hành xem lịch và giờ.

  • Điểm khác biệt so với SGK Toán 1 – CT 2000:

– Về cơ bản, nội dung dạy học Đo lường (Chương trình 2000 gọi là đại lượng cơ bản) không có khác biệt nhiều, chỉ khác biệt ở cấu trúc, cách tiếp cận nội dung dạy học và thời lượng dành cho nội dung này.

– Trong Toán 1 – CT 2018, Đo lường gắn với Hình học thành một mạch kiến thức. Cả nội dung và thời lượng học tập về Đo lường đều được quan tâm tăng cường hơn trước (có 16 tiết so với 6 tiết ở Toán 1 – CT 2000). Đặc biệt, nội dung thực hành ước lượng và đo độ dài, thực hành xem lịch và giờ được tách riêng thành 2 bài (mỗi bài 2 tiết) và thực hành gắn với trải nghiệm, với hoạt động trong thực tế (ngoài lớp học).

– Theo cấu trúc chung của Toán 1 – CT 2018, nội dung Đo lường cấu trúc thành hai chủ đề (Chủ đề 7: Độ dài và đo độ dài; Chủ đề 9: Thời gian, giờ và lịch), mỗi chủ đề gồm bốn bài, mỗi bài có hai tiết. Cấu trúc gọn lại làm rõ nội dung, yêu cầu cần đạt (không dàn trải, xen kẽ với các mạch kiến thức khác như trong SGK Toán 1 – CT 2000).

– Cách tiếp cận thường là: Từ thực tế ® hình thành biểu tượng ® trở lại liên hệ trong thực tế. Chẳng hạn: Từ quan hệ “dài hơn, ngắn hơn” trong thực tế ® hình thành biểu tượng về độ dài ® liên hệ sự dài hơn, ngắn hơn của những đồ vật; hơn thế liên hệ sự cao hơn, thấp hơn của những đồ vật, con vật trong thực tế. Sau đó mới đưa ra đơn vị đo độ dài (trước là đơn vị tự quy ước, sau mới là đơn vị cm),...

Trong các hoạt động thực hành đo, HS thường được ước lượng trước, rồi mới đo chính xác để so sánh đối chiếu,...

– Bỏ phép tính cộng, trừ với đơn vị cm.

  • Yêu cầu cần đạt về Đo lường:

– Nhận biết được về “dài hơn, ngắn hơn”;

– Nhận biết được đơn vị đo độ dài xăng-ti-mét (cm), đọc và viết được số đo độ dài trong phạm vi 100;

– Nhận biết được một tuần lễ có 7 ngày và tên gọi, thứ tự các ngày trong tuần;

– Nhận biết được giờ đúng trên đồng hồ;

– Thực hiện được việc đo và ước lượng độ dài theo đơn vị đo tự quy ước (gang tay, bước chân,…);

– Thực hiện được việc đo độ dài bằng thước thẳng với đơn vị đo là xăng-ti-mét (cm);

– Thực hiện được việc đọc giờ đúng trên đồng hồ;

– Xác định được các ngày trong tuần khi xem lịch (loại lịch tờ hằng ngày);

– Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến đo độ dài, đọc giờ đúng và xem lịch (loại lịch tờ hằng ngày).

Câu hỏi 21. Cần lưu ý gì khi dạy học nội dung “Hình thành biểu tượng về độ dài và đơn vị đo độ dài” trong Toán 1 – CT 2018?

Trả lời:

1. Hình thành biểu tượng đại lượng “độ dài”

– Cách tiếp cận: Qua quan sát, mô tả, xuất phát từ so sánh quan hệ “dài hơn, ngắn hơn, dài bằng nhau” của các đồ vật, con vật trong thực tế (như bút chì – bút mực, như que tính – thước kẻ, như cá sấu – cá heo, như con chó – con mèo,...), HS dần cảm nhận, rồi hình thành nhận biết được “độ dài” của mỗi đồ vật, con vật đó (chiều dài mỗi đồ vật, con vật được gắn với một độ dài nhất định nào đó).

– Thông qua các bài tập đa dạng, những hình ảnh đồ vật, con vật trong thực tế gần gũi quanh các em (trong hộp đồ chơi thường có ở nhà, khi đi chơi ở công viên, vườn bách thú,...) để các em được “so sánh dài hơn, ngắn hơn, bằng nhau” củng cố, nhận biết biểu tượng về “độ dài” đã học.

– Gắn với so sánh quan hệ “dài hơn, ngắn hơn, dài bằng nhau”, cần cho HS liên hệ so sánh quan hệ “cao hơn, thấp hơn, cao bằng nhau”. Hai mối quan hệ này cùng thuộc bản chất là so sánh về “độ dài”, hỗ trợ cho nhau và gắn với thực tế phong phú, thường gặp ở xung quanh các em (anh cao hơn em, em thấp hơn chị, hai cây cao bằng nhau,...).

2. Hình thành biểu tượng về đơn vị đo độ dài

– Cách tiếp cận:

+ Khi so sánh hai đồ vật (dài hơn, ngắn hơn, hoặc bằng nhau), thường người ta đặt một đầu cùng trên một dòng thẳng rồi so sánh. Chẳng hạn:

+ Cũng có khi người ta dùng một vật nào đó làm chuẩn để cùng so sánh với một vật, chẳng hạn: “Thấy bút chì và bút sáp cùng dài bằng 3 viên tẩy, bút bi dài bằng 4 viên tẩy”. Khi đó, ta cũng kết luận được như trên. Viên tẩy đó có thể gọi là một “đơn vị đo”.

– Ta sẽ hình thành biểu tượng các đơn vị đo như thế nào?

+ Trước hết, hình thành biểu tượng đơn vị đo “tự quy ước” rồi mới đến hình thành biểu tượng đơn vị đo “chuẩn” (như xăng-ti-mét, cm).

Biểu tượng đơn vị tự quy ước trong Toán 1 thường là: một gang tay, một sải tay, một bước chân.

Biểu tượng đơn vị chuẩn xăng-ti-mét (cm) là đoạn 1 cm trên thước có vạch chia xăng-ti-mét hoặc biểu tượng khoảng 1 đốt ngón tay là 1 cm.

– Thông qua các hoạt động thực hành ước lượng, đo độ dài để củng cố biểu tượng đơn vị đo. Chẳng hạn:

Thường là cho HS “ước lượng” trước, rồi đo “chính xác” để kiểm tra lại (xem “ước lượng” đúng, sai ở mức độ nào).

3. Khuyến khích HS tự ước lượng và đo độ dài các đồ vật có trong thực tế xung quanh các em (như đo chiều dài các đồ chơi: ô tô, máy bay, khúc gỗ, con cá sấu, con rắn bằng nhựa,...; đo chiều dài các đồ vật trong nhà: cạnh ghế, cạch bàn, chiều cao chân ghế, chân bàn, cạnh ti vi, laptop,...) bằng các đơn vị tự quy ước đã học hoặc bằng “cái khuy áo xấp xỉ 1 cm”, que diêm, que tính và bằng thước thẳng có vạch chia xăng-ti-mét.

Câu hỏi 22. Dạy học bài “Thực hành ước lượng và đo độ dài” trong Toán 1 – CT 2018 nên như thế nào?

Trả lời:

a) Trước hết cần xác định:

– Xác định rõ tính đặc thù của loại dạng bài “Thực hành” trong dạy học phần Đo lường ở Toán 1 – CT 2018. Ngoài mục tiêu là củng cố kiến thức, kĩ năng và phát triển năng lực như các loại bài khác thì bài “Thực hành ước lượng và đo độ dài” tập trung chủ yếu vào các kĩ năng, thao tác, biết cách “cân, đong, đo, đếm” cụ thể với vật thật. Đặc biệt, “thực hành” đi đôi với “trải nghiệm”, nghĩa là tất cả HS của lớp được thực hành (quan sát, cầm tay chỉ việc cụ thể). Các hoạt động thực hành đo lường gắn với các vật thật thực tế không chỉ ở trong lớp mà cần thiết thực hiện ở ngoài lớp (đôi khi giao việc thực hành tại nhà).

– Xác định rõ mục tiêu bài dạy cần đạt theo hai ý: ước lượng độ dài và đo độ dài (với đơn vị tự quy ước như gang tay, sải tay, bước chân và với đơn vị chuẩn cm).

b) Gợi ý có thể tổ chức hoạt động dạy học bài này theo các bước sau:

+ Xác định mục tiêu, nhiệm vụ học bài này cho cả lớp. Chẳng hạn: Nêu rõ mục tiêu, yêu cầu cần đạt, mỗi HS đều được thực hành và ghi kết quả cá nhân vào phiếu thực hành đã được GV chuẩn bị trước.

+ Tổ chức hoạt động thực hành trong lớp. Chẳng hạn, ước lượng và đo chiều dài bút chì, hộp bút bằng thước có vạch chia cm; ước lượng và đo chiều dài bàn học bằng gang tay, chiều dài bảng lớp bằng sải tay, chiều dài lớp học bằng bước chân,...

+ Tổ chức hoạt động thực hành ngoài lớp. Chẳng hạn: Ước lượng và đo khoảng cách giữa hai cây; chiều dài sân khấu chào cờ bằng bước chân, sải tay.

+ Tổng kết, nhận xét, đánh giá kết quả sau tiết thực hành (thu nhận các phiếu của HS để làm căn cứ đánh giá).

c) Lưu ý:

– GV cần chuẩn bị chu đáo cho tiết học dạng bài này (công cụ để đo; thống nhất cách đo theo đơn vị tự quy ước, cách đo theo đơn vị chuẩn cm; đồ dùng, vật thật để đo; hiện trường, không gian thực hành trong lớp, ngoài lớp,...). GV cần biết trước số đo thực của các đồ vật, vật thật trong thực tế để so sánh, đối chiếu với số đo “ước lượng” của HS,...

– GV cần chủ động, sáng tạo xây dựng phương án dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp (những hướng dẫn trên chỉ là gợi ý tham khảo). Dù phương án dạy học nào cũng phải đạt yêu cầu của bài dạy, HS thích học, tự tin tham gia học tập, nắm vững kiến thức và được phát triển năng lực.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
2 2.676
0 Bình luận
Sắp xếp theo