Thông tư 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

Tải về

Thông tư 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

Từ ngày 1/4/2017, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, song phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán. Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 164/2011/TT-BTC.

Thông tư 39/2016/TT-BTC về kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước

Thông tư số 61/2014/TT-BTC về Hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 13/2017/TT-BTC Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2017

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THU, CHI BẰNG TIỀN MẶT QUA HỆ THỐNG KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị thuộc hệ thống KBNN.

2. Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).

3. Các đơn vị giao dịch.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Thu bằng tiền mặt qua KBNN, bao gồm: thu NSNN và thu nộp vào tài khoản của các đơn vị giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN.

2. Chi bằng tiền mặt qua KBNN, bao gồm: chi NSNN và chi từ tài khoản của các đơn vị giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN.

3. Đơn vị sử dụng NSNN: là đơn vị dự toán ngân sách được giao trực tiếp quản lý, sử dụng NSNN.

4. Đơn vị giao dịch, bao gồm: các đơn vị sử dụng NSNN; các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế và các cá nhân khác có thu, chi bằng tiền mặt hoặc thanh toán qua hệ thống KBNN.

5. Định mức tồn quỹ tiền mặt quý: là số tiền mặt mà các đơn vị KBNN được phép duy trì tại mỗi thời điểm trong quý ở từng đơn vị KBNN để đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả bằng tiền mặt trong một khoảng thời gian nhất định.

6. Chứng từ rút tiền mặt của KBNN: là chứng từ thanh toán do đơn vị KBNN lập để yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cùng địa bàn tỉnh hoặc ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản trích "nợ" tài khoản của KBNN tại ngân hàng để rút tiền mặt về quỹ đơn vị KBNN hoặc chi trả bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thụ hưởng.

7. Thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán: là các thiết bị đọc thẻ, thiết bị đầu cuối được cài đặt và sử dụng tại các điểm chấp nhận thẻ mà chủ thẻ có thể sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý

1. KBNN thực hiện quản lý tiền mặt trong nội bộ hệ thống KBNN để đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả bằng tiền mặt cho các đơn vị giao dịch; đồng thời, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cùng địa bàn tỉnh hoặc ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của KBNN.

2. Các đơn vị KBNN thực hiện thanh toán các khoản chi của đơn vị giao dịch theo nguyên tắc thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ NSNN và người thụ hưởng khác tại KBNN hoặc ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Các đơn vị giao dịch có tài khoản tại KBNN khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại KBNN hoặc ngân hàng, thì các đơn vị giao dịch thực hiện thanh toán bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

4. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng hoặc KBNN, khi thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN phải ưu tiên thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; các khoản thu NSNN theo hình thức khấu trừ trực tiếp từ tài khoản của đơn vị, tổ chức, cá nhân tại KBNN sang thu nộp NSNN, thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. QUẢN LÝ THU, CHI BẰNG TIỀN MẶT

Điều 5. Tổ chức thu tiền mặt

1. Thu NSNN bằng tiền mặt:

a) Đối với các khoản thu NSNN bằng tiền mặt phát sinh tại KBNN: Được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN; Điều 17, 18, 19, 20 và 21 Thông tư số 184/2015/TT-BTC ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định thủ tục về kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí, các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Điều 10, 11 Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu nộp NSNN đối với các khoản thuế và thu nội địa.

b) Đối với các khoản thu NSNN bằng tiền mặt phát sinh tại đơn vị giao dịch (như phí, lệ phí, tiền phạt vi phạm hành chính): Khi có phát sinh các khoản thu NSNN bằng tiền mặt, các đơn vị giao dịch phải nộp đầy đủ, kịp thời số tiền mặt đã thu vào tài khoản tương ứng tại KBNN nơi đơn vị giao dịch hoặc nộp vào tài khoản của KBNN tại ngân hàng thương mại theo đúng chế độ quy định; đơn vị giao dịch không được giữ lại nguồn thu NSNN bằng tiền mặt để chi, trừ trường hợp được phép để lại chi theo chế độ quy định.

2. Thu khác bằng tiền mặt:

a) Đối với các khoản thu khác bằng tiền mặt phát sinh tại KBNN: Căn cứ vào nội dung các khoản nộp bằng tiền mặt, người nộp tiền lập chứng từ để nộp tiền vào tài khoản của mình tại KBNN; KBNN tổ chức thu tiền, xử lý các liên chứng từ và hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

b) Đối với các khoản thu khác bằng tiền mặt phát sinh tại đơn vị sự nghiệp công lập: Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh nguồn thu bằng tiền mặt từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, thì đơn vị sự nghiệp công lập gửi số tiền thu được vào tài khoản của đơn vị tại ngân hàng thương mại hoặc KBNN theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Ủy nhiệm thu phí bằng tiền mặt: Đối với một số khoản thu phí bằng tiền mặt từ hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện và được để lại một phần hoặc toàn bộ cho đơn vị, thì đơn vị được phép mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại và ủy nhiệm cho ngân hàng thương mại đó thu hộ. Tài khoản chuyên thu của đơn vị sự nghiệp công lập tại ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng để tập trung các khoản thu phí của đơn vị; không được sử dụng để thanh toán hoặc sử dụng vào các mục đích khác. Cụ thể như sau:

a) Nguyên tắc ủy nhiệm cho ngân hàng thương mại thu hộ:

  • Việc uỷ nhiệm cho ngân hàng thương mại thu hộ khoản phí bằng tiền mặt phải tạo thuận tiện hơn cho người nộp tiền; đồng thời, giảm tải công việc cho bộ máy kế toán của đơn vị và giảm các chi phí phát sinh trong việc tổ chức thu, nộp các khoản phí.
  • Đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng thương mại nhận ủy nhiệm thu thực hiện thu và cấp biên lai thu cho người nộp theo đúng quy định. Định kỳ (tối đa không quá 05 ngày làm việc hoặc số dư tài khoản chuyên thu vượt quá 01 tỷ đồng), đơn vị phải làm thủ tục chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại về tài khoản của đơn vị tại KBNN để quản lý theo quy định. Đơn vị phải thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu theo đúng quy định hiện hành; đồng thời, tự chịu trách nhiệm về việc chuyển tiền từ tài khoản chuyên thu về tài khoản của đơn vị tại KBNN.
  • Tiền lãi tài khoản chuyên thu và các ưu đãi về tài chính khác (nếu có) được tổng hợp chung vào số tiền phí thu từ hoạt động dịch vụ của đơn vị và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

b) Để thực hiện việc ủy nhiệm thu phí cho ngân hàng thương mại đảm nhận, các đơn vị phải xây dựng phương án cụ thể báo cáo cơ quan chủ quản phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện; đồng thời, gửi 01 bản phương án được phê duyệt cho KBNN nơi đơn vị giao dịch mở tài khoản để phối hợp thực hiện. Phương án ủy nhiệm thu của đơn vị giao dịch phải nêu rõ một số nội dung sau:

  • Ngân hàng lựa chọn mở tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu hộ.
  • Cách thức, quy trình tổ chức thu hộ của ngân hàng thương mại và đơn vị giao dịch.
  • Phương án tài chính phải nêu rõ chi phí ủy nhiệm thu hộ, lãi suất đối với số dư tài khoản chuyên thu của đơn vị giao dịch tại ngân hàng thương mại; trong đó, các khoản chi phí ủy nhiệm thu hộ không được vượt quá khoản tiền lãi của tài khoản chuyên thu của đơn vị tại ngân hàng.
Đánh giá bài viết
1 2.219
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm