Thông tư 53/2018/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu

Tải về

Thông tư 53/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu.

Tóm tắt nội dung Thông tư 53/208/TT-BGTVT

Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu tại Thông tư 53/2018/TT-BGTVT ngày 28/10/2018.

Theo Quy chuẩn này, khi hệ thống xử lý nước thải được thử trên tàu, nước thải đầu vào có thể là nước thải phát sinh trên tàu ở điều kiện bình thường. Trong mọi trường hợp tổng lượng trung bình chất rắn lơ lửng của nước thải đầu vào không được nhỏ hơn 500mg/l.

Hệ thống xử lý nước thải trên tàu phải được thử tối thiểu trong 10 ngày ở trạng thái hoạt động ổn định của hệ thống. Cũng cần lưu ý đến kiểu của hệ thống, số lượng người và tải thủy lực mà hệ thống xử lý nước thải được chứng nhận. Việc thử bắt đầu sau khi hệ thống xử lý nước thải đạt trạng thái hoạt động ổn định.

Quy chuẩn này nhấn mạnh việc sử dụng ô-zôn, bức xạ cực tím hoặc các chất tẩy khác để khử trùng trong hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm thiểu tác động có hại tới môi trường mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn khác.

Thông tư 53/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/07/2019

Nội dung Thông tư 53/2018/TT-BGTVT

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 53/2018/TT-BGTVTHà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2018

THÔNG TƯ 
BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TRÊN TÀU

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thông xử lý nước thải trên tàu.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu.

Mã số đăng ký: QCVN 100: 2018/BGTVT.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng ký);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, MT(5).
Nguyễn Văn Công

QCVN 100: 2018/BGTVT QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TRÊN TÀU

National Technical Regulation on the Sewage Treatment Plant of Ships

Lời nói đầu

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu (số hiệu QCVN 100:2018/BGTVT) do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 53/2018/TT-BGTVT ngày 28 tháng 10 năm 2018

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TRÊN TÀU

National Technical Regulation on the Sewage Treatment Plant of Ships

1 QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1.1 Phạm vi điều chỉnh

1.1.1.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này (sau đây gọi tắt là "Quy chuẩn") quy định các yêu cầu kỹ thuật, kiểm tra và thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải sử dụng trên tàu (sau đây gọi tắt là “hệ thống xử lý nước thải”) được trang bị phù hợp với quy định ở 2.2.1-1(1)(a) Chương 2 Phần 7 Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu.

1.1.1.2 Yêu cầu về tổng lượng ni-tơ và phốt pho được nêu trong Bảng 1 của Quy chuẩn này chỉ áp dụng cho hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt trên tàu khách hoạt động trong các vùng biển đặc biệt và có dự định xả nước thải ra biển.

1.1.2 Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến hệ thống xử lý nước thải thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1.1 là Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây trong viết tắt là "Đăng kiểm"), các cơ sở chế tạo, lắp đặt và sử dụng hệ thống xử lý nước thải trên tàu.

1.2 Tài liệu viện dẫn và giải thích từ ngữ

1.2.1 Các tài liệu viện dẫn sử dụng trong quy chuẩn

1.2.1.1 Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra, 1973, được sửa đổi bởi Nghị định thư liên quan năm 1978 và năm 1997 (MARPOL).

1.2.1.2 MEPC.227(64): Nghị quyết số 227(64) ngày 5 tháng 10 năm 2012 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn nước thải đầu ra và thử chức năng đối với hệ thống xử lý nước thải, 2012.

1.2.1.3 MEPC.284(70): Nghị quyết số 284(70) ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - Sửa đổi Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn nước thải đầu ra và thử chức năng đối với hệ thống xử lý nước thải, 2012 (MEPC.227(64)).

1.2.1.4 QCVN 21:2010/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

1.2.1.5 QCVN 26:2016/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu.

1.2.1.6 QCVN 64:2015/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra sản phẩm công nghiệp dùng cho tàu biển.

1.2.1.7 TCVN 6492-2011 (ISO 10523-2008): Chất lượng nước-Xác định pH.

1.2.1.8 TCVN 6001-2008 (ISO 5815-1-2003): Chất lượng nước - Xác định nhu cầu ôxi sinh hóa sau 5 ngày (BOD5)- Phương pháp cấy và pha loãng.

1.2.1.9 ISO 15705:2002: Chất lượng nước- Xác định nhu cầu ôxi hóa học.

1.2.1.10 TCVN 6625-2000 (ISO 11923-1997): Chất lượng nước - Xác định chất rắn lơ lửng bằng cách lọc qua bộ lọc sợi thủy tinh.

1.2.1.11 TCVN 6053-2011 (ISO 9696-2017): Chất lượng nước - Xác định hàm lượng tổng chất rắn hòa tan.

1.2.1.12 ISO 29441:2010: Chất lượng nước - Xác định tổng ni-tơ sau khử trùng.

1.2.1.13 TCVN 6994-2011 (ISO 6878:2004): Chất lượng nước - Xác định Phốt pho.

1.2.1.14 TCVN 6187-2009 (ISO 9308-2000): Chất lượng nước - Phát hiện và đếm vi khuẩn coliform, vi khuẩn coliform chịu nhiệt và Escherichia coli giả định (Phần 1: Phương pháp màng lọc, Phần 2: Phương pháp nhiều ống).

1.2.2 Giải thích từ ngữ

Những thuật ngữ sử dụng trong Quy chuẩn này như sau, trừ khi có những quy định khác trong từng Phần của Quy chuẩn:

1.2.2.1 Nước thải là:

(1) Nước thải và các phế thải khác lẫn trong nước thải từ các nhà vệ sinh và bồn tiểu trên tàu;

(2) Nước thải từ buồng y tế (phòng khám, phòng điều trị v.v...) thông qua các bồn, chậu rửa và các ống thoát đặt trong các buồng đó;

(3) Nước thải từ các không gian chứa động vật sống; hoặc

(4) Các dạng nước thải khác khi chúng được hòa lẫn với những loại nước nêu trên.

1.2.2.2 Nước xám là nước được thải từ nơi rửa bát, bồn rửa ở bếp, vòi tắm, buồng giặt, bồn tắm và bồn rửa (không bao gồm nước từ nhà vệ sinh, bồn tiểu, buồng y tế và các không gian chứa động vật sống, như định nghĩa ở 1.2.2.1 trên và không bao gồm nước thải từ các khoang hàng).

1.2.2.3 Nước pha loãng (Qd) là nước dùng để pha loãng, nước xám, nước xử lý, và/ hoặc nước biển được đưa vào hệ thống xử lý nước thải sau điểm lấy mẫu nước thải đầu vào và sau thiết bị đo lưu lượng dòng chảy, xem Hình 1.

1.2.2.4 Nước thải đầu ra (Qe) là nước thải sau khi đã được xử lý bởi hệ thống xử lý nước thải, xem Hình 1.

1.2.2.5 Nước xả là công chất vận chuyển được sử dụng để chuyển chất thải từ nhà vệ sinh hoặc bồn tiểu tới hệ thống xử lý.

1.2.2.6 Tải thủy lực là lưu lượng nước thải thiết kế (Qi) tới hệ thống xử lý nước thải.

1.2.2.7 Nước thải đầu vào (Qi) là chất lỏng chứa nước thải, nước xám hoặc dòng chất lỏng khác, sẽ được xử lý bởi hệ thống xử lý nước thải, xem Hình 1.

1.2.2.8 Điểm lấy mẫu là điểm để lấy bằng tay mẫu đại diện của nước thải đầu vào và nước thải đầu ra mà không cần mở các két, khoang trống hoặc đầu thông hơi, xem Hình 1.

1.2.2.9 Thử trên tàu là thử nghiệm, phục vụ chứng nhận kiểu, được thực hiện trên hệ thống xử lý nước thải đã được lắp đặt lên tàu.

1.2.2.10 Thử trên bờ là thử nghiệm trên bờ, phục vụ chứng nhận kiểu, được thực hiện trên hệ thống xử lý nước thải.

1.2.2.11 Giá trị trung bình nhân là căn bậc n của tích n số.

1.2.2.12 Vi khuẩn coliform chịu nhiệt là nhóm vi khuẩn sinh khí từ đường sữa trong vòng 48 giờ ở nhiệt độ 44,5 °C. Các sinh vật này đôi khi được gọi là “vi khuẩn coliform phân”; tuy nhiên, khái niệm “vi khuẩn coliform chịu nhiệt” hiện được chấp nhận là thích hợp hơn vì không phải tất cả các sinh vật này đều có nguồn gốc từ phân.

1.2.2.13 Vùng biển đặc biệt là các vùng biển được xác định theo quy định 1.6 của Phụ lục IV của MARPOL.

1.2.3 Các từ viết tắt

1.2.3.1 IMO là Tổ chức Hàng hải quốc tế.

1.2.3.2 Phụ lục IV là Phụ lục IV của MARPOL 73/78.

1.2.3.3 MARPOL 73/78 là Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra 1973, được bổ sung bằng Nghị định thư 1978 có liên quan.

Hình 1. Sơ đồ hệ thống xử lý nước thải
Hình 1. Sơ đồ hệ thống xử lý nước thải
Thông tư 53/2018/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Giao thông vận tảiNgười ký:Nguyễn Văn Công
Số hiệu:53/2018/TT-BGTVTLĩnh vực:Tài nguyên - Môi trường
Ngày ban hành:28/10/2018Ngày hiệu lực:01/07/2019
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
2 81
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm