Thông tư hướng dẫn thi hành giải pháp thoát nước và xử lý nước thải số 04/2015/TT-BXD

Tải về

Thông tư 04/2015/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành ngày 03 tháng 04 năm 2015.

Các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung

BỘ XÂY DỰNG
-------

Số: 04/2015/TT-BXD

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2015

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 80/2014/NĐ-CP
NGÀY 06/8/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI.

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải,

Điều 1. Quản lý xử lý nước thải phi tập trung

1. Đối tượng áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.

2. Các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung:

a) Xử lý nước thải phi tập trung tại chỗ: thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước riêng lẻ với tổng lượng nước thải dưới 50m3/ngày.đêm, thiết bị/trạm xử lý nước thải được đặt ngay tại khuôn viên của hộ thoát nước.

b) Xử lý nước thải phi tập trung theo cụm: thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước ở gần nhau với tổng lượng nước thải từ 50 m3/ngày.đêm đến 200 m3/ngày.đêm. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, trạm xử lý nước thải có thể được đặt tại khuôn viên của một hộ thoát nước hoặc ở một vị trí riêng biệt, thuận lợi để thu gom nước thải từ các hộ thoát nước.

3. Tiêu chí lựa chọn công nghệ để xử lý nước thải phi tập trung

a) Quy mô công suất trạm/nhà máy xử lý nước thải;

b) Thành phần và tính chất nước thải phát sinh, mức độ ô nhiễm, sức chịu tải nguồn tiếp nhận, vị trí xả nước thải sau xử lý từ nơi phát sinh nước thải;

c) Mức độ sử dụng năng lượng cần thiết cho thu gom xử lý;

d) Các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải sau xử lý;

đ) Điều kiện về kỹ thuật, tài chính và năng lực quản lý, vận hành trạm/nhà máy xử lý nước thải;

e) Điều kiện về khí hậu, địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn;

g) Khả năng mở rộng hoặc nâng công suất và khả năng kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai;

h) Các yếu tố khác về môi trường có liên quan.

Điều 2. Quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước

1. Các phương án xử lý bùn thải từ hệ thống thoát nước:

a) Xử lý bùn thải tại các trạm/nhà máy xử lý nước thải có khu xử lý bùn thải trong phạm vi nhà máy.

b) Xử lý bùn thải tại các khu xử lý bùn thải hoặc tại các cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị thoát nước căn cứ vào khối lượng bùn thải cần phải xử lý, vị trí khu xử lý/cơ sở xử lý chất thải rắn, công nghệ xử lý và các điều kiện kinh tế - kỹ thuật của địa phương để lựa chọn phương án xử lý bùn thải cho phù hợp.

2. Xử lý bùn thải hệ thống thoát nước bao gồm các nội dung như sau:

a) Tách nước sơ bộ, ổn định bùn thải, khử các chất hữu cơ dễ gây thối rữa;

b) Xử lý sơ bộ bùn thải, tăng cường khả năng nhả nước của bùn thải;

c) Làm khô bùn thải;

d) Vận chuyển bùn thải, khử độc bùn thải;

đ) Sử dụng lại bùn thải cho các mục đích khác nhau;

e) Xử lý bùn, nước bùn thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quy định.

Điều 3. Quản lý bùn thải bể tự hoại

1. Yêu cầu về thu gom, vận chuyển bùn thải bể tự hoại:

Các phương tiện, trang thiết bị thông hút, thu gom và vận chuyển bùn thải bể tự hoại phải là các phương tiện chuyên dụng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về giao thông và bảo vệ môi trường.

2. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển bùn thải bể tự hoại:

a) Lập hồ sơ quản lý khách hàng bao gồm:

  • Tên chủ hộ/đơn vị/số người;
  • Địa chỉ;
  • Hợp đồng cung cấp dịch vụ;
  • Kích thước và dung tích bể tự hoại;
  • Lịch thông hút bể tự hoại theo định kỳ;
  • Các thông tin khác nếu cần thiết.

b) Bùn thải bể tự hoại phải được vận chuyển đến khu xử lý tập trung đã được quy hoạch hoặc vị trí do cơ quan có thẩm quyền cho phép; Khuyến khích xử lý bùn thải bể tự hoại tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung trên cơ sở khả năng tiếp nhận xử lý của nhà máy, các điều kiện về môi trường và chi phí xử lý hợp lý;

c) Chi phí thông hút, vận chuyển và xử lý bùn thải bể tự hoại do các chủ hộ gia đình, cơ quan hành chính, và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chi trả theo hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ;

d) Lập nhật ký công tác, hồ sơ quản lý việc thu gom, vận chuyển bùn thải bể tự hoại và báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra như làm phát tán, rò rỉ bùn thải bể tự hoại gây ô nhiễm môi trường. Hồ sơ quản lý việc thu gom, vận chuyển bùn thải bể tự hoại bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

  • Thông tin chung về đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển;
  • Số chuyến xe thực hiện dịch vụ thông hút trong ngày/tháng/quý;
  • Khối lượng bùn bể tự hoại được thông hút và thu gom, vận chuyển;
  • Loại hình bể tự hoại được thông hút, thu gom (từ công trình vệ sinh công cộng, hộ gia đình, cơ quan....), lý do thông hút (tắc, phá dỡ để xây dựng công trình, di chuyển sang vị trí khác…);
  • Vị trí đổ thải (trạm xử lý, bãi đất trống, bãi đổ theo quy hoạch...);
  • Chi phí vận chuyển, phí thu;
  • Các thông tin khác nếu cần thiết.

đ) Bùn thải bể tự hoại được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng và các phương tiện này đảm bảo các yêu cầu an toàn kỹ thuật sau:

  • Bền vững cơ học và hóa học khi vận hành;
  • Không gây rò rỉ, phát tán bùn, mùi ra môi trường;
  • Có các biện pháp xử lý sự cố khi vận hành.

3. Trách nhiệm của đơn vị xử lý bùn thải bể tự hoại:

a) Tiếp nhận và xử lý an toàn bùn thải bể tự hoại từ các chủ nguồn thải, từ đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển phân bùn thải bể tự hoại trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa các bên;

b) Lập hồ sơ theo dõi định kỳ lượng bùn thải bể tự hoại tiếp nhận để xử lý. Nội dung của hồ sơ quản lý bao gồm:

  • Các thông tin cơ bản về đơn vị xử lý bùn thải bể tự hoại;
  • Khối lượng/dung tích/số xe chở phân bùn được tiếp nhận;
  • Lượng chế phẩm sinh học/ hóa chất sử dụng (nếu có);
  • Nhật ký theo dõi chế độ vận hành các công trình trong dây chuyền công nghệ xử lý (bao gồm cả xử lý sự cố...);
  • Khối lượng phần chất rắn sau xử lý.

Điều 4. Quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý

1. Việc quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý phải hướng tới việc tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng an toàn, đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trường.

2. Nước thải sau xử lý chủ yếu được sử dụng cho các mục đích: Tưới tiêu nông nghiệp; tưới cây, rửa đường, rửa xe; tái sử dụng trong công nghiệp; bổ sung nước cho hồ chứa nước phục vụ cảnh quan giải trí; sử dụng tuần hoàn hoặc cho các mục đích khác. Chất lượng nước thải sau xử lý nhằm sử dụng lại phải đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sử dụng cho các mục đích tương ứng và tuân thủ theo các quy định hiện hành.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Cao Lại Quang

Đánh giá bài viết
1 901
Thông tư hướng dẫn thi hành giải pháp thoát nước và xử lý nước thải số 04/2015/TT-BXD
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm