Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT mã số, xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng

Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT

Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng.

Ngày 28/12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng.

Theo đó, mã số, hạng chức danh chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông và chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng như sau: Khuyến nông viên chính (hạng II) - Mã số: V.03.09.25; Khuyến nông viên (hạng III) - Mã số: V.03.09.26; Kỹ thuật viên khuyến nông (hạng IV) - Mã số: V.03.09.27; Quản lý bảo vệ rừng viên chính (hạng II) - Mã số: V.03.10.28; Quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III) - Mã số: V.03.10.29; Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng (hạng IV) - Mã số: V.03.10.30.

Nội dung Thông tư 18 2020 BNNPTNT

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
____________

Số: 18/2020/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ

Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng

______________________

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 của Chính phủ và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21/7/2016 của Chính phủ;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại văn bản số 6492/BNV- CCVC ngày 09/12/2020 về việc thống nhất dự thảo Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Viên chức chuyên ngành khuyến nông thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật về khuyến nông làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có chức năng, nhiệm vụ về khuyến nông.

2. Viên chức chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật về lâm nghiệp làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.

Điều 3. Mã số, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông và chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng

1. Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông

a) Khuyến nông viên chính (hạng II) Mã số: V.03.09.25.

b) Khuyến nông viên (hạng III) Mã số: V.03.09.26.

c) Kỹ thuật viên khuyến nông (hạng IV) Mã số: V.03.09.27.

2. Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng

a) Quản lý bảo vệ rừng viên chính (hạng II) Mã số: V.03.10.28.

b) Quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III) Mã số: V.03.10.29.

c) Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng (hạng IV) Mã số: V.03.10.30.

Chương II. TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH KHUYẾN NÔNG

Điều 4. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

1. Có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.

2. Tâm huyết với nghề, tích cực, trung thực, khách quan thực hiện hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, phổ biến kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

3. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng quy chế, nội quy của đơn vị, của ngành.

4. Có tinh thần đoàn kết, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.

5. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Khuyến nông viên chính - Mã số: V.03.09.25

1. Nhiệm vụ

a) Đề xuất, xây dựng hoặc tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án, định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông, chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; tham gia xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về khuyến nông.

b) Chủ trì xây dựng các văn bản, tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về khuyến nông; báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động khuyến nông.

c) Chủ trì hoặc tham gia triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch, nhiệm vụ về khuyến nông (đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng mô hình, tư vấn và dịch vụ về khuyến nông).

d) Tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông.

đ) Tham gia kiểm tra, đánh giá hoạt động về khuyến nông.

e) Theo dõi, phụ trách hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực được phân công.

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo đơn vị phân công theo quy định pháp luật.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về khuyến nông.

b) Nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông liên quan đến vị trí việc làm.

c) Có phương pháp, kỹ năng hoạt động khuyến nông, có kỹ năng làm việc nhóm phù hợp với vị trí việc làm.

d) Có kinh nghiệm và hiểu biết về tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

đ) Đã chủ trì, chủ nhiệm hoặc tham gia dự án, nhiệm vụ khuyến nông cấp trung ương, địa phương hoặc đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp huyện.

e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm.

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính.

4. Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Điều 6. Khuyến nông viên - Mã số: V.03.09.26

1. Nhiệm vụ

a) Xây dựng hoặc tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật về khuyến nông; báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động khuyến nông.

b) Tham gia biên tập, xây dựng chương trình, tài liệu hướng dẫn về khuyến nông.

c) Chủ trì hoặc tham gia triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch, nhiệm vụ về khuyến nông (đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng mô hình, tư vấn và dịch vụ về khuyến nông).

d) Tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông.

đ) Tham gia kiểm tra, đánh giá hoạt động về khuyến nông.

e) Theo dõi, phụ trách hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực được phân công.

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo đơn vị phân công theo quy định pháp luật.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về khuyến nông.

b) Nắm vững các kiến thức cơ bản về khuyến nông, có kỹ năng làm việc nhóm và phương pháp hoạt động khuyến nông phù hợp với vị trí việc làm.

c) Nắm vững tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

d) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm.

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên.

4. Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông hoặc tương đương cụ thể như sau:

a) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ đào tạo cao đẳng phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông hoặc tương đương từ đủ 02 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

b) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ đào tạo trung cấp phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Điều 7. Kỹ thuật viên khuyến nông - Mã số: V.03.09.27

1. Nhiệm vụ

a) Trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

b) Tổng hợp số liệu phục vụ xây dựng văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật về khuyến nông; báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động về khuyến nông.

c) Theo dõi, tổng hợp số liệu thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch khuyến nông.

d) Thực hiện hoặc tham gia thực hiện các công việc cụ thể của dự án, kế hoạch, nhiệm vụ về khuyến nông (đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng mô hình, tư vấn và dịch vụ về khuyến nông).

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo đơn vị phân công theo quy định pháp luật.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ

a) Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực khuyến nông.

b) Nắm được tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

c) Nắm được các kiến thức cơ bản về khuyến nông, có phương pháp, kỹ năng hoạt động khuyến nông phù hợp với vị trí việc làm.

d) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm.

Chương III. TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG

Điều 8. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy và quy chế của cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng nghĩa vụ viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần đoàn kết, chủ động và phối hợp chặt chẽ trong công tác, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng nghiệp.

3. Trung thực, nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp.

4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu, khiêm tốn học hỏi.

5. Không lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Có tinh thần dũng cảm, mưu trí đấu tranh chống lại hành vi phá hoại để quản lý bảo vệ rừng.

6. Có trách nhiệm quản lý tài sản, công cụ hỗ trợ, phương tiện và các trang thiết bị, tài liệu phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng.

Điều 9. Quản lý bảo vệ rừng viên chính - Mã số: V.03.10.28

1. Nhiệm vụ

a) Tham gia xây dựng chính sách, quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.

b) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.

c) Chủ trì hoặc tham gia phân tích, xây dựng báo cáo đánh giá kết quả quản lý bảo vệ rừng của đơn vị và đề xuất biện pháp để thực hiện quản lý bảo vệ rừng hiệu quả.

d) Chủ trì hoặc tham gia các hội nghị khoa học, xây dựng chương trình, soạn thảo nội dung tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng và tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức ở hạng chức danh nghề nghiệp thấp hơn.

đ) Thực hiện các hoạt động theo vị trí việc làm: Theo dõi diễn biến rừng; bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng; bảo vệ rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ; hỗ trợ cộng đồng dân cư trong vùng đệm ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu khoa học; tư vấn, dịch vụ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tuyên truyền giáo dục về môi trường rừng.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo đơn vị phân công theo quy định pháp luật.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.

b) Có kiến thức chuyên sâu, năng lực tổng hợp, khái quát, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng; có khả năng tổ chức, bố trí nhân sự trong tổ chức kiểm tra, thực hiện quản lý bảo vệ rừng; có khả năng kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

c) Có khả năng làm việc độc lập, có kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện nhiệm vụ.

d) Đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về quản lý bảo vệ rừng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.

đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về lâm nghiệp hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm.

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên chính.

4. Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên chính phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Điều 10. Quản lý bảo vệ rừng viên - Mã số: V.03.10.29

1. Nhiệm vụ

a) Soạn thảo báo cáo, văn bản của đơn vị về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.

b) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng.

c) Tham gia xây dựng chương trình, soạn thảo nội dung tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng cho viên chức hạng thấp hơn và tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.

d) Thực hiện các hoạt động theo vị trí việc làm: Theo dõi diễn biến rừng; bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng; bảo vệ rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ; hỗ trợ cộng đồng dân cư trong vùng đệm ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu khoa học; tư vấn, dịch vụ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tuyên truyền giáo dục về môi trường rừng.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo đơn vị phân công theo quy định pháp luật.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.

b) Có kiến thức nghiệp vụ về bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, du lịch sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật lâm sinh; sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

c) Có khả năng tổng hợp, báo cáo các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng; có khả năng tổ chức, bố trí nhân sự trong tổ chức kiểm tra, thực hiện quản lý bảo vệ rừng.

d) Có phương pháp, kỹ năng thu hút, tập hợp, vận động mọi người tham gia quản lý bảo vệ rừng.

đ) Có khả năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc theo nhóm, tư duy sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện nhiệm vụ.

e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về lâm nghiệp hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm.

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên.

4. Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh quản lý bảo vệ rừng viên phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng hoặc tương đương cụ thể như sau:

a) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ đào tạo cao đẳng phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng hoặc tương đương từ đủ 02 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

b) Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ đào tạo trung cấp phải có thời gian giữ chức danh kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Điều 11. Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng - Mã số: V.03.10.30

1. Nhiệm vụ

a) Tổng hợp số liệu phục vụ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, báo cáo của đơn vị.

b) Thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.

c) Thực hiện quy trình kỹ thuật, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.

d) Thực hiện các hoạt động theo vị trí việc làm: Theo dõi diễn biến rừng; bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng; bảo vệ rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng; tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, diễn đàn, tham quan học tập; tư vấn, dịch vụ.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo đơn vị phân công theo quy định pháp luật.

2. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ

a) Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng.

b) Có khả năng làm việc nhóm, có phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng.

c) Nắm vững quy trình kỹ thuật, có nghiệp vụ thực hiện các hoạt động về quản lý bảo vệ rừng theo vị trí việc làm.

d) Sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng, bảo hộ lao động và các loại thiết bị nghiệp vụ cần thiết khác để quản lý bảo vệ rừng.

đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lâm nghiệp hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm.

Chương IV. XẾP LƯƠNGTHEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH KHUYẾN NÔNG VÀ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG

Điều 12. Nguyên tắc xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông và chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng

1. Việc bổ nhiệm và xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông và chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.

2. Khi chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông hoặc chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Điều 13. Cách xếp lương

1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính, quản lý bảo vệ rừng viên chính được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương từ 4,00 đến hệ số lương 6,38).

b) Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên, quản lý bảo vệ rừng viên được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

c) Chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06).

2. Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, cụ thể như sau:

a) Trường hợp viên chức được chuyển xếp vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng có hệ số bậc lương bằng hệ số bậc lương ở chức danh nghề nghiệp cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và phần trăm phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới.

b) Trường hợp viên chức đã được xếp lương loại A2, nhóm A2.1 theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP khi chuyển xếp vào chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính hoặc chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên chính thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp mới được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định như sau:

Tính từ bậc 02 của chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính hoặc chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên chính, cứ sau thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn).

Sau khi chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính hoặc chức danh quản lý bảo vệ rừng viên chính nêu trên, nếu hệ số lương được xếp ở chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính hoặc chức danh quản lý bảo vệ rừng viên chính cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn so với hệ số lương đã hưởng ở chức danh nghề nghiệp cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở chức danh nghề nghiệp cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian viên chức xếp lương ở chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính hoặc chức danh quản lý bảo vệ rừng viên chính hoặc chuyển sang chức danh nghề nghiệp tương đương khác.

c) Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng đã được xếp lương viên chức loại A0 theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP khi chuyển xếp vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông hoặc kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp mới được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự) như sau:

Tính từ bậc 02 của chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn).

Sau khi chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng nêu trên, nếu hệ số lương được xếp ở chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn so với hệ số lương đã hưởng ở chức danh nghề nghiệp cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian viên chức xếp lương ở chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng. Sau đó, nếu viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở chức danh nghề nghiệp mới.

Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức chuyên ngành khuyến nông và chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Theo quy định tại Thông tư này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức có trách nhiệm rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập danh sách viên chức được chuyển xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng thuộc phạm vi quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền được phân cấp hoặc được ủy quyền.

3. Đối với trường hợp viên chức được chuyển xếp lương từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng quy định tại Thông tư này phải hoàn thiện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ngay sau khi Chương trình bồi dưỡng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và tổ chức thực hiện.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 02 năm 2021.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, Vụ TCCB. AVB.TMĐ.HĐV.NVC.NTMT (250b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Lao động được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônNgười ký:Hà Công Tuấn
Số hiệu:18/2020/TT-BNNPTNTLĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:28/12/2020Ngày hiệu lực:26/02/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 98
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm