Thông tư 197/2015/TT-BTC quy định về hành nghề chứng khoán

Tải về

Thông tư 197/2015/TT-BTC quy định về hành nghề chứng khoán

Thông tư 197/2015/TT-BTC quy định về hành nghề chứng khoán quy định về việc cấp, thu hồi và cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán; đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán và tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán; quản lý, giám sát người hành nghề chứng khoán tại các tổ chức sử dụng người hành nghề chứng khoán.

BỘ TÀI CHÍNH
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 197/2015/TT-BTCHà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2015

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HÀNH NGHỀ CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 07 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 07 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về hành nghề chứng khoán.

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định về việc:

a) Cấp, thu hồi và cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

b) Đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán và tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

c) Quản lý, giám sát người hành nghề chứng khoán tại các tổ chức sử dụng người hành nghề chứng khoán.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, tham gia khóa học cấp chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán và tham gia thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

b) Người hành nghề chứng khoán và tổ chức sử dụng người hành nghề chứng khoán;

c) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

d) Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán; các cơ sở đào tạo thuộc các trường đại học liên kết với Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán;

đ) Các tổ chức và cá nhân liên quan.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

1. Người hành nghề chứng khoán là người được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán và đang làm việc tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán.

2. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán là văn bằng xác nhận người có tên trong chứng chỉ đáp ứng điều kiện chuyên môn để làm việc tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

3. Chứng chỉ chuyên môn về Chứng khoán là văn bằng do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, xác nhận người có tên trong chứng chỉ đạt yêu cầu trong các cuộc kiểm tra trình độ chuyên môn về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

4. Bản sao bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực, bản sao không có chứng thực. Trường hợp tài liệu là bản sao không có chứng thực, người nộp hồ sơ cần xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

5. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đủ giấy tờ, có nội dung được kê khai đúng, đầy đủ theo quy định của Thông tư này.

6. Tổ chức sử dụng người hành nghề chứng khoán bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán.

7. Kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là thời gian làm việc tại các bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức không hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán hoặc tại các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh, tài chính kế toán trong các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán.

Mục 2. CẤP, THU HỒI VÀ CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ CHỨNG KHOÁN

Điều 3. Các loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán

1. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm các loại sau:

a) Chứng chỉ hành nghề Môi giới chứng khoán;

b) Chứng chỉ hành nghề Phân tích tài chính;

c) Chứng chỉ hành nghề Quản lý quỹ.

2. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ có giá trị sử dụng khi người được cấp chứng chỉ làm việc tại một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán và được công ty đó thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Chứng chỉ hành nghề chứng khoán được cấp không thời hạn, trừ trường hợp bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

Điều 4. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán

1. Chứng chỉ hành nghề Môi giới chứng khoán được cấp cho cá nhân đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh;

b) Có trình độ từ đại học trở lên;

c) Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp;

d) Có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm: Chứng chỉ Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ Phân tích và đầu tư chứng khoán, chứng chỉ Môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

2. Chứng chỉ hành nghề Phân tích tài chính được cấp cho cá nhân đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có các chứng chỉ chuyên môn: Chứng chỉ Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán, chứng chỉ Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp.

3. Chứng chỉ hành nghề Quản lý quỹ được cấp cho cá nhân đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có chứng chỉ chuyên môn Quản lý quỹ và tài sản;

c) Có tối thiểu ba (03) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoặc có một trong các loại chứng chỉ quốc tế CFA (Chartered Financial Analyst), CIIA (Certified International Investment Analyst), ACCA (Association of Chartered Certified Accountants), CPA (Certified Public Accountants).

4. Các trường hợp được miễn chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này:

a) Cá nhân có chứng chỉ quốc tế CIIA (Certified International Investment Analyst) hoặc giấy xác nhận đã đạt kỳ thi quốc tế CFA bậc II (Chartered Financial Analyst level II) trở lên được miễn chứng chỉ Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ Phân tích và đầu tư chứng khoán, chứng chỉ Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp;

b) Cá nhân có chứng chỉ quốc tế ACCA (Association of Chartered Certified Accountants), CPA (Certified Public Accountants) hoặc chứng chỉ kiểm toán viên, chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp hoặc giấy xác nhận đã đạt kỳ thi quốc tế CFA bậc I (Chartered Financial Analyst level I), CIIA bậc I (Certified International Investment Analyst level I) được miễn chứng chỉ Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp;

c) Cá nhân có chứng chỉ hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài hoặc tài liệu tương đương chứng minh cá nhân đó đang được phép hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài được miễn tất cả chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán.

Đánh giá bài viết
1 463
Thông tư 197/2015/TT-BTC quy định về hành nghề chứng khoán
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm