Thông tư quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài

Thông tư số 225/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính: Quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước.

BỘ TÀI CHÍNH

___________

Số 225/2010/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước
đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài
thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước

___________

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước như sau:

Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (sau đây gọi tắt là viện trợ) quy định tại Thông tư này là sự trợ giúp không phải hoàn trả dưới hình thức bằng tiền, bằng hiện vật của Bên tài trợ nước ngoài, nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển, nhân đạo hoặc tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ, được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Các hàng hóa là quà biếu, quà tặng do các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài tặng cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quà biếu, quà tặng hiện hành, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Bên tài trợ nước ngoài trong Thông tư này bao gồm:

a) Các chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa Việt Nam với Bên tài trợ nước ngoài (sau đây viết tắt là ODA không hoàn lại).

b) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người nước ngoài khác, kể cả các tập đoàn, công ty có vốn nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, có thiện chí cung cấp viện trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhân đạo của Việt Nam (viện trợ phi chính phủ nước ngoài, sau đây viết tắt là viện trợ PCPNN).

3. Các đối tượng tiếp nhận viện trợ nước ngoài trong Thông tư này bao gồm:

a) Các tổ chức thuộc bộ máy Nhà nước Việt Nam, bao gồm các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ); Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

b) Các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam.

c) Các hội có tính chất đặc thù được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí và điều kiện hoạt động, theo quy định tại Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù.

4. Các hội khác (ngoài các hội có tính chất đặc thù nêu tại điểm c khoản 3 trên) do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập, tự đảm bảo kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước, là các đối tượng tiếp nhận viện trợ nước ngoài quy định tại Thông tư số 109/2007/TT-BTC ngày 10/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ phi chính phủ nước ngoài không thuộc nguồn thu NSNN.

5. Viện trợ thuộc nguồn thu Ngân sách trung ương bao gồm:

a) ODA không hoàn lại;

b) Viện trợ PCPNN cho các tổ chức thuộc bộ máy nhà nước Việt Nam (không kể viện trợ PCPNN cho UBND cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc UBND cấp tỉnh);

c) Viện trợ PCPNN cho các doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương quản lý;

d) Viện trợ PCPNN cho các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước, được xác định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách địa phương:

a) Viện trợ PCPNN trực tiếp cho UBND cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc UBND cấp tỉnh;

b) Viện trợ PCPNN cho các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý;

c) Viện trợ PCPNN cho các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh xác định, căn cứ vào Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư

1. Các cơ quan Nhà nước được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với viện trợ nước ngoài;

2. Các cơ quan chủ quản dự án viện trợ nước ngoài;

3. Các chủ chương trình, chủ dự án, đơn vị sử dụng viện trợ nước ngoài.

Đánh giá bài viết
1 1.019
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi