Thông tư liên tịch 219/2012/TTLT-BTC-BKHCN

Thông tư liên tịch 219/2012/TTLT-BTC-BKHCN của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 20 tháng 12 năm 2012 quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

-------
Số: 219/2012/TTLT-BTC-BKHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Thực hiện Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình) theo các nội dung, nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện và quản lý Chương trình.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

1. Bộ chủ trì tổ chức thực hiện chương trình thành phần (sau đây gọi chung là Bộ chủ trì) là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình thành phần theo quy định tại Tiết d, Khoản 4, Phần IV, Điều 1 Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Tổ chức chủ trì dự án là tổ chức, doanh nghiệp được giao chủ trì thực hiện dự án phát triển công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao, dự án xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, dự án phát triển nhân lực công nghệ cao của Chương trình (sau đây gọi chung là Dự án).

3. Đơn vị quản lý kinh phí là đơn vị dự toán cấp 3 có trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng dự toán ngân sách Nhà nước để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình.

4. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ là tổ chức, doanh nghiệp được giao chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và các nhiệm vụ khác thuộc Dự án.

5. Giai đoạn sản xuất lô số không là hoạt dộng sản xuất thử trên hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ nhằm hoàn thiện, ổn định công nghệ, sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Điều 3. Các nguồn tài chính thực hiện Chương trình

Các nguồn tài chính thực hiện Chương trình bao gồm:

1. Ngân sách Nhà nước:

a) Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Kinh phí đầu tư phát triển;

c) Vốn ODA và các nguồn vốn hợp tác quốc tế, viện trợ của nước ngoài.

2. Vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng.

3. Kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp:

a) Vốn tự có của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp;

b) Vốn huy động khác.

4. Kinh phí từ các quỹ:

a) Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia;

b) Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia;

c) Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

d) Các quỹ khác.

5. Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nguyên tắc huy động các nguồn tài chính

1. Dự án cần có phương án huy động các nguồn tài chính, trong đó nêu đầy đủ nhu cầu về kinh phí, chi tiết theo từng nguồn nêu tại Điều 3 của Thông tư này và thuyết minh rõ khả năng huy động các nguồn tài chính để thực hiện.

2. Phương án huy động các nguồn tài chính phải đảm bảo tính khả thi:

a) Các nguồn kinh phí ngoài ngân sách để thực hiện Dự án phải được các tổ chức tài chính, tín dụng xác nhận;

b) Các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Dự án cần có ý kiến bằng văn bản của: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Trước khi phê duyệt Dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án phải đảm bảo phương án huy động đủ các nguồn tài chính để thực hiện Dự án.

Điều 5. Nguyên tắc hỗ trợ và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước

1. Dự toán kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước là bộ phận thuộc các nguồn dự toán kinh phí trong Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc cân đối nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo cơ cấu theo tỷ lệ với các nguồn kinh phí huy động khác ngoài ngân sách theo Dự án được duyệt. Nhà nước đảm bảo bố trí đủ kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các Dự án đã được phê duyệt.

2. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước được lập kế hoạch chi tiết theo từng loại nguồn vốn và phân kỳ đầu tư cho cả giai đoạn thực hiện; được phân bổ và sử dụng theo tiến độ và cơ cấu trong dự toán của Dự án đã được phê duyệt.

3. Quy trình lập dự toán, phân bổ, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, theo quy định tại Thông tư này và các văn bản có liên quan.

4. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện Dự án phải đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này và các văn bản có liên quan.

Điều 6. Nguyên tắc sử dụng kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước

1. Tổ chức chủ trì dự án có trách nhiệm sử dụng và giải ngân kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước theo đúng phương án huy động các nguồn tài chính, đảm bảo về cơ cấu theo tỷ lệ với nguồn ngân sách Nhà nước theo Dự án đã được phê duyệt.

2. Đơn vị quản lý kinh phí có trách nhiệm giám sát việc huy động, giải ngân nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước theo đúng tiến độ, cơ cấu, tổng mức theo Hợp đồng đã ký.

Điều 7. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với Dự án

1. Đối với hoạt động nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ cao:

a) Hỗ trợ tối đa đến 100% kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ cao bao gồm: nghiên cứu thích nghi, làm chủ công nghệ nhập khẩu, công nghệ được chuyển giao, hoàn thiện công nghệ, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, tạo ra công nghệ mới. Nội dung hỗ trợ thực hiện theo các quy định hiện hành về sử dụng ngân sách Nhà nước đối với đề tài nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách Nhà nước và các quy định của Thông tư này.

b) Hỗ trợ tối đa đến 100% kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các hoạt động tự nghiên cứu và phát triển công nghệ cao có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường.

c) Ngoài ra, được sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các nội dung sau:

- Mua bản quyền và công cụ phần mềm; mua quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, tài liệu kỹ thuật, thông tin sở hữu trí tuệ; nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị, sản phẩm mẫu để nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ cao theo hợp đồng đã ký kết;

- Tìm kiếm thông tin về công nghệ, bí quyết công nghệ; thuê chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan khác có liên quan.

d) Kinh phí được cân đối từ ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Đối với hoạt động sản xuất thử nghiệm:

Hỗ trợ tối đa đến 50% tổng mức kinh phí đầu tư (không bao gồm giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư) thực hiện hoạt động sản xuất thử nghiệm trong Dự án. Đối với các dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các tổ chức hành chính thuộc vùng khó khăn và các văn bản sửa đổi, bổ sung mức hỗ trợ tối đa đến 70%. Nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21 tháng 02 năm 2011 của liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các quy định của Thông tư này.

Kinh phí được cân đối từ ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ.

3. Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ:

a) Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho các hoạt động chuyển giao công nghệ của Dự án theo các đối tượng:

- Bí quyết kỹ thuật;

- Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu;

- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

- Mua sắm, nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ cao trong nước chưa tạo ra được để thực hiện các Dự án nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ cao.

b) Hình thức và phương thức hoạt động chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 12 và Điều 18 của Luật Chuyển giao công nghệ.

c) Ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ tối đa đến 50% cho các hoạt động chuyển giao công nghệ của Dự án. Phần kinh phí còn lại được huy động từ các quỹ, các nguồn khác quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

Đánh giá bài viết
1 132
0 Bình luận
Sắp xếp theo