Thông tư hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu

Thông tư số 89/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu.

BỘ TÀI CHÍNH

________________

Số: 89/2011/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________________

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2011

THÔNG TƯ
Hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu

_______________

Căn cứ Pháp lệnh giá số 40/2002/UBTVQH10 ngày 26/4/2002;

Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;

Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;

Căn cứ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu như sau:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu làm căn cứ để Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ; để Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có cơ sở ký kết hợp đồng và đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quản lý, điều hành xuất khẩu gạo và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc xác định giá sàn gạo xuất khẩu

1- Phù hợp với quan hệ cung cầu, diễn biến của giá thóc, gạo ở thị trường trong nước (giá thóc định hướng được công bố, mặt bằng giá mua thóc, gạo hàng hóa trong nước) và giá gạo theo từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo mà các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giao dịch trên thị trường thế giới.

2- Bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh gạo xuất khẩu thực tế hợp lý, hợp lệ, bảo đảm hiệu quả kinh doanh của Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Chi phí kinh doanh gạo xuất khẩu thực tế hợp lý, hợp lệ là những chi phí cần thiết mà các Thương nhân đã chi ra để kinh doanh xuất khẩu gạo đạt các tiêu chuẩn phẩm cấp gạo nhất định tại một thời điểm, địa điểm nhất định, được xác định trên cơ sở các chế độ, chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật và phù hợp với mặt bằng giá thị trường.

2. Giá sàn gạo xuất khẩu là mức tiền VND và quy đổi ra đồng ngoại tệ (loại ngoại tệ được thỏa thuận sử dụng làm đồng tiền thanh toán quốc tế) theo tỷ giá của Ngân hàng thương mại mà các Thương nhân giao dịch tại thời điểm tính giá để công bố giá sàn gạo xuất khẩu của một tấn gạo lọt lòng tầu tại cảng xuất khẩu Việt Nam, gắn với từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo được tính theo nguyên tắc, căn cứ và phương pháp quy định tại Thông tư này.

3. Giá vốn gạo xuất khẩu là toàn bộ các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ các Thương nhân đã chi ra để kinh doanh gạo xuất khẩu từ khâu thu mua nguyên liệu đến khi hoàn thành gạo thành phẩm lọt lòng tầu trước khi đưa gạo đi bán, được tính bằng VND và quy đổi ra đồng ngoại tệ theo tỷ giá niêm yết của Ngân hàng thương mại mà các Thương nhân giao dịch để kinh doanh gạo xuất khẩu.

4. Giá thóc định hướng là mức giá mua thóc của các Thương nhân do cơ quan có thẩm quyền xác định, công bố và hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Giá gạo trên thị trường thế giới được xác định tại Thông tư này là giá gạo xuất khẩu của các nước có số lượng xuất khẩu lớn do Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định.

6. Phương pháp chi phí là phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu căn cứ vào giá vốn gạo xuất khẩu bình quân theo từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo và mức lợi nhuận dự kiến bình quân của các Thương nhân xuất khẩu gạo.

7. Phương pháp khấu trừ là phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu căn cứ vào giá gạo theo từng tiêu chuẩn, phẩm cấp gạo được các thương nhân Việt Nam giao dịch trên thị trường các nước nhập khẩu gạo với số lượng lớn trên thế giới do Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định chiết trừ toàn bộ chi phí trung bình mà các Thương nhân thực hiện đưa hàng từ cảng xuất khẩu đến bán cho khách hàng mua gạo tại cảng nhập khẩu và hoàn thành việc chuyển giao quyền sở hữu sản phẩm của Thương nhân xuất khẩu cho khách hàng nhập khẩu (bao gồm chi phí xếp dỡ và vận tải quốc tế, chi phí bảo hiểm vận tải, bảo hiểm hàng hóa như: phí bến cảng, phí thuế hải quan, kiểm tra chất lượng, các chi phí khác).

Đánh giá bài viết
1 69
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi