Thông tư sửa đổi quy định về cấp giấy phép cho ngân hàng thương mại số 08/2015/TT-NHNN

Quy định về cấp giấy phép và tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại

Thông tư số 08/2015/TT-NHNN sửa đỏi, bổ sung một số điều của thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của thống đốc ngân hàng nhà nước quy định về cấp giấy phép và tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 8 năm 2015.

Thông tư số 09/2010/TT-NHNN

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
Số: 08/2015/TT-NHNNHà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2015

THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 40/2011/TT-NHNN NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2011 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG NƯỚC NGOÀI, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI KHÁC CÓ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng,

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam:

1. Khoản 4 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"4. Trường hợp các giấy tờ là bản sao mà không phải là bản sao có chứng thực, bản sao được cấp từ sổ gốc thì phải xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính."

2. Điểm b khoản 4 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"b) Bản sao các văn bằng chứng minh trình độ chuyên môn."

3. Bổ sung Mục 4 vào Chương II như sau:

"Mục 4: QUY ĐỊNH VỀ CẤP ĐỔI GIẤY PHÉP, CẤP BỔ SUNG NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀO GIẤY PHÉP

Điều 18a. Nguyên tắc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép

Việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép thực hiện theo nguyên tắc sau:

1. Ngân hàng Nhà nước không thực hiện cấp đổi đối với các nội dung hoạt động mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp đổi; đồng thời, điều chỉnh tên nội dung hoạt động được phép phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Phụ lục 01a, 01b ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy phép được cấp đổi thay thế tất cả các Giấy phép, chấp thuận (là một phần không thể tách rời của Giấy phép) mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó trước thời điểm cấp đổi.

2. Đối với hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối; hoạt động kinh doanh vàng miếng; hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về ngoại hối, tiền tệ, tài sản tài chính khác trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, việc cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Đối với các nội dung hoạt động quy định tại khoản 21 Điều 4 Mẫu Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại (Phụ lục 01a) và khoản 20 Điều 4 Mẫu Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Phụ lục 01b), ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước; trình tự, thủ tục, điều kiện, hồ sơ cấp bổ sung các nội dung hoạt động này vào Giấy phép thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 18b. Thủ tục đề nghị cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấp phép

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhu cầu cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép lập hồ sơ theo quy định tại Điều 18c Thông tư này gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

2. Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp đổi Giấy phép hoặc cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép hoặc cấp đổi Giấy phép bao gồm cả nội dung cấp bổ sung theo đề nghị cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải:

a) Thực hiện thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh về những thay đổi của Giấy phép theo quy định của pháp luật;

b) Công bố những thay đổi của Giấy phép trên các phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước và một tờ báo viết hằng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử Việt Nam trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép;

c) Ngân hàng thương mại phải thực hiện sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với nội dung Giấy phép cấp đổi, cấp bổ sung và thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Thông tư này.

Điều 18c. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy phép và bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép

1. Đối với trường hợp cấp đổi Giấy phép:

a) Đơn đề nghị cấp đổi Giấy phép do người đại diện hợp pháp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký, trong đơn cần nêu rõ các nội dung hoạt động đề nghị thực hiện. Đối với ngân hàng 100% vốn nước ngoài, trong đơn cần có cam kết đây là các nội dung hoạt động mà chủ sở hữu, ngân hàng nước ngoài sở hữu 50% vốn điều lệ của ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi chủ sở hữu, ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính, Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đơn cần có cam kết đây là các nội dung hoạt động ngân hàng mẹ được phép thực hiện tại nước nguyên xứ;

b) Danh mục các nội dung hoạt động theo Giấy phép hiện hành, các văn bản chấp thuận khác của Ngân hàng Nhà nước kèm bản sao Giấy phép hiện hành và các văn bản chấp thuận này.

2. Đối với trường hợp cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép:

a) Đơn đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép do người đại diện hợp pháp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký, trong đơn cần nêu rõ các nội dung hoạt động đề nghị bổ sung. Đối với ngân hàng 100% vốn nước ngoài, trong đơn cần có cam kết đây là các nội dung hoạt động mà chủ sở hữu, ngân hàng nước ngoài sở hữu 50% vốn điều lệ của ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi chủ sở hữu, ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đơn cần có cam kết đây là các nội dung hoạt động ngân hàng mẹ được phép thực hiện tại nước nguyên xứ;

b) Nghị quyết của Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) ngân hàng thương mại nhất trí thông qua việc đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép; văn bản của ngân hàng mẹ do người đại diện hợp pháp ký đồng ý đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài);

c) Riêng đối với trường hợp đề nghị cấp bổ sung hoạt động phái sinh lãi suất, hoạt động lưu ký chứng khoán vào Giấy phép, ngoài hồ sơ quy định tại điểm a và b khoản này, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần có các quy trình nội bộ, trong đó có các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp với từng nội dung hoạt động đề nghị bổ sung vào Giấy phép.

3. Đối với trường hợp đồng thời đề nghị bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và cấp đổi Giấy phép:

a) Đơn đề nghị bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và cấp đổi Giấy phép do người đại diện hợp pháp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký trong đó có các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này;

b) Hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b, c khoản 2 Điều này."

Điều 2. Thay thế Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam bằng Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm: Phụ lục 01a (Mẫu Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại), Phụ lục 01b (Mẫu Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài), Phụ lục 01c (Mẫu Giấy phép thành lập văn phòng đại diện).

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 8 năm 2015.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các quy định dưới đây hết hiệu lực thi hành: Điểm 23.3 khoản 23, khoản 24 Mục X Thông tư số 03/2007/TT-NHNN ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 2 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng thương mại, Tổng giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC

Nguyễn Phước Thanh

Đánh giá bài viết
1 107
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo