Thông tư 93/2013/TT-BTC

Thông tư 93/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: 93/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2013

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng hợp tác xã,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn về chế độ tài chính đối với Ngân hàng hợp tác xã.

2. Hoạt động tài chính của Ngân hàng hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 57/2012/NĐ-CP); nội dung hướng dẫn tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Ngân hàng hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Vốn chủ sở hữu

1. Vốn điều lệ, bao gồm:

a) Vốn góp của các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

b) Vốn hỗ trợ của nhà nước.

c) Vốn góp của các pháp nhân khác.

2. Các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái (nếu có) phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản chưa hoàn thành được hạch toán vào vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

3. Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản khi có quyết định của Nhà nước hoặc khi đưa tài sản góp vốn cổ phần.

4. Các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính.

5. Lợi nhuận chưa phân phối.

6. Vốn khác thuộc sở hữu của Ngân hàng.

Điều 4. Sử dụng vốn, tài sản

1. Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của Ngân hàng.

2. Ngân hàng được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 57/2012/NĐ-CP và các hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn.

a) Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, Ngân hàng phải đảm bảo duy trì giới hạn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc: giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

b) Đối với các bất động sản nắm giữ do việc xử lý nợ vay thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng:

- Đối với các bất động sản Ngân hàng nắm giữ tạm thời để bán, chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn, Ngân hàng không hạch toán tăng tài sản, không thực hiện trích khấu hao.

- Đối với các bất động sản được Ngân hàng mua lại để phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh, Ngân hàng hạch toán tăng tài sản, thực hiện trích khấu hao theo quy định của pháp luật và đảm bảo giới hạn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

c) Ngân hàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vốn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 57/2012/NĐ-CP. Việc trích lập các khoản dự phòng trong chi phí, Ngân hàng thực hiện theo quy định cụ thể sau:

- Đối với dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng: Ngân hàng thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo chế độ quy định chung đối với tổ chức tín dụng.

- Đối với dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư dài hạn (bao gồm cả giảm giá chứng khoán), dự phòng phải thu khó đòi (ngoài dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng): Ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng theo quy định chung áp dụng đối với doanh nghiệp.

d) Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản.

Ngân hàng được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của Ngân hàng theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật bảo đảm có hiệu quả, an toàn và phát triển vốn.

đ) Đối với những tài sản Ngân hàng đi thuê, nhận cầm cố, nhận thế chấp, nhận bảo quản giữ hộ của khách hàng, Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, bảo quản hoặc sử dụng theo thoả thuận với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật.

e) Nhượng bán, thanh lý tài sản

- Việc nhượng bán, thanh lý tài sản của Ngân hàng thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều lệ của Ngân hàng.

- Ngân hàng được nhượng bán tài sản để thu hồi vốn sử dụng cho mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn.

- Ngân hàng được thanh lý những tài sản kém, mất phẩm chất; tài sản hư hỏng không có khả năng phục hồi; tài sản lạc hậu kỹ thuật không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả và không thể nhượng bán nguyên trạng; tài sản đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định mà không thể tiếp tục sử dụng. Khi thanh lý tài sản, Ngân hàng phải thành lập hội đồng thanh lý.

- Đối với những tài sản pháp luật quy định phải bán đấu giá khi nhượng bán, thanh lý, Ngân hàng phải tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quản lý doanh thu

1. Doanh thu của Ngân hàng bao gồm các khoản thu quy định tại Điều 15 Nghị định số 57/2012/NĐ-CP, cụ thể:

a) Thu từ hoạt động kinh doanh gồm:

- Thu từ hoạt động tín dụng: Thu từ lãi tiền gửi, thu từ hoạt động cấp tín dụng, thu khác từ hoạt động tín dụng;

- Thu từ hoạt động dịch vụ: Thu từ dịch vụ thanh toán; thu từ dịch vụ ngân quỹ; thu nghiệp vụ uỷ thác, đại lý; thu từ cung ứng dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn, tư vấn, môi giới tiền tệ; thu từ cung ứng sản phẩm dịch vụ mới phục vụ cho hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thành viên và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn; thu từ phí dịch vụ khác;

- Thu từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng: Thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay; thu từ kinh doanh vàng; thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ;

- Thu từ lãi góp vốn;

- Thu từ chênh lệch tỷ giá;

- Thu từ hoạt động kinh doanh khác.

b) Thu khác gồm:

- Thu từ việc nhượng bán, thanh lý tài sản cố định;

- Thu từ các khoản cho vay đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro (bao gồm cả các khoản nợ đã được xóa nay đòi được);

- Thu các khoản nợ phải trả nay đã mất chủ hoặc không xác định được chủ nợ được ghi tăng thu nhập;

- Thu tiền phạt khách hàng, tiền khách hàng bồi thường do vi phạm hợp đồng;

- Thu tiền bảo hiểm được bồi thường;

- Thu các khoản thuế đã nộp nay được giảm, được hoàn lại;

- Thu hoàn nhập dự phòng đối với các khoản trích lập dự phòng rủi ro thừa (số phải trích thấp hơn số đã trích) nhưng không ghi giảm chi phí theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng rủi ro;

- Các khoản thu khác.

2. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu

Đối với thu từ hoạt động kinh doanh, Ngân hàng chỉ được ghi nhận doanh thu phát sinh từ các hoạt động được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện.

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu cụ thể như sau:

a) Đối với hoạt động tín dụng.

- Thu lãi từ hoạt động cấp tín dụng:

Ngân hàng hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định.

Đối với số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại thì không phải hạch toán thu nhập, Ngân hàng thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu hoạt động kinh doanh.

- Thu lãi tiền gửi: là số lãi phải thu trong kỳ.

b) Thu từ hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu):

Ngân hàng hạch toán dự thu đối với số lãi dự kiến thu được từ hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu). Trường hợp đến kỳ hạn thu gốc nhưng không thu được Ngân hàng không hạch toán dự thu lãi cho kỳ tiếp theo.

c) Đối với thu lãi góp vốn: cổ tức, lợi nhuận được chia từ hoạt động góp vốn là số lãi được chia khi có nghị quyết hoặc quyết định chia.

d) Đối với các khoản thu về chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ và vàng, thực hiện ghi nhận theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật hiện hành.

đ) Đối với doanh thu từ hoạt động còn lại: doanh thu là toàn bộ tiền bán sản phẩm, hàng hoá, cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ được khách hàng chấp nhận thanh toán sau khi trừ (-) khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và giá trị hàng bán bị trả lại (nếu có chứng từ hợp lệ) không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.

e) Đối với các khoản doanh thu phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng đến kỳ hạn thu không thu được thì Ngân hàng hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu hoạt động kinh doanh.

3. Các khoản thu của Ngân hàng phát sinh trong kỳ phải có hoá đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

Điều 6. Quản lý chi phí

1. Chi phí của Ngân hàng bao gồm các khoản chi quy định tại Điều 16 Nghị định số 57/2012/NĐ-CP. Một số khoản chi phí Ngân hàng thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:

a) Chi cho hoạt động kinh doanh

- Chi cho hoạt động tín dụng: trả lãi tiền gửi, trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá và các khoản chi khác cho hoạt động cấp tín dụng;

- Chi cho hoạt động kinh doanh dịch vụ Ngân hàng: chi dịch vụ thanh toán; chi dịch vụ ngân quỹ; chi dịch vụ uỷ thác, đại lý; chi dịch vụ viễn thông phục vụ hoạt động thanh toán và các khoản chi khác;

- Chi cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng: chi cho kinh doanh ngoại tệ giao ngay; chi cho kinh doanh vàng; chi cho các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ;

- Chi cho hoạt động góp vốn;

- Chi chênh lệch tỷ giá theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định của pháp luật hiện hành;

- Chi cho hoạt động kinh doanh khác, gồm: Chi lỗ do kinh doanh các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu); chi cho hoạt động mua bán nợ và chi cho hoạt động kinh doanh khác.

b) Chi nộp thuế, các khoản phí, lệ phí kể cả thuế, phí, lệ phí liên quan đến tiền thuê đất (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật.

c) Chi cho tài sản

- Chi khấu hao tài sản cố định sử dụng cho hoạt động kinh doanh thực hiện theo chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định đối với doanh nghiệp;

Trường hợp mua trả chậm tài sản cố định: Ngân hàng hạch toán khoản chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán và giá mua tài sản cố định trả ngay vào chi phí theo kỳ hạn thanh toán trừ trường hợp số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá tài sản cố định (vốn hóa) theo quy định của chuẩn mực kế toán.

- Chi thuê tài sản cố định: Chi phí thuê tài sản cố định được thực hiện theo hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản. Đối với các khoản chi liên quan đến thuê đất không được trừ vào tiền thuê theo quy định, Ngân hàng thực hiện phân bổ vào chi phí theo thời gian sử dụng đất thuê;

- Chi bảo dưỡng tài sản cố định;

- Chi sửa chữa tài sản cố định;

- Chi mua sắm, sửa chữa công cụ dụng cụ;

- Chi bảo hiểm tài sản;

- Chi khác về tài sản.

Đánh giá bài viết
1 396
0 Bình luận
Sắp xếp theo