Thông tư số 05/2010/TT-BGTVT

Thông tư số 05/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

-------------------

Số: 05/2010/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2010

THÔNG TƯ
Quy định về tổ chức và hoạt động
của trạm thu phí sử dụng đường bộ

------------------

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/04/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập, tổ chức thu phí trên các quốc lộ; đường tỉnh, đường đô thị (sau đây gọi chung là đường địa phương).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ chức và hoạt động thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí sử dụng đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm thu phí sử dụng đường bộ (sau đây gọi chung là trạm thu phí) là nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đơn vị thực hiện thu phí sử dụng đường bộ (sau đây gọi chung là đơn vị thu phí) là tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thu phí sử dụng đường bộ.

3. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân được nhận chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được thực hiện thu phí để thu hồi vốn.

4. Tài sản của trạm thu phí bao gồm: nhà điều hành, nhà bán vé, cổng trạm kiểm soát vé, thiết bị kiểm soát và quản lý thu phí, hệ thống điện chiếu sáng, xe chở tiền và các công trình phụ trợ, các trang thiết bị khác phục vụ việc thu phí sử dụng đường bộ.

Điều 4. Quy mô xây dựng của trạm thu phí

1. Trạm thu phí phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt về quy mô và tiêu chuẩn thiết kế, trong đó có những nội dung chủ yếu sau: địa điểm, lý trình đặt trạm thu phí, số làn và chiều rộng của mỗi làn xe, chiều cao tĩnh không, công nghệ thu phí, phương án bảo đảm an toàn giao thông, phương án giải phóng mặt bằng (nếu có).

2. Trạm thu phí được xây dựng phải tuân theo các quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Đối với trường hợp áp dụng tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng chấp thuận thì mới được áp dụng.

Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM THU PHÍ

Điều 5. Nhiệm vụ của đơn vị thu phí

1. Thực hiện việc thành lập trạm thu phí theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Tổ chức hoạt động của trạm thu phí theo đúng quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và quy định của hợp đồng đã ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Căn cứ quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xây dựng quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ thu phí; phối hợp với chính quyền địa phương để giữ gìn trật tự trị an trong quá trình thu phí, bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm không xảy ra những hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu phí.

4. Bảo đảm thực hiện đúng các quy định trong quản lý thu, chi và báo cáo kế toán, quyết toán phí.

5. Trang bị tài sản, cơ sở vật chất cần thiết theo quy đinh và hiện đại hóa trạm thu phí theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; giải quyết tiền lương, tiền thưởng, chế độ khác cho người lao động thu phí theo quy định và đúng thẩm quyền.

6. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về cơ chế quản lý thu phí, chế độ quyền lợi của người lao động, điều kiện làm việc và cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động của trạm thu phí.

Điều 6. Nhiệm vụ của trạm thu phí

1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ theo quy định hiện hành của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Hoạt động của trạm thu phí phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong mọi trường hợp; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí; xử lý, giải quyết những tình huống xảy ra theo đúng quy định, đúng thẩm quyền.

2. Bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó không được để rác thải, chất thải, đọng nước; bảo đảm trật tự trị an trong khu vực trạm thu phí.

3. Trên cơ sở quy định nội bộ của đơn vị thu phí, trạm thu phí phải thường xuyên thực hiện các hình thức, biện pháp kiểm tra cần thiết đối với từng bộ phận, từng tổ, từng ca trong hoạt động thu phí. Thực hiện việc khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời những bộ phận, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đình chỉ ngay bộ phận, cá nhân vi phạm và báo cáo đề nghị đơn vị thu phí xử lý theo quy định.

4. Thực hiện thông báo công khai (kể cả hình thức niêm yết tại nơi bán vé) về đối tượng thuộc diện trả tiền phí, mức thu và đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ.

5. Tổ chức các điểm bán vé thuận tiện theo quy định

a) Tổ chức các điểm bán vé tại trạm thu phí thuận tiện cho người điều khiển phương tiện giao thông và tránh ùn tắc giao thông. Trạm thu phí cần triển khai mở rộng mạng lưới và hình thức bán vé, vừa thuận tiện cho người mua vé, vừa bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tiền phí;

b) Bán kịp thời, đầy đủ các loại vé theo yêu cầu của người mua, không hạn chế đối tượng và số lượng vé bán ra.

6. Thực hiện quản lý lao động, quản lý vé, quản lý tiền thu phí, quản lý các tài sản của trạm thu phí theo đúng chế độ và quy định hiện hành.

7. Phối hợp với lực lượng công an, Thanh tra đường bộ và lực lượng chức năng khác phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi gian lận (không mua vé, sử dụng hoặc thông đồng sử dụng vé giả, vé đã qua sử dụng, vé không đúng với loại xe, tải trọng xe, vé hết hạn...) trong quá trình thu phí.

Điều 7. Tổ chức của trạm thu phí

1. Các chức danh của trạm thu phí bao gồm:

a) Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng;

b) Các nhân viên khác.

2. Việc bổ nhiệm các chức danh quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

a) Đối với các trạm thu phí trên quốc lộ do Nhà nước quản lý: Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải (được ủy thác quản lý trạm thu phí trên quốc lộ) bổ nhiệm các chức danh Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị thu phí. Các chức danh còn lại do đơn vị thu phí tự bổ nhiệm;

b) Đối với các trạm thu phí trên các tuyến đường địa phương do Nhà nước quản lý: Giám đốc Sở Giao thông vận tải bổ nhiệm chức danh Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, các chức danh còn lại do đơn vị thu phí tự bổ nhiệm;

c) Đối với các trạm thu phí thuộc quyền quản lý của nhà đầu tư thì thực hiện theo thẩm quyền của nhà đầu tư.

3. Biên chế của lực lượng trực tiếp làm việc tại trạm thu phí:

a) Đối với các trạm thu phí trên các quốc lộ của Nhà nước quản lý (trừ các trạm thu phí được chuyển giao cho nhà đầu tư) do Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt biên chế theo đề nghị của Khu Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải được ủy thác quản lý;

b) Đối với các trạm thu phí trên các tuyến đường địa phương (trừ các trạm thu phí được chuyển giao cho nhà đầu tư) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của địa phương phê duyệt theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải;

c) Đối với các trạm thu phí của nhà đầu tư quản lý do nhà đầu tư quyết định theo yêu cầu thực tế.

Điều 8. Trách nhiệm của Trạm trưởng, Phó trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng của trạm thu phí

1. Trạm trưởng trạm thu phí là người được giao trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của trạm thu phí. Trạm trưởng có trách nhiệm:

a) Tổ chức, sắp xếp, phối hợp giữa các bộ phận, các ca làm việc để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch thu phí, không để xảy ra ùn tắc giao thông, giải quyết mọi công việc theo đúng quy định, đúng thẩm quyền;

b) Thường xuyên tổ chức và thực hiện việc kiểm tra đối với việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, từng tổ, từng ca trong hoạt động thu phí. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm, thực hiện ngay việc đình chỉ bộ phận, cá nhân vi phạm, đồng thời báo cáo và đề nghị đơn vị thu phí xử lý theo quy định;

c) Trạm trưởng chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị thu phí về trách nhiệm quản lý điều hành hoạt động của trạm thu phí, chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra tại trạm thu phí được giao phụ trách.

2. Các Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 9. Trang phục, phù hiệu của người lao động tại trạm thu phí

Trang phục, phù hiệu của người làm việc tại trạm thu phí thực hiện thống nhất trên địa bàn cả nước theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 10. Thời gian hoạt động của trạm thu phí

1. Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.

2. Trường hợp có sự cố kỹ thuật hoặc các nguyên nhân khác mà trạm thu phí phải ngừng hoạt động thì phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí, đồng thời phải báo cáo ngay lên cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý để có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu phí vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Đánh giá bài viết
1 78
0 Bình luận
Sắp xếp theo